Mục lục bài viết
1. Khái quát về Tổng cục thuế
Tổng cục thuế là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về các khoản thu nội địa trên phạm vi cả nước, bao gồm: thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước; tổ chức quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
Tổng cục thuế có tư cách pháp nhân; có con dấu hình Quốc huy, được mở tài khoản ngoài Kho bạc Nhà nước, có trụ sở tại thành phố Hà Nội.
Tiền thân của Tổng cục thuế có tên gọi là Sở thuế quan và thuế gián thu được Chính phủ ban hành sắc lệnh số 27/SL thành lập ngày 10 tháng 9 năm 1945, dưới quyền điều khiển của một Tổng giám đốc được bổ nhiệm bằng sắc lệnh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ tài chính.
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, Chính phủ đã ban hành hệ thống chính sách thuế mới, chủ yếu là thuế nông nghiệp và thuế công thương nghiệp. Ngày 14 tháng 7 năm 1951, Bộ tài chính đã ban hành Nghị định 55/NĐ thành lập Vụ Thuế Nông nghiệp với nhiệm vụ xây dựng và tổ chức chỉ đạo, quản lý thu thuế nông nghiệp.
Ngày 17 tháng 7 năm 1951, Bộ tài chính đã ban hành Nghị định số 63/NĐ thành lập hệ thống tổ chức ngành thuế công thương nghiệp bao gồm:
- Trung ương: sở thuế Trung ương
- Liên khu: Phân sở thuế
- Tỉnh: Chi sở thuế
- Huyện, thị xã: Phòng thuế
- Tuyến hoạt động xuất nhập khẩu lớn: Chi sở thuế xuất nhập khẩu
Ngày 7 tháng 4 năm 1959, có quyết định Sở thuế Trung ương chuyển thành Sở thuế công thương nghiệp chuyên trách xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách thuế công thương nghiệp, thuế rượu, thuế muối.
Ngày 7 tháng 11 năm 1961, Sở thuế công thương nghiệp được chuyển thành Vụ thu quốc doanh và Thuế. Vụ thuế nông nghiệp được chuyển thành Vụ tài vụ hợp tác xã và thuế nông nghiệp.
Ngày 20 tháng 3 năm 1974, Vu thu quốc doanh và thuế với cùng Vụ tài vụ hợp tác xã và thuế nông nghiệp lại được giải thể để tổ chức thành Cục thu quốc doanh và Vụ thuế tập thể - cá thể.
Ngày 18 tháng 11 năm 1978, Vụ thuế tập thể - cá thể tách thành Vụ thuế Công thương nghiệp và Vụ thuế nông nghiệp.
Ngày 10 tháng 11 năm 1980, Hội đồng Chính phủ ban hành quyết định quy định tổ chức ngành thuế công thương nghiệp thống nhất, theo đó thành lập Cục thuế công thương nghiệp trực thuộc Bộ tài chính.
Ngày 15 tháng 7 năm 1983, thành lập Cục thu quốc doanh và quản lý tài chính xí nghiệp trung ương và hệ thống ngành dọc của Cục.
Ngày 15 tháng 10 năm 1988, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành quyết định kiện toàn hệ thống thu thuế thành 3 cục là Cục thu quốc doanh, Cục thuế công thương nghiệp, Cụ thuế nông nghiệp.
Sau nhiều năm có sự thay đổi trong tên gọi, cơ cấu tổ chức, đến ngày 7 tháng 8 năm 1990, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 218-HĐBT về việc thành lập ngành thuế nhà nước được hợp nhất từ 3 hệ thống tổ chức: thu quốc doanh, thuế công thương nghiệp, thuế nông nghiệp. Ngành thuế nhà nước được tổ chức qua 3 cấp từ Tổng cục thuế, cụ thế đến chi cục thuế.
2. Cơ cấu tổ chức của Tổng cục thuế
2.1. Cấp Trung ương
Căn cứ theo Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg về quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và bộ máy của Tổng cục thuế, cơ cấu tổ chức của Tổng cục thuế tại Trung ương bao gồm:
Lãnh đạo:
- Tổng cục trưởng
- Phó tổng cục trưởng: tối đa 04 người
Các vụ, Cục:
- Vụ pháp chế
- Vụ tổ chức cán bộ
- Vụ thanh tra
- Vụ kiểm toán thuế
- Vụ thuế doanh nghiệp
- Vụ thuế thu nhập cá nhân
- Vụ thuế giá trị gia tăng
- Vụ thuế xuất nhập khẩu
- Vụ thuế tài nguyên khoáng sản
- Vụ thuế giao thông vận tải
- Vụ thuế phi thuế
- Vụ quản lý nợ thuế
- Vụ công nghệ thông tin
- Vụ hợp tác quốc tế
- Cục thuế điện tử
Các đơn vị sự nghiệp công lập:
- Trường đại học kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh
2.2. Cấp địa phương
Hệ thống thuế được tổ chức theo đơn vị hành chính gồm:
- Cục thuế ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Cục thuế cấp tỉnh) trực thuộc Tổng cục thuế
- Chi cục thuế ở các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Chi cục thuế cấp huyện) trực thuộc Cục thuế cấp tỉnh
3. Quyền hạn và trách nhiệm của Tổng cục thuế
Tổng cục thuế có trách nhiệm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật quản lý thuế, Nghị định của Chính phủ về quản lý thuế và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Tổng cục thuế thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Trình bộ trưởng Bộ tài chính để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định về các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; dự thảo Nghị định của Chính phủ; dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý thuế; Chiến lược, chương trình hành động, đề án, dự án quan trọng về quản lý thuế; dự toán thu thuế hàng năm theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
- Trình Bộ trưởng Bộ tài chính xem xét, quyết định dự thảo thông tư và các văn bản khác về lĩnh vực quản lý của Tổng cục thuế; kế hoạch hoạt động hàng năm của Tổng cục thuế
- Ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn, quy trình nghiệp vụ; văn bản quy phạm nội bộ và văn bản cá biệt thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục thuế
- Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục thuế sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Tổng cục thuế
- Tổ chức quản lý thuế theo quy định của pháp luật:
Hướng dẫn, giải thích chính sách thuế của Nhà nước; tổ chức công tác hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện quy trình nghiệp vụ về đăng ký thuế, cấp mã số thuế, kê khai thuế, tính thuế, nộp thuế, hoàn thuế, khấu trừ thuế, miễn thuế, xóa nợ tiền thuế, tiền phạt và các nghiệp vụ khác có liên quan.
Quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định việc miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, gia hạn thời gian nộp hồ sơ khai thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế, xóa tiền nợ thuế, tiền phạt thuế.
Bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế; giữ bí mật thông tin của người nộp thuế; xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế khi có đề nghị theo quy định pháp luật.
Giám định để xác định số thuế phải nộp của người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ủy nhiệm cho các cơ quan, tổ chức trực tiếp thu một số khoản thuế theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý thuế
- Được áp dụng các biện pháp hành chính để đảm bảo thực thi pháp luật về thuế
- Lập hồ sơ kiến nghị khởi tố các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thuế; thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm pháp luật thuế
- Thanh tra chuyên ngành thuế; kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật thuế; phòng, chống tham nhũng tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng tài sản, kinh phí được giao theo quy định pháp luật
- Xây dựng, triển khai quản lý phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành về thuế, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý thuế, công tác quản lý nội ngành và cung cấp các dịch vụ điện tử hỗ trợ người nộp thuế.
- Tổ chức thực hiện công tác kế toán, thống kê về thuế và chế độ báo cáo tài chính theo quy định
- Thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế về lĩnh vực thuế theo phân công, phân cấp của Bộ trưởng, Bộ tài chính và quy định của pháp luật
- Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục thuế theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ tài chính và quy định pháp luật.
- Tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của ngành thuế đối với người nộp thuế, các tổ chức, cá nhân khác có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý và chấp hành nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật
- Quản lý kinh phí do ngân sách nhà nước cấp và tài sản được giao, lưu trữ hồ sơ, tài liệu, ấn chỉ thuế theo quy định của pháp luật, thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền
- Thực hiện cải cách hành chính theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính được Bộ trưởng Bộ tài chính phê duyệt
- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ tài chính giao và theo quy định của pháp luật
Trên đây là phần giải đáp của công ty Luật Minh Khuê. Nếu quý khách hàng có thắc mắc về các vấn đề pháp lý thì có thể liên hệ qua tổng đài: 1900.6162 hoặc qua email: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ.