Kính gửi công ty Luật Minh Khuê. Hiện nay tôi đang định sản xuất về ngành mỹ phẩm gồm: xà bông thiên nhiên (soap thiên nhiên), nước hoa khô, kem dưỡng da, tinh dầu, và nến. Nhưng hiện tại thì tôi chưa có hiểu rõ về các quy định của pháp luật về ngành nghề mỹ phẩm gồm những gì? Và tôi có một số băn khoăn như:

1. Cơ sở sản xuất cần các tiêu chuẩn gì? (vì tôi thấy cái này bị cơ quan nhà nước làm phiền nhiều lắm)

2. Sản phẩm có cần công bố chất lượng sản phẩm không? Xin phép ở đâu? thủ tục như thế nào?

3. Tại các cửa hàng bán sản phẩm của tôi sản xuất thì cần các loại giấy tờ gì?

4. Việc sản xuất nên xin Doanh nghiệp tư nhân hay công ty?

5. Nơi sản xuất đặt trong khu công nghiệp hay có thể thuê đặt riêng ở ngoài?

6. Tôi thấy có công ty sản xuất mỹ phẩm có tiêu chuẩn cGMP - ASEAN. Vậy tiêu chuẩn đó là gì? làm như thế nào để đạt được tiêu chuẩn đó?

Nếu công ty Luật Minh Khuê thực hiện các loại giấy tờ pháp lý, công bố chất lượng sản phẩm mỹ phẩm cho tôi thì chi phí là bao nhiêu? gồm những loại nào.

Chân thành cảm ơn!

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật doanh nghiệpcủa Công ty Luật Minh Khuê.

>> Luật sư tư vấn luật doanh nghiệp trực tuyến gọi số: 1900.6162

Trả lời 

Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý

Nghị định số 39/2007/NĐ-CP của Chính phủ : Về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh

Thông tư số 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế : Quy định về quản lý mỹ phẩm​

Luật doanh nghiệp năm 2020 số 59/2020/QH14

Nghị định 78/2015/NĐ-CP đăng ký doanh nghiệp

Quyết định 24/2006/QĐ-BYT Về việc triển khai áp dụng và hướng dẫn thực hiện các nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm" của Hiệp hội các nước Đông Nam Á

2. Nội dung phân tích

Trường hợp của bạn là kinh doanh mỹ phầm tự pha chế. Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP quy định các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh:

"Cá nhân hoạt động th­ương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động đ­ược pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác như­ng không thuộc đối t­ượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “th­ương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động th­ương mại sau đây:
a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các th­ương nhân đ­ược phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, n­ước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc ng­ười bán lẻ;
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác."

Cùng với đó là căn cứ vào Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 06/2011/TT-BYT quy định: "Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường phải có chức năng kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam."

=> Vậy trường hợp của bạn không thuộc các trường hợp không cần đăng kí kinh doanh mà còn phải có chức năng kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam.

Bây giờ nếu bạn muốn đăng kí kinh doanh thì bạn có thể chọn đăng kí hộ kinh doanh cá thể tùy vào quy mô sản xuất của bạn. Trình tự thủ tục đăng kí hộ kinh doanh cá thể của bạn dựa trên quy định chung của Luật doanh nghiệp và Nghị định 78/2015/NĐ-CP hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp. Nếu không bạn có thể đăng kí doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn.

3. Trình tự thực hiện đăng ký hộ kinh doanh

Bước 1: Tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ theo hướng dẫn.

Bước 2: Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thuộc văn phòng  UBND cấp huyện tiếp nhận hồ sơ và chuyển sang Bộ phận đăng ký kinh doanh thuộc Phòng Tài chính kế hoạch

Bước 3: Chuyên viên theo dõi kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế (nếu thuộc ngành nghề cần kiểm tra theo qui định). Yêu cầu bổ sung hồ sơ nếu chưa đầy đủ hợp lệ.

Bước 4: Chuyên viên xử lý hồ sơ, trình lãnh đạo phòng ký chuyển lãnh đạo UBND cấp huyện ký và chuyển Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh cho Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả để trả cho hộ kinh doanh.

 - Cách thức thực hiện:

 Hồ sơ nộp trực tiếp tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thuộc văn phòng UBND cấp huyện.

 4. Thành phần hồ sơ

Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh.

Bản sao Giấy chứng minh nhân dân của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình.

Biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.

Đối với những ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề, thì phải có bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của cá nhân hoặc đại diện hộ gia đình.

- Bạn không bắt buộc phải đặt cơ sở sản xuất mỹ phẩm tại khu công nghiệp.

- Trường hợp thuê, mượn địa điểm sản xuất, kinh doanh thì xuất trình thêm Giấy thoả thuận thuê, mượn hoặc hợp đồng thuê, mượn mặt bằng kinh doanh đã được công chứng hoặc chứng thực.

Trường hợp giấy thỏa thuận thuê, mượn hoặc hợp đồng thuê, mượn mặt bằng không công chứng hoặc chứng thực thì xuất trình giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền với đất của bên cho thuê, mượn mặt bằng.

Nếu bạn muốn đăng ký thành lập công ty thì bạn tham khảo tại Điều 20,22 Luật doanh nghiệp 2014

Điều 20. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Bản sao Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của chủ doanh nghiệp tư nhân.

Điều 22. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Danh sách thành viên.

4. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên là cá nhân;

b) Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.

Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.

Còn nơi sản xuất có thể đặt ở trong khu công nghiệp hoặc ở ngoài khu công nghiệp. Pháp luật không hạn chế trong trường hợp này.

Căn cứ vào Điều 1 Quyết định số 24/2006/QĐ-BYT quy định:

"Điều 1. Triển khai áp dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” củaHiệp Hội các nước Đông Nam Á (CGMP-ASEAN) tại các cơ sở sản xuất mỹ phẩm ở Việt Nam."

Vậy CGMP-ASEAN là tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm.

5. Hồ sơ đăng ký kiểm tra theo quy định tại tiết 2.1- II Quyết định 24/2006/QĐ-BYT

Để đạt được tiêu chuẩn này bạn cần tự làm hồ sơ đăng ký kiểm tra theo quy định tại tiết 2.1- II Quyết định 24/2006/QĐ-BYT:

"2.1.Hồ sơ đăng kýkiểm tra lần đầu

Các cơ sở sản xuất mỹ phẩm triển khai áp dụng CGMP-ASEAN tiến hành tự kiểm tra, đánh giá theo nguyên tắc, tiêu chuẩn CGMP-ASEAN, chuẩn bị hồ sơ đăng kí kiểm tra “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm”. Hồ sơ đăng ký kiểm tra bao gồm:

- Bản đăng ký kiểm tra “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” (Mẫu số 01/CGMP-MP)

- Các tài liệu đính kèm:

a.Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập doanh nghiệp.

b.Sơ đồ tổ chức và nhân sự của cơ sở (Sơ đồ tổ chức phải thể hiện rõ tên, chức danh, trình độ chuyên môn kỹ thuật của các cán bộ phụ trách các bộ phận), quá trình công tác và kinh nghiệm trong lĩnh vực được phân công của các cán bộ phụ trách các bộ phận (sản xuất, kiểm tra chất lượng, đảm bảo chất lượng, nhà kho);

c. Chương trình huấn luyện, đánh giá kết quả huấn luyện “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” tại đơn vị;

d. Sơ đồ vị trí và thiết kế của nhà máy, bao gồm Sơ đồ mặt bằng tổng thể; Sơ đồ đường đi của công nhân;Sơ đồ đường đi của nguyên liệu, bao bì, bán thành phẩm, thành phẩm; Sơ đồ hệ thống xử lý chất thải;

e. Danh mục thiết bị hiện có của nhà máy (bao gồm thiết bị sản xuất và thiết bị kiểm tra chất lượng mỹ phẩm - Phải thể hiện được tên thiết bị, năm sản xuất, nước sản xuất và tình trạng của thiết bị);

f. Danh mục các mặt hàng đang sản xuất hoặc dự kiến sản xuất (ghi rõ dạng bào chế).

g. Giấy xác nhận hoặc biên bản nghiệm thu phòng cháy chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền nơi đặt cơ sở sản xuất;

h. Báo cáo các tác động đến môi trường của cơ sở sản xuất kinh doanh kèm theo hồ sơ đã thẩm định, đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.

i. Biên bản tự thanh tra “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” (Biên bản tự thanh tra phải thể hiện rõ thời gian thanh tra, thành phần đoàn tự thanh tra, mục tiêu tự thanh tra. Kết quả tự thanh tra và các đề xuất thời gian và biện pháp khắc phục các tồn tại).

Hồ sơ đăng ký kiểm tra “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” được làm thành 03 bộ, gửi về Cục Quản lý Dược Việt Nam - 138A Giảng Võ - Ba Đình - Hà Nội."

Sau khi cán bộ kiểm tra và làm xong các thủ tục, nếu đạt tiêu chuẩn bạn sẽ được cấp Giấy chứng nhận.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng qua Tư vấn pháp luật miễn phí qua Email  hoặc qua tổng đài luật sư tư vấn1900.6162. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật doanh nghiệp - Công ty luật Minh Khuê