Mục lục bài viết
- 1. Văn bản pháp luật hiện hành quy định giải quyết chế độ thai sản:
- 2. Điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật hiện hành:
- 3. Phân tích giải quyết trường hợp của khách hàng:
- 4. Nghỉ trước sinh quá 02 tháng có được hưởng chế độ thai sản không?
- 5. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản theo quy định pháp luật hiện hành:
Thời gian ký hợp đồng lao động chính thức với công ty A là tháng 10 năm 2017. Công ty A có hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của nhà nước. Tính đến tháng 07/2018, em đã đóng được 10 tháng bảo hiểm và đang mang thai 07 tháng. Tuy nhiên, do cơ thể không được khỏe em đã xin phép nghỉ trước sinh từ ngày 17/07/2018 và đóng bảo hiểm xã hội hết tháng 07/2018. Tháng 08, tháng 09 nghỉ không lương và công ty A không hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội. Dự kiến sinh của em là ngày 12/10/2018 và cũng đến tháng 10/2018 mới hết hợp đồng lao động với công ty A. Vậy phiền quý luật sư tư vấn giúp trường hợp của em có được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội dành cho thai sản không ạ? Và thời gian nghỉ của em vượt quá 02 tháng có ảnh hưởng đến việc không được hưởng chế độ thai sản không? Rất mong quý luật sư hỗ trợ phản hồi giúp trường hợp của em ạ. Em chân thành cảm ơn.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Văn bản pháp luật hiện hành quy định giải quyết chế độ thai sản:
2. Điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật hiện hành:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, bạn chỉ cần đáp ứng được hai điều kiện hưởng chế độ thai sản được quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, cụ thể như sau:
Một là, bạn phải là lao động nữ sinh con có ký hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Hai là, bạn phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Hoặc bạn đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì bạn phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Trong đó, căn cứ Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc thời gian 12 tháng trước khi sinh con được xác định như sau:
- Trường hợp bạn sinh con trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
- Trường hợp bạn sinh con từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì tháng sinh con không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Như vậy, quy định của Luật Bảo hiểm xã hội không bắt buộc bạn phải đóng bảo hiểm xã hội liên tục trong thời gian trước sinh con mà bạn chỉ cần đóng đủ 06 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc ít nhất tổng thời gian bạn đã tham gia bảo hiểm xã hội được 12 tháng và trong thời gian 12 tháng trước sinh bạn đóng đủ 03 tháng bảo hiểm xã hội trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
3. Phân tích giải quyết trường hợp của khách hàng:
Theo thông tin bạn cung cấp, thời gian ký hợp đồng lao động chính thức với công ty A là tháng 10 năm 2017. Công ty A có hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của nhà nước. Tính đến tháng 07/2018, bạn đã đóng được 10 tháng bảo hiểm và đang mang thai 07 tháng. Tuy nhiên, do cơ thể không được khỏe bạn đã xin phép nghỉ trước sinh từ ngày 17/07/2018 và đóng bảo hiểm xã hội hết tháng 07/2018. Tháng 08, tháng 09 nghỉ không lương và công ty A không hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội. Dự kiến sinh của bạn là ngày 12/10/2018 và cũng đến tháng 10/2018 mới hết hợp đồng lao động với công ty A. Do đó, dự sinh của bạn là ngày 12, trước ngày 15 của tháng nên tháng 10 năm 2018 không được tính là thời gian 12 tháng trước khi bạn sinh con. Như vậy, thời gian 12 tháng trước khi bạn sinh con được tính từ tháng 10 năm 2017 đến hết tháng 09 năm 2018, trong khoảng thời gian này bạn đã tham gia bảo hiểm xã hội được 10 tháng bảo hiểm xã hội, nên bạn vẫn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định. Tức là bạn đã đóng đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con nên bạn đủ điều kiện hưởng thai sản.
4. Nghỉ trước sinh quá 02 tháng có được hưởng chế độ thai sản không?
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và các văn bản hướng dẫn kèm theo thì không có bất kỳ quy định nào quy định nghỉ việc trước khi sinh con quá bao nhiêu là thì không được hưởng chế độ thai sản. Do vậy, dù bạn có nghỉ việc hoặc nghỉ không lương trước khi bạn sinh con 02 tháng nhưng bạn vẫn đáp ứng điều kiện vừa phân tích ở trên thì bạn vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Còn nghỉ quá 02 tháng trước khi sinh con chỉ là thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con trước khi sinh để được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014:
"1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng."
Trong trường hợp này của bạn là bạn nghỉ việc không hưởng tiền lương, chứ không xin nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước sinh từ tháng 08 năm 2018 nên sẽ không ảnh hưởng đến điều kiện hưởng chế độ thai sản của bạn.
5. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản theo quy định pháp luật hiện hành:
Căn cứ Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về hồ sơ hưởng chế độ thai sản thì bạn cần chuẩn bị hồ sơ hưởng chế độ thai sản bao gồm những giấy tờ sau:
- Bản sao Giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
- Giấy xác nhận của cơ sở y tế đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
- Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai.
6. Cơ quan giải quyết, thời gian giải quyết, mức hưởng chế độ thai sản theo quy định pháp luật hiện hành:
Sau đó, vì lúc này, bạn đã xin nghỉ việc ở công ty, nên bạn sẽ trực tiếp nộp hồ sơ tại Cơ quan bảo hiểm xã hội cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi bạn cư trú (có thể là nơi đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú) để được hưởng chế độ thai sản theo quy định. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ bạn, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả tiền bảo hiểm xã hội cho bạn.
Căn cứ theo quy định tại Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014: Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc. Nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì được cộng dồn.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về yêu cầu của bạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.
Trân trọng./.
Chuyên viên tư vấn: Lê Thảo - Bộ phận Hỗ trợ khách hàng - Công ty luật Minh Khuê