1. Chứng chỉ hành nghề dược là gì?

Chứng chỉ hành nghề dược là văn bản chứng nhận được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp (Bộ Y tế, Sở Y tế) khi cá nhân có đủ trình độ chuyên môn và đủ một số điều kiện theo quy định của pháp luật.

Để được cấp Chứng chỉ hành nghề dược thì cá nhân cần đáp ứng đủ những điều kiện sau:

Thứ nhất, có văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận chuyên môn được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam phù hợp với vị trí công việc và cơ sở kinh doanh gồm:

  1. Bằng tốt nghiệp đại học ngành dược (bằng dược sĩ);
  2. Bằng tốt nghiệp đại học ngành y học cổ truyền hoặc đại học ngành dược cổ truyền;
  3. Bằng tốt nghiệp đại học ngành sinh học;
  4. Bằng tốt nghiệp đại học ngành hóa học;
  5. Bằng tốt nghiệp cao đẳng ngành dược;
  6. Bằng tốt nghiệp trung cấp ngành dược;
  7. Bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp ngành y;
  8. Bằng tốt nghiệp trung cấp y học cổ truyền hoặc dược cổ truyền;
  9. Văn bằng, chứng chỉ sơ cấp dược;
  10. Giấy chứng nhận về lương y, giấy chứng nhận về lương dược, giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận khác về y dược cổ truyền được cấp trước ngày 06 tháng 04 năm 2017.

Thứ hai, có thời gian thực hành tại cơ sở kinh doanh dược, bộ phận dược của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trường đào tạo chuyên ngành dược, cơ sở nghiên cứu dược, cơ sở kiểm nghiệm thuộc, nguyên liệu làm thuốc, cơ quan quản lý về dược hoặc văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực dược tại Việt Nam; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với chuyên môn của người hành nghề theo quy định sau: 

+ Trường hợp người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề dược do người hành nghề dược không có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhập kiến thức chuyên môn về dược trong thời hạn 03 năm từ ngày cấp Chứng chỉ hành nghề dược hoặc từ ngày có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhập kiến thức chuyên môn về dược gần nhất.

+ Người có trình độ chuyên khoa sau đại học phù hợp với phạm vi hành nghề thì được giảm thời gian thực hành theo quy định tại Điều 21 Nghị định 54/2017/NĐ - CP quy định chi tiết thi hành một số điều hoặc biện pháp thi hành Luật Dược năm 2016:

Đối tượng Phạm vi hành nghề Thời gian được giảm
Người có trình độ chuyên khoa sau đại học về bào chế, công nghiệp dược, kiểm nghiệm thuốc

Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược

Người phụ trách về bảo đảm chất lượng của cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc

Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở kinh doanh dịch vụ kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc

06 tháng đối với bằng thạc sĩ hoặc chuyên khoa I

01 năm đối với bằng tiến sĩ hoặc chuyên khoa I

Người có trình độ chuyên khoa sau đại học về dược lý, dược lâm sàng 

Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học, cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc trên lâm sàng, cơ sở bán lẻ thuốc

Người phụ trách dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

06 tháng đối với bằng thạc sỹ hoặc chuyên khoa I

01 năm đối với bằng tiến sĩ hoặc chuyên khoa II

Người có trình độ chuyên khoa sau đại học về dược liệu, dược cổ truyền, y học cổ truyền

Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở chuyên kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền

Người phụ trách dược lâm sàng của cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền

06 tháng đối với bằng thạc sĩ hoặc chuyên khoa I

01 năm đối với bằng tiến sĩ hoặc chuyên khoa II

Người có trình độ chuyên khoa sau đại học về truyền nhiễm, vi sinh, y tế dự phòng

Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán buôn, kinh doanh dịch vụ bảo quản vắc xin, sinh phẩm y tế

06 tháng đối với bằng thạc sĩ hoặc chuyên khoa I

01 năm đối với bằng tiến sĩ hoặc chuyên khoa II

Người có trình độ chuyên khoa sau đại học về tổ chức kinh tế dược hoặc tổ chức quản lý dược

Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán buôn thuốc, bán lẻ thuốc hóa dược (trừ thuộc trạm y tế xã), kinh doanh dịch vụ bảo quản thuốc

06 tháng đối với bằng thạc sĩ hoặc chuyên khoa I

01 năm đối với bằng tiến sĩ hoặc chuyên khoa II

Người có trình độ chuyên khoa sau đại học về tổ chức kinh tế dược hoặc tổ chức quản lý dược

Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, dược liệu, tủ thuốc trạm y tế xã

03 tháng đối với bằng thạc sĩ hoặc chuyên khoa I

06 tháng đối với tiến sĩ hoặc chuyên khoa II

Thứ ba, người xin cấp Chứng chỉ hành nghề dược có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp.

Thứ tư, người xin cấp Chứng chỉ không thuộc một trong các trường hợp sau:

  1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành bản án, quyết định của Tòa án; trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm việc liên quan đến hoạt động dược theo bản án, quyết định của Tòa án;
  2. Bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Chứng chỉ hành nghề dược không có quy định thời hạn hiệu lực nhưng chứng chỉ sẽ bị hết hiệu lực khi người hành nghề dược chết đi hay mất tích theo quyết định, bản án của Tòa án hay họ không có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhập kiến thức chuyên môn về dược trong thời hạn 03 năm từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề dược hoặc từ ngày có xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhập kiến thức chuyên môn về dược gần nhất.

Nghề dược là ngành nghề có liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người nên những người hành nghề dược cần nắm vững những kiến thức chuyên môn để có thể hoàn thành tốt công việc, nhiệm vụ của mình để giúp đỡ bệnh nhân và hỗ trợ cho các bác sĩ trong quá trình khám chữa bệnh. Tại khoản 36 Điều 2 Luật Dược năm 2016, hành nghề dược là việc sử dụng trình độ chuyên môn của cá nhân để kinh doanh dược và hoạt động dược lâm sàng tại khoa dược; tại khoa lâm sàng, khoa, phòng, khám bệnh; tại bộ phận dược lâm sàng của cơ sở khám chữa bệnh không có tổ chức khoa dược; tại nhà thuốc trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh (như: tư vấn trong quá trình xây dựng các danh mục thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tư vấn, giám sát việc kê đơn thuốc, sử dụng thuốc; đưa ra những thông tin, hướng dẫn sử dụng thuốc cho người hành nghề khám chữa bệnh, người sử dụng thuốc và cộng đồng;...)

Do đó, cá nhân dù có bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp hay có chứng chỉ sơ cấp thì đều cần phải xin cấp Chứng chỉ hành nghề dược nếu muốn hành nghề.

 

2. Chứng chỉ hành nghề dược có mấy loại?

Hiện nay, theo Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược năm 2016 thì chứng chỉ hành nghề dược được chia thành 02 loại:

Thứ nhất, Chứng chỉ hành nghề dược cấp theo hình thức xét hồ sơ (mẫu số 06 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 54/2017/NĐ-CP)

Thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề dược theo hình thức xét hồ sơ thuộc về Sở Y tế.

Thứ hai, Chứng chỉ hành nghề dược cấp theo hình thức thi (mẫu số 07 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 54/2017/NĐ-CP)

Để được cấp chứng chỉ hành nghề dược theo hình thức thi thì cá nhân sẽ thi theo hình thức thi tập trung tại cơ sở tổ chức thi hoặc thi trực tuyến. Cá nhân phải tiến hành thi với hai nội dung thi bao gồm: kiến thức chung cho người hành nghề dược và kiến thức chuyên ngành phù hợp với từng vị trí công việc phải có Chứng chỉ hành nghề dược (như vị trí: người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở kinh doanh dược; người phụ trách về bảo đảm chất lượng của cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc; người phụ trách công tác dược lâm sàng của cơ sở khám chữa bệnh).

Thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề dược theo hình thức thi thuộc về Bộ Y tế. 

Đối với loại chứng chỉ hành nghề dược theo hình thức thi được ưu tiên trong tuyển dụng và sử dụng trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, những ưu tiên đó bao gồm: (1) được ưu tiên trong xét tuyển nếu kết quả thi đạt loại giỏi và có bằng tốt nghiệp hệ đại học hoặc sau đại học loại giỏi; (2) miễn thời gian tập sự sau khi tuyển dụng; (3) ưu tiên trong việc xem xét cử đi học tập, bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn trong nước và nước ngoài.

 

 3. Trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề dược

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Người xin cấp chứng chỉ hành nghề dược sẽ chuẩn bị những giấy tờ, tài liệu sau:

+ Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược (theo mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 54/2017/NĐ - CP), ảnh 4x6 cm của người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, phông trắng, thời gian chụp trong thời gian 06 tháng gần nhất.

+ Bản sao có chứng thực văn bằng chuyên môn, nếu văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp thì phải kèm theo bản sao có chứng thực giấy công nhận tương đương của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

+ Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy xác nhận thời gian thực hành (theo mẫu số 03 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 54/2017/NĐ - CP). Nếu thực hành tại nhiều cơ sở, thời gian thực hành được tính là tổng thời gian thực hành tại cơ sở nhưng phải có Giấy xác nhận thời gian thực hành của từng cơ sở đó.

+ Giấy xác nhận thời gian thực hành chuyên môn và nội dung thực hành chuyên môn của một hoặc một số cơ sở đáp ứng yêu cầu của mỗi phạm vi, vị trí hành nghề. (trường hợp đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược với phạm vi hoạt động khác nhau và yêu cầu thời gian thực hành, cơ sở thực hành chuyên môn khác nhau)

Trường hợp các phạm vi hoạt động chuyên môn có cùng yêu cầu về thời gian thực hành và cơ sở thực hành chuyên môn thì không yêu cầu phải có Giấy xác nhận riêng đối với từng phạm vi hoạt động chuyên môn.

+ Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy xác nhận kết quả thi do cơ sở tổ chức thi cấp (áp dụng đối với trường hợp chứng chỉ hành nghề dược cấp theo hình thức xét hồ sơ và Giấy xác nhận kết quả thi theo mẫu số 18 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 54/2017/NĐ - CP)

Đối với những giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự và các giấy tờ này phải có bản dịch sang Tiếng Việt được công chứng,

Bước 2: Nộp hồ sơ

Người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược sẽ nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Bộ Y tế (cấp Chứng chỉ hành nghề dược theo hình thức thi), Sở Y tế (cấp Chứng chỉ hành nghề dược theo hình thức xét hồ sơ).

Sau khi người đề nghị cấp Chứng chỉ nộp hồ sơ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả cho người đề nghị cấp Chứng chỉ Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo mẫu số 01 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 54/2017/NĐ - CP.

Nếu không có yêu cầu sửa đổi hay bổ sung hồ sơ thì cơ quan có thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề dược có trách nhiệm cấp trong thời hạn 15 ngày từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền không cấp thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Nếu có yêu cầu sửa đổi hay bổ sung hồ sơ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản thông báo nội dung yêu cầu sửa đổi, bổ sung gửi cho người đề nghị trong thời hạn 10 ngày từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ. Sau khi nhận hồ sơ sửa đổi, bổ sung thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả cho người đề nghị Phiếu tiếp nhận hồ sơ sửa đổi, bổ sung theo mẫu số 01 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 54/2017/NĐ - CP:

+ Hồ sơ sửa đổi, bổ sung không đáp ứng yêu cầu thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản thông báo cho người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược

+ Hồ sơ sửa đổi, bổ sung không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung tiếp.

Trong thời hạn 06 tháng từ ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản thông báo sửa đổi, bổ sung, người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược phải nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu. Sau thời hạn trên, người đề nghị không sửa đổi, bổ sung hoặc sau 12 tháng từ ngày nộp hồ sơ lần đầu mà hồ sơ bổ sung không đáp ứng yêu cầu thì hồ sơ đã nộp không còn giá trị.

Bước 3: Nhận kết quả và công bố trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị 

Chứng chỉ hành nghề dược được lập thành 02 bản thì 01 bản cấp cho cá nhân đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược và 01 bản lưu lại tại cơ quan cấp Chứng chỉ hành nghề dược (Bộ Y tế, Sở Y tế)

Trong thời hạn 05 ngày làm việc từ ngày cấp Chứng chỉ hành nghề dược thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ công bố, cập nhập trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị những thông tin sau: Họ, tên, ngày tháng năm sinh của người được cấp Chứng chỉ hành nghề dược; Số Chứng chỉ hành nghề dược; Phạm vi hoạt động chuyên môn.

 

4. Quy định xử phạt về vấn đề liên quan đến chứng chỉ hành nghề dược

Căn cứ vào khoản 2 Điều 52 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế:

+ Hành vi giả mạo một trong các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và có thể bị buộc nộp lại chứng chỉ hành nghề dược.

+ Hành vi hành nghề dược mà không có chứng chỉ hành nghề dược hoặc trong thời gian bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược tại vị trí công việc phải có chứng chỉ hành nghề bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

+ Hành vi hành nghề không đúng phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề dược và quy định chuyên môn kỹ thuật thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, ngoài ra có thể bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược trong thời hạn từ 01 đến 03 tháng.

+ Hành vi cho thuê, cho mượn hoặc cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề dược để hành nghề dược thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; còn hành vi thuê, mượn chứng chỉ hành nghề dược để hành nghề dược sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Cả hai hành vi này sẽ có thêm hình phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại chứng chỉ hành nghề dược và số lợi ích bất hợp pháp thu được.

Những mức phạt tiền trên là mức phạt được áp dụng đối với cá nhân và mức phạt đối với tổ chức sẽ gấp hai lần so với mức phạt tiền của cá nhân.

Nếu bạn đọc có bất kỳ vướng mắc pháp lý nào thì vui lòng liên hệ tới bộ phận tư vấn tổng đài trực tuyến của Luật Minh Khuê qua số điện thoại 1900.6162 để được hỗ trợ kịp thời. Xin chân thành cảm ơn bạn đọc!