Mục lục bài viết
- 1. Các điều kiện để cơ sở giáo dục mầm non hoạt động giáo dục
- 2. Các trường hợp trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ bị đình chỉ hoạt động giáo dục.
- 3. Các trường hợp giải thể trường mầm non, trường mẫu giáo và nhà trẻ
- 4. Các trường hợp đình chỉ hoạt động giáo dục của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập
- 5. Các trường hợp giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập
>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900 6162
1. Các điều kiện để cơ sở giáo dục mầm non hoạt động giáo dục
Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo. Theo quy định tại Điều 5 Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BGDĐT, cơ sở giáo dục mầm non được hoạt động khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Cơ sở giáo dục mầm non đã được Chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập.
- Có thiết bị, đồ chơi, đồ dùng, tài liệu chăm sóc, giáo dục trẻ em theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Cơ sở giáo dục mầm non có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt tiêu chuẩn bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục mầm non và tổ chức hoạt động giáo dục.
- Có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục mầm non.
- Có quy chế tổ chức và hoạt động của trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ.
- Có đầy đủ các khối công trình phục vụ hoạt động học tập và chăm sóc trẻ mầm non gồm:
+) Khối phòng cho nhóm trẻ, lớp mẫu giáo phải đảm bảo: Phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ, phòng vệ sinh, hiên chơi bảo đảm theo đúng quy chuẩn quy định;
+) Khối phòng phục vụ học tập: Phòng giáo dục thể chất, phòng giáo dục nghệ thuật hoặc phòng đa chức năng;
+) Khối phòng tổ chức ăn: Khu vực nhà bếp và kho phải đảm bảo vệ sinh, an toàn, sạch sẽ, bảo quản thực phẩm theo quy định pháp luật để đảm bảo chất lượng thức ăn cho trẻ;
+) Khối phòng hành chính quản trị gồm: Văn phòng trường, phòng hiệu trưởng, phòng phó hiệu trưởng, phòng hành chính quản trị, phòng y tế, phòng bảo vệ, phòng dành cho nhân viên, khu vệ sinh cho giáo viên, cán bộ, nhân viên, khu để xe cho giáo viên, cán bộ, nhân viên;
+) Sân chơi gồm: Sân chơi của nhóm, lớp; sân chơi chung
- Đã được cấp phép hoạt động giáo dục bởi người có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
2. Các trường hợp trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ bị đình chỉ hoạt động giáo dục.
Theo quy định tại Điều 8 Văn bản hợp nhất số 07, trường mẫu giáo, trường mầm non và nhà trẻ bị đình chỉ hoạt động khi:
- Cơ sở có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục;
- Cơ sở không bảo đảm một trong các điều kiện để được phép hoạt động giáo dục nêu trên.
- Người cho phép cơ sở hoạt động giáo dục không đúng thẩm quyền;
- Cơ sở không triển khai hoạt động giáo dục trong thời hạn 01 năm kể từ ngày được phép hoạt động giáo dục;
- Hoặc có vi phạm các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ở mức độ phải đình chỉ theo quy định hiện hành;
- Và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Trình tự, thủ tục đình chỉ hoạt động giáo dục:
Thẩm quyền quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục của trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ: Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Quy trình thực hiện:
Bước 1: Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập đoàn kiểm tra, tổ chức kiểm tra, lập biên bản kiểm tra đánh giá tình trạng thực tế sau đó thông báo cho trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ về hành vi vi phạm;
Thời điểm thành lập đoàn kiểm tra: Khi phát hiện trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ vi phạm một trong những trường hợp bị đình chỉ nêu trên.
Bước 2: Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định đình chỉ hay không đình chỉ hoạt động giáo dục trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo cho trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ về việc phát hiện hành vi vi phạm.
Bước 3: Ra quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục
Nội dung quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục đối với trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ phải có các nội dung rõ ràng về lý do đình chỉ, thời hạn đình chỉ, biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, giáo viên, cán bộ và nhân viên trong trường và phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
3. Các trường hợp giải thể trường mầm non, trường mẫu giáo và nhà trẻ
Trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ bị giải thể nếu rơi vào một trong các trường hợp quy định tại Điều 9 văn bản hợp nhất số 07 như sau:
- Thứ nhất, cơ sở có vi phạm nghiêm trọng các quy định về tổ chức, hoạt động của trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ;
- Thứ hai, khi đã hết thời gian đình chỉ hoạt động giáo dục ghi trong quyết định đình chỉ hoạt động mà cơ sở vẫn không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ;
- Thứ ba, khi mục tiêu và nội dung hoạt động trong quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non hoặc nhà trẻ không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội;
- Thứ tư, giải thể theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ.
Quy trình giải thể trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ:
Thẩm quyền ra quyết định giải thể trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Hồ sơ giải thể gồm:
- Quyết định thành lập đoàn kiểm tra của Ủy ban nhân nhân cấp huyện.
- Biên bản kiểm tra cơ sở;
- Tờ trình đề nghị giải thể của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Văn bản hợp nhất số 07.
- Hoặc tờ trình đề nghị giải thể của Phòng Giáo dục và Đào tạo trong đó xác định rõ lý do đề nghị giải thể kèm theo các chứng cứ chứng minh trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ vi phạm quy định tại các trường hợp thứ 1, 2 và 3 nêu trên.
Trình tự, thủ tục giải thể:
Bước 1:
- Đối với trường hợp tự giải thể theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trường thì Tổ chức, cá nhân đã đề nghị thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ đề nghị giải thể tới Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Đối với các trường hợp còn lại, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các phòng có liên quan khi phát hiện hoặc có báo cáo của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân về việc trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ có hành vi vi phạm tiến hành kiểm tra xác minh, lập hồ sơ giải thể trong đó phải nêu rõ lý do giải thể, thông báo cho trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện. Thời gian thực hiện: Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện hoặc nhận được tin báo vi phạm.
Bước 2: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét quyết định giải thể hay không giải thể trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị giải thể.
Bước 3: Ra quyết định giải thể.
Quyết định giải thể trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ phải có đầy đủ các nội dung sâu: lý do giải thể, quy định biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, giáo viên, cán bộ và nhân viên trong trường; phương án giải quyết các tài sản của trường, bảo đảm tính công khai, minh bạch và phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
4. Các trường hợp đình chỉ hoạt động giáo dục của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập
Theo quy định tại Điều 13 văn bản hợp nhất số 07, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập bị đình chỉ hoạt động giáo dục khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:
- Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập không bảo đảm một trong các điều kiện thành lập theo quy định.
- Vi phạm các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ở mức độ phải đình chỉ theo quy định hiện hành.
Quy trình thực hiện đình chỉ hoạt động giáo dục:
Thẩm quyền ra quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã:
Trình tự thực hiện:
Bước 1: Khi xảy ra các trường hợp bị đình chỉ hoạt động, Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành lập đoàn kiểm tra, tổ chức kiểm tra, lập biên bản kiểm tra đánh giá tình trạng thực tế.
Bước 2: Căn cứ biên bản kiểm tra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.
Nội dung quyết định đình chỉ cần ghi rõ lý do, thời hạn đình chỉ hoạt động giáo dục, biện pháp khắc phục và phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng;
5. Các trường hợp giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập
Theo quy định tại Điều 14, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập bị giải thể nếu rơi vào một trong các trường hợp sau đây:
- Thứ nhất là đã hết thời hạn đình chỉ ghi trong quyết định đình chỉ mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ;
- Thứ hai là cơ sở vi phạm nghiêm trọng các quy định về tổ chức và hoạt động của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập;
- Thứ ba là giải thể theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.
Trình tự, thủ tục giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập:
Thẩm quyền ra quyết định giải thể: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập
Quy trình giải thể:
Bước 1: Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm tra, lập biên bản;
Bước 2: Căn cứ biên bản kiểm tra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thu hồi giấy phép thành lập và quyết định giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.
Nội dung quyết định giải thể phải ghi rõ lý do, các biện pháp bảo đảm lợi ích hợp pháp của trẻ em, giáo viên, nhân viên và phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Lưu ý, Hồ sơ đề nghị hoạt động trở lại với trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ bị đình chỉ hoạt động gồm:
- Tờ trình cho phép hoạt động giáo dục trở lại;
- Quyết định thành lập đoàn kiểm tra;
- Biên bản kiểm tra.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Các thông tin nêu trên có giá trị tham khảo. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.