Mục lục bài viết
1. Quy định về quy mô chăn nuôi
Hiện nay, quy mô chăn nuôi sẽ bao gồm các loại như: chăn nuôi trang trại bao gồm chăn nuôi trang trại quy mô lớn, quy mô vừa và quy mô nhỏ; chăn nuôi nông hộ. Tại Điều 21 Nghị định 13/2020/NĐ-CP, quy mô chăn nuôi được quy định như sau:
Nguyên tắc xác định quy mô chăn nuôi:
- Đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm, quy mô được xác định bằng số lượng đơn vị vật nuôi tại cơ sở chăn nuôi trong cùng thời điểm.
- Đối với chăn nuôi các loại vật nuôi khác, quy mô được xác định bằng số lượng vật nuôi tại cơ sở chăn nuôi trong cùng thời điểm.
- Trường hợp cơ sở chăn nuôi hỗn hợp, bao gồm gia súc, gia cầm và vật nuôi khác, quy mô chăn nuôi bao gồm tổng số đơn vị vật nuôi của gia súc và gia cầm, cùng với số lượng từng loại vật nuôi khác.
Quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm được quy định như sau:
- Chăn nuôi trang trại quy mô lớn: Từ 300 đơn vị vật nuôi trở lên;
- Chăn nuôi trang trại quy mô vừa: Từ 30 đến dưới 300 đơn vị vật nuôi;
- Chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ: Từ 10 đến dưới 30 đơn vị vật nuôi;
- Chăn nuôi nông hộ: Dưới 10 đơn vị vật nuôi.
Quản lý quy mô chăn nuôi được quy định như sau:
- Chăn nuôi trang trại quy mô lớn được quản lý theo quy định tại Điều 23 và Điều 24 Nghị định này
- Chăn nuôi trang trại quy mô vừa, quy mô nhỏ phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 55 và khoản 2 Điều 57 của Luật Chăn nuôi năm 2018
Trường hợp vi phạm, cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa, quy mô nhỏ phải cam kết khắc phục, bảo đảm điều kiện chăn nuôi trong thời gian 06 tháng kể từ ngày bị phát hiện vi phạm và gửi báo cáo kết quả khắc phục đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra thực tế kết quả khắc phục trong trường hợp cần thiết.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm kiểm tra điều kiện chăn nuôi của cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa, quy mô nhỏ. Tần suất kiểm tra là 03 năm một lần.
- Chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 56, khoản 2 Điều 57 của Luật Chăn nuôi.
Hệ số đơn vị vật nuôi quy định như sau:
Ngoài ra, để quy định quy mô chăn nuôi, còn cần có hệ số đơn vị vật nuôi, dùng để quy đổi số lượng vật nuôi sang đơn vị vật nuôi. Cụ thể, hệ số đơn vị vật nuôi và công thức chuyển đổi số lượng vật nuôi sang đơn vị vật nuôi sẽ được quy định tại Phụ lục V của Nghị định trên.
2. Điều kiện kinh doanh chăn nuôi tập trung mới nhất
Đối với hoạt động kinh doanh chăn nuôi tập trung thì cần thỏa mãn các điều kiện chung về kinh doanh chăn nuôi trang trại và các điều kiện riêng về kinh doanh chăn nuôi tập trung. Trong đó:
Điều kiện đối với các trang trại chăn nuôi nói chung
- Vị trí xây dựng trang trại phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, và chiến lược phát triển chăn nuôi, đồng thời phải đáp ứng yêu cầu về mật độ chăn nuôi theo quy định.
- Có đủ nguồn nước để bảo đảm chất lượng cho hoạt động chăn nuôi và phải có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi.
- Phải có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi phải phù hợp với từng loại vật nuôi.
- Phải có hồ sơ ghi chép quá trình hoạt động chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc-xin và thông tin khác để bảo đảm truy xuất nguồn gốc; lưu giữ hồ sơ trong thời gian tối thiểu là 01 năm sau khi kết thúc chu kỳ chăn nuôi.
- Cần có khoảng cách an toàn từ khu vực chăn nuôi trang trại đến đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi và từ nguồn gây ô nhiễm đến khu vực chăn nuôi trang trại.
- Tổ chức, cá nhân chăn nuôi trang trại quy mô lớn phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.
Phải đáp ứng các điều kiện về chăn nuôi tập trung
Tổ chức, cá nhân chăn nuôi trang trại quy mô lớn phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi. Quy định về cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn tại Điều 23 Nghị định 13/2020/NĐ-CP.
Để thỏa mãn điều kiện kinh doanh chăn nuôi trập trung, cần phải tuân thủ quy định về quy mô chăn nuôi và mật độ chăn nuôi theo quy định tại Điều 22 Nghị định 13/2020/NĐ-CP. Diện tích đất nông nghiệp làm căn cứ để xác định mật độ chăn nuôi bao gồm tổng diện tích các loại đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai. Cụ thể, mật độ chăn nuôi vùng áp dụng đối vớ địa phương thuộc từng vùng được quy định tại Phụ lục VI được ban hành kèm theo Nghị định này như sau:
STT | Vùng | Mật độ chăn nuôi năm 2018 (ĐVN/ ha) | Mật độ chăn nuôi năm 2030 (ĐVN/ ha) |
1 | Đồng bằng sông Hồng | 1,84 | 1,8 |
2 | Trung du và miền núi phía Bắc | 0,47 | 1.0 |
3 | Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung | 0,43 | 1,0 |
4 | Tây Nguyên | 0,2 | 1,0 |
5 | Đông Nam Bộ | 0,76 | 1,5 |
6 | Đồng bằng sông Cửu Long | 0,35 | 1,0 |
Ngoài ra, các cơ sở chăn nuôi còn phải đáp ứng các điều kiện về khoảng cách an toàn đối với trang trại chăn nuôi tập trung như sau:
- Đối với trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ:
+ Khoảng cách từ trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, và khu dân cư ít nhất là 100 mét.
+ Khoảng cách từ trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ đến trường học, bệnh viện, chợ ít nhất là 150 mét.
- Đối với trang trại chăn nuôi quy mô vừa:
+ Khoảng cách từ trang trại chăn nuôi quy mô vừa đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, và khu dân cư ít nhất là 200 mét.
+ Khoảng cách từ trang trại chăn nuôi quy mô vừa đến trường học, bệnh viện, chợ ít nhất là 300 mét.
- Đối với trang trại chăn nuôi quy mô lớn:
+ Khoảng cách từ trang trại chăn nuôi quy mô lớn đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, và khu dân cư ít nhất là 400 mét.
+ Khoảng cách từ trang trại chăn nuôi quy mô lớn đến trường học, bệnh viện, chợ, và nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư ít nhất là 500 mét.
+ Khoảng cách giữa hai trang trại chăn nuôi của hai chủ thể khác nhau ít nhất là 50 mét.
- Khoảng cách giữa 02 trang trại chăn nuôi của 02 chủ thể khác nhau tối thiểu là 50 mét.
Điều kiện về khoảng cách an toàn này nhằm hạn chế tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng xung quanh các cơ sở chăn nuôi tập trung. Các cơ sở chăn nuôi cần tuân thủ các quy định này để đảm bảo hoạt động chăn nuôi được thực hiện một cách bền vững và hài hòa với môi trường xung quanh.
3. Thủ tục xin giấy phép chăn nuôi tập trung
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với mô hình chăn nuôi tập trung sẽ bao gồm các văn bản giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn theo Mẫu số 01.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 13/2020/NĐ-CP;
- Bản thuyết minh về điều kiện chăn nuôi theo Mẫu số 02.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 13/2020/NĐ-CP.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp Giấy phép chăn nuôi tập trung sẽ nộp bộ hồ sơ nêu trên đến một trong hai cơ quan có thẩm quyền sau:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn tại địa phương;
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn nằm trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên, khi tổ chức hoặc cá nhân đăng ký thủ tục đầu tư và cần giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi tập trung.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ
- Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ sẽ thẩm định nội dung hồ sơ trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ.
- Trường hợp hồ sơ chưa đạt yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền sẽ yêu cầu tổ chức hoặc cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
- Trường hợp hồ sơ đạt yêu cầu, trong thời hạn 20 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền sẽ thành lập đoàn đánh giá điều kiện thực tế của cơ sở chăn nuôi theo quy định tại Điều 24 Nghị định 13/2020/NĐ-CP.
- Nếu cơ sở chăn nuôi không đáp ứng điều kiện, trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày lập biên bản đánh giá, tổ chức hoặc cá nhân phải khắc phục và gửi báo cáo kết quả khắc phục bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền để được thẩm định và đánh giá lại điều kiện thực tế (nếu cần thiết).
- Trường hợp cơ sở đáp ứng điều kiện, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đánh giá điều kiện thực tế, cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi theo Mẫu số 05 (Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 13/2020/NĐ-CP); trong trường hợp từ chối, cơ quan sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối.
Xem thêm: Chuyển đổi mục đích sử dụng đất ruộng sang chăn nuôi? Xây dựng chuồng trại chăn nuôi có phải xin phép không ? Gọi ngay tới tổng đài 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: lienhe@luatminhkhue.vn để được Luạt Minh Khuê hỗ trợ và giải đáp thắc mắc nhanh chóng.