Vay tiền qua các app thường có một ưu thế nổi trội đó là giải ngân rất nhanh và đơn giản. Đây là một đặc điểm nổi bật của việc vay tiền qua app, chính vì đặc điểm này mà khi rơi vào hoàn cảnh khóa khăn, cần gấp một khoản tiền để giải quyết công việc cá nhân hoặc để kinh doanh, nhiều người đã tìm đến các app để vay tiền.

1. Vay tiền qua app có phải trả không?

Việc vay tiền qua app bản chất là một giao dịch dân sự. Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; Khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Việc vay tiền qua app thường có lãi suất rất cao, hầu hết người đi vay đều biết được điều đó nhưng vì trong trạng thái cần tiền gấp và khi vay qua app không phải chứng minh tài chính, không phải trải qua các khâu thẩm định như ngân hàng. Vì vậy, nhiều người vẫn chấp nhận những rủi ro, chấp nhận lãi suất để vay tiền qua các app.

Việc vay tiền qua các app, về việc trả nợ bên vay vẫn phải thực hiện trả theo quy định. 

2. Vay tiền qua app có an toàn không?

Hiện nay, hiểu được nhu cầu vay của người dân gia tăng nhiều app đã được hình thành để đáp ứng việc cho vay. Tuy nhiên, trước khi lựa chọn và quyết định vay người dân cần chú ý và tìm hiểu kỹ các thông tin cần thiết. Nếu Qúy khách lựa chọn được công ty uy tín thì việc vay trên app không có gì nguy hiểm. Tuy nhiên, sẽ cực kỳ lo ngại nếu các app có dấu hiệu lừa đảo và có dấu hiệu cho vay nặng lãi.  Nguời vay cần lưu ý các thông tin sau:

- App cho vay là của doanh nghiệp nào?mã số doanh nghiệp là gì? doanh nghiệp được thành lập từ thời điểm nào? do ai làm giám đốc? Thời gian hoạt động của công ty đã lâu chưa? Công ty có địa chỉ ở đâu? có rõ ràng không?

- Các thông tin lãi suất, các loại phí có được thể hiện rõ ràng, minh bạch ở trên website/app của công ty không? 

- Kiểm tra thông tin chủ sở hữu tên miền là ai? tìm hiểu thêm quy mô thông tin ra sao? có nhiều bài báo viết về doanh nghiệp này không? Tìm hiểu trên các trang mạng, website về đánh giá công ty này như thế nào?

Không nên vay các công ty không rõ ràng, thông tin mập mờ, không nên tin những lời quảng cáo khi chưa tìm hiểu về app đó. Nếu Qúy khách không tự tìm hiểu được các thông tin trên, Qúy khách có thể liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của Luật Minh Khuê để được hỗ trợ ngay lập tức.

Nếu đã chọn được công ty cho vay, thì bên vay cần tìm hiểu thêm về hợp đồng. Trong hợp đồng sẽ thể hiện rõ các vấn đề như: Lãi suất (lãi suất bao nhiêu %, tính theo tháng hay theo kỳ, theo năm, lãi này giữ cố định hay giảm dần/tăng dần). Có phải đóng các khoản phí khi vay không? Vì nhiều app thu các khoản phí rất cáo như: Phí tư vấn, phí dịch vụ, phí bảo hiểm, phí tất toán, phí quản lý, phí bảo hiểm. Bên vay lưu ý đã quyết định vay app cần có kế hoạch, phương án trả nợ, mỗi tháng trả bao nhiều và bao nhiều lâu sẽ hết nợ.

3. Hình phạt cho vay nặng lãi qua app

Điều 201 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định về mức phạt cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. 

Bản chất giao dịch dân sự giữa bên vay và bên cho vay qua các app chỉ là giao dịch dân sự. Sẽ không có gì phải xem xét khi việc vay và cho vay được thực hiện theo quy định và lãi suất cũng được đảm bảo theo lãi suất của Bộ luật dân sự. (Điều 468 Bộ luật dân sự quy định lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực). Tuy nhiên, giao dịch dân sự nhiều trong nhiều app đã để mức lãi suất quá cao, mức lãi suất gấp nhiều lần so với quy định.

Theo quy định Điều 201 thì người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà con vi phạm thì phạm tội cho vay nặng lãi.

Có hai khung hình phạt cho hành vi cho vay nặng lãi:

Thứ nhất, phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt phải tạo không giam giữ đến 03 năm với tội cho vay nặng lãi khi đáp ứng điều kiện nêu trên.

Thứ hai, phạt tiền từ 200 triệu - 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hàng nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. 

Qua các thông tin trên, mong rằng bạn đọc có cái nhìn đa chiều và toàn diện hơn về việc cho vay qua các app. Nếu bạn đọc còn vướng mắc hay băn khoăn bất kỳ nội dung nào hãy gọi ngay 1900.6162 để Luật Minh Khuê cùng đồng hành và hỗ trợ Qúy bạn đọc. Trân trọng!