1. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nhà nước pháp quyền là một trong những thuật ngữ được sử dụng khá là nhiều và phổ biến hiện nay. Pháp quyền được hiểu là sự thượng tôn và coi trọng pháp luật trong quản lý một nhà nước. Theo đó thì có thể hiểu là Nhà nước pháp quyền là nhà nước được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, dựa vào pháp luật để có thể tiến hành điều chỉnh cac quan hệ và những vấn đề phát sinh trong xã hội một cách có hệ thống và khuôn mẫu. 

Nhà nước pháp quyền là nhà nước mà ở đó mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như nhau. Việt Nam là một nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cụ thể thì Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa lần đầu tiên được nêu ra tại Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII vào ngày 29 tháng 11 năm 1991 và tiếp tục được khẳng định lại tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng năm 1994 cũng như là trong các văn kiện khác của Đảng. 

Tại Hiến pháp năm 2013 cũng đã khẳng định "Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân" Bởi vì nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân cho nên quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp- hành pháp- tư pháp. Tinh thần thượng tôn pháp luật được thể hiện rõ tại nước ta bởi mọi chủ thể trong xã hội đều phải thực hiện và tuân theo một cách nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật đưa ra hay còn được nói một cách dễ hiểu hơn đó là " sống và làm việc theo pháp luật" , quyền và nghĩa vụ của công dân được pháp luật thừa nhận, tôn trọng và đảm bảo thực hiện, thúc đẩy trong khuôn khổ pháp luật. 

2. Đặc trưng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các đặc trưng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm:

- Nhà nước pháp quyền là biểu hiện tập trung của chế độ dân chủ. Dân chủ là bản chất của nhà nước pháp quyền vừa là điều kiện, tiền đề của chế độ nhà nước. Mục tiêu của nhà nước pháp quyền là xây dựng và thực thi một nền dân chủ, đảm bảo quyền lực chính trị thuộc về nhân dân, nhân dân thực hiện quyền dân chủ của mình thông qua dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện

- Nhà nước pháp quyền được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp và pháp luật luôn giữ vai trò điều chỉnh cơ bản đối với toàn bộ hoạt động Nhà nước và hoạt động xã hội, quyết định tính hợp hiến và hợp pháp, mọi tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. 

- Nhà nước pháp quyền tôn trọng, đề cao và đảm bảo quyền con người trong mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà nước và xã hội. Quyền con người được xem là tiêu chí đánh giá tính pháp quyền của chế độ nhà nước. Mối quan hệ giữa cá nhân và nhà nước được xác định với nhau một cách chặt chẽ về phương diện pháp luật và mang tính chất bình đẳng. 

- Quyền lực nhà nước trong nhà nước pháp quyền được tổ chức, và thực hiện theo các nguyên tắc dân chủ, phân công quyền lực và kiểm soát quyền lực. Tính chất và cách thức phân công và thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước là vô cùng đa dạng và khác nhau. Nhưng quyền lực nhà nước không thể được tập trung vào một người mà cần phải có sự phân công quyền lực giữa các cơ quan lập pháp- hành pháp- tư pháp. 

- Nhà nước pháp quyền gắn liền với một cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật phù hợp. Nhà nước pháp quyền là nhà nước tuân theo Hiến pháp và tuân theo hệ thống pháp luật, luôn luôn cần đảm bảo rằng Hiến pháp và pháp luật luôn được tôn trọng và tuân thủ một cách nghiêm minh. Hình thức và phương thức bảo vệ hiến pháp và pháp luật của các quốc gia là đa dạng, khác nhau nhằm hướng đến mục đích là bảo đảm địa vị tối cao bất khả xâm phạm của Hiến Pháp thực hiện " tinh thần thượng tôn pháp luật". Theo đó thì pháp luật cần được xây dựng dựa trên tiêu chí như là dân chủ, công bằng, minh bạch. 

- Trong nhà nước pháp quyền, quyền lực nhà nước luôn được giới hạn trong các mối quan hệ, nhà nước và kinh tế, nhà nước và xã hội. Nhà nước, kinh tế và xã hội là những mối quan hệ tương tác, quy định và chi phối lẫn nhau. Nhà nước không đứng trên kinh tế xã hội mà nhà nước pháp quyền gắn liền với kinh tế, xã hội và thực hiện kinh tế, xã hội trong phạm vi Hiến pháp và Pháp luật. 

Những đặc trưng này là được xem là các giá trị phổ biến của nhà nước pháp quyền nói chung đã được đề cập trong nhiều quan điểm và học thuyết của các nhà tư tưởng, các nhà lý luận chính trị- pháp lý trong lịch sử phát triển các tự tưởng chính trị pháp lý nhân loại. 

3. Chức năng quan trọng nhất của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước được đặt dưới sự điều chỉnh của pháp luật, cho nên nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay bao gồm hai chức năng chính đó là:

- Thứ nhất đó là chức năng đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an tòan xã hội. Một nhà nước mà ở đó tinh thần thượng tôn pháp luật được nâng cao, thì tất cả mọi người phải thực hiện và tuân theo các quy định của pháp luật, sẽ bị xử lý một cách nghiêm minh và công bằng khi đứng trước pháp luật. Theo đó thì nhà nước pháp quyền sẽ có chức năng đảm bảo chính trị, trật tự an toàn xã hội một cách tốt nhất có thể. 

- Thứ hai đó là chức năng tổ chức, xây dựng, đảm bảo thực hiện các quyền tự do, dân chủ và lợi ích hợp pháp của công dân. Nhà nước pháp quyền là nhà nước mà ở đó các quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân được quy định một cách cụ thể trong các văn bản pháp luật. Pháp luật quy định những việc mà công dân nên làm. 

Theo đó thì cả hai chức năng trên đều đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, thì chức năng tổ chức và xây dựng, đảm bảo thực hiện các quyền tự do, dân chủ và lợi ích hợp pháp của công dân là có chức năng quan trọng nhất. Bởi, theo Hiến pháp năm 2013 thì nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Từ nguyên tắc này mà đảm bảo và thực hiện các quyền cơ bản của nhân dân là chức năng quan trọng nhất. Khi quyền và lợi ích của nhân dân được bảo vệ, được đảm bảo thì nhân dân mới toàn tâm xây dựng đất nước, mới có thể tuân thủ theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Từ đó đất nước mới có thể ngày một phát triển hơn. Hơn thế nữa thì Lê Nin từng khẳng định rằng chức năng đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội " mới chỉ là những công việc quét dọn trước khi xây dựng, chứ chưa phải là đích thân việc xây dựng" . Nhìn chung thì cả hai chức năng đều quan trọng nhưng chức năng tổ chức, xây dựng, đảm bảo thực hiện các quyền tự do, dân chủ và lợi ích hợp pháp của công dân vẫn là chức năng quan trọng nhất, tuân thủ theo tinh thần của Hiến pháp 2013. 

Trên đây là toàn bộ những nội dung mà chúng tôi muốn cung cấp cho các bạn có liên quan đến nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mong rằng thông qua những nội dung và thông tin mà chúng tôi cung cấp thì đã giúp cho các bạn có thêm những thông tin vô cùng hữu ích để các bạn có thể hiểu về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và nắm được chức năng quan trọng và cơ bản nhất của nhà nước pháp quyền là gì. Nếu có thắc mắc thì các bạn có thể liên hệ với chúng tôi thông qua số điện thoại tổng đài 19006162 hoặc là địa chỉ mail: lienhe@luatminhkhue.vn 

Ngoài ra thì các bạn còn có thể tham khảo thêm một số nội dung bài viết như sau:

Nhà nước pháp quyền là gì? Lịch sử hình thành nhà nước pháp quyền

Những yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đối với việc đổi mới mô hình bộ máy nhà nước

Nhà nước pháp quyền và yếu tố của xã hội pháp quyền Việt Nam