Câu hỏi:

Kính chào công ty luật Minh Khuê. Doanh nghiêp chúng tôi có nhu cầu kinh doanh thêm ngành nghề buôn bán thực phẩm chức năng, tuy nhiên khi tìm trong các văn bản pháp luật thì tôi không thấy mã ngành nào liên quan đến thực phẩm chức năng. Vậy luật Minh Khuê có thể cho tôi biết mã ngành của ngành nghề kinh doanh thực phẩm chức năng được quy định ở đâu được không ạ. Trân trọng cảm ơn!

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục Tư vấn pháp luật doanh nghiệp của Công ty Luật Minh Khuê

Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp gọi:1900.6162

Trả lời:

Chào bạn, cám ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi, chúng tôi xin tư vấn như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp

Nghị định 67/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ y tế

Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ y tế

2. Thực phẩm chức năng là gì?

Thực phẩm chức năng là các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên hoặc là thực phẩm trong quá trình chế biến được bổ sung thêm các chất "chức năng". Cũng như thực phẩm thuốc, thực phẩm chức năng nằm ở nơi giao thoa giữa thực phẩm và thuốc và người ta cũng gọi thực phẩm chức năng là thực phẩm thuốc. Sở dĩ thực phẩm chức năng có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh và phòng ngừa bệnh vì nó có khả năng phục hồi tất cả các cấu trúc tế bào trong cơ thể đang bị tổn thương.

Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. Tuỳ theo công thức, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng, thực phẩm chức năng còn có các tên gọi sau: thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, sản phẩm dinh dưỡng y học. Thông tư 43/2014/TT-BYT thì thực phẩm chức năng bao gồm những loại sau:

- Thực phẩm bổ sung (Supplemented Food) là thực phẩm thông thường được bổ sung vi chất và các yếu tố có lợi cho sức khỏe như vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic, prebiotic và chất có hoạt tính sinh học khác.

- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Food Supplement, Dietary Supplement) là sản phẩm được chế biến dưới dạng viên nang, viên hoàn, viên nén, cao, cốm, bột, lỏng và các dạng chế biến khác có chứa một hoặc hỗn hợp của các chất sau đây:

+ Vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic và chất có hoạt tính sinh học khác;

+ Hoạt chất sinh học có nguồn gốc tự nhiên từ động vật, chất khoáng và nguồn gốc thực vật ở các dạng như chiết xuất, phân lập, cô đặc và chuyển hóa.

- Thực phẩm dinh dưỡng y học còn gọi là thực phẩm dinh dưỡng dùng cho mục đích y tế đặc biệt (Food for Special Medical Purposes, Medical Food) là loại thực phẩm có thể ăn bằng đường miệng hoặc bằng ống xông, được chỉ định để điều chỉnh chế độ ăn của người bệnh và chỉ được sử dụng dưới sự giám sát của nhân viên y tế.

- Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt (Food for Special Dietary Uses) dùng cho người ăn kiêng, người già và các đối tượng đặc biệt khác theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX) là những thực phẩm được chế biến hoặc được phối trộn theo công thức đặc biệt nhằm đáp ứng các yêu cầu về chế độ ăn đặc thù theo thể trạng hoặc theo tình trạng bệnh lý và các rối loạn cụ thể của người sử dụng. Thành phần của thực phẩm này phải khác biệt rõ rệt với thành phần của những thực phẩm thông thường cùng bản chất, nếu có.

3. Điều kiện kinh doanh thực phẩm chức năng

Căn cứ vào điều 7 về ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Luật Đầu tư 2020 như sau:

Điều 7. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

1. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

2. Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV của Luật này.

3. Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề quy định tại khoản 2 Điều này được quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

4. Điều kiện đầu tư kinh doanh phải được quy định phù hợp với lý do quy định tại khoản 1 Điều này và phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư.

Theo quy định tại Nghị định 67/2016/NĐ-CP và Nghị định 155/2018/NĐ-CP thì kinh doanh thực phẩm chức năng là việc kinh doanh các sản phẩm là thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế cho nên ngành nghề kinh doanh thực phẩm chức năng không nằm trong danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020.

Tuy nhiên kinh doanh thực phẩm chức năng vẫn là ngành nghề kinh doanh thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật An toàn thực phẩm và thực phẩm chức năng vẫn thuộc diện quản lý trực tiếp của Bộ Y tế cho nên khi các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm chức năng vẫn cần phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Bộ y tế cấp theo quy định tại Nghị định 67/2016/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 155/2018/NĐ-CP. Để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các tổ chức cá nhân kinh doanh, cơ sở sản xuất phải đáp ứng được các điều kiện sau:

Điều 4. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế

1. Tuân thủ các quy định tại Điều 19, 20, 21, 22, 25, 26 và Điều 27 Luật an toàn thực phẩm và các yêu cầu cụ thể sau:

a) Quy trình sản xuất thực phẩm được bố trí theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng;

b) Tường, trần, nền nhà khu vực sản xuất, kinh doanh, kho sản phẩm không thấm nước, rạn nứt, ẩm mốc;

c) Trang thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm dễ làm vệ sinh, không thôi nhiễm chất độc hại và không gây ô nhiễm đối với thực phẩm;

d) Có ủng hoặc giầy, dép để sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm;

đ) Bảo đảm không có côn trùng và động vật gây hại xâm nhập vào khu vực sản xuất và kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm; không sử dụng hoá chất diệt chuột, côn trùng và động vật gây hại trong khu vực sản xuất và kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm;

e) Không bày bán hoá chất dùng cho mục đích khác trong cơ sở kinh doanh phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm.

2. Người trực tiếp sản xuất, kinh doanh phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và được chủ cơ sở xác nhận và không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

4. Mã ngành nghề kinh doanh thực phẩm chức năng

Mã ngành nghề các ngành kinh tế Việt Nam được quy định tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, trong đó. mã ngành sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng như sau:

1079 - 10790: Sản xuất thực phẩm khác chưa được phân vào đâu

Nhóm này gồm:

- Sản xuất súp và nước xuýt;

- Sản xuất thực phẩm đặc biệt như: Đồ ăn dinh dưỡng, sữa và các thực phẩm dinh dưỡng, thức ăn cho trẻ nhỏ, thực phẩm có chứa thành phần hoóc môn;

- Sản xuất gia vị, nước chấm, nước sốt như sốt madonnê, bột mù tạt và mù tạt;

- Sản xuất dấm;

- Sản xuất mật ong nhân tạo và kẹo;

- Sản xuất thực phẩm chế biến sẵn dễ hỏng như: Bánh sandwich, bánh pizza tươi.

Nhóm này cũng gồm:

- Sản xuất các loại trà dược thảo (bạc hà, cỏ roi ngựa, cúc la mã);

- Sản xuất men bia;

- Sản xuất nước cốt và nước ép từ thịt, cá, tôm, cua, động vật thân mềm;

- Sản xuất sữa tách bơ và bơ;

- Sản xuất các sản phẩm trứng, albumin trứng;

- Sản xuất muối thanh từ muối mua, bao gồm muối trộn i ốt;

- Sản xuất các sản phẩm cô đặc nhân tạo;

- Sơ chế, làm sạch, sấy khô tổ yến;

- Sản xuất thực phẩm chức năng.

4632: Bán buôn thực phẩm

Nhóm này gồm: Bán buôn thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản, rau quả, cà phê, chè, đường, sữa và các sản phẩm sữa, bánh kẹo và các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, bột, tinh bột...

Loại trừ:

- Mua rượu vang ở dạng thùng rồi đóng chai mà không làm thay đổi thành phần của rượu được phân vào nhóm 46331 (Bán buôn đồ uống có cồn);

- Bán buôn thức ăn cho động vật cảnh được phân vào nhóm 46329 (Bán buôn thực phẩm khác);

- Pha trộn rượu vang hoặc chưng cất rượu mạnh được phân vào nhóm 1101 (Chưng, tinh cất và pha chế các loại rượu mạnh) và nhóm 1102 (Sản xuất rượu vang).

46321: Bán buôn thịt và các sản phẩm từ thịt

Nhóm này gồm:

- Bán buôn thịt gia súc, gia cầm tươi, đông lạnh, sơ chế;

- Bán buôn các sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm, nội tạng dạng thịt từ gia súc, gia cầm.

Loại trừ: Bán buôn gia súc, gia cầm sống được phân vào nhóm 46203 (Bán buôn động vật sống).

46322: Bán buôn thủy sản

Nhóm này gồm: Bán buôn thủy sản tươi, đông lạnh và chế biến như cá, động vật giáp xác (tôm, cua...), động vật thân mềm (mực, bạch tuộc...), động vật không xương sống khác sống dưới nước.

46323: Bán buôn rau, quả

Nhóm này gồm:

- Bán buôn các loại rau, củ, tươi, đông lạnh và chế biến, nước rau ép;

- Bán buôn quả tươi, đông lạnh và chế biến, nước quả ép.

46324: Bán buôn cà phê

Nhóm này gồm: Bán buôn cà phê hạt, đã hoặc chưa rang, cà phê bột.

46325: Bán buôn chè

Nhóm này gồm: Bán buôn các loại chè đen, chè xanh đã hoặc chưa chế biến, đóng gói, kể cả loại chè đóng gói nhỏ pha bằng cách nhúng gói chè vào nước (chè Lippton, Dilmate...).

46326: Bán buôn đường, sữa và các sản phẩm sữa, bánh kẹo và các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, bột, tinh bột

Nhóm này gồm:

- Bán buôn đường, bánh, mứt, kẹo, sôcôla, cacao...;

- Bán buôn sữa tươi, sữa bột, sữa cô đặc... và sản phẩm sữa như bơ, phomat...;

- Bán buôn mỳ sợi, bún, bánh phở, miến, mỳ ăn liền và các sản phẩm khác chế biến từ ngũ cốc, bột, tinh bột.

46329: Bán buôn thực phẩm khác

Nhóm này gồm:

- Bán buôn trứng và sản phẩm từ trứng;

- Bán buôn dầu, mỡ động thực vật;

- Bán buôn hạt tiêu, gia vị khác;

- Bán buôn thức ăn cho động vật cảnh.

Như vậy, nếu doanh nghiệp muốn thêm ngành nghề kinh doanh thực phẩm chức năng thì doanh nghiệp có thể đăng ký mã ngành 4632: Bán buôn thực phẩm. Chi tiết: bán buôn thực phẩm chức năng và làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm.

Trên đây là các tư vấn của luật Minh Khuê cho câu hỏi của bạn.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật doanh nghiệp - Công ty luật Minh Khuê