Mục lục bài viết
Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Doanh nghiệp của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900 6162
1. Cơ sở pháp lý:
- Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017
2. Doanh nghiệp nhỏ và vừa là gì?
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không đưa ra một định nghĩa chung về doanh nghiệp nhỏ và vừa mà quy định tiêu chí để xác định thế nào là một doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó tại Điều 4, và hướng dẫn tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP thì: Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây:
- Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng;
- Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ. Điều này được hướng dẫn cụ thể tại chương II từ Điều 6 đến Điều 11 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP.
3. FTA là gì?
Hiệp định thương mại tự do (FTA – Free Trade Agreement) được hiểu là các hiệp định hợp tác kinh tế được ký giữa hai hay nhiều thành viên nhằm loại bỏ các rào cản với phần lớn hoạt động thương mại đồng thời thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các nước thành viên với nhau. Các rào cản thương mại có thể dưới dạng thuế quan, quota nhập khẩu, các hàng rào phi thuế quan khác như tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về vệ sinh dịch tễ, …
4. FTA tạo ra thách thức đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Một là, do quy mô vốn nhỏ nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có điều kiện đầu tư nhiều vào nâng cấp, đổi mới máy móc, mua sắm thiết bị công nghệ hiện đại. Vốn ngân hàng đóng vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa , nhưng thực tế nhóm doanh nghiệp này rất khó tiếp cận được. Tại Lễ phát động Phong trào thi đua “doanh nghiệpViệt Nam hội nhập và phát triển”, Ông Bùi Ngọc Tường, Tổng Giám đốc doanh nghiệp chuyên vận hành, quản lý các nhà máy nước sạch, cho biết doanh nghiệp của ông đang phải vay vốn ngân hàng với lãi suất lên tới 11%/năm tại các ngân hàng thương mại tư nhân. doanh nghiệp không thể tiếp cận được với nguồn vốn lãi suất thấp của nhóm ngân hàng quốc doanh, vì thiếu tài sản đảm bảo. “Diện tích nhà xưởng, đất của chúng tôi được Nhà nước cho thuê miễn phí, cán bộ ngân hàng nói nếu xảy ra rủi ro không thể thu hồi đất này (theo ông Tường).
Hai là, khó khăn về nguồn nhân lực. Đối với doanh nghiệpđể bước lên bục vinh quang và được vinh dự là doanh nghiệp thành công thì nguồn vốn không hoàn toàn là yếu tố quyết định mà cốt lõi chính là tư duy và định hướng của người chủ doanh nghiệp. Nói cách khác, doanh nghiệp thành công phụ thuộc vào tầm nhìn của ông chủ và trình độ của lãnh đạo doanh nghiệp. Bên cạnh các chủ doanh nghiệp có xuất phát điểm từ hoàn cảnh khó khăn nhưng nhờ có trình độ, động cơ phát triển và họ đã thành công thì có không ít các “ông bà chủ” doanh nghiệp giàu lên từ hoạt động các lĩnh vực không liên quan kinh tế. Họ thành lập doanh nghiệp, mặc nhiên trở thành giám đốc, và là chủ doanh nghiệp. Đối với các vị “công tử đại gia” này nếu khả năng của họ có hạn mà không có tầm nhìn và sử dụng người thì chắc chắn doanh nghiệp hoạt động khó có hiệu quả…
Ba là, việc nắm bắt thông tin về FTA là vô cùng quan trọng vì nó có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hiện vẫn chưa được trang bị đầy đủ hoặc ít quan tâm về những lợi thế mà FTA và các tổ chức kinh tế khác (CPTPP, AEC…) Việt Nam đã gia nhập mang lại.
Bốn là, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phát triển chủ yếu theo chiều rộng (tăng về số DN, lao động, vốn), nhưng chưa cải thiện nhiều về chất lượng và chiều sâu.
Năm là, thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước đang tràn ngập các mặt hàng nhập khẩu có chất lượng, thương hiệu và giá cả cạnh tranh hơn từ các nước đối tác. Đây là thách thức lớn đối với các nhà sản xuất trong nước. Hàng hóa Việt Nam chưa có nhiều thương hiệu hấp dẫn khách hàng và chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản…
Sáu là, môi trường kinh doanh của Việt Nam dù đã được cải thiện đáng kể, nhưng chưa đủ minh bạch, thông thoáng và còn thiếu một hệ thống pháp luật đồng bộ, hiệu quả. Trong khi đó, việc cải cách khung thể chế kinh tế sẽ đòi hỏi bản thân các doanh nghiệp phải tái cấu trúc cách tổ chức hoạt động, cách sử dụng các nguồn lực, cũng như hệ thống công nghệ… có như vậy, doanh nghiệp mới có thể tồn tại trong môi trường kinh doanh thay đổi.
Bảy là, nguồn lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm, thâm nhập thị trường và phân phối sản phẩm do thiếu thông tin về thị trường, công tác marketing còn kém hiệu quả. Điều đó làm cho các mặt hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiêu thụ trên thị trường, năng lực kinh doanh còn hạn chế.
5. Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa
5.1. Giải pháp tầm vĩ mô của Nhà nước và xã hội
Một là, Ttrong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay Chính phủ cần quan tâm nuôi dưỡng, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt từng bước có năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế; hình thành được các sản phẩm, thương hiệu Việt danh tiếng, mang tầm khu vực và thế giới; tăng cường hợp tác liên kết khu vực DN trong nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị và mạng phân phối toàn cầu. Sản xuất kinh doanh hiệu quả đi liền với bảo vệ môi trường.
Hai là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện khung chính sách, hành lang pháp lý tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.
Ba là, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua công tác đào tạo, phổ biến, tuyên truyền về các khía cạnh, lĩnh vực cam kết của các Hiệp định WTO, TPP và FTA… tổ chức biên soạn các cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp về các cam kết trong những hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết.
Bốn là, nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số đánh giá đầy đủ, hiệu quả về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với các cơ quan Chính phủ, các địa phương có chỉ số yếu kém, chậm phát triển. Trên cơ sở đó, cải thiện chất lượng phát triển doanh nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, đáp ứng được xu hướng hội nhập quốc tế.
Năm là, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư phát triển khoa học công nghệ để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp… thông qua ưu đãi cụ thể như: doanh nghiệp thay đổi máy thiết bị mới ưu tiên vay vốn lãi suất thấp; miễn giảm thuế một số năm.
Sáu là, giải quyết tình trạng thiếu vốn cho doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp thiếu vốn thì các ngân hàng kinh doanh và ngay cả Quỹ hỗ trợ phát triển không giải ngân được do những thủ tục quy định giá chặt chẽ của Nhà nước, làm cho các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh gặp nhiều khó khăn khi vay vốn hoặc khi doanh nghiệp có nhu cầu được bảo lãnh vay vốn. Vì vậy, cần có những quy định thông thoáng hơn để có sự bình đẳng trong chính sách vay vốn. Nhà nước cần tạo ra một khung pháp lý hợp lý hơn đối với các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là: doanh nghiệp nhỏ và vừa , chẳng hạn như: Cho phép dùng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn liên doanh với các tổ chức và cá nhân nước ngoài, giảm phí tiền sử dụng và chuyển mục đích sử dụng đất, giảm phiền hà trong thủ tục thuê đất đai…
5.2. Giải pháp tầm vi mô đối với các doanh nghiệp
Một là, để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nâng cao nhận thức, chủ động trang bị kiến thức, tìm hiểu sâu các quy định của WTO, các cam kết trong các Hiệp định CPTPP, hiệp định FTA… từ đó tận dụng cơ hội, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh để doanh nghiệp phát triển… doanh nghiệp phải hoạt động sản xuất kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp, đúng pháp luật, bắt nhịp được những chuẩn mực của khu vực và quốc tế, doanh nhân phải năng động sáng tạo, có kiến thức, có bản lĩnh kinh doanh dám đương đầu với hội nhập để vươn ra biển lớn.
Hai là, trong cạnh tranh thương mại, các doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn phải nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ thương hiệu, sản phẩm, trí tuệ kinh doanh, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp mình. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã đối mặt với các vấn đề về bản quyền, sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp... dẫn tới hàng loạt các vụ tranh chấp, mâu thuẫn gây phiền hà cho hoạt động sản phẩm kinh doanh. Bởi vậy, tuân thủ quy tắc hoạt động của doanh nghiệp và biết bảo vệ các “nguồn tài nguyên” của doanh nghiệp sẽ giúp cho chính mỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển thật sự.
Ba là, trong kinh doanh, khách hàng hay người tiêu dùng của mỗi doanh nghiệp luôn được coi là “thượng đế”. Các “thượng đế” luôn đòi hỏi nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đáp ứng các nhu cầu mong muốn của mình. Do vậy, bằng việc cung cấp sản phẩm tốt, chất lượng, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, thỏa mãn nhu cầu khách hàng thì các doanh nghiệp đã tự tạo dựng được vị thế riêng cho mình. Việc nắm bắt nhu cầu, tâm lý của khách hàng hoặc nhóm khách hàng phù hợp với loại hình, ngành nghề kinh doanh của mỗi doanh nghiệp cũng chính là một giải pháp mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể thực hiện được và tạo ra những kết quả vô cùng khả quan.
Bốn là, mỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có phương hướng phát triển thông qua các kế hoạch, chiến lược, tầm nhìn, sứ mệnh hoạt động cụ thể. Đây được coi là cẩm nang cho sự phát triển của doanh nghiệp, đồng thời đây cũng chính là những hướng đi phù hợp nhất để mỗi doanh nghiệp nhanh chân bước tới thành công. Một giải pháp cũng được áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đó là xây dựng tầm nhìn ngắn, trung và dài hạn trong sự phát triển của doanh nghiệp mình bằng việc xác định rõ các vấn đề về kinh tế, khách hàng, sự cạnh tranh, định hướng tương lai, triển vọng của doanh nghiệp, tính chuyên môn hóa cao trong việc tiếp xúc với khách hàng, uy tín, thương hiệu và giá trị cốt lõi mà mỗi doanh nghiệp cung cấp cho thị trường, xã hội...
Năm là, để hạn chế tối đa các thất bại như buộc phải giải thể, tự giải thế, tình trạng kinh doanh bị trì trệ, tạm, ngưng hoạt động thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần thiết phải xác định được phạm vi và đối tượng mà doanh nghiệp mình hướng tới. Nói cách khác, trên cơ sở quy mô, tiềm lực của loại hình doanh nghiệp mình, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có chiến lược phù hợp trong việc lựa chọn thị trường, phân khúc thị trường để khai thác, kinh doanh. Có thể nói, chọn lựa phân khúc thị trường phù hợp là một giải pháp và đồng thời cũng là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, an toàn cho sự phát triển ổn định của mỗi doanh nghiệp.
Sáu là, chính mỗi doanh nghiệp cần khai thác hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, thúc đẩy cho sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa như: các giải pháp hỗ trợ từ nhà đầu tư trong và ngoài nước; các chính sách, kế hoạch hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn, tài chính, công nghệ, quản trị, kinh doanh... Đồng thời, sự liên minh, liên kết của nhóm doanh nghiệp kinh doanh, hoạt động cùng ngành nghề dưới các hình thức như hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên danh... cũng là một giải pháp phù hợp nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của mỗi doanh nghiệp.
Bảy là, tận dụng tối đa những tiềm lực về vốn, nhân lực, thị trường, văn hóa, kinh nghiệm kinh doanh của các doanh nghiệp lớn để từ đó có nền tảng giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa học tập hoặc nhận được sự giúp đỡ trực tiếp từ các doanh nghiệp lớn. Đây cũng chính là sự tự thân vận động quan trọng của mỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa trong kế hoạch thực hiện các chiến lược, mục tiêu kinh doanh của mình cùng với các đối thủ nặng ký trên thị trường. Hiểu về đối thủ và cân bằng hài hòa được các lợi ích với đối thủ trong kinh doanh sẽ tạo những cơ hội phát triển ổn định cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều đó đồng nghĩa rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần biết cách giữ mối quan hệ tốt đẹp với các doanh nghiệp lớn trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Trên đây là bài chia sẻ của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập