1. Chân thật ba-la-mật (sacca pāramī) là gì ?

Kinh Lời Vàng số 223:

“- Không sân, chế ngự hận sân, Với người xấu ác, ta cần tốt vui;

Bố thí, diệt xan tham rồi,

Lấy đức chân thật, thắng lời dối gian!”

(Akkodhena jine kodhaṃ asādhuṃ sādhunā jine, jine kadariyaṃ dānena saccena alikavādinaṃ).

Kinh Lời Vàng số 224:

“- Chân thật là đức làm đầu,

Chẳng nên phẫn hận là câu nằm lòng;

Dẫu nghèo vẫn chẳng rít rong,

Ba điều tốt ấy – thong dong cảnh trời!”

(Saccaṃ bhaṇe na kujjheyya dajjā’ appampi yācito; etehi tīhi ṭhānehi, gacche devāna santike).

Dầu hoàn cảnh nào, nghèo giàu, làm người, làm trời, làm thú... bồ-tát luôn giữ đức tính chân thật nầy: Nói sao làm vậy, làm sao nói vậy (yathāvādī tathākāri, yathākāri tathāvādī). Và đức chân thật được huân trưởng nên sau này hình thành nên 01 trong ngũ giới, 01 trong bát quan trai giới, 04 trong mười nghiệp lành cùng chánh ngữ trong Bát Chi Đạo. Không chỉ không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói lời hai lưỡi, không nói lời ác khẩu, ác ý, rỗng không, phù phiếm vô ích – mà chân thật, chánh ngữ ấy còn phải cần thêm thiện và mỹ nữa mới toàn hảo (Xem thêm Chánh Ngữ trong Bát Chánh Đạo).

Túc sanh truyện (jātaka-hiri) bồ-tát khuyên dạy:

"- Phải thực hiện cho kỳ được những điều đã hứa. Phải biết từ chối, không hứa những điều không làm được. Bậc thiện trí thức không muốn thân cận với hạng người nói dối".

Tức sanh truyện (jātaka) Mahā Sutasoma cũng có chép lại tích chuyện bồ-tát hy sinh mạng sống để giữ lời hứa. Thế gian nói rằng: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” hay bình dân hơn: “Lời hứa như đinh đóng cột”. Thì bồ-tát cũng vậy:

"- Giống như sao mai mỗi sớm tinh sương xuất hiện ở phương Đông. Ngày nào như ngày nấy, âm thầm, lặng lẽ xuất hiện ở vị trí của nó không hề sai trật. Lời nói của bậc thiện trí thức cũng y như vậy, không bao giờ lệch khỏi sự thật!”

Ngoài ra, bồ-tát không dùng lời dua nịnh, bợ đỡ để lấy lòng người khác. Không bao giờ mong mọi người ca tụng mình. Không khoe khoang cái tốt và cũng như không che đậy, giấu diếm cái xấu. Bồ-tát mở lời khen tặng, tán dương những người đáng khen tặng; khuyến cáo, quở trách những kẻ đáng chê. Luôn luôn trung thực, liêm chính, ngay thẳng mà vẫn từ hòa, nhân ái và giàu lòng bi mẫn.

Tuy nhiên, lưu ý rằng, có những sự thật không nên nói ra vì nó không đem lại lợi ích cho ai cả; hoặc nói ra sự thật ấy sẽ làm hại người, khổ người, họa hại cho người. Chỉ sự thật nào đem lại hạnh phúc và an vui hoặc có lợi cho người khác, bồ-tát mới nói dù mình có bị thiệt hại chăng nữa.

Quả thật chân thật ba-la-mật (sacca pāramī) nội hàm tâm và trí vô lượng, vô biên, bất khả tư nghị của chư bồ-tát vậy; ngài cũng hoàn thiện ba bậc thượng, trung và hạ.

 

2. Quyết định ba-la-mật (adhiṭṭhāna pāramī)

Adhiṭṭhāna có nghĩa là quyết định, cương quyết. Bồ-tát làm việc gì chánh đáng khi đã quyết định rồi thì tâm ngài không lay chuyển, không thối thất, không ngã lòng; kiên trì, tinh tấn, dõng mãnh thực hiện cho đến nơi đến chốn. Và nếu vậy thì đằng sau quyết định ba-la-mật có sự phò trợ đắc lực của 8 người bạn tốt là Tứ Như Ý Túc và Tứ Chánh Cần.

Quyết định ba-la-mật (adhiṭṭhāna-pāramī) giống như nền  móng của một tòa nhà kiên cố, vững chắc để các ba-la-mật khác xây dựng lên trên. Thiếu quyết định nầy thì tòa nhà sẽ không xây được. Nó là hùng lực, là sức mạnh của ý chí bất thối của chư bồ-tát để vượt qua hiểm nghèo, nguy nan cùng mọi bất trắc trên lộ trình công hạnh nhiêu khê vạn dặm.

Quyết định đầu tiên của bồ-tát là không muốn đắc quả A-la-hán nên ngài đã quỳ bên chân đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṅkara) phát lời đại nguyện thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Vậy, “quyết định” nầy tiếp sức cho “nguyện lực” để định sẵn hướng đi; và bồ- tát đã đi qua 24 vị Phật tổ mà không sai lệch với mục tiêu đại nguyện.

Chúng ta hãy nhớ lại quyết định, nguyện lực của thái tử Sidhattha khi lìa bỏ vợ con, cung vàng điện ngọc để xuất gia tầm đạo? Vinh hoa phú quý và ngũ dục tối thượng cũng không cám dỗ được ngài. Ma vương đứng ở cổng thành dụ dỗ, lừa mị vẫn không cản trở được gót chân con ngựa Kiền Trắc của ngài. Dứt khoát là dứt khoát, mũi tên đã lìa khỏi dây cung.

Sáu năm khổ hạnh của bồ-tát cũng với ý chí, quyết định tối thượng cho đến khi da xanh như tàu lá; cái thân thể sáng chói với 32 quý tướng và 80 vẻ đẹp chỉ còn bộ xương khô, sờ bụng thì đụng lưng! Năm vị đại hiền nổi danh đệ nhất khổ hạnh cũng không chịu nổi ý chí gang thép sắt đá của bồ-tát.

Rồi còn bên sông Ni-liên dưới cội đa già, với lời đại nguyện của bồ-tát:

“- Nếu không đắc quả vị Chánh Đẳng Giác thì dù thịt nát, xương tan, ta cũng sẽ không lìa bỏ cội cây này!”

Thế đó, như vậy đó! Dẫn lược như vậy để thấy rằng chính nhờ nguyện lực ba-la-mật (adhiṭṭhāna-pāramī) nầy mà bồ-tát đã vượt qua tất cả mọi chướng ngại. Bồ-tát đã từng phải hy sinh vật ngoại thân, nội thân, kể cả sanh mạng để đeo đuổi đại nguyện của mình. Ta có thể kết luận:

“- Trong cơn nguy biến, hải hùng, bồ-tát không cầu xin được ai bảo bọc, chở che mà kiên cường, dũng cảm đối phó, không bao giờ đầu hàng, thua cuộc.

"Trong những lúc hoạn nạn, khổ đau, bồ-tát không nguyện cầu, khấn vái, mong chờ được ai cứu độ mà có đủ tâm trí, sự kiên cường để đối diện với nó.

"Trong lo âu sợ sệt, bồ-tát không khát khao cầu mong được thế lực nào cứu vãn mà tự mình có đủ sức mạnh, đủ sức kiên trì phấn đấu để tự thoát ra khỏi chúng”.

(Đọc thêm bài “Nguyện lực” trong phần phụ lục).

 

3. Tham khảo một số video giảng pháp về Ba-la-mật

Youtube video

BA LA MẬT nghĩa là gì ? - Thầy Thích Pháp Hòa

Nguồn: Minh Đức Triều Tâm Ảnh (Tỳ-khưu Giới Đức - Sīlaguṇa Bhikkhu) – Phật học tinh yếu