Hiệu lực theo thời gian của văn bản quy phạm pháp luật là tính bắt buộc thi hành của văn bản quy phạm pháp luật đối với các chủ thể từ thời điểm văn bản đó phát sinh hiệu lực tới thời điểm văn bản đó hết hiệu lực .

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được quy định như sau:

1. Luật, Nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực kể từ ngày Chủ tịch nước ký lệnh công bố, trừ trường hợp trong văn bản đó xó xác định cụ thể ngày bắt đầu có hiệu lực.

2. Văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước có hiệu lực kể từ ngày đăng công báo, trừ trường hợp văn bản đó quy định cụ thể ngày bắt đầu có hiệu lực;

3. Văn bản quy phạm pháp luật của chính phủ, Thủ tướng chỉnh phủ, Bộ Trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ , Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao và các văn bản pháp luật liên tịch có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Đối với những văn bản được ban hành trong trường hợp khẩn cấp thì có thể có hiệu lực sớm hơn.

Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây: hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản; được thay thế bằng văn bản mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó; bị hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; văn bản quy định chỉ tiết, hướng dẫn thi hành của văn bản hết hiệu lực, đồng thời, cũng hết hiệu lực cùng với văn bản đó, trừ trường hợp được giữ lại toàn bộ hoặc một phần vì còn phù hợp với các quy định của văn bản quy phạm pháp luật mới.

1. Văn bản quy phạm pháp luật là gì?

Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành theo các thủ tục và trình tự đã được quy định trong Luật ban hành các Văn bản quy phạm pháp luật. Nó chứa đựng những quy tắc xử sự chung nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, tạo lập một trật tự pháp lý rõ ràng.
Hoạt động ban hành Văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng cũng như hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước. Yêu cầu đặt ra là phải xây dựng được các Văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với thực tiễn và phải có giải pháp điều chỉnh nếu gây ra những trở ngại đáng kể.

2. Đặc điểm Văn bản quy phạm pháp luật

Văn bản quy phạm pháp luật đóng vai trò quan trọng tạo nên “xương sống” của hệ thống pháp luật và mang những đặc điểm cơ bản sau:

2.1 Do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành

Không phải mọi cơ quan Nhà nước hay thành viên chính phủ đều có quyền ban hành Văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, đặc trưng đầu tiên của Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản đó phải được ban hành bởi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Những cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành Văn bản quy phạm pháp luật bao gồm: Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp. Đối với các Văn bản quy phạm pháp luật liên tịch thì cần có sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội ban hành.

Những cá nhân có thẩm quyền ban hành Văn bản quy phạm pháp luật là Thủ tướng chính phủ; Chánh Toà án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

2.2 Nội dung, trình tự ban hành được quy định cụ thể trong luật

Xuất phát từ vai trò quan trọng đối với các hoạt động quản lý Nhà nước, các Văn bản quy phạm pháp luật phải được ban hành theo thủ tục, trình tự luật định nhằm đảm bảo sự thống nhất, chặt chẽ trong hoạt động xây dựng Văn bản quy phạm pháp luật từ trung ương đến địa phương.

Theo Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật và Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, một Văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội hay Hội đồng nhân dân được ban hành qua các bước: Lập kiến nghị chương trình > Soạn thảo văn bản > Lấy ý kiến đóng góp, ý kiến phản biện > Thẩm định, thẩm tra > Thông qua > Trình ký quyết định > Ban hành, công bố và đăng công báo.

2.3 Chứa đựng các quy tắc xử sự chung mang tính bắt buộc

Văn bản quy phạm pháp luật không đặt ra cho riêng ai mà nó chứa đựng các quy định xử sự chung tác động lên nhiều đối tượng. Đó là một nhóm chủ thể lớn có chung một vài yếu tố như quốc tịch, địa bàn cư trú... hoặc các chủ thể nằm trong điều kiện, hoàn cảnh mà quy phạm pháp luật quy định.

Đó chính là những khuôn mẫu, chuẩn mực mà mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân phải tuân theo khi tham gia các mối quan hệ xã hội được quy tắc đó điều chỉnh. Các Văn bản quy phạm pháp luật luôn có giá trị bắt buộc chung và được đảm bảo thực hiện bởi Nhà nước với nhiều biện pháp như tuyên truyền, giáo dục, tổ chức... và đặt biệt là biện pháp cưỡng chế.

2.4 Được áp dụng nhiều lần trong thực tiễn

Đặc điểm của Văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan quyền lực Nhà nước là được áp dụng nhiều lần trong đời sống xã hội. Tức là các đối tượng tác động của pháp luật phải tuân thủ theo khi rơi và các sự kiện có tính lặp đi lặp lại trên thực tế. Sự thực hiện văn bản không làm chấm dứt hiệu lực của nó.

3. Văn bản quy phạm pháp luật có mấy loại?

Theo điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật gồm 26 loại cụ thể như sau:

  • Hiến pháp của Quốc hội
  • Bộ luật của Quốc hội
  • Luật của Quốc hội
  • Nghị quyết của Quốc hội
  • Pháp lệnh của Ủy Ban Thường Vụ Quốc hội
  • Nghị quyết của Ủy Ban Thường Vụ Quốc hội
  • Nghị quyết liên tịch giữa Ủy Ban Thường Vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
  • Lệnh của Chủ tịch nước
  • Quyết định của Chủ tịch nước
  • Nghị định của Chính phủ
  • Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
  • Quyết định của Thủ tướng Chính phủ
  • Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
  • Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
  • Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ
  • Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước
  • Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
  • Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
  • Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
  • Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện
  • Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện
  • Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã
  • Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã

Không phải văn bản nào do Nhà nước ban hành cũng là Văn bản quy phạm pháp luật. Một số văn bản vẫn mang ý nghĩa pháp lý nhưng lại không phải là Văn bản quy phạm pháp luật như lời tuyên bố, lời hiệu triệu nhằm giải thích chính sách đối nội, đối ngoại của Nhà nước...

4. Những điều cần nhớ về văn bản quy phạm pháp luật.

1. Quốc Hội là cơ quan duy nhất có quyền Lập Hiến và Lập Pháp

2. Hiến pháp là luật cơ bản của NN và có tính pháp lý cao nhất.

3. Căn cứ Hiến pháp, Quốc Hội sẽ ban hành Luật, Nghị quyết.

4. Căn cứ Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của QH: UB Thường vụ QH sẽ ban hành Pháp lệnh, Nghị quyết.

5. Căn cứ Hiến pháp, Luật, Nghị quyết (QH), Pháp lệnh, Nghị quyết
(UBTVQH): Chủ tịch nước ban hành Lệnh, Quyết định.

6. Căn cứ Hiến pháp, Luật, Nghị quyết (QH), Pháp lệnh, Nghị quyết (UBTVQH), Lệnh, Quyết định (CTN): Chính phủ ban hành Nghị quyết, Nghị định

7. Căn cứ Hiến pháp, Luật, Nghị quyết (QH), Pháp lệnh, Nghị quyết (UBTVQH), Lệnh, Quyết định (CTN), Nghị quyết, Nghị định (CP): Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định, Chỉ thị.

8. Căn cứ Hiến pháp, Luật, Nghị quyết (QH), Pháp lệnh, Nghị quyết (UBTVQH), Lệnh, Quyết định (CTN), Nghị quyết, Nghị định CP), Quyết định, Chỉ thị (TTCP): Bộ trưởng, Thủ trưởng ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ ban hành: Quyết định, Chỉ thị, Thông tư.

5. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

1. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm về tiến độ trình và chất lượng dự án, dự thảo văn bản do mình trình.

2. Cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình hoặc cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ban hành văn bản về tiến độ soạn thảo, chất lượng dự án, dự thảo văn bản được phân công soạn thảo.

3. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền được đề nghị tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm về nội dung và thời hạn tham gia góp ý kiến.

4. Cơ quan thẩm định chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình hoặc cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kết quả thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Cơ quan thẩm tra chịu trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kết quả thẩm tra dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

5. Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cơ quan khác, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm về chất lượng văn bản do mình ban hành.

6. Cơ quan, người có thẩm quyền chịu trách nhiệm về việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

7. Cơ quan, người có thẩm quyền chịu trách nhiệm về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc ban hành văn bản quy định chi tiết có nội dung ngoài phạm vi được giao quy định chi tiết.

8. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật được phân công thực hiện.

Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)