1. Cơ quan nào có thẩm quyền đăng ký kết hôn?

Thưa luật sư, xin hỏi: Chị gái tôi đã cưới từ năm 1993, từ trước đến nay chưa làm giấy đăng ký kết hôn, nay gia đình chị tôi muốn vay vốn ngân hàng, nhưng phải có đăng ký kết hôn, hiện nay gia đình chi tôi sống ở tỉnh Đồng Nai, nguyên quán ở xã Thái Hòa, Triệu Sơn, Thanh Hóa.
Vậy chi tôi phải quay lại nơi nguyên quán để làm thủ tục Đăng ký kết hôn, hay là đăng ký ở nơi định cư bây giờ là tỉnh Đồng Nai ?
Cảm ơn luật sư!

>> Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân trực tuyến, gọi:1900.6162

 

Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại Điều 17 Luật hộ tịch số 60/2014/QH13 của Quốc hội thì:

"Điều 17. Thẩm quyền đăng ký kết hôn và nội dung Giấy chứng nhận kết hôn

1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.

2. Giấy chứng nhận kết hôn phải có các thông tin sau đây:

a) Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; thông tin về giấy tờ chứng minh nhân thân của hai bên nam, nữ;

b) Ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn;

c) Chữ ký hoặc điểm chỉ của hai bên nam, nữ và xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch."

Theo như quy định trên, thẩm quyền đăng ký kết hôn thuộc về Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong các bên thực hiện đăng ký kết hôn. Theo đó, Nơi cư trú được pháp luật giải thích:

Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống.

Như vậy, trong trường hợp của chị bạn, vợ chồng chị bạn có thể đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi chị bạn hiện đang cư trú (thường trú hoặc tạm trú) ở Đồng Nai, chứ không cần phải trở lại nơi nguyên quán là Thanh Hóa để đăng ký.

>> Tham khảo bài viết liên quan: Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài làm thế nào?

 

 

2. Thủ tục đăng ký kết hôn khi định cư ở nước ngoài?

Xin chào Luật Minh Khuê, em có câu hỏi xin được giải đáp như sau: Em mong muốn luật sư tư vấn giúp em về trường hợp của 2 vợ chồng em. Em định cư ở cộng hòa séc từ năm 2011 , nhưng do thiếu hiểu biết khi về Việt Nam 2 vợ chồng đi đăng kí ở ủy ban nhân dân xã nơi chồng em cư trú , đến năm 2014 do em muốn đón chồng sang cộng hòa séc đoàn tụ , theo quy định phải ra sở tư pháp tỉnh đăng kí , vì lúc đăng kí ở xã em không xuất trình giấy tờ tùy thân được cấp ở séc mà lấy hộ khẩu ở quê trước khi đi nước ngoài , nên ko được phía kia chấp nhận.
Cùng năm bọn em mang giấy tờ kết hôn lên huyện li hôn để ra tỉnh kết hôn lại, đã được cấp quyết định ly hôn tháng 4 năm 2014 , nhưng nay ra sở tư pháp đăng kí , họ nói hồ sơ không hợp lệ cụ thể là quyết định li hôn của tòa án huyện không đủ thẩm quyền, vì em có thường trú ở nươc ngoài. Em biết ngay từ đầu lúc đăng kí kết hôn ở xã là sai , sửa sai bằng li hôn lại càng sai , giờ em rất bối rối vì không biết phải làm sao để đăng kí kết hôn hợp pháp , con em không khai sinh được.
Em muốn hỏi luật sư làm thế nào để bọn em có thể kết hôn hợp pháp. Có thể nào xin hủy đăng kí kết hôn và quyết định li hôn của tòa án không ạ ?
Xin hãy giúp em , em xin chân thành cảm ơn!
Người gửi: Đ.T.V

>> Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình trực tuyến, gọi: 1900.6162

 

Trả lời:

Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 ( Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung 2011) quy định:

Điều 28. Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án

1. Yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật.

2. Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.

3. Yêu cầu công nhận sự thoả thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

4. Yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn.

5. Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.

6. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Toà án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Toà án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.

7. Các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình mà pháp luật có quy định.

"Điều 33. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện."

Điều 34. Thẩm quyền của Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Toà án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 Điều 33 của Bộ luật này;

b) yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này, trừ những yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 2 Điều 33 của Bộ luật này;

c) Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 33 của Bộ luật này.

2. Toà án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 33 của Bộ luật này mà Toà án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết.

Như vậy, theo quy định trên thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn của bạn. Do đó, Tòa án nhân dân cấp huyện không có thẩm quyền giải quyết vụ việc này cho bạn và vì thế đương nhiên quyết định ly hôn của Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ không có hiệu lực pháp luật.

Để bạn có thể đưa chồng sang cộng hòa Séc đoàn tụ thì trong trường hợp này bạn sẽ phải yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thu hồi hoặc hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và hai bên sẽ thực hiện lại việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 13 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

"Điều 13. Xử lý việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền

Trong trường hợp việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền thì khi có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận kết hôn theo quy định của pháp luật về hộ tịch và yêu cầu hai bên thực hiện lại việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ ngày đăng ký kết hôn trước."

Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.6162. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

 

3. Thủ tục đăng ký kết hôn với nước ngoài định cư tại Việt Nam?

Kính gửi! Luật sư Công ty Luật Minh Khuê, tôi có một số thắc mắc mong được Luật sư giải đáp. Trường hợp của tôi cụ thể như sau, tôi sắp kết hôn với người nước ngoài và định cư tại việt nam.
Như vậy cần những yêu cầu gì để chúng tôi kết hôn đúng theo pháp luật ?
Rất mong sớm nhận được hồi âm từ các chuyên gia. Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe!

>> Luật sư tư vấn thủ tục đăng ký kết hôn, gọi ngay: 1900.6162

 

Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại Điều 126, Luật hôn nhân và gia đình 2014 về Kết hôn có yếu tố nước ngoài: "Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn".
Cụ thể:  

Điều 8. Điều kiện kết hôn

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính

2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
Trình tự thực hiện đăng ký kết hôn với người nước ngoài (Điều 21, Điều 22, Điều 23 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP):
Nộp hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài Sở Tư Pháp có thẩm quyền giải quyết.
Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài có trách nhiệm kiểm tra các giấy tờ có trong hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định của pháp luật thì viết phiếu tiếp nhận hồ sơ đó và ghi rõ ngày phỏng vấn, ngày trả kết quả. Thời gian giải quyết việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài được tính từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí.
Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Sở Tư pháp có những trách nhiệm dưới đây:
  • Thực hiện buổi phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở Sở Tư pháp đối với 2 bên nam và nữ kiểm tra để làm rõ về nhân thân và sự tự nguyện kết hôn của hai người cũng như mức độ hiểu biết nhau về nhau. Trong trường hợp cần phiên dịch để thực hiện buổi phỏng vấn thì Sở Tư pháp sẽ chỉ định người phiên dịch.
  • Kết quả của buổi phỏng vấn sẽ được được lập thành văn bản. Cán bộ phỏng vấn cần phải nêu rõ ý kiến đề xuất của mình và ký tên vào văn bản của buổi phỏng vấn, người phiên dịch (nếu có) phải cam kết dịch chính xác nội dung của buổi phỏng vấn và ký tên vào văn bản phỏng vấn.
  • Nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài ; trong trường hợp nghi vấn hoặc có vấn đề khiếu nại, tố cáo việc kết hôn thông qua môi giới nhằm mục đích kiếm lời, kết hôn giả tạo, hay lợi dụng việc kết hôn để mua bán người, kết hôn nhằm mục đích trục lợi khác hay xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của hai bên nam và nữ ; giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn, Sở Tư pháp thực hiện xác minh làm rõ.
Trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận được công văn của Sở Tư pháp, cơ quan công an cần thực hiện xác minh vấn đề được yêu cầu và trả lời bằng văn bản cho Sở Tư pháp.
Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận được văn bản trình của Sở Tư pháp cùng hồ sơ đăng ký kết hôn, trong trường hợp xét thấy hai bên nam và nữ đáp ứng đủ điều kiện đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài Chủ tịch UBND cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn và trả lại hồ sơ cho Sở Tư pháp để tổ chức lễ đăng ký kết hôn cho 2 người.
Hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài (Điều 20 Nghị định 126/2014/NĐ-CP):
  1. Tờ khai đăng ký kết hôn mới nhất theo mẫu.
  2. Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và Tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận tình trạng hôn nhân của người Việt Nam được cấp không quá 6 tháng, tính đến ngày tiếp nhận hồ sơ (xác định tình trạng hôn nhân của người nước ngoài tại nước ngoài)
  3. Giấy khám sức khỏe của tổ chức y tế có thẩm quyền ở Việt Nam hay tại nước ngoài cấp không quá 6 tháng, tính đến ngày tiếp nhận hồ sơ, xác nhận người đó không mắc các bênh như :bệnh tâm thần, không có khả năng nhận thức, không làm chủ được hành vi của mình.
  4. Bản sao CMTND / Hộ chiếu đối với người Việt Nam ở trong nước, Hộ chiếu / giấy tờ tùy thân có giá trị thay thế : Giấy thông hành /Thẻ cư trú đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
  5. Bản sao Sổ hộ khẩu / Sổ tạm trú đối với người Việt Nam cư trú tại Việt Nam , Thẻ Thường trú hoặc Thẻ tạm trú / Chứng nhận tạm trú đối với người nước ngoài thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam đăng ký kết hôn với nhau.
Lưu ý: Giấy tờ của người nước ngoài phải được dịch sang tiếng Việt và có công chứng.
Cơ quan thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài (Điều 19 Nghị định 126/2014/NĐ-CP):
  • UBND cấp tỉnh nơi đăng ký thường trú của người Việt Nam, thực hiện đăng ký kết hôn giữa người Việt Nam với người nước ngoài, giữa người Việt Nam với nhau mà ít nhất có một bên định cư tại nước ngoài; trong trường hợp người Việt Nam không có hoặc chưa có đăng ký thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì UBND cấp tỉnh, nơi đăng ký tạm trú của người Việt Nam thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn.
  • Trong trường hợp đăng ký kết hôn với người nước ngoài, người nước ngoài có yêu cầu đăng ký kết hôn với nhau tại Việt Nam thì UBND cấp tỉnh, nơi đăng ký thường trú của 1 trong 2 bên, thực hiện đăng ký kết hôn; nếu cả 2 bên không đăng ký thường trú tại Việt Nam thì UBND cấp tỉnh, nơi đăng ký tạm trú của một trong hai bên, thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài.
  • Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự và cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện) thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, nếu việc đăng ký đó không trái với pháp luật của nước sở tại.
Tại Điều 1 Thông tư 179/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung 02/2014/TT-BTC ngày 02/01/2014 của bộ tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung điểm b.1 khoản 2 Điều 3 Thông tư 02/2014/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tài chính như sau:
“b.1. Lệ phí hộ tịch, đăng ký cư trú, chứng minh nhân dân
* Ghi vào Sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài: Không quá 75.000 đồng.
Căn cứ theo các quy định trên thì, đối với trường hợp của bạn, bạn tiến hành thủ tục ghi chú kết hôn và lệ phí khi làm thủ tục ghi chú kết hôn là không quá 75.000 đồng.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi tới số: 1900.6162 để được giải đáp. Trân trọng cảm ơn!

 

4. Hướng dẫn làm thủ tục đăng ký kết hôn ?

Xin chào luật Minh Khuê, em có câu hỏi xin được giải đáp: Cho em hỏi trường hợp hai người sống chung với nhau trước 1989, có 3 người con đã trưởng thành, quá trình chung sống không đăng ký kết hôn, nhưng đã nhập hộ khẩu chung với nhau.
Vậy cho em hỏi hiện nay 2 người muốn đăng ký kết hôn vậy cho em hỏi thủ tục phải như thế nào ?
Xin cảm ơn.
Người gửi: V.T.H.T

Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP tuy hướng dẫn Luật hôn nhân gia đình năm 2000 nhưng hiện nay vẫn được áp dụng phần quy định không trái với Luật hôn nhân và gia đình 2014. Theo mục 1,2 Thông tư này:

1. Theo quy định tại điểm a khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội, trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực) mà chưa đăng ký kết hôn, nếu một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung. Cần chú ý là trong trường hợp sau khi quan hệ vợ chồng đã được xác lập họ mới thực hiện việc đăng ký kết hôn, thì quan hệ vợ chồng của họ vẫn được công nhận kể từ ngày xác lập (ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng), chứ không phải là chỉ được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn.

2. Đối với trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 trở đi đến trước ngày 01/01/2001 (ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực) mà có đủ điều kiện kết hôn, nhưng chưa đăng ký kết hôn và đang chung sống với nhau như vợ chồng, thì theo quy định tại điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội họ có nghĩa vụ đăng ký kết hôn kể từ ngày 01/01/2001 cho đến ngày 01/01/2003; do đó, cần phân biệt như sau:

a. Kể từ ngày 01/01/2001 cho đến ngày 01/01/2003 nếu họ chưa đăng ký kết hôn hoặc đã đăng ký kết hôn mà họ có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung. Cần chú ý trong trường hợp họ thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định tại điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội, thì quan hệ của họ vẫn được công nhận là đã xác lập kể từ ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng, chứ không phải kể từ ngày đăng ký kết hôn.

Việc đăng ký kết hôn theo quy định tại điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội do Bộ Tư pháp hướng dẫn.

b. Kể từ sau ngày 01/01/2003 mà họ không đăng ký kết hôn, thì theo quy định tại điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội họ không được công nhận là vợ chồng; nếu một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án để giải quyết và áp dụng điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội, khoản 1 Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, bằng bản án tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng; nếu họ có yêu cầu về nuôi con và chia tài sản, thì Toà án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết theo thủ tục chung.

c. Kể từ sau ngày 01/01/2003 họ mới đăng ký kết hôn và sau đó một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung. Cần chú ý là trong trường hợp này, thì quan hệ vợ chồng của họ chỉ được công nhận là đã xác lập kể từ ngày họ đăng ký kết hôn.

d. Được coi nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, nếu họ có đủ điều kiện để kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau;

- Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận;

- Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến;

- Họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.

Thời điểm nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng là ngày họ tổ chức lễ cưới hoặc ngày họ về chung sống với nhau được gia đình (một hoặc cả hai bên) chấp nhận hoặc ngày họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến hoặc ngày họ thực sự bắt đầu chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.

Do thời điểm bạn cung cấp là hai bác sống chung với nhau trước năm 1989, thông tin chưa rõ ràng nên có hai trường hợp sau:

- Nếu hai bác sống chung với nhau trước ngày 03/01/1987 thì hai bác được công nhận là vợ chồng từ thời điểm sống chung mà không bắt buộc phải đi đăng ký kết hôn.

- Nếu hai bác sống chung với nhau từ ngày và sau ngày 03/01/1987 trở đi mà đến thời điểm này mới đăng ký kết hôn thì hôn nhân của bác được công nhận từ thời điểm hai bác đi đăng ký.

Điều 18 Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch về thủ tục đăng ký kết hôn:

1. Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng minh nhân dân.

Trong trường hợp một người cư trú tại xã, phường, thị trấn này, nhưng đăng ký kết hôn tại xã, phường, thị trấn khác, thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú về tình trạng hôn nhân của người đó.

Đối với người đang trong thời hạn công tác, học tập, lao động ở nước ngoài về nước đăng ký kết hôn, thì phải có xác nhận của Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam tại nước sở tại về tình trạng hôn nhân của người đó.

Đối với cán bộ, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng vũ trang, thì thủ trưởng đơn vị của người đó xác nhận tình trạng hôn nhân.

Việc xác nhận tình trạng hôn nhân nói trên có thể xác nhận trực tiếp vào Tờ khai đăng ký kết hôn hoặc bằng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo quy định tại Chương V của Nghị định này.

Việc xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị 6 tháng, kể từ ngày xác nhận.

2. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy hai bên nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, thì Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký kết hôn cho hai bên nam, nữ.

Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.

3. Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải có mặt. Đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn. Hai bên nam, nữ ký vào Giấy chứng nhận kết hôn và sổ đăng ký kết hôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho mỗi bên vợ, chồng một bản chính Giấy chứng nhận kết hôn, giải thích cho hai bên về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp theo yêu cầu của vợ, chồng.

Như vậy, hai bác hãy đến UBND xã nơi đăng ký hộ khẩu của hai bác thực hiện việc đăng ký kết hôn thực hiện thủ tục trên và mang theo giấy tờ:

- Giấy tờ nhân thân

- Tờ khai (mẫu)

>> Xem thêm: Cơ quan nào có thẩm quyền đăng ký kết hôn với người nước ngoài?

 

5. Giấy tờ nào có thể thay thế giấy đăng ký kết hôn?

Kính chào luật sư! Em có một vấn đề nhờ luật sư giải đáp giúp.Em là người Việt Nam. Em xin tư vấn về việc có giấy tờ nào có thể thay thế giấy đăng ký kết hôn để được thuê phòng khách sạn với chồng sắp cưới của em là người ngoại quốc.
Anh ấy sẽ về Việt nam lần đầu vào tháng tới để kết hôn với em và hai chúng em dự định sẽ thuê phòng tại khách sạn để ở cho thuận tiện trong vòng 5 tuần. Nhưng theo em được biết nếu thuê phòng khách sạn thì phải có giấy đăng ký kết hôn vì có yếu tố người nước ngoài.
Vậy xin cho em hỏi luật sư tư vấn có cách nào hay giấy tờ gì có thể thay thế giấy đăng ký kết hôn để hai vợ chồng em được ở cùng nhau tại khách sạn trong những ngày chồng của em ở Việt Nam ?
Em xin chân thành cảm ơn luật sư!
Người gửi: P.T.H

>> Luật sư tư vấn luật hôn nhân và gia đình gọi: 1900.6162

 

Trả lời:

Căn cứ vào điểm e khoản 2 điều 6 Thông tư 33/2010/TT-BCA quy định cụ thể điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định như sau:

e) Cho thuê lưu trú

- Có nội quy của cơ sở kinh doanh lưu trú niêm yết tại nơi dễ thấy.

- Phải ghi đầy đủ các thông tin của khách lưu trú vào sổ trước khi khách vào phòng nghỉ và thông báo lưu trú với cơ quan Công an xã, phường, thị trấn sở tại trước 23 giờ trong ngày. Nếu khách đến lưu trú sau 23 giờ thì vào sổ và thông báo cho cơ quan Công an vào trước 8 giờ sáng ngày hôm sau (kể cả khách nghỉ theo giờ). Trường hợp có nghi vấn liên quan đến an ninh, trật tự phải báo cáo ngay cho Công an xã, phường, thị trấn.

- Cơ sở kinh doanh nếu thông báo lưu trú cho cơ quan Công an qua mạng Internet thì phải lưu trữ đầy đủ thông tin về khách đã lưu trú tại cơ sở để phục vụ công tác quản lý.

- Trường hợp khách mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, chất nổ phải yêu cầu khách xuất trình giấy phép sử dụng do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp và cơ sở kinh doanh phải có trách nhiệm bảo quản chặt chẽ.

- Người đến lưu trú có trách nhiệm xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: Chứng minh nhân dân; Hộ chiếu; các loại giấy tờ có dán ảnh do các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam cấp; giấy xác nhận cử đi công tác của cơ quan, tổ chức; xác nhận của cơ quan đến liên hệ công tác; xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Trường hợp khách đến lưu trú không có các loại giấy tờ trên thì khi cho khách vào lưu trú, chủ cơ sở phải thông báo ngay cho cơ quan Công an phường, xã, thị trấn.

- Trường hợp khách đến lưu trú theo đoàn thì người đại diện hoặc trưởng đoàn làm các thủ tục lưu trú cho những người cùng đi nhưng phải xuất trình giấy tờ tùy thân để người tiếp nhận đối chiếu và ghi đầy đủ, chính xác thông tin về người lưu trú vào sổ quản lý lưu trú theo quy định. Trường hợp khách trong đoàn không mang giấy tờ tùy thân thì người đại diện hoặc trưởng đoàn phải viết giấy đề nghị cơ sở kinh doanh cho thuê lưu trú, nêu rõ lý do và cung cấp đầy đủ thông tin của những người cùng đi để cơ sở kinh doanh ghi vào sổ quản lý lưu trú theo quy định.

- Người đến thăm khách lưu trú tại phòng nghỉ phải xuất trình giấy tờ tùy thân tại quầy lễ tân, cơ sở phải có sổ theo dõi và ghi rõ, đầy đủ các thông tin có liên quan.

- Nghiêm cấm việc sử dụng cơ sở làm nơi chứa cấp tội phạm, sử dụng, tàng trữ, mua bán các chất ma túy, đánh bạc, chứa chấp, môi giới mại dâm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Và cũng theo quy định tại điều 33 Luật nhập cảnh, xuất cảnh số 47/2014/QH13, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định về khai báo tạm trú như sau:

1. Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú.

2. Người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ nội dung mẫu phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn là 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú.

3. Cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn phải nối mạng Internet hoặc mạng máy tính với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để truyền thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài. Cơ sở lưu trú khác có mạng Internet có thể gửi trực tiếp thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài theo hộp thư điện tử công khai của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

4. Người nước ngoài thay đổi nơi tạm trú hoặc tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú thì phải khai báo tạm trú theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Trước đây Thông tư số 02/2001/TT-BCA có quy định "Phải bố trí phòng nghỉ nam riêng, nữ riêng (trừ trường hợp là gia đình, vợ chồng)" nhưng thông tư này đã hết hiệu lực và thay thế bằng Thông tư số 33/2010/TT-BCA. Hai bạn chưa kết hôn nên coi như trường hợp nam nữ ở chung một phòng. Trong trường hợp này luật không quy định cụ thể về việc nam nữ ở chung một phòng cần phải xuất trình giấy đăng ký kết hôn mà chỉ quy định "Người đến lưu trú có trách nhiệm xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: Chứng minh nhân dân; Hộ chiếu; các loại giấy tờ có dán ảnh do các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam cấp". Do vậy, khi thuê phòng khách sạn hai bạn cần xuất trình các giấy tờ tùy thân cho người trực tiếp quản lý, điều hành khách sạn như: chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, thẻ tạm trú hoặc visa,... để khai báo tạm trú với cơ quan Công an nơi khách sạn hoạt động.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.