1. Những chiêu trò lừa đảo vay tiền qua app phổ biến nhất

Chiêu trò lừa đảo cho vay tiền online qua app là hình thức chiếm đoạt tài sản bằng cách quảng cáo lãi suất thấp, giải ngân nhanh và không cần CMND/CCCD, tuy nhiên để được giải ngân thì người vay phải đóng tiền phí xét duyệt –> Lúc này, người vay sẽ bị chiếm đoạt số tiền, phí xét duyệt đó.
Hiện nay tình trạng lừa đảo thông qua hình thức cho vay tiền online quan app diễn ra rất phổ biến và công khai, hầu hết những người bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản là những người có thu nhập thấp cần tiền tiêu dùng cá nhân, hoặc những người đang gặp khó khăn trong đợt dịch Covid-19 này cần tiền để trang trãi cuộc sống, từ đó nhiều đối tượng đã lập ra các app cho vay tiền online và quảng cáo thu hút người vay.
Để thu hút và tìm cách cho “con mồi dính bẫy” thì họ quảng cáo bằng rất nhiều ưu đãi hấp dẫn như lãi suất cho vay thấp, thủ tục xét duyệt hồ sơ nhanh chóng, đơn giản, thủ tục giải ngân nhanh, không cần chứng minh thu nhập, không cần CMND/CCCD hoặc có yêu cầu chứng minh nhân dân, căn cước công dân nhưng thủ tục xem xét rất đơn giản,…
Sau khi xét duyệt hồ sơ vay thành công thì phía bên app cho vay tiền online sẽ yêu cầu người vay đóng 1 khoản phí xét duyệt hồ sơ, hoặc phí bảo đảm khoản vay, hoặc các khoản phí chứng minh khả năng trả nợ,… Cái tên gọi có thể mỗi app mỗi khác nhau.
Sau khi người vay đóng tiền phí theo yêu cầu thì sẽ như thế nào? Các app lừa đảo cho vay tiền online thông báo rằng khoản tiền vay đã được chuyển vào tài khoản trên app, sau đó lại tiếp tục yêu cầu người vay phải đóng thêm các khoản tiền khác nữa như phí rút tiền, phí bảo lãnh,… Nếu người vay tiếp tục đóng thêm phí thì sẽ bị chiếm đoạt lần 2, rồi lần 3, lần 4,…
Với những ưu điểm như vậy, nhiều người nhẹ dạ cả tin đã “sập bẫy vay tiền online qua app” một cách nhanh chóng, dường như họ bị chiếm đoạt tiền phí xét duyệt hết lần này đến lần khác mà vẫn chưa bị phát hiện ra rằng mình đang bị lừa đảo vay tiền online. Hầu hết các app cho vay tiền online hiện nay đều quảng cáo với rất nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu là qua mạng xã hội Facebook và thông qua các website, app online trên CH Play (đối với người dùng điện thoại Android) và App Store (đối với người dùng điện thoại iPhone).
 

2. Phải làm gì khi bị lừa vay tiền qua app?

Khi bị lừa đảo vay tiền online các bạn có thể làm đơn tố giác tội đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để trình báo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau đó cơ quan chức năng sẽ tiến hành khởi tố vụ án hình sự –> Điều tra –> Truy tố –>  Xét xử –> Thi hành án 
Khi bị lừa đảo thì người bị hại nên làm đơn tố giác đến cơ quan chức năng để được hướng dẫn và giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách thực hiện.

 

2.1 Bước 1: Thu thập chứng cứ bị lừa đảo

Đầu tiên, khi bị lừa đảo bằng hình thức cho vay tiền online thì người bị hại hãy thu thập các thông tin, dữ liệu và chứng cứ liên quan đến việc mình bị lừa đảo, bao gồm thông tin vụ việc và thông tin của đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các bạn cần thu thập đầy đủ, chi tiết và chính xác các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc mà bạn bị lừa đảo, nếu như một đơn trình báo mà không có chứng cứ và không có bất kỳ chứng minh nào liên quan thì cơ quan chức năng sẽ bỏ qua và không kiến nghị khởi tố vụ án hình sự, bởi vì nó không có căn cứ của tội phạm và họ không thể khởi tố được.
Do vậy, bước thu thập chứng cứ là vô cùng quan trọng, và người bị hại là người trong cuộc nên việc thu thập chứng cứ là điều dễ dàng hơn ai hết, việc tự mình thu thập chứng cứ bảo đảm được tính khách quan, tính liên quan và tính chính xác.
Vậy thì, thu thập chứng chứ bị lừa đảo vay tiền online như thế nào cho đúng quy định của pháp luật? Căn cứ tại điều 86 và 87 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về chứng cứ cụ thể như sau:
“Điều 86. Chứng cứ
Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.
Nguồn chứng cứ trong tố tụng hình sự được quy định tại điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, cụ thể như sau:
“Điều 87. Nguồn chứng cứ
1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:
a) Vật chứng;
b) Lời khai, lời trình bày;
c) Dữ liệu điện tử;
d) Kết luận giám định, định giá tài sản;
đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;
g) Các tài liệu, đồ vật khác.
2. Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”.
Như vậy, trên đây là những quy định liên quan đến việc thu thập chứng cứ trong tố tụng hình sự, ngoài ra những gì có thật nhưng không được thu thập từ các nguồn trên đây thì không có giá trị để giải quyết vụ án hình sự.

 

2.2 Bước 2: làm đơn trình báo đến cơ quan chức năng

Sau khi thu thập các thông tin, dữ liệu và chứng cứ liên quan đến vụ việc bị lừa đảo vay tiền online qua app thì các bạn làm đơn trình báo, tố giác tội phạm và gửi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết.
Khi gửi đơn tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến cơ quan chức năng thì các bạn gửi kèm theo các thông tin, chứng cứ và các dữ liệu, vật chứng có liên quan vụ việc cho cơ quan chức năng cùng một lúc.
Hiện nay có 3 cách để gửi đơn tố giác tội phạm, bao gồm: Gửi trực tiếp tại trụ sở cơ quan chức năng, gửi qua đường bưu điện và gửi qua hộp thư điện tử, nếu như muốn tố giác tội phạm thông qua hình thức thông
Xin lưu ý rằng, đối với những tài liệu, chứng cứ, vật chứng mà không thể gửi được qua đường bưu điện hoặc qua hộp thư điện tử thì các bạn phải nộp trực tiếp tại trụ cơ nơi cơ quan chức năng mà bạn trình báo.
Sau khi nhận được tin tố giác thì cơ quan chức năng sẽ tiếp nhận và lấy lời khai, lời trình bày ban đầu, trong quá trình lấy lời trình bày thì cơ quan chức năng có thể ghi âm, ghi hình có âm thanh và các hình thức khác.
Tiếp theo, cơ quan chức năng sẽ xác minh vụ việc xem có dấu hiệu của tội phạm hay không để có căn cứ quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án đó. Nếu có dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan chức năng sẽ khởi tố hoặc kiến nghị khởi tố trong phạm vi quyền hạn, thẩm quyền của mình.

 

2.3 Bước 3: Khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Sau khi xét xét đơn tố cáo và xem xét, nếu thấy có dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan chức năng sẽ kiến nghị khởi tố vụ án hình sự hoặc ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong phạm vi thẩm quyền của mình.
Ở giai đoạn khởi tố vụ án hình sự đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cơ quan chức năng sẽ có thể thực hiện một số biện pháp khẩn cấp như triệu tập, tạm giam, khám xét thu giữ tài liệu, và các biện pháp nghiệp vụ khác,…
Ở giai đoạn này công việc chủ yếu là do cơ quan chức năng thực hiện.
 

2.4 Bước 4: Cơ quan Công an tiến hành điều tra

Điều tra vụ án hình sự là quá trình cơ quan điều tra thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của mình để điều tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, vật chứng có liên quan đến vụ án, giai đoạn này chủ yếu cũng là do cơ quan điều tra thực hiện.
Về thẩm quyền, thời gian, thủ tục và cách thức điều tra vụ án hình sự sẽ được thực hiện theo quy định ở chương X của bộ luật tố tụng hình sự 2015.

 

2.5 Bước 5: Truy tố –> Xét xử vụ án lừa đảo

Sau khi cơ quan điều tra được đầy đủ, tài liệu, chứng cứ, vật chứng có liên quan đến vụ việc lừa đảo vay tiền online qua app thì cơ quan điều tra sẽ có biên bản kết luận kết quả điều tra, sau đó chuyển hồ sơ và kết luận điều tra sang Viện kiểm sát nhân dân để truy tố bi can.
Sau khi nhận được kết quả điều tra và kết luận điều tra thì Viện kiểm sát sẽ truy tố bị can ra trước Tòa án để xét xử, Viện kiểm sát truy tố bị can bằng một bản cáo trạng. 
Sau khi nhận được bản cáo trạng của Viện kiểm sát thì Tòa án sẽ tiến hành tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ chứng cứ thì Tòa án sẽ trả hồ sơ và yêu cầu điều tra bổ sung.
Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ chứng cứ phù hợp với tội danh trong bản cáo trạng thì Tòa án sẽ tiếp nhận, thụ lý và đưa vụ án ra xét xử.
Ở giai đoạn xét xử vụ án hình sự đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ được thực hiện theo quy trình, thủ tục được quy định tại phần thứ 4 của bộ luật tố tụng hình sự 2015.

 

2.6 Bước 6: Thi hành án 

Sau khi xét xử vụ án thì sẽ được chuyển hồ sơ sang cơ quan thi hành án hình sự để áp dụng biện pháp nhằm thu hồi tài sản cho bị hại – người bị lừa đảo vay tiền online qua app.
Ngoài ra, quý khách cũng có thể liên hệ tới tổng đài trực tuyến của công ty Luật Minh Khuê qua số 1900.6162 hoặc quý khách hàng có thể gửi yêu cầu chi tiết qua địa chỉ email lienhe@luatminhkhue.vn để nhận báo giá chi tiết về vụ việc hoặc yêu cầu của mình. Chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác và mang đến sự hài lòng cho quý khách hàng. Trân trọng cảm ơn!