1. Tâm từ ba-la-mật (mettā pāramī) là gì ?

Đức Phật đã dạy rằng:

“- Như Lai từng sống giữa núi rừng, giữa đám sài lang hổ báo; và để tự bảo vệ mình thì không có gì khác hơn tâm từ của Như Lai. Chung quanh là thú dữ như sư tử, cọp, beo... cùng những loài thú hiền lành như nai, hươu, thỏ, sóc... không có con vật nào sợ Như Lai và Như Lai cũng không sợ con vật nào. Chính nhờ oai lực, năng lực của tâm từ nâng đỡ, bảo vệ và giúp Như Lai sống thanh bình, yên ổn với muôn loài ”.

Đúng như câu Kinh Lời Vàng số 270, 300:

“- Tự xưng vô thượng ở đời

Máu đào họa hại, xương phơi hữu tình!?

Tâm từ rải khắp chúng sinh

Sống đời vô hại, quang minh cao hiền!”

(Na tena ariyo hoti yena pāṇāni hiṃsati, ahiṃsā sabbapāṇānaṃ ariyo’ti pavuccati).

“- Đệ tử của đức Đại Hiền

Vô thù, vô hại chăm chuyên niệm hoài

Từ tâm rải khắp muôn loài

An vui chuyên niệm khuya, mai, tối, chiều!”

(Suppabuddhaṃ pabujjhanti sadā gotamasāvakā, yesaṃ divā ca ratto ca ahiṃsāya rato mano).

Trong hai câu trên, tâm từ đồng nghĩa với vô hại, vô thù.

Vậy, tâm từ là mettā, mettā là tâm từ. Gói gọn nơi “từ”, có lọn nghĩa chăng? Có một vị tôn túc ý nhị nói rằng:

“- Không có danh từ nhẹ nhàng, duyên dáng nào trong tiếng

Anh tương đương với Phạn ngữ mettā (từ)”.

Và tôi cũng ý nhị “nối điêu” (Cổ điển: “Điêu bất túc, cẩu vĩ tục” nghĩa là, thiếu lông chim, mượn đuôi chó – ý khiêm hạ, khiêm nhường) mà nói thêm rằng:

“- Không có một danh từ nhẹ nhàng, duyên dáng nào trong Hán-Việt – dù là từ, có khả năng dịch nghĩa tương đồng với mettā trong tiếng Pāḷi”.

Từ là hiền lành, nhân từ, nhân hậu, từ ái, bác ái, vị tha hoặc là lòng thương người cũng không mô tả được “Cái tâm mettā chân thành ngưỡng nguyện cho tất cả chúng sanh bốn loài noãn, thai, thấp, hóa đều được an vui, hạnh phúc”. Chính mettā thúc giục một vị bồ-tát từ chối quả vị A-la-hán, chỉ mong thành toàn Chánh Giác để rộng độ muôn sinh. Chính nhờ mettā mà bồ-tát khước từ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh, xuất gia tầm đạo chỉ mong Chứng Quả Vô Thượng. Có thể nói rằng, mettā không cầu giải thoát cho riêng mình, mà phải là tình thương vô hạn vô biên, không phân biệt giai cấp, chủng tộc, chủng loại, màu da, hay nam nữ.

Vậy, đúng nghĩa nhất của tâm từ ba-la-mật (mettā pāramī) là tình thương nhưng là tình thương quảng đại, bao la, mênh mông bao trùm tất cả chúng sanh, người vật và cả thiên nhiên cây cỏ. Nó bao trùm đồng đẳng như ánh trăng chan hòa muôn vật chứ không riêng biệt cho một ai, một hữu tình hay vô tình nào. Nó làm cho ta và chúng sanh cùng mát mẻ, an lành, yên vui và hòa bình. Nó không dung chứa các trạng thái tâm nóng nảy, bực bội, hung dữ , ác ý. Nó không dung chứa những tình thương yêu liên quan đến sắc tướng, hình thể, thân xác. Nó không dung chứa những luyến ái dung thường. Nó không dung chứa những tình cảm sướt mướt, bi lụy kiểu “yêu thương chết bỏ”. Nó không dung chứa những tình cảm trìu mến tràn trề, chan chứa với tha nhân đến độ như “ta và chúng sanh là một”.

Tâm mettā làm cho những bực bội, khó chịu, cáu gắt tan biến. Nó cảm hóa được những người độc ác, hung dữ, bạo tàn. Ai sống gần người có tâm mettā sẽ cảm thấy mát mẻ, thanh bình, yên vui.

Khi tu tập tâm mettā lưu ý là có cả mình và người; nó bao trùm ta cùng với muôn sinh nhưng không phân biệt, mà là đồng đẳng.

Túc sanh truyện (jātaka-mahā-dhammapāla), bồ-tát đã rải tâm mettā đồng đều, từ bản thân mình đến cho người cha tàn ác đã hạ lệnh giết ngài, đến tên đao phủ, đến cả người mẹ dịu hiền đang xót xa, đau đớn than khóc con trai.

Vậy, mettā pāramī là tình thương rộng lớn, vô biên, vô lượng, cao cả, trong sáng, mát mẻ, an lành, thanh bình, thiện lương, vô hại, vô thù; không có bóng dáng của mạn, của kiêu, của ngã, của ái, của luyến, của chấp trước. Mettā cũng có ba bậc thượng, trung và hạ như các ba-la-mật khác (Xem thêm Tứ vô lượng tâm).

 

2. Tâm xả ba-la-mật (upekkhā pāramī)

Cuối cùng trong mười ba-la-mật là upekkhā, tâm xả, là tâm như thế nào?

-   Khi thân không có thọ khổ, không có thọ lạc thì được gọi là thọ xả. Thọ xả này mọi người đêu có, cả thiện nhân và ác nhân – nên chắc chắn đây không phải là xả ba-la-mật.

-   Khi không có thọ hỷ, không có thọ ưu được gọi là thọ xả. Thọ xả này mọi người đêu có, cả thiện nhân và ác nhân – nên chắc chắn đây không phải là xả ba-la-mật.

-   Những thọ xả trong 54 dục giới tâm (12 tâm bất thiện, 18 vô nhân tâm và 24 tịnh quang tâm) đều không phải là xả ba-la-mật.

Vì upekkhā là tâm xả cao thượng, cao cả nhất nên nó:

-  Tương đồng với tâm xả tứ thiền và tâm xả 4 vô sắc thiền.

-   Các dục giới tâm không có xả này, nhưng trong 25 tịnh quang tâm sở, có tâm sở trung tánh (tatramajjhattatā) cùng khởi với thiện tâm thì nó tương đồng với xả ba-la-mật. Vì tâm sở trung tánh này được định nghĩa:

“- Là trạng thái quân bình, vô tư, không nghiêng lệch, thiên vị. Ví như người đánh xe điều khiển cặp ngựa chạy song đôi một cách tài tình. Tâm sở này giúp ta giữ tâm trạm nhiên, tương đẳng, bình hòa giữa những buồn vui, được mất, hơn thua của cuộc đời”.

Vậy, tatramajjhattatā chính là xả cao thượng về cả hai phương diện trí thức và đạo đức. Upekkhā cao thượng này được xem như là một thành phần quan trọng trong Thất Giác Chi (niệm, trạch pháp, tấn, hỷ, an, định, xả). Nó chính là một phẩm tính tốt đẹp, cao cả, đồng nghĩa với tâm xả (upekkhā) trong tứ vô lượng tâm.

Tâm xả ba-la-mật (upekkhā pāramī) phải như “lá sen chẳng giữ” “đầu kim chẳng dính” trong câu Kinh Lời Vàng số 401:

“- Lá sen chẳng giữ mưa sa

Đầu kim chẳng dính hạt hoa cải vàng

Vô y, vô nhiễm thế gian

Những người như vậy, xứng làm Bla-môn!”

(Vāri pokkharapatte va āraggeriva sāsapo, yo na limpati kāmesu tamahaṃ brūmi brāhmaṇaṃ).

Hoặc xả “như đất tâm ý quân bình” “thất tình chẳng xao” trong câu Kinh Lời Vàng số 95:

“- Như đất, tâm ý quân bình

Kỷ cương, giới hạnh, thất tình chẳng xao

Trụ đồng kiên cố khác nào

Chẳng còn nhơ bợn, hồ ao lắng bùn

Là người đích đến cuối cùng

Luân hồi vô định, lao lung chẳng còn!”

(Pathavīsamo no virujjhati indakhīl’upamo tādi subbato, rahadova apetakaddamo saṃsārā na bhavanti tādino).

Cuộc đời là một đấu trường vĩ đại mà được mất hơn thua, vui khổ ai cũng phải trải qua hằng ngày trong cuộc tồn sinh, tranh sống, tranh chết! Thăng trầm, vinh nhục, phải trái giống như bàn tay sấp ngửa, bên này và bên kia luân phiên thay đổi. Phải có đôi mắt tinh tường sáng suốt của tuệ giác và cái tâm xả trung chính mới không bị rơi vào cuộc chơi đầy ảo vọng, mê lộ của thế gian. Bồ-tát ở trong thế gian, huân tập công hạnh, xem mọi diễn biến như trên là điều tất yếu, không trốn chạy chúng mà cũng không đối đầu với chúng để tạo phản ứng nghịch gây đau khổ, phiền não cho mình. Bồ-tát cho “chảy trượt đi tất cả” không lấm, không dính. Chính ở đây, tâm xả ba-la-mật mới được thiết lập ổn cố, ổn định. Trước những cám dỗ của lạc thú ngũ dục trần gian, bẫy giăng của mồi câu tiền tài, danh vọng, quyền lực... cùng tất cả giông tố cuộc đời, tâm bồ-tát vẫn bình lặng, định tĩnh, an nhiên, quân bình tuyệt hảo:

"- Trong hạnh phúc, trong phiền lụy, lúc thăng, lúc trầm, ta phải giữ tâm như đất. Cũng như trên đất ta có thể vứt bất luận vật gì, dầu chua, dầu ngọt, dầu sạch, dầu dơ, đất vẫn thản nhiên, một mực trơ trơ. Ðất không giận, cũng không thương".

Cũng chính từ xả ba-la-mật này mà bồ-tát có luôn trạng thái tâm liêm khiết, cân bằng, vô tư, công minh, chánh trực. Khi làm vua, làm quan, quân sư, gia chủ cho chí làm thú đầu đàn; bồ-tát như vị chánh án nghiêm túc và công minh nhất khi xử lý những vụ việc: Không thiên vị vị (yuttito) vì tham (lobha), không thiên vị vì sân (dosa), không thiên vị vì sợ hãi (bhaya), không thiên vị vì si mê mù quáng (moha).

Như vậy, bồ-tát sống giữa cuộc đời luôn tu tập tâm xả cao thượng này qua từng cấp độ hạ, trung, thượng cho đến lúc hoàn toàn viên mãn. Câu Kinh Lời Vàng số 407:

“- Tham sân chẳng dính vào lòng Ngã kiêu, tật đố thảy dòng nước trôi

Hạt cải kia, đầu kim rơi!

Những người như vậy, sống đời Bla-môn!”  

(Yassa rāgo ca doso ca māno makkho ca pātito, sāsaporiva āraggā tamahaṃ brūmi brāhmaṇaṃ).

 

3. Tham khảo video giảng pháp về Ba-la-mật

Youtube video

BA LA MẬT nghĩa là gì ? - Thầy Thích Pháp Hòa

Nguồn: Minh Đức Triều Tâm Ảnh (Tỳ-khưu Giới Đức - Sīlaguṇa Bhikkhu) – Phật học tinh yếu