Sáng ngày 15/09/2016 tôi quay lại cơ sở để sửa xe, được tư vấn thay thế một số linh kiện tổng trị giá 1.200.000đ. Tôi xuất trình sổ bảo hành chính hãng còn hiệu lực (3 năm từ ngày mua xe là tháng 2/2015) và hỏi tại sao trong thời gian bảo hành thay thế linh kiện nằm trong máy xe lại mất phí, kỹ thuật viên của X thông báo là các linh kiện này không nằm trong danh mục thay thế miễn phí, tôi đồng ý thay thế và thanh toán chi phí 1.200.000đ. Nhật Việt không thực hiện ghi nhận việc sửa chữa vào sổ bảo hành chính hãng của tôi mà thực hiện cấp sổ mới của X

- Chiều ngày 15/09/2016 chiếc xe tiếp tục bị chết máy, tôi liên hệ với công ty X để thông báo và được đề nghị quay lại garage để kiểm tra. Sáng 16/09/2016 tôi quay lại X và được tư vấn tiếp tục thay thế linh kiện. Tôi không đồng ý và phản hồi sẽ đem xe đến cơ sở bán xe để kiểm tra lại. Kỹ thuật viên X phản hồi với tôi đề nghị không xuất trình sổ bảo hành của X khi đi kiểm tra và không cung cấp thông tin xe đã thay thế linh kiện.

- Nhận thấy thông tin không phù hợp, tôi đã liên hệ tổng đài hỗ trợ khách hàng của Yamaha và được thông tin Công Ty TNHH X Mô Tô không thuộc danh sách đại lý ủy quyền hay cơ sở bảo hành của Yamaha. Đồng thời tôi được phản hồi tất cả linh kiện đã thay thế tại cơ sở ngoài phạm vi đại lý/cơ sở ủy quyền chính thưc của Yamaha sẽ không được bảo hành theo chính sách đang duy trì (3 năm từ ngày mua xe).

Kính đề nghị Quý Luật sư tư vấn giúp:

1. Trường hợp Công Ty TNHH X Mô Tô không thuộc danh sách đại lý ủy quyền/cơ sở bảo hành chính hãng của Yamaha nhưng sử dụng dấu hiệu nhận diện (tên nhãn hiêu, logo) của Yamaha tại biển hiệu gây nhầm lẫn cho Khách hàng có vi phạm quy định của pháp luật không?

2. Trường hợp kĩ thuật viên của Nhật Việt không cung cấp thông tin đúng sự thật cho tôi (không thông báo là cơ sở X không thuộc phạm vi tôi được sử dụng bảo hành) mà thực hiện thay thế linh kiện dẫn đến vô hiệu chính sách bảo hiểm của hãng xe với chiếc xe của tôi, phát sinh thiệt hại hiện tại là 1.200.000đ và có thể phát sinh thêm trong quá trình sử dụng xe (còn hơn 1 năm bảo hành và hiện tại kĩ thuật viên Nhật Việt đang yêu cầu tôi tiếp tục thay thế linh kiện), trường hợp xấu nhất chiếc xe có lỗi trong quá trình sản xuất tôi sẽ không thể khiếu nại hãng xe vì máy móc của xe không còn nguyên bản, đã bị thay thế, sửa chữa. như vậy:

- Hành vi của kĩ thuật viên Nhật Việt có vi phạm quy định của pháp luật không? Nếu vi phạm chế tài xử lý như thế nào? Tôi có thể khiếu nại đến cơ quan nào để được xử lý?

- Công Ty TNHH X Mô Tô có chịu trách nhiệm liên đới nào trong trường hợp kĩ thuật viên cố tình tư vấn sai sự thật dẫn đến các thiệt hại của tôi hay không?

Rất mong sớm nhận được tư vấn của Quý Luật sư, tôi xin trân trọng cảm ơn!

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn pháp luật dân sự công ty Luật Minh khuê.

>>  Luật sư tư vấn pháp luật dân sự, gọi: 1900.6162

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

I. Cơ sở pháp lý:

Bộ Luật Dân sự 2005

- Luật Sở hữu trí tuệ 2005 Sửa đổi bổ sung năm 2009

II. Nội dung tư vấn:

Trường hợp Công Ty TNHH X Mô Tô không thuộc danh sách đại lý ủy quyền/cơ sở bảo hành chính hãng của Yamaha nhưng sử dụng dấu hiệu nhận diện (tên nhãn hiêu, logo) của Yamaha tại biển hiệu gây nhầm lẫn cho Khách hàng là vi phạm quy định của pháp luật của pháp luật về sở hữu trí tuệ, cụ thể là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của Yamaha. 

Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ: " Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh." Như vậy, tất cả các hành vi của công ty X như bạn cung cấp: "sử dụng dấu hiệu nhận diện (tên nhãn hiệu, logo) của Yamaha" là xâm phạm đến quyền sở hữu công nghiệp của Yamaha đối với tên thương mại "Yamaha", vốn chỉ có Yamaha và các đại lý, cơ sở ủy quyền của Yamaha được sử dụng.

Thứ hai, kĩ thuật viên của công ty X không cung cấp thông tin đúng sự thật cho bạn (không thông báo là cơ sở X không thuộc phạm vi bạn được sử dụng bảo hành) mà thực hiện thay thế linh kiện dẫn đến vô hiệu chính sách bảo hiểm của hãng xe với chiếc xe của bạn, phát sinh thiệt hại hiện tại là 1.200.000đ và có thể phát sinh thêm trong quá trình sử dụng xe (còn hơn 1 năm bảo hành và hiện tại kĩ thuật viên X lại yêu cầu bạn tiếp tục thay thế linh kiện), trường hợp xấu nhất chiếc xe có lỗi trong quá trình sản xuất bạn sẽ không thể khiếu nại hãng xe vì máy móc của xe không còn nguyên bản, đã bị thay thế, sửa chữa. Theo quy định của BLDS, một trong những nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự là thiện chí, trung thực như sau:

"Điều 6. Nguyên tắc thiện chí, trung thực  

Trong quan hệ dân sự, các bên phải thiện chí, trung thực trong việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, không bên nào được lừa dối bên nào."

Trong trường hợp này, nhân viên này đã có hành vi không trung thực trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng dịch vụ sửa chữa xe máy. Do đó, hợp đồng này vô hiệu theo quy định tại Điều 132 BLDS:

"Điều 132. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa  

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình." Theo đó, hậu quả pháp lý khi hợp đồng dịch vụ này vô hiệu là:

"Điều 137. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu  

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường."

Như vậy, bạn được khôi phục lại tình trạng ban đầu của xe máy và được bồi thường theo quy định của pháp luật. Như vậy, người phải chịu trách nhiệm đầu tiền với bạn là nhân viên kĩ thuật đã thực hiện trực tiếp việc thay thế linh kiện cho xe máy của bạn, người này đã có hành vi lừa dối đối với khách hàng về chất lượng dịch vụ của cơ sở này, cũng như đề nghị khách hàng không xuất trình sổ bảo hành của công ty X khi đi kiểm tra và không cung cấp thông tin xe đã thay thế linh kiện. Như vậy, rõ ràng anh này đã có ý lừa dối và che giấu những sai phạm của mình và công ty mình đối với khách hàng đồng thời có những hành vi thay thế linh kiện trong xe máy của bạn gây hư hỏng, gây thiệt hại cho bạn.

Vì kĩ thuật viên này là nhân viên của công ty X, chịu sự quản lý của công ty này, hợp đồng về sửa chữa, thay thế linh kiện của bạn được kí với bên kia là công ty X. Việc sử dụng các nhãn hiệu, logo của công ty này cũng là nguyên nhân của việc làm cho bạn nhầm lẫn công ty X là cơ sở bảo hành của Yamaha, gây thiệt hại cho bạn. Do đó, công ty X cũng phải liên đới chịu trách nhiệm về hành vi trên. Như vậy, bạn có quyền yêu cầu một trong hai bên chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bạn. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 307 BLDS như sau:

"Điều 307. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại  

1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần.

2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

3. Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại."

Để đòi lại quyền lợi và được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, bạn có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại đến Tòa án cấp huyện nơi công ty X đặt trụ sở chính để giải quyết.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự.