1. Sử dụng băng rôn để đòi nợ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? 

Việc treo băng rôn, biểu ngữ trong trường hợp có mục đích phi quảng cáo, phi lợi nhuận thì hiện pháp luật Việt Nam không có quy định nào cấm hay hạn chế hành động treo băng rôn, biểu ngữ. Căn cứ vào Điều 25 Hiến pháp năm 2013 có quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. 

Theo quy định của Hiến pháp thì mọi người có quyền tự do ngôn luận. Hành động cư dân treo băng rôn để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết trả giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ chung cư theo hợp đồng chuyển nhượng là hành vi thể hiện quan điểm cá nhân của các cư dân trong trường hợp chủ đầu tư vi phạm nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng. Hành vi này bên cạnh đó cũng không có mục đích lợi nhuận, quảng cáo nên được tự do thực hiện mà không cần tiến hành đăng ký với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tuy nhiên, một số hành vi treo băng rôn khẩu hiệu biến tướng, có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cấu thành tội phạm.

Theo đó, nếu hành vi sử dụng băng rôn để đòi nợ có một trong các dấu hiệu sau đây thì sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể:

Thứ nhất, về chủ thể yếu tố cấu thành tội gây rối nơi công cộng thì chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự (đủ 16 tuổi trở lên và có khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình).

Thứ hai, về khách thể yếu tố cấu thành tội gây rối nơi công cộng thì hành vi nêu trên xâm phạm đến trật tự, an toàn công cộng, đồng thời còn xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.

Thứ ba, về mặt chủ quan thì người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

Thứ tư, về mặt khách quan thì tội phạm này phải có các dấu hiệu sau:

- Về hành vi: Có hành vi gây rối trật tự công cộng. Đây là hành vi của những người có thái độ coi thường trật tự những nơi đông người như chợ, trường học, nhà thờ, công viên, nhà ga, bến xe, bến tàu…cụ thể như: Có lời nói thô tục xúc phạm những người xung quanh tại nơi công cộng; Có hành vi thô bạo xúc phạm những người xung quanh tại nơi công cộng (đặc biệt là phụ nữ); Có hành vi dùng vũ lực để quậy phá, làm hư hỏng tài sản của nhà nước, của công dân ở nơi công cộng (như đập phá tượng đài, làm hư các biểu tượng, tranh cổ động, xe ô tô…)…

- Hành vi nêu trên phải gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này. Hậu quả xảy ra mà thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là “gây hậu quả nghiêm trọng” và phải chịu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự: Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 02 giờ; Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tô chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân; Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên; Chết người…

Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khỏe và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như hành vi trên có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội…Trong các trường hợp này phải tùy theo từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ hậu quả do tội phạm gây ra có phải là nghiêm trọng hay không.

Như vậy, hành vi sử dụng băng rôn để đòi nợ sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng khi có hành vi nêu trên như sử dụng vũ khí đi kèm hoặc có sử dụng những lời lẽ thô tục để xúc phạm "con nợ" và người xung quanh tại khu vực công cộng đó, ... Và khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người phạm tội sẽ phải chịu những hình phạt tương ứng cho hành vi vi phạm của mình.

>> Xem thêm: Trật tự công cộng là gì? Quy định tội phạm gây rối trật tự công cộng

 

2. Hình phạt hình sự được áp dụng đối với hành vi đeo băng rôn lên người để đòi nợ

Trong trường hợp chủ nợ đeo băng rôn lên người để đòi nợ nhưng có sử dụng loa kéo và tổ chức cho nhiều người tham gia với quy mô lớn; hoặc có những lời lẽ thô tục nhằm xúc phạm những người can ngăn; hoặc có hành vi hành hung những người tham gia vào để ngăn chặn hành vi quấy rối trật tự; ... dẫn đến ách tắc giao thông thì người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Khi đó, người phạm tội sẽ phải chịu các hình phạt như sau:

- Phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với cá nhân gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc đã bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

- Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm khi phạm tội và thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Có tổ chức;
  • Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
  • Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
  • Xúi giục người khác gây rối;
  • Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
  • Tái phạm nguy hiểm.

 

3. Xử phạt hành chính đối với hành vi dùng băng rôn đòi nợ khi nào?

Căn cứ vào Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì sử dụng băng rôn để đòi nợ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính khi có một trong các trường hợp sau đây:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng khi:

  • Sử dụng băng rôn đòi nợ nhưng gây mất trật tự công cộng ở nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư hoặc ở những nơi công cộng khác, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2, điểm b khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP;
  • Sử dụng băng rôn đòi nợ nhưng vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 02 triệu đồng khi sử dụng băng rôn đòi nợ nhưng dưới hình thức tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng.

- Phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 03 triệu đồng khi:

  • Đeo băng rôn đòi nợ nhưng có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP;
  • Tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 05 triệu đồng đối với hành vi chủ nợ tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác đeo băng rôn đòi nợ gây rối, làm mất trật tự công cộng.

- Phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 08 triệu đồng nếu những người sử dụng băng rôn đòi nợ nhưng cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Ngoài ra, quý khách có thể tham khảo thêm về bài viết của Luật Minh Khuê như sau: Tội gây rối trật tự nơi công cộng chịu hình phạt như thế nào?

Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc nhanh chóng. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.