Mục lục bài viết
1. Tội buôn lậu thuốc lá chịu hình phạt thế nào?
Thưa luật sư, luật sư cho tôi hỏi người thân của tôi bị bắt do buôn lậu 500 bao thuốc lá (trước đó anh ý đã bị xử lý hành chính về hành vi buôn lậu) thì sẽ bị phạt bao nhiêu năm tù? Người này là người tàn tật (bị mất một cánh tay phải) thì có được giảm nhẹ án hay không?Xin cảm ơn!
>> Tư vấn pháp luật hình sự về tội buôn lậu thuốc lá, gọi: 1900.6162
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới thư mục tư vấn của công ty chúng tôi. Về vấn đề của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:
Khoản 1, Điều 188 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định về tội buôn lậu như sau:
Điều 188. Tội buôn lậu
1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.
Như vậy, có thể thấy, trong trường hợp này, người thân của có thể sẽ bị xử lý theo quy định tại Khoản 1 Điều 188 nêu trên với mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì Điều 51Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 có quy định như sau:
Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
m) Phạm tội do lạc hậu;
n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
r) Người phạm tội tự thú;
s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án
u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
Như vậy, tình tiết người thân của bạn bị tàn tật (mất một cánh tay phải) không phải là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật hình sự nên tình tiết này sẽ không được xem xét để giảm nhẹ.
>> Xem thêm: Tội buôn lậu bị phạt như thế nào theo quy định mới nhất
2. Quy định xử phạt đối với hành vi buôn lậu thuốc lá ?
Thưa luật sư, hành vi buôn lậu thuốc lá từ 200 bao đến dưới 300 báo thì mức phạt là bao nhiêu? Tôi xin chân thành cảm ơn.
>> Luật sư tư vấn luật Hành chính trực tuyến, gọi: 1900.6162
Trả lời:
Điều 25 Nghị định 124/2015/NĐ-CP Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạtd động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sau:
Điều 25. Hành vi vi phạm về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu
1. Đối với hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu, mức phạt tiền như sau:
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng dưới 10 bao (1 bao = 20 điếu, đối với các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu được quy đổi 20g = 1 bao);
b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 10 bao đến dưới 20 bao;
c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 20 bao đến dưới 50 bao;
d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 50 bao đến dưới 100 bao;
đ) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 100 bao đến dưới 200 bao;
e) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 200 bao đến dưới 300 bao;
g) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 300 bao đến dưới 400 bao;
h) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 400 bao đến dưới 500 bao.
2. Đối với hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính; trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
3. Các mức phạt tiền quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này cũng được áp dụng xử phạt hành chính đối với:
a) Người có hành vi vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu;
b) Chủ kho tàng, bến bãi, nhà ở có hành vi tàng trữ hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu;
c) Người có hành vi giao nhận hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Tịch thu phương tiện vận tải được sử dụng để vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu trong trường hợp tang vật có số lượng từ 500 bao trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
c) Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh thuốc lá từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm
Như vậy, theo quy định trên thì hành vi của bạn sẽ chịu mức xử phạt hành chính từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
>> Bài viết tham khảo thêm: Buôn bán thuốc lá lậu khung hình phạt thế nào?
3. Buôn bán thuốc lá lậu trong nội địa thì có bị xử lý không?
Thưa luật sư, xin cho tôi hỏi: thuốc lá ngoại khi nhập lậu về Việt Nam. Nếu ở các tỉnh giáp biên giới bắt được thì là tội buôn lậu. Còn khi đã vận chuyển vào nội địa, trên đường vận chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, khi bị bắt giữ thì xử hành vi gì? Bởi vì đã không còn yếu tố biên giới nữa và nếu xử hành vi buôn lậu là đúng hay sai?
Cảm ơn luật sư.
Luật sư tư vấn quy định pháp luật về hành vi buôn lậu thuốc lá, gọi: 1900.6162
Trả lời:
Điều 191 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định như sau:
Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
1.Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
c) Pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Vận chuyển qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm.
3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a)Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b)Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c)Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Như vậy có thể thấy, trường hợp mà bạn thắc mắc vì không có yếu tố biên giới nên không truy cứu về tội buôn lậu. Tuy nhiên, khi thuốc lá đã vận chuyển vào trong nội địa, được vận chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác thì sẽ bị xử theo tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm theo như điều luật trên.
Mặc dù hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa được miễn trách xử lý hình sự do Luật đầu tư năm 2014 đã loại bỏ thuốc lá điếu nhập lậu ra khỏi diện hàng cấm. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã bổ sung trở lại quy định thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm. Do đó, từ ngày 1/1/2018 trở đi, hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu sẽ bị xử lý hình sự trở lại.
4. Vận chuyển thuốc lá lậu bị xử lý như thế nào?
Chào luật sư, Luật sư cho tôi hỏi: Ông A có chở xe hàng với lô hàng là 3.800 bao thuốc lá lậu. Ông A bị công an phát hiện và bắt giữ. Vậy trường hợp này theo quy định pháp luật ông A sẽ bị xử lý như thế nào? Có bị xử lý trách nhiệm hình sự không ạ?
Tôi cảm ơn.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 191 Bộ Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017 về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm:
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
b) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao; ....
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao
Như vậy, trong trường hợp của ông A, đang vận chuyển 3.800 bao thuốc lá lậu, nên thuộc hành vi quy định tại Điểm e Khoản 2 Điều 191 về hành vi vận chuyển thuốc lá lậu từ 3.000 đến dưới 4.500 bao, chế tài đối với hành vi này là: phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Mức phạt cụ thể sẽ do hội đồng xét xử quyết định dựa trên các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của ông A.
5. Các bộ phim truyền hình có được sử dụng thuốc lá làm đạo cụ diễn xuất hay không?
Kính chào Luật Minh Khuê! Tôi có một câu hỏi kính mong Luật sư tư vấn giúp: Đơn vị tôi kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất phim ảnh, hỗ trợ sản xuất phim ảnh. Tôi được biết Thông tư 25/2018/TT-BVHTTDL sắp có hiệu lực vào ngày 15/11/2018 có quy định hành vi sử dụng thuốc lá trong phim. Vậy, chúng tôi cần phải lưu ý điều gì nếu muốn sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trên phim truyền hình và phải xin phép cơ quan nào ? Thủ tục ra sao?
Trân trọng cảm ơn!
Trả lời:
Thông tư 25/2018/TT-BVHTTDL quy định việc hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh có hiệu lực từ ngày 15/11/2018 thay thế cho Thông tư 02/2014/TT-BVHTTDL quy định việc hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh quy định việc hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh. Trên thực tế, những hạn chế về hình ảnh diễn viên trong tác phẩm phim truyền hình, điện ảnh sử dụng thuốc lá đã được quy định tại Thông tư 02/2014/TT-BVHTTDL. Thông tư 25/2018/TT-BVHTTDL kế thừa những nội dung đó và điểm mới đáng kể là việc quy định phân loại các phim điện ảnh theo mức đọ hạn chế, thời lượng sử dụng hình ảnh diễn viên hút thuốc trong tác phẩm.
Thông tư phân loại thành 4 nhóm tác phẩm điện ảnh: (theo Phụ lục kèm theo Thông tư 25/2018/TT-BVHTTDL)
- Phim được phép phổ biến với mọi đối tượng (P): Không chấp nhận hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án hành vi này hoặc các trường hợp nhằm mục đích nghệ thuật nhưng không miêu tả chi tiết, diễn ra ít, thời lượng rất ngắn.
- Phim cấm phổ biến với khán giả ở lứa tuổi dưới 13 (C13): Không chấp nhận hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án hành vi này hoặc các trường hợp nhằm mục đích nghệ thuật, nhưng không miêu tả chi tiết, mức độ diễn ra hợp lý, thời lượng ngắn.
- Phim cấm phổ biến với khán giả ở lứa tuổi dưới 16 (C16): Không chấp nhận hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án hành vi này hoặc các trường hợp nhằm mục đích nghệ thuật, nhưng không miêu tả chi tiết, mức độ diễn ra không thường xuyên, thời lượng hợp lý.
- Phim cấm phổ biến với khán giả ở lứa tuổi dưới 18 (C18): Không chấp nhận hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án hành vi này hoặc các trường hợp nhằm mục đích nghệ thuật, mức độ diễn ra và thời lượng phù hợp với nội dung phim.
Đối với phim truyền hình là loại phim phổ biến với nhiều đối tượng khán giả. Do đó, việc diễn viên trong tác phẩm truyền hình thể hiện các hành vi: hút, nhai, ngửi, hít, ngậm,...sản phẩm thuốc lá chỉ áp dụng trong trường hợp nhằm phê phán, lên án hành vi này hoặc các trường hợp nhằm mục đích nghệ thuật nhưng không miêu tả chi tiết, diễn ra ít, thời lượng rất ngắn.
Để thực hiện được các mục đích nghệ thuật thì các đơn vị sản xuất phim ảnh phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư 25/2018/TT-BVHTTDL:
Điều 5. Diễn viên sử dụng thuốc lá nhằm mục đích nghệ thuật trong tác phẩm điện ảnh
1. Diễn viên được sử dụng thuốc lá nhằm mục đích nghệ thuật trong tác phẩm điện ảnh trong các trường hợp sau đây:
a) Các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 4 Thông tư này;
b) Các trường hợp nhằm mục đích nghệ thuật khác được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trên cơ sở đề nghị của Hội đồng thẩm định,
2. Trường hợp phim có nhiều cảnh diễn viên sử dụng thuốc lá theo đánh giá của Hội đồng thẩm định thì việc phổ biến phim phải bảo đảm một trong các yêu cầu sau đây:
a) Được phân loại để phổ biến theo lứa tuổi phù hợp. Việc phân loại phim dựa vào các tiêu chí tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Có cảnh báo sức khỏe về tác hại của thuốc lá bằng chữ hoặc hình ảnh.
Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Trân trọng./.