1. Có phải nhường đường khi đi từ ngõ ra đường chính?

Hiện nay, ở các thành phố lớn có khá nhiều ngõ, hẻm nhỏ, nhiều trường hợp đi xe từ trong ngõ ra bất ngờ, không xi nhan hay bóp còi. Điều này dễ gây va chạm giao thông với phương tiện khác đang lưu thông trên đường chính.

Về nguyên tắc, tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên; giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.

Chủ thể khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường bộ để đảm bảo an toàn cho chính mình cũng như những người xung quanh thì cần chú ý quan sát và nắm rõ được quy định của pháp luật về việc nhường đường tại nơi đường giao nhau. Căn cứ theo Điều 24 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì việc nhường đường đi khi đi từ ngõ ra đường chính như sau: 

- Khi lưu thông trên đường các cá nhân thật cẩn thận trong việc quan sát, lường trước được những rủi ro có thể gặp phải khi xe đến gần đường giao nhau, thì các cá nhân thực hiện điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường theo quy định.

+ Những khu vực hoặc đoạn đường tại nơi giao nhau mà không được đặt biển báo hiệu đi theo vòng xuyến thì các phương tiện cần phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải;

+ Trong trường hợp khi tham gia giao thông mà gặp nơi có đoạn đường giao nhau, thấy có báo hiệu đi theo vòng xuyến thì bắt buộc phải nhường đường cho xe đi bên trái;

+ Những đoạn đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì phương tiện đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh có trách nhiệm nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.

Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.

Do đó, khi đi từ ngõ ra phải nhường đường cho người đang đi trên đường chính.

2. Không nhường đường khi đi từ ngõ ra đường chính bị xử phạt như thế nào?

Đối với ô tô:

Theo điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm sau đây: Không tuân thủ các quy định về nhường đường tại nơi đường bộ giao nhau, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm m, điểm n khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP:

- Không giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính;

- Không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau;

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện các hành vi vi phạm trên mà gây tai nạn giao thông thì còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng (theo điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Đối với xe mô tô, gắn máy:

Tại điểm h khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm sau đây:

Không tuân thủ các quy định về nhường đường tại nơi đường giao nhau, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm b, điểm e khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP:

- Không giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính;

- Không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn; không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau;

Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện các hành vi vi phạm trên mà gây tai nạn giao thông thì còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng (theo điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

3. Không nhường đường trong trường hợp bắt buộc tiềm ẩn rủi ro gì?

Nhà nước đề ra quy tắc để điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông với mục tiêu chính chính là đảm bảo quá trình tham gia giao thông được an toàn và trật tự. Như đã phân tích, các phương tiện khi tham gia giao thông đi từ đường ưu tiên sẽ được các phương tiện khác nhường đường. Chính vì vậy, những chủ thể không nhường đường trong trường hợp bắt buộc có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác.

Trách nhiệm nhường đường đối với những loại xe được ưu tiên đã được nhà nước ghi nhận và bắt buộc người tham gia giao thông phải thực hiện. Việc không nhường đường trong trường hợp bắt buộc khiến cho các loại xe được ưu tiên không thuận lợi cho việc di chuyển ổn định dẫn đến hệ quả vô cùng quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tính cấp thiết của sự việc hoặc lĩnh vực mà gây ưu tiên đó phải chấp hành thực hiện.

Ví dụ: khi xảy ra những vụ cháy, tiềm ẩn những rủi ro thiệt hại đến tính mạng và sức khỏe của người dân thì việc không tuân thủ nhường đường cho những phương tiện ưu tiên này sẽ để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho xã hội và những người xung quanh.

- Người dân không tuân thủ những quy định mà pháp luật về an toàn giao thông gây nên những hệ quả tiêu cực cho công tác công tác quản lý trật tự an toàn giao thông của cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền.  

Như vậy, việc không nhường đường trong các trường hợp bắt buộc để lại những hậu quả lớn trong công tác quản lý trật tự an toàn giao thông của cơ quan chức năng; ngoài ra quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cũng có thể bị ảnh hưởng. Nhà nước chặt chẽ trong việc đề ra quy định điều chỉnh nhưng nhưng người dân cũng phải có ý thức, nâng cao tinh thần khi tham gia giao thông và nâng cao sự hiểu biết khi thực hiện lưu thông trên đường.

4. Các quy tắc nhường đường tại nơi đường giao nhau?

Theo đó, khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường theo 3 nguyên tắc sau:

- Nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến: Tại đây người tham gia giao thông phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải.

- Nơi đường giao nhau có báo hiệu đi theo vòng xuyến: Người điều khiển phương tiên phải nhường đường cho xe đi từ bên trái.

- Nơi đường giao nhau giữa đường ưu tiên và đường không ưu tiên, đường chính và đường nhánh
Trong đó:

+ Đường ưu tiên là đường mà trên đó phương tiện tham gia giao thông được các phương tiện giao thông đến từ hướng khác nhường đường khi qua nơi đường giao nhau, được cắm biển báo hiệu đường ưu tiên.

+ Đường chính là đường bảo đảm giao thông chủ yêu trong khu vực, có thể hiểu nôm na là những đường to, phục vụ nhu cầu giao thông của khu vực.

+ Đường nhánh là đường nối vào đường chính.

Khi tham gia giao thông tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên, hoặc giữa đường nhánh và đường chính, xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.

Xem thêm: Đi xe vào đoạn đường cong có phải xi nhan không?

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Có phải nhường đường khi đi từ ngõ ra đường chính? mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 19006162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.


Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!