Mục lục bài viết
được quy định trong Luật thư viện số: 46/2019/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2020.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, UBND huyện XX đã có 02 (hai) đợt làm việc tại Thư viện theo đúng yêu cầu của Luật thư viện, cụ thể:
Đợt 01:
Kiểm tra về an toàn phòng chống cháy nổ. Do công an phòng cháy chữa cháy XX thực hiện. Kết quả: ĐẠT.
Đợt 02:
Kiểm tra chuyên môn tại hiện trường. Do cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện XX phối hợp với công an phụ trách an ninh của huyện và cán bộ văn hóa xã tới thư viện để kiểm tra. Kết quả: ĐẠT.
Sau hơn 02 tháng xét duyệt Hồ sơ, mà Phòng Văn hóa - Thông tin huyện XX vẫn chưa có công văn trả lời chính thức. Mặc dù, theo quy định của Luật Thư viện, sau 15 (mười lăm) ngày làm việc thì cơ quan quản lý phải có văn bản trả lời, cho dù là có được cấp phép hay chưa đủ điều kiện cấp phép. Trường hợp không cấp phép phải nêu rõ lý do.
Đầu tháng 03 năm 2021, cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện XX đã gọi điện và thông báo cho thư viện như sau:
(1) Theo Luật thư viện thì hồ sơ đã đủ điều kiện;
(2) Tuy nhiên, cần cân nhắc thêm 02 điều kiện sau với ABC:
(A) Thư viện được đặt trong khuôn viên nhà thờ. Do đó, chỉ có người Công giáo mới tới hưởng các dịch vụ, người ngoài Công giáo sẽ rất ngại tới thư viện. Như vậy, không đúng với ý nghĩa của một thư viện phục vụ cộng đồng;
(B) Có nhiều sách Công giáo do các Linh mục Công giáo soạn, không được phép xuất bản và phổ biến rộng rãi.
Với hai lý do (A) + (B) ở trên, để tránh những phiền toái cho các đợt thanh, kiểm tra của ngành văn hóa về những nội dung được coi là “nhậy cảm” trong tương lai thì Phòng Văn hóa - Thông tin XX quyết định:
“Trả lại hồ sơ và tạm thời chưa cấp phép”.
Xét thấy, 2 lý do viện dẫn trên của cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện XX hoàn toàn không có trong quy định của Luật Thư viện, đi ngược lại chủ trương, chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng và tôn giáo của Đảng và Nhà nước, nên đại diện thư viện đã lên Vụ thư viện thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày sự việc và xin hướng dẫn giải quyết.
Sau khi lắng nghe đầy đủ sự việc thư viện ABC, chuyên viên của Vụ thư viện rất quan tâm, theo dõi sát sao từng diễn biến của vụ việc, anh Sơn đã giải thích Luật và khẳng định rằng ABC đã tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan tới vụ việc.
Nút thắt nằm ở những lập luận chưa phù hợp của cơ quan quản lý địa phương --- cụ thể ở đây là Phòng Văn hóa - Thông tin của huyện XX.
Nhân vụ việc của ABC, nhằm phòng ngừa những rào cản do địa phương dựng lên trong việc xét duyệt và cấp phép hoạt động thư viện trên cả nước, nên Vụ thư viện đã kịp thời ban hành công văn: Khuyến khích hoạt động thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng.
Trong đó, nêu rõ:
Hiện nay, trong quá trình thực thi Luật Thư viện, tại một số địa phương trong cả nước vẫn còn xảy ra tình trạng cơ quan có thẩm quyền chưa nắm rõ quy trình giải quyết thủ tục hành chính, đặt ra các thủ tục, yêu cầu không đúng với tinh thần của Luật Thư viện gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân trong việc thành lập và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng và thư viện cộng đồng.”
Công văn được lưu trữ trên trang của Bộ:
Công văn ban hành ngày 10 tháng 03 năm 2021, nhưng đến nay, Phòng văn hóa thông tin huyện XX vẫn có hướng trả lại hồ sơ cho ABC và không cấp phép, cũng với lý do như trên.
Hôm nay, đã liên lạc với Sở Văn hóa thể thao và du lịch, được biết thông tin như sau:
01. Sở đã nhận được Công văn nêu trên của Bộ, dựa theo đó Sở VH-TTDL NĐ sẽ ban hành công văn gửi xuống Phòng văn hóa thông tin các huyện, trong đó có XX.
Nhưng cụ thể ngày để có được công văn này cũng chưa rõ ràng.
2. Sở VH-TTDL XY đã nắm được vụ việc của Thư viện ABC, và sẽ xác minh vụ việc để giải quyết.
Do đồng chí Giám đốc Sở VH-TTDL tỉnh XY đi công tác, cho nên đồng chí Phó giám đốc cũng chờ đợi và chưa có hướng giải quyết.
Vui lòng cho hỏi:
Thư viện ABC cần làm gì trong tình huống như thế này ? Cảm ơn!
Trả lời:
1. Căn cứ pháp lý điều chỉnh hoạt động của thư viện
- Luật thư viện năm 2019;
- Nghị định 93/2020/NĐ-CP hướng dẫn luật thư viện
- Nghị định 124/2020/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành luật khiếu nại;
2. Quy định thành lập hoặc giải thể thư viện
Điều 23 Luật thư viện 2019 quy định:
Điều 23. Thông báo việc thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động thư viện
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động thư viện phải thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều này.
2. Hồ sơ thông báo bao gồm:
a) Bản sao quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc văn bản thông báo thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động thư viện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
b) Tài liệu chứng minh đủ điều kiện thành lập quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này đối với thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam.
3. Thời hạn thông báo được quy định như sau:
a) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động đối với thư viện công lập;
b) Trước 30 ngày, tính đến ngày thư viện thực hiện việc mở cửa hoạt động, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động đối với thư viện ngoài công lập.
4. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thông báo hợp lệ quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản; trường hợp không đồng ý phải nêu rõ lý do. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tiếp nhận thông báo, nếu hồ sơ thông báo không đủ tài liệu quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm gửi văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân bổ sung hoặc điều chỉnh hồ sơ.
5. Thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ thông báo được quy định như sau:
a) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp nhận hồ sơ thông báo đối với thư viện chuyên ngành ở trung ương, thư viện cấp tỉnh;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ thông báo đối với thư viện chuyên ngành ở cấp tỉnh, thư viện cấp huyện, thư viện đại học, thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam có trụ sở trên địa bàn;
c) Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận hồ sơ thông báo đối với thư viện cấp xã; thư viện cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác; thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng có trụ sở trên địa bàn;
d) Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận hồ sơ thông báo đối với thư viện cộng đồng có trụ sở trên địa bàn.
Khoản 4 Điều luật trên quy định rất rõ: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thông báo hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản; trường hợp không đồng ý phải nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tiếp nhận thông báo, nếu hồ sơ thông báo không đủ tài liệu quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm gửi văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân bổ sung hoặc điều chỉnh hồ sơ.
Tuy nhiên, theo thông tin Qúy khách cung cấp mặc dù đã sau 02 tháng xét duyệt hồ sơ, nhưng mà Phòng Văn hóa - Thông tin huyện XX vẫn chưa có bất kỳ câu trả lời chính thức nào bằng văn bản. Do đó, có thể thấy cơ quan nào đã vi phạm Luật thư viện 2019. Cụ thể là vi phạm Điều 23 Luật thư viện 2019. Việc sau khi tiếp nhận được hồ sơ của Qúy khách nhưng không có văn bản trả lời là hành vi trái với quy định của Luật thư viện và làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của Qúy khách. Vì vậy, theo quy định của Luật khiếu nại 2011 Qúy khách có thể làm đơn khiếu nại đến Phòng Văn hóa - Thông tin huyện XX theo quy định tại Điều 7 Luật khiếu nại 2011:
Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
3. Hình thức khiếu nại (thực hiện theo Điều 8 Luật khiếu nại 2011)
1. Việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.
2. Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn
Trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
3. Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp
Nếu khiếu nại trực tiếp người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 nêu trên.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về “Tư vấn về việc thành lập thư viện”. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và hồ sơ do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để quý khách tham khảo.
Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp. Trân trọng cảm ơn!