Mục lục bài viết
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Doanh nghiệp của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900 6162
1. Điều kiện thành lập trường đại học
Theo quy định tại Điều 22 Luật Giáo dục đại học năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2018, cơ sở giáo dục đại học được thành lập hoặc được cho phép thành lập khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Có dự án thành lập phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đã được phê duyệt;
- Có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của cơ sở giáo dục đại học về việc thành lập cơ sở giáo dục đại học và xác nhận về quyền sử dụng đất;
- Có diện tích đất xây dựng trường tại trụ sở chính tối thiểu là 05 ha và đạt bình quân tối thiểu là 25 m2/sinh viên tại thời điểm trường có quy mô đào tạo ổn định sau 10 năm phát triển.
- Có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về khả năng tài chính đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục đại học;
Trong đó:
Nội dung đề án thành lập trường cần nêu rõ các nội dung sau:
+) Tên gọi của cơ sở giáo dục đại học;
+) Ngành, nghề, quy mô đào tạo;
+) Mục tiêu, nội dung, chương trình;
+) Nguồn lực tài chính; đất đai; cơ sở vật chất;
+) Đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý; chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu bộ máy tổ chức, quản lý;
+) Kế hoạch xây dựng và phát triển trường trong từng giai đoạn; thời hạn và tiến độ thực hiện dự án đầu tư; hiệu quả kinh tế - xã hội.
Đối với trường đại học công lập, khi thành lập phải cam kết hoạt động theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập do Chính phủ quy định. Dự án đầu tư xây dựng trường phải được cơ quan chủ quản phê duyệt trong đó xác định rõ nguồn vốn để thực hiện theo kế hoạch.
Đối với trường đại học tư thục, khuyến khích thành lập trường hoạt động không vì lợi nhuận. Trường tư thục phải có vốn đầu tư với mức tối thiểu là 1000 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường); vốn đầu tư được xác định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị để đầu tư và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản; đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường đại học tư thục, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 500 tỷ đồng
Đối với cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài, ngoài các điều kiện nêu trên còn phải đáp ứng điều kiện khác theo quy định của Luật Đầu tư gồm:
- Điều kiện về xin cấp GCN đăng ký đầu tư;
- Điều kiện về xin chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu thuộc trường hợp phải xin chấp thuận chủ trương).
2. Hồ sơ thành lập, cho phép thành lập trường đại học
Hồ sơ thành lập trường đại học gồm hai loại hồ sơ cho hai bước thực hiện:
2.1. Hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương thành lập, cho phép thânhf lập trường đại học. Hồ sơ này gồm có:
- Tờ trình đề nghị phê duyệt chủ trương thành lập của cơ quan chủ quản đối với trường đại học công lập/ đề nghị phê duyệt chủ trương cho phép thành lập của tổ chức hoặc cá nhân đối với trường đại học tư thục;
- Văn bản chấp thuận về việc thành lập trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại địa phương theo quy định tại khoản 3 Điều 88 Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BGDĐT hợp nhất nghị định 135/2018/NĐ-CP và nghị định số 46/2017/NĐ-CP.
- Đề án thành lập trường đại học;
Đối với hồ sơ thành lập trường đại học tư thục, ngoài các văn bản nêu trên thì cần chuẩn bị thêm các văn bản dưới đây:
- Danh sách các thành viên sáng lập;
- Biên bản cử đại diện đứng tên thành lập trường của các thành viên góp vốn;
- Bản cam kết góp vốn xây dựng trường của cá nhân, tổ chức và ý kiến đồng ý của người đại diện đứng tên thành lập trường;
- Danh sách các cổ đông cam kết góp vốn;
- Biên bản thỏa thuận góp vốn.
2.2. Hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học. Hồ sơ này gồm:
- Văn bản phê duyệt chủ trương thành lập hoặc chủ trương cho phép thành lập trường đại học của Thủ tướng Chính phủ;
- Bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu giấy chứng nhận đầu tư đối với việc thành lập trường đại học tư thục do UBND cấp tỉnh cấp;
- Văn bản pháp lý xác nhận về quyền sử dụng đất hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền giao đất hoặc cho thuê đất từ 50 năm trở lên để xây dựng trường, trong đó xác định rõ địa điểm, mốc giới, địa chỉ, diện tích của khu đất nơi trường đặt trụ sở chính;
- Bản quy hoạch xây dựng trường và thiết kế tổng thể đã được cơ quan chủ quản phê duyệt đối với các trường đại học công lập hoặc UBND cấp tỉnh phê duyệt đối với các trường đại học tư thục;
- Văn bản báo cáo chi tiết về tình hình triển khai Dự án đầu tư thành lập trường của cơ quan chủ quản đối với trường đại học công lập hoặc của Ban quản lý dự án kèm theo ý kiến của UBND cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính đối với trường đại học tư thục;
- Dự kiến ngành, nghề đào tạo, cán bộ quản lý và quy mô đào tạo;
- Các văn bản pháp lý xác nhận về vốn của chủ đầu tư do ban quản lý dự án đang được giao quản lý bao gồm:
+) Bản thuyết minh về khả năng đầu tư tài chính, quyết định đầu tư tài chính và điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật của cơ quan chủ quản (đối với trường đại học công lập);
+) Các văn bản xác nhận của ngân hàng nơi mở tài khoản về số tiền hiện có do ban quản lý dự án đang quản lý, các văn bản pháp lý minh chứng về quyền sở hữu tài sản kèm theo văn bản định giá tài sản góp vốn nếu góp vốn bằng tài sản hoặc quyền sở hữu tài sản; các chứng từ liên quan đến số vốn đã được đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị cho trường (có xác nhận của cơ quan tài chính có thẩm quyền về số vốn đã đầu tư xây dựng trường và xác nhận của ngân hàng về số vốn góp trong tài khoản của ban quản lý dự án).
3. Quy trình thành lập trường đại học
Theo Điều 88 Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BGDĐT, quy trình thành lập trường đại học gồm 02 bước:
Bước 1: Xin phê duyệt chủ trương thành lập trường đại học công lập hoặc cho phép thành lập trường đại học tư thục
- Chủ thể đề nghị phê duyệt chủ trương, cho phép thành lập trường đại học gửi 01 bộ hồ sơ tại mục 2.1 hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 88 Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BGDĐT đến Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành tổ chức thẩm định hồ sơ sau đó lập báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương thành lập hoặc cho phép thành lập trường.
- Thời hạn giải quyết: Sau thời hạn 45 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ theo đúng quy định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về kết quả xử lý hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân chủ trì đề án thành lập trường.
Bước 2: Xin quyết định cho phép thành lập họặc cho phép thành lập trường đại học
- Chủ đề án gửi 01 bộ hồ sơ đến tại mục 2.2 hoặc khoản 5 Điều 88 Văn bản hợp nhất nêu trên tới Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nếu hồ sơ không đầy đủ thì trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ đề án biết để sửa đổi, bổ sung.
- Nếu hồ sơ đầy đủ, trong vòng 60 ngày làm việc, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:
+) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tổ chức thẩm định hồ sơ và thẩm định thực tế để đánh giá chính xác về những điều kiện và nội dung đề án.
+) Hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ xin ý kiến bằng văn bản đối với các đề án đáp ứng điều kiện theo quy định.
+) Có văn bản thông báo cho chủ đề án đối với những đề án chưa đủ điều kiện
Hội đồng thẩm định gồm: Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp các ý kiến, hoàn thiện hồ sơ đề án và trình Thủ tướng Chính phủ trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các ý kiến bằng văn bản của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan.
4. Điều kiện để trường đại học được thực hiện hoạt động đào tạo
Sau khi nhận được quyết định cho phép thành lập hoặc phê duyệt chủ trương, Trường đại học chưa thế ngay lập tức thực hiện tuyển sinh và tiến hành hoạt động đào tạo mà phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động theo quy định. Địa điểm xây dựng trường đại học phải bảo đảm về môi trường giáo dục, an toàn cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên theo nội dung tại đề án thành lập trường đã cam kết.
- Có chương trình đào tạo và giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định.
- Có đội ngũ giảng viên cơ hữu và cán bộ quản lý phù hợp với ngành, nghề đào tạo, đạt tiêu chuẩn về phẩm chất và trình độ đào tạo, bảo đảm thực hiện mục tiêu, chương trình giáo dục.
- Có đủ nguồn lực tài chính để bảo đảm hoạt động của nhà trường.
- Có quy chế tổ chức, hoạt động và quy chế tài chính nội bộ của trường.
- Đã thực hiện xin cấp phép cho trường đại học được thực hiện hoạt động đào tạo.
5. Thủ tục cấp phép để trường đại học được hoạt động đào tạo
Hồ sơ cấp phép:
- Tờ trình đề nghị cho phép hoạt động đào tạo;
- Báo cáo tình hình thực hiện cam kết theo Đề án thành lập trường;
- Chương trình đào tạo;
- Bản thuyết minh về các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo gồm:
+) Danh sách trích ngang cán bộ giảng viên cơ hữu và cán bộ quản lý;
+)Thống kê cơ sở vật chất phục vụ đào tạo chung toàn trường, số lượng và diện tích giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm, các loại máy móc thiết bị, giáo trình, tài liệu, sách phục vụ hoạt động giáo dục;
+) Dự kiến chỉ tiêu và kế hoạch tuyển sinh.
Quy trình thực hiện:
Bước 1: Trường Đh gửi 01 bộ hồ sơ nêu trên tới Bộ GD&ĐT>
Bước 2: Bộ GD&ĐT tiếp nhận hồ sơ và tổ chức thẩm định thực tế các điều kiện cho phép hạot động của trường ĐH.
Bước 3: Cấp phép cho trường đại học hoạt động đào tạo.
Thời gian thực hiện: Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đúng quy định.
Nếu hồ sơ không đáp ưugns điều kiện thì thông báo cho trường ĐH biết kết quả về tình trạng hồ sơ đề nghị cho phép hoạt động đào tạo của trường.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp - Công ty luật Minh Khuê