Mục lục bài viết
- 1. Các cơ quan của Liên hợp quốc
- 1.1. Đại hội đồng
- 1.2. Hội đồng Bảo an
- 1.3. Hội đồng kinh tế - xã hội
- 1.4. Hội đồng Quản thác
- 1.5. Toà án công lí quốc tế
- 1.6. Ban thư ký.
- 2. Điều kiện và thể thức kết nạp thành viên mới của Liên Hợp Quốc
- 3. Nguyên tắc và chức năng hoạt động của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc
- 3.1. Nguyên tắc hoạt động
- 3.2. Chức năng, quyền hạn
1. Các cơ quan của Liên hợp quốc
1.1. Đại hội đồng
Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc là một trong 6 cơ quan chính của Liên Hợp Quốc. Được thành lập bởi các quốc gia thành viên, Đại Hội đồng triệu tập các kỳ họp thường niên dưới quyền của vị chủ tịch được bầu chọn trong vòng các đại biểu đến từ các quốc gia thành viên
Là cơ quan duy nhất của Liên hợp quốc có sự tham gia của tất cả các quốc gia thành viên (192 thành viên) và có quyền có 1 phiếu bầu có giá trị pháp lý như nhau
Theo Điều 10, Hiến chương Liên hợp quốc, Đại hội đồng là cơ quan có thẩm quyền rất rộng: thảo luận và đưa ra kiến nghị về tất cả các vấn đề thuộc phạm vi Hiến chương hoặc thuộc quyền hạn và chức năng của bất kỳ một cơ quan nào của Liên hợp quốc cho các thành viên LHQ hoặc Hội đồng Bảo an; xem xét những nguyên tắc chung về sự hợp tác để duy trì hoà bình và an ninh quốc tế; lưu ý Hội đồng Bảo an về những tình thế có khả năng làm nguy hại đến hoà bình và an ninh quốc tế…
Đại hội đồng họp mỗi năm 1 lần thường khai mạc vào ngày thứ ba của tuần thứ ba tháng 9. Đại hội đồng có thể họp phiên bất thường do Tổng thư ký triệu tập theo yêu cầu của Hội đồng Bảo an hoặc của đa số các thành viên Liên họp quốc. Đại hội đồng tự quy định những quy tắc thủ tục của mình. Đại hội đồng bầu chủ tịch cho từng khoá họp. Bên cạnh đó, Đại hội đồng có thể thành lập những cơ quan giúp việc mà Đại hội đồng xét thấy là cần thiết cho việc thực hiện các chức năng của mình.
1.2. Hội đồng Bảo an
Là cơ quan thường trực của Liên hợp quốc chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Khi thực hiện các trách nhiệm và nghĩa vụ mà Hiến chương quy định, Hội đồng Bảo an phải hành động với tư cách thay mặt cho các thành viên của Liên hợp quốc.
Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên, trong đó có 5 uỷ viên thường trực (Cộng hoà Liên bang Nga, Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Cộng hoà Pháp, Liên hiệp Vương quốc Anh – Bắc Ailen và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ) và 10 uỷ viên không thường trực được Đại hội đồng bầu ra với nhiệm kỳ 2 năm.
Hoạt động của HĐBA thông qua các phiên họp thường kỳ (ít nhất 2 lần trong 1 năm). Tuy nhiên, HĐBA cũng có thể triệu tập họp bất thường nếu thấy cần thiết để duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. HĐBA có thể thành lập những cơ quan giúp việc nếu xét thấy cần thiết cho việc thực hiện chức năng của mình.
Theo Điều 25, các nghị quyết của HĐBA là bắt buộc với các quốc gia thành viên và phải được các quốc gia thành viên thi hành.
- Không bỏ phiếu
- Không bày tỏ ý kiến => phiếu trắng
- Ý kiến phản đối => phiếu chống
1.3. Hội đồng kinh tế - xã hội
Là cơ quan có nhiệm vụ phối hợp các hoạt động kinh tế, xã hội, y tế và những vấn đề liên quan khác giữa LHQ và các quốc gia thành viên, các cơ quan chuyên môn khác của LHQ.
Hợp đồng kinh tế - xã hội gồm 54 uỷ viên được bầu với nhiệm kỳ 3 năm.
Hội đồng kinh tế - xã hội tiến hành các cuộc điều tra và làm báo cáo về các vấn đề mà mình phụ trách. Hội đồng có thể gửi những kiến nghị về tất cả các vấn đề cho Đại hội đồng, các thành viên LHQ và các tổ chức chuyên môn hữu quan; đưa ra những kiến nghị nhằm khuyến khích sự tôn trọng các quyền tự do cơ bản của con người, chuẩn bị những dự thảo và điều ước về các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình để trình Đại hội đồng… Hội đồng kinh tế - xã hội lập ra các uỷ ban giúp việc nếu cần thiết cho việc thi hành những chức năng của Hội đồng.
1.4. Hội đồng Quản thác
Là một trong các cơ quan chính của LHQ có nhiệm vụ theo dõi, quản lý kiểm soát các lãnh thổ nằm dưới chế độ quản thác quốc tế. Chế độ quản thác do LHQ quy định nhằm mục đích giúp đỡ nhân dân các nước thuộc địa tiến bộ về chính trị, kinh tế và xã hội, đưa họ đến chế độ tự quản hoặc độc lập hoàn toàn.
Trong 6 cơ quan chính của Liên hợp quốc, hiện nay chỉ có Hội đồng Quản thác là không còn tồn tại trên thực tế do lãnh thổ quản thác cuối cùng là Paula đã trở thành thành viên thứ 185 của LHQ. Năm 1994, trong báo cáo hàng năm, Tổng thư ký LHQ đã đề nghị tiến hành các bước giải thể Hội đồng Quản thác theo Điều 108, Hiến chương LHQ.
1.5. Toà án công lí quốc tế
Là cơ quan tư pháp chính của LHQ. Toà án hoạt động trên cơ sở Hiến chương LHQ, Quy chế và Nội quy của toà.
Tất cả thành viên LHQ đương nhiên là thành viên Quy chế Toà án Quốc tế.
Toà án Quốc tế gồm 15 thẩm phán do Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an bầu độc lập và cùng một lúc với nhiệm kỳ 9 năm, cứ 3 năm bầu lại 1/3 tổng số các thẩm phán. Các thẩm phán được bầu với tư cách cá nhân từ các luật gia có uy tín về Luật Quốc tế, có phẩm chất đạo đức tốt.
Tòa án công lý quốc tế không phải có thẩm quyền đương nhiên
+ Các quốc gia chấp nhận quy chế tòa án công lý quốc tế
+ Các quốc gia đồng ý đưa tranh chấp ra tòa án
Quyết định của toà án được thông qua với đa số các thẩm phán có mặt và biểu quyết tán thành.
Toà có các chức năng chính:
+ Giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia
+ Đưa ra kết luận tư vấn về vấn đề pháp lí cho các cơ quan của LHQ.
1.6. Ban thư ký.
Là cơ quan hành chính của LHQ. Đứng đầu Ban thư ký là Tổng thư ký. Tổng thư ký do Đại hội đồng bổ nhiệm theo kiến nghị của Hội đồng Bảo an với nhiệm kỳ 5 năm và có thể được bầu lại sau khi hết nhiệm kỳ. Tổng thư ký là viên chức cao cấp nhất của Liên hợp quốc.
Cơ cấu tổ chức của Ban thư ký gồm các văn phòng trực thuộc Tổng thư ký và các vụ của Ban thư ký.
Theo quy định của Hiến chương, Tổng thư ký có quyền đề xuất với Hội đồng bảo an về bất kỳ vấn đề nào theo ý kiến của Tổng thư ký có thể đe doạ hoà bình và an ninh quốc tế. Ngoài ra, tổng thư ký phải trình bày báo cáo hàng năm về hoạt động của LHQ trước Đại hội đồng…
Như vậy Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (tiếng Anh: United Nations Security Council, viết tắt UNSC) là cơ quan chính trị quan trọng nhất và hoạt động thường xuyên của Liên Hợp Quốc, chịu trách nhiệm chính về việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, khuyến nghị kết nạp các thành viên mới của Liên Hợp Quốc vào Đại hội đồng, và thông qua bất kỳ thay đổi nào đối với Hiến chương Liên Hợp Quốc. Những nghị quyết của Hội đồng Bảo an được thông qua mà phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc thì bắt buộc các nước hội viên của Liên Hợp Quốc phải thi hành. Hội đồng Bảo an không phụ thuộc vào Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.
2. Điều kiện và thể thức kết nạp thành viên mới của Liên Hợp Quốc
Điều kiện về nội dung: là một quốc gia hòa bình, quốc gia yêu chuộng hòa bình quốc gia phải tự nguyện chấp nhận các quy định của Hiến chương và có khả năng hoàn thành các nghĩa vụ đó
Điều kiện về hình thức:
+ Quốc gia muốn gia nhập Liên Hợp Quốc phải nộp đơn cho Tổng thư ký, tuyên bố chấp nhận các nghĩa vụ ghi trong Hiến chương
+ Tổng thư ký sẽ sao và gửi đơn cho Đại hội đồng và các nước thành viên.
+ Hội đồng Bảo an kiến nghị Đại hội đồng kết nạp. Đại hội đồng sẽ xem xét quốc gia đó có phải là quốc gia yêu chuộng hoà bình và có khả năng sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ qui định trong Hiến chương hay không, và quyết định bằng bỏ phiếu đa số áp đảo (2/3).
3. Nguyên tắc và chức năng hoạt động của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc
Nghị quyết của Hội đồng Bảo an với 15 thành viên về các vấn đề căn bản – chẳng hạn như nghị quyết kêu gọi đưa ra những biện pháp trực tiếp nhằm giải quyết một tranh chấp – cần có phiếu thuận của 9 thành viên. Một phiếu chống – phiếu phủ quyết – của 1 thành viên thường trực sẽ ngăn cản việc chấp thuận dự thảo nghị quyết, ngay cả khi bản dự thảo này có đủ số phiếu thuận theo quy định. Không tham gia bỏ phiếu không được xem là phủ quyết. Kể từ lúc ban đầu, Trung Hoa (Đài Loan/Trung Quốc) đã 5 lần sử dụng quyền phủ quyết; Pháp: 18 lần; Nga/Liên Xô: 122 lần; Anh: 32 lần; và Mỹ: 80 lần. Phần lớn phiếu phủ quyết của Liên Xô được đưa ra trong 10 năm đầu tiên của Hội đồng Bảo an. Con số phiếu phủ quyết kể từ năm 1984 là: Trung Quốc, 2; Pháp, 3; Nga, 4; Anh, 10; và Hoa Kỳ, 42.
3.1. Nguyên tắc hoạt động
Theo Hiến chương, Hội đồng Bảo an có thể tiến hành điều tra bất cứ một tranh chấp nào hoặc bất cứ một tình thế nào có thể dẫn tới những xung đột quốc tế hoặc đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, và có thể đưa ra những khuyến nghị về các phương thức cũng như nội dung cụ thể để giải quyết những xung đột đó.
Hội đồng bảo an hành động theo những nguyên tắc của Liên hợp quốc:
Liên Hiệp Quốc được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của tất cả các Thành viên.
- Tất cả các Thành viên đều phải thực hiện một cách có thiện ý những nghĩa vụ mà họ phải đảm nhận theo Hiến chương này, nhằm đảm bảo hưởng toàn bộ các quyền và ưu đãi do tư cách thành viên mà có.
- Tất cả các Thành viên giải quyết các tranh chấp quốc tế của họ bằng biện pháp hòa bình, theo cách không làm nguy hại đến hòa bình và an ninh quốc tế, và công lý.
- Tất cả các Thành viên từ bỏ việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, hoặc bằng cách khác trái với những Mục đích của Liên Hiệp Quốc.
- Tất cả các Thành viên phải hỗ trợ đầy đủ cho Liên Hiệp Quốc trong mọi hành động mà nó áp dụng theo đúng Hiến chương này và từ bỏ giúp đỡ bất cứ quốc gia nào đang bị Liên Hiệp Quốc áp dụng các hành động phòng ngừa hoặc cưỡng chế;
Liên Hiệp Quốc sẽ đảm bảo rằng các quốc gia không phải là Thành viên cũng hành động theo những nguyên tắc này, nếu như điều đó là cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh thế giới. Không có bất kỳ điều gì trong Hiến chương này cho phép Liên Hiệp Quốc được can thiệp vào những công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ của bất cứ quốc gia nào, hoặc đòi hỏi các Thành viên phải đưa những công việc loại này ra giải quyết theo quy định của Hiến chương; tuy nhiên, nguyên tắc này không liên quan đến việc thi hành những biện pháp cưỡng chế nói ở Chương VII.
- Mỗi thành viên của Hội đồng Bảo an có 1 đại diện và có 1 phiếu biểu quyết
- Đối với vấn đề thủ tục phải có 9/15 phiếu bất kỳ
- Đối với các vấn đề khác, phải có 9/15 phiếu trong đó có 5 phiếu thuận của thành viên thường trực
3.2. Chức năng, quyền hạn
Hội đồng Bảo an được thành lập nhằm duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Theo Điều 39 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hội đồng Bảo an là cơ quan duy nhất của Liên Hợp Quốc có quyền quyết định đánh giá thực tại của các mối đe doạ đối với hoà bình, phá hoại hoà bình hoặc hành động xâm lược, và sẽ khuyến nghị hoặc quyết định các biện pháp cần được tiến hành phù hợp với các Điều 41 và 42, để duy trì hoặc khôi phục hoà bình và an ninh quốc tế. Trong khi thực thi chức năng này, Hội đồng Bảo an được coi là hành động với tư cách thay mặt cho tất cả các thành viên Liên Hợp Quốc.
Trên thực tế, những chức năng mà Hội đồng Bảo an được trao có thể được coi là để nhằm 3 mục tiêu: gìn giữ hoà bình, vãn hồi hoà bình và kiến tạo hoà bình.