Điều 301 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định về Tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn:

1. Người nào trực tiếp quản lý, canh gác, dẫn giải người bị giam, giữ  mà thiếu trách nhiệm để người đó trốn gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt  cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt  tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội để người bị giam, giữ về một tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trốn hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ  nhất định từ một năm đến năm năm.

Dấu hiệu pháp lý của Tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn (điều 301 BLHS) ?

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  1900.6162

Dấu hiệu pháp lý của Tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn (điều 301 BLHS):

  • Khách thể của tội phạm:

Tội phạm này xâm phạm trực tiếp đến hoạt động bình thường của các cơ quan tiến hành tố tụng; xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về chế độ giam, giữ, dẫn giải người bị giam, giữ; để người bị giam, giữ trốn gây ảnh hưởng đến kết quả cảu hoạt động tố tụng như phải đình chỉ điều tra, phải tạm hoãn phiên tòa.

  • Mặt khách quan của tội phạm:

Thiếu trách nhiệm là không làm hoặc làm không hết trách nhiệm được giao nên mới để người bị giam, giữ bỏ trốn khỏi nơi giam, giữ; nếu làm tròn trách nhiệm được giao thì người bị giam, giữ không thể trốn được. Ví dụ, Anh B  và anh P được giao nhiệm vụ dẫn giải H là bị cáo từ trụ sở Tòa án về trại tạm giam. Trên đường dẫn giải, H xin ghé qua nhà lấy đồ dùng cá nhân, B và P đồng ý. Tuy nhiên, khi về nhà H, lợi dụng B và P đang uống nước ở nhà trên, H đã bỏ trốn.

Hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác trực tiếp quản lý người bị giam, giữ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã vi phạm các quy định về chế độ liên quan đến việc giam, giữ nên để cho người bị giam, giữ trốn.

Hành vi thiếu trách nhiệm trong việc canh gác người bị giam, giữ để người bị giam, giữ trốn là không làm hoặc làm không hết trách nhiệm trong khi canh gác để cho người bị giam, giữ trốn.

Hành vi thiếu trách nhiệm trong việc dẫn giải người bị giam, giữ để người bị giam, giữ trốn là không làm hoặc làm không hết trách nhiệm trong khi dẫn giải người bị giam, giữ để cho người bị giam, giữ trốn.

Hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Nếu hành vi thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn nhưng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì chưa cấu thành tội phạm. Hậu quả nghiêm trọng có thể là thiệt hại về vật chất hoặc làm ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội, ảnh hưởng đến việc điều tra, xét xử của vụ án.

  • Mặt chủ quan của tội phạm:

Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội của mình với hình thức lỗi vô ý.

  • Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ có những người trực tiếp quản lý, canh gác, dẫn giải người bị giam, giữ mới có thể là chủ thể của tội phạm này.

Trân trọng./.

Bộ phận luật sư hình sự - Công ty luật Minh Khuê