1. Dịch vụ thi công xây dựng công trình là gì?

Dịch vụ thi công xây dựng công trình là một loại hình dịch vụ chuyên nghiệp, trong đó nhà thầu sẽ thực hiện các công việc liên quan đến việc xây dựng, cải tạo, sửa chữa hoặc nâng cấp các công trình xây dựng theo yêu cầu của chủ đầu tư. Dịch vụ thi công xây dựng công trình bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, như thiết kế, lập dự toán, lựa chọn vật liệu, thi công, giám sát, kiểm tra, nghiệm thu và bàn giao. Do đó, dịch vụ thi công xây dựng công trình đòi hỏi nhà thầu phải có đội ngũ kỹ sư, kiến trúc sư, thợ xây và các nhân viên khác có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tế và uy tín trên thị trường; đồng thời việc kinh doanh loại hình dịch vụ này cũng đòi hỏi phải đáp ứng được những yêu cầu, điều kiện được quy định theo pháp luật về xây dựng hiện hành.

Có thể khẳng định rằng, việc kinh doanh dịch vụ thi công xây dựng công trình không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành xây dựng và xã hội.

 

2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ thi công xây dựng công trình

Điều kiện kinh doanh dịch vụ thi công xây dựng công trình là những yêu cầu mà doanh nghiệp phải đáp ứng để được cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thi công xây dựng công trình. 

Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là Luật Xây dựng năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/03/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về dự án quản lý đầu tư xây dựng, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện để được cấp phép kinh doanh dịch vụ thi công xây dựng công trình. Đó là 03 điều kiện chung đối với tổ chức thi công xây dựng công trình cần phải được đáp ứng theo quy định tại Điều 157 Luật Xây dựng năm 2014, được sửa đổi, bổ sung năm 2020, cụ thể như sau:

  • Điều kiện thứ nhất, có đủ năng lực hoạt động thi công xây dựng công trình tương ứng với loại, cấp công trình xây dựng.

Điều 95 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP đã quy định chi tiết, rõ ràng hơn về các điều kiện năng lực của tổ chức thi công xây dựng công trình (mà cụ thể ở đây là tương ứng với các hạng năng lực của tổ chức trong xây dựng) như sau:

- Đối với hạng I:

+ Cá nhân đảm nhận chức danh chỉ huy trưởng công trường phải đủ điều kiện là chỉ huy trưởng công trường hạng I phù hợp với lĩnh vực chuyên môn đảm nhận;

+ Cá nhân phụ trách thi công lĩnh vực chuyên môn có trình độ đại học hoặc cao đẳng nghề phù hợp với công việc đảm nhận và thời gian công tác ít nhất 03 năm đối với trình độ đại học, 05 năm đối với trình độ cao đẳng nghề;

+ Có khả năng huy động đủ số lượng máy móc, thiết bị chủ yếu đáp ứng yêu cầu thi công xây dựng các công trình phù hợp với công việc tham gia đảm nhận;

+ Đã trực tiếp thi công công tác xây dựng của hạng mục công trình, công trình hoặc bộ phận công trình (trong trường hợp thi công công tác xây dựng chuyên biệt) liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ của ít nhất 01 công trình từ cấp I trở lên hoặc 02 công trình từ cấp II trở lên cùng loại đối với trường hợp thi công công tác xây dựng;

+ Đã trực tiếp thi công lắp đặt thiết bị của hạng mục công trình, công trình liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ của ít nhất 01 công trình từ cấp I trở lên hoặc 02 công trình từ cấp II trở lên đối với trường hợp thi công lắp đặt thiết bị vào công trình.

- Đối với hạng II:

+ Cá nhân đảm nhận chức danh chỉ huy trưởng công trường phải đủ điều kiện là chỉ huy trưởng công trường từ hạng II trở lên phù hợp với lĩnh vực chuyên môn đảm nhận;

+ Cá nhân phụ trách thi công lĩnh vực chuyên môn có trình độ đại học hoặc cao đẳng nghề phù hợp với công việc đảm nhận và thời gian công tác ít nhất 01 năm đối với trình độ đại học, 03 năm đối với trình độ cao đẳng nghề;

+ Có khả năng huy động đủ số lượng máy móc, thiết bị chủ yếu đáp ứng yêu cầu thi công xây dựng các công trình phù hợp với công việc tham gia đảm nhận;

+ Đã trực tiếp thi công công tác xây dựng của hạng mục công trình, công trình hoặc bộ phận công trình (trong trường hợp thi công công tác xây dựng chuyên biệt) liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ của ít nhất 01 công trình từ cấp II trở lên hoặc 02 công trình từ cấp III trở lên cùng loại đối với trường hợp thi công công tác xây dựng;

+ Đã trực tiếp thi công lắp đặt thiết bị của hạng mục công trình, công trình liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ của ít nhất 01 công trình từ cấp II trở lên hoặc 02 công trình từ cấp III trở lên đối với trường hợp thi công lắp đặt thiết bị vào công trình.

- Đối với hạng III:

+ Cá nhân đảm nhận chức danh chỉ huy trưởng công trường phải đủ điều kiện là chỉ huy trưởng công trường từ hạng III trở lên phù hợp với lĩnh vực chuyên môn đảm nhận;

+ Cá nhân phụ trách thi công lĩnh vực chuyên môn có trình độ đại học hoặc cao đẳng nghề phù hợp với công việc đảm nhận;

+ Có khả năng huy động đủ số lượng máy móc, thiết bị chủ yếu đáp ứng yêu cầu thi công xây dựng các công trình phù hợp với công việc tham gia đảm nhận.

  • Điều kiện thứ hai, chỉ huy trưởng công trường có chuyên môn và năng lực hành nghề thi công xây dựng công trình phù hợp.

Đối với chỉ huy trưởng công trường, cần tuân theo các điều kiện hành nghề đã được quy định cụ thể tại Điều 74 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, mà ở đây cũng tương ứng với các hạng như sau:

- Đối với hạng I: Có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng I hoặc đã làm chỉ huy trưởng công trường phần việc thuộc nội dung hành nghề của ít nhất 01 công trình từ cấp I hoặc 02 công trình từ cấp II cùng lĩnh vực trở lên;

- Đối với hạng II: Có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng II hoặc đã làm chỉ huy trưởng công trường phần việc thuộc nội dung hành nghề của ít nhất 01 công trình từ cấp II hoặc 02 công trình từ cấp III cùng lĩnh vực trở lên;

- Đối với hạng III: Có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng III hoặc đã trực tiếp tham gia thi công xây dựng phần việc thuộc nội dung hành nghề của ít nhất 01 công trình từ cấp III hoặc 02 công trình từ cấp IV cùng lĩnh vực trở lên.

Ngoài ra, phạm vi hoạt động của chỉ huy trưởng công trường tương ứng với các hạng cũng được quy định như sau:

- Đối với hạng I: Được làm chỉ huy trưởng công trường đối với tất cả các công trình thuộc lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hoặc thuộc lĩnh vực công trình đã làm chỉ huy trưởng công trường;

- Đối với hạng II: Được làm chỉ huy trưởng công trường đối với công trình từ cấp II trở xuống thuộc lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hoặc thuộc lĩnh vực công trình đã làm chỉ huy trưởng công trường;

- Đối với hạng III: Được làm chỉ huy trưởng công trường đối với công trình cấp III, cấp IV thuộc lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hoặc thuộc lĩnh vực công trình đã tham gia thi công xây dựng.

  • Điều kiện thứ ba, có thiết bị thi công đáp ứng yêu cầu về an toàn và chất lượng xây dựng công trình.

Ở đây, có thể hiểu rằng thiết bị thi công đáp ứng yêu cầu về an toàn và chất lượng xây dựng công trình là những thiết bị được sử dụng trong quá trình thi công các hạng mục xây dựng, như máy xúc, máy đào, máy trộn bê tông, cẩu tháp, giàn giáo, … Những thiết bị này phải được kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo hoạt động an toàn và hiệu quả, không gây nguy hiểm cho người lao động và môi trường xung quanh. Ngoài ra, những thiết bị này cũng phải phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định của nhà thầu và chủ đầu tư, để đảm bảo chất lượng xây dựng công trình theo yêu cầu và quy định của pháp luật hiện hành.

Chúng tôi có đội ngũ tư vấn viên chuyên nghiệp, nhiệt tình và thân thiện, luôn sẵn sàng tiếp nhận và hỗ trợ quý vị 24/7. Quý vị có thể liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900.6162 hoặc gửi email đến lienhe@luatminhkhue.vn để được tư vấn pháp luật trực tuyến. Chúng tôi cam kết phản hồi nhanh chóng và hiệu quả, đảm bảo đáp ứng mọi yêu cầu pháp lý của quý vị.