1. Hiểu như thế nào về nhà ở riêng lẻ?

Trước hết theo quy định tại Luật nhà ở 2014, nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở phục vụ các nhua cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân. Theo Hiến pháp 2013, công dân có quyền có nơi ở hợp pháp và mọi người có quyền sở hữu về nhà ở. Để có thể triển khai thực hiện, đảm bảo quyền hiến định về chỗ ở và nhà ở cho người dân, Luật nhà ở 2014 đã được ra đời, nhằm đảm bảo trên thực tế quyền hiến định này của công dân. Luật nhà ở đã quy định rất rõ về các chính sách phát triển nhà ở để tạo điều kiện để mọi người có thể chỗ ở theo quy định của Hiến pháp. Pháp luật hiện hành quy định rất nhiều loại nhà ở khác nhau và đối với từng loại nhà ở lại có quy định riêng phù hợp với đặc trưng của loại nhà ở đó và nhu cầu thực tế của người dân.

Về nhà ở riêng lẻ, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật nhà ở 2014, nhà riêng lẻ được hiểu là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, bao gồm nhà biệt thưc, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập. Trên thực tế hiện nay theo quy định của Luật nhà ở có rất nhiều loại nhà ở khác nhau như nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư, nhà thương mại, nhà ở công vụ, nhà ở để phục vụ tái định cư, nhà ở xã hội.

2. Quy định của pháp luật về điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ

- Điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị được quy định Điều 93 Luật xây dựng năm 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2020, theo đó, muốn xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị cần đáp ứng được các điều kiện sau:

+ Cần đáp ứng được yêu cầu về việc phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt và quy chế quản lý kiến trúc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

+ Phải bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu càu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ; đảm bảo an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh. Như vậy, muốn được xây dựng nhà ở riêng lẻ, cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu cần phải đảm bảo việc an toàn cho các công trình lân cận, đáp ứng được các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, chống cháy nổ. Quy định này là phù hợp với thực tế hiện nay, khi nhu cầu về nhà ở tăng cao, việc không kiểm soát chặt chẽ vấn đề xây dựng sẽ làm ảnh hưởng đến các công trình lân cận khi nhà ở hiện nay thường được xây quá gần nhau, không đảm bảo về điều kiện khoảng cách để đảm bảo phần móng và phần nền các công trình lân cận, dẫn đến ảnh hưởng đến an toàn của các công trình này.

+ Về thiết kế nhà ở riêng lẻ phải đáp ướng được các điều kiện cụ thể: thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ phải đáp ứng được yêu cầu thiết kế quy định tại khoản 3 Luật nhà ở 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020; hộ gia đình được tự thiết kể nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250 m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12 mét, phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình xây dựng đến môi trường và an toàn của các công trình lân cận.

Ngoài ra, đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp với quy chế quản lý kiến trúc hoặc thiết kế đô thị được cơ quan có thẩm quyền ban hành. Quy định này nhằm đáp ứng yêu cầu về hình ảnh đô thị, yêu cầu về việc xây dựng mỹ quan đô thị.

- Điều kiện xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn. Theo quy định tại khoản 3 Điều 93 Luật xây dựng nhà ở 2014, sửa đổi, bổ sung 2020 có quy định đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn khi xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn. Về quy định quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn được quy định tại mục 2.16 QCVN 01:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BXD quy định về yêu cầu quy hoạch xây dựng nông thôn.

Như vậy, để có thể xây dựng nhà ở riêng lẻ, pháp luật có đề ra một số yêu nhất định tùy theo địa điểm xây dựng nhà ở riêng lẻ là nông thôn hay đô thị mà hộ gia đình, cá nhân muốn xây dựng nhà ở riêng lẻ phải đáp ứng các điều kiện khác nhau. Điều này xuất phát từ những đặc trưng của khu vực độ thị và khu vựng nông thôn, nhằm đáp ứng được yêu cầu về quy hoạch, về an toàn của các công trình lân cận và yêu cầy về mỹ quan đô thị, cảnh quan nông thôn.

3. Quy định của pháp luật về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ

Tại Điều 95 Luật xây dựng 2014 sửa đổi, bổ sung 2020 có quy định về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ, cụ thể: 

- Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng. Trong hồ sơ đề nghị cấp xấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ cần có đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng, hiện nay Bộ xây dựng chưa ban hành mẫu đơn đề nghị, do đó, các cá nhân, tổ chức đề nghị cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ có thể tự viết đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ.

- Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Các cá nhân, hộ gia đình chỉ được phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trên đất thuộc quyền sử dụng của mình hoặc được chủ sở hữu quyền sử dụng đất cho phép được xây nhà trên thửa đất đó. Do đó, trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, các cá nhân, hộ gia đình cần cung cấp bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất như Giấy chứng nhậ quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền cấp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất,....

- Bản vẽ thiết kế xây dựng. Một trong những quy định về điều kiện được xây dựng nhà ở riêng lẻ là bản thiết kế xây dựng nhà ở do cá nhân, hộ gia đình được thiết kế trong một số trường hợp pháp luật cho phép hộ gia đình, cá nhân được phép tự thiết kế bản vẽ xây dựng phải đáp ứng được các điều về mỹ quan về việc đảm bảo an toàn công trình lân cận, bảo vệ môi trường, chống cháy, nổ,.....Vì vậy, trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng le phải có bản thiết vẽ thiết kế xây dựng để cơ quan có thẩm quyền thẩm định theo quy định của pháp luật.

- Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề. Để đảm bảo công trình xây dựng không gây ảnh hưởng đến các công trình liền kề, bởi trên thực tế việc xây dựng các công trình gần nhau  thường sẽ gây ảnh hưởng đến các vấn đề về móng, nền của các công trình lân cận, do đó, pháp luật quy định trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ cần phải có cam kết về việc bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.

Trên đây là một số vấn đề liên quan đến điều kiện cấp giấy phép xây dựng nhà ở liền kề theo quy định của pháp luật hiện hành. Để có thể hiểu rõ hơn về vấn đề liên quan đến nội dung này, tham khảo bài viết: Thế nào là nhà ở? Văn bản quy định về hoặc định nghĩa về nhà ở.

Mọi thắc mắc liên hệ tổng đài 19006162 hoặc email lienhe@luatminhkhue.vn để được giải đáp chi tiết

Trân trọng!