1. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là gì?

Nhà nước pháp quyền là nhà nước trong đó quyền lực của nó được tuyên bố là thuộc về nhân dân, được tổ chức và hoạt động theo pháp luật, theo nguyên tắc phân quyền, quản lý xã hội bằng pháp luật, kiểm soát và hạn chế quyền lực nhà nước, bảo đảm các quyền công dân và quyền con người.  

Theo đó, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được khẳng định tại Điều 2 Hiến pháp 2013:

" 1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp."

Như vậy, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của toàn thể nhân dân, do nhân dân thành lập, bầu ra và hoạt động vì lợi ích của nhân dân. Là nhà nước lấy pháp luật làm cơ sở pháp lý thống nhất cho việc điều hành mọi mặt hoạt động của nhà nước, của xã hội, của mọi công dân. Dùng pháp luật làm chuẩn mức để phân biệt tính hợp pháp và không hợp pháp, việc được làm và không được làm trong thi hành pháp luật. Trong nhà nước pháp quyền không một cơ quan, tổ chức nào, không một cá nhân nào đứng trên pháp luật và đứng ngoài pháp luật. 

 

2. Đặc trưng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có những đặc trưng cơ bản như sau:

  • Nhà nước pháp quyền có biểu hiện tập trung của chế độ dân chủ. Dân chủ vừa là bản chất của nhà nước pháp quyền, vừa là điều kiện, tiền đề của chế độ nhà nước.
  • Nhà nước pháp quyền được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật.
  • Nhà nước pháp quyền tôn trọng, đề cao và đảm bảo quyền con người trong mọi lĩnh vực hoạt động của nhà nước và xã hội.
  • Quyền lực nhà nước pháp quyền được tổ chức và thực hiện theo nguyên tắc dân chủ: phân công quyền lực và kiểm soát quyền lực.
  • Nhà nước pháp quyền gắn liền với một cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật phù hợp.

 

3. Tính dân tộc của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tính dân tộc của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thấm nhuần và thể hiện sâu sắc trong mọi mặt của đời sống xã hội đó là sự kế thừa và phát huy những truyền thống, bản sắc tốt đẹp của dân tộc; đó là việc xây dựng những chính sách đúng đắn, chăm lo lợi ích toàn diện cho các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam; và thực hiện đại đoàn kết dân tộc. Tính dân tộc sâu sắc của những yếu tố đó được thể hiện rõ ràng qua các biểu hiện sau:

 

3.1. Sự thể hiện trong pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Xuất phát từ yếu tố: nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặc biệt coi trọng chính sách dân tộc, đảm bảo quyền bình đẳng giữa các dân tộc và xem đây là một trong những nhân tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, pháp luật nhà nước ta ban hành luôn phản ánh ý chí, nguyện vọng và lợi ích của cả dân tộc, và là công cụ pháp lý quan trọng để thực hiện chính sách đại đoàn kết và bình đẳng dân tộc, bảo đảm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tất cả các dân tộc:

- Tại Hiến pháp- văn bản pháp lý có giá trị cao nhất của nước ta đã hiến định sâu sắc, toàn diện hơn về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc:

  • Điều 5 Hiến pháp 2013 quy định " Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.... Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước."
  • Về quyền con người, quyền cơ bản của công dân tại Điều 42 Hiến pháp 2013 quy định "Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, sử dụng ngôn ngữ giao tiếp"
  • Về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học.... thì "Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại" tại quy định Điều 60 Hiến pháp 2013. Hay tại Điều 61 "...Nhà nước thực hiện chính sách ưu tiên đảm bảo phát triển giáo dục ở miền núi, các vùng dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn..."
  • Tính dân tộc còn được thể hiện ở chỗ Hiến pháp ghi nhận ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt, các dân tộc có quyền dùng tiếng nói chữ viết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc...theo Điều 5. Quy định về quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, ngày quốc khánh, thủ đô tại Điều 13 Hiến pháp 2013

- Để thể hiện rõ ràng hơn tinh thần của Hiến pháp 2013 về tính dân tộc sâu sắc, công tác dân tộc, các văn bản Luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam như: Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật hình sự, Luật hôn nhân và gia đình, Luật Di sản văn hóa, Bộ Luật Lao động...đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013, thể hiện rõ quyền bình đẳng của các dân tộc:

  • Theo quy định Điều 7 Bộ Luật Dân sự 2015 về chính sách nhà nước với quan hệ dân sự "Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự phải đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp...".
  • Hay Nhà nước cũng tôn trọng, khuyến khích các dân tộc thiểu số giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, đó cũng là nghĩa vụ và trách nhiệm đóng góp làm giàu kho tàng di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, theo Điều 17 của Luật Di sản văn hóa Việt Nam.
  • Điều 116 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2018 tại Điểm b Khoản 1 điều này đã quy định hành vi gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam thì bị áp dụng chế tài phạt tù từ 07- 15 năm.
  • Nghĩa vụ của mỗi thành viên trong gia đình, tiếp nối truyền thống gia đạo, hiếu thảo đã được Luật hôn nhân và gia đình quy định về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ, con, về quyền chăm sóc nuôi dưỡng,...

Có thể thấy các chính sách, pháp luật nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn đặt ra những đảm bảo công bằng cho mọi dân tộc được phát triển bình đẳng. Những dân tộc, đồng bào thiểu số sẽ được nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển về mọi mặt. Tính dân tộc đã được thể hiện sâu sắc ở phương diện nhà nước chăm lo mọi mặt cho lợi ích của các dân tộc Việt Nam.

 

3.2. Sự kế thừa và phát huy trong đời sống 

Tính dân tộc của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn được thể hiện ở sự kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ bao đời nay:

- Truyền thống gia đình văn minh, hôn nhân với sự chung thủy, gia đạo hòa thuận với sự yêu thương chăm lo con cái, sự hiếu thảo của con cháu trong mỗi gia đình.

- Truyền thống uống nước nhớ nguồn, với những ngày lễ để ghi nhớ công ơn của bao thế hệ cha ông đã hy sinh bảo vệ nền độc lập dân tộc như: ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch hàng năm, ngày 30/4 giải phóng miền Nam thống nhất hoàn toàn đất nước, ngày 27/7 tưởng nhớ những vị anh hùng đã hòa mình vào với đất mẹ quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, ngày 2/9 ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa,...

- Truyền thống đại đoàn kết toàn dân được coi là đường lối chiến lược, động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hằng năm ngày 18/11 là ngày hội Đại đoàn kết dân tộc là ngày để người dân trên khắp đất nước Việt Nam tôn vinh truyền thống đoàn kết yêu nước tốt đẹp của dân tộc.

Trên đây là những giải đáp của Luật Minh Khuê muốn gửi tới các bạn về những vướng mắc xoay quanh tính dân tộc của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.