1. Hợp đồng mùa vụ có được nghỉ phép năm ?

Xin chào Luật Minh Khuê, tôi có câu hỏi sau xin được giải đáp: Tôi làm việc từ 7/2018 đến nay. Hợp đồng thời vụ ký từ 7/2018 và lần 2 là từ 10/2018, loại hợp đồng theo mùa vụ. Xin cho tôi hỏi hợp đồng thời vụ có được nghỉ phép năm không, nếu có thì được bao nhiêu ngày?

Tôi xin chân thành cám ơn và mong được luật sư tư vấn giúp.

Người gửi: Tran

Hợp đồng mùa vụ có được nghỉ phép năm ?

Luật sư tư vấn pháp luật lao động qua tổng đài gọi: 1900.6162

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới thư mục tư vấn của Luật Minh Khuê, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau

Căn cứ theo Điều 113 Bộ Luật lao động 2019 thì:

"...

2. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc."

Căn cứ theo Điều 7 Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định về Cách tính số ngày nghỉ hằng năm đối với trường hợp làm không đủ năm:

Số ngày nghỉ hằng năm theo Khoản 2 Điều 114 của Bộ luật lao động được tính như sau: lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm; kết quả phép tính lấy tròn số hàng đơn vị, nếu phần thập phân lớn hơn hoặc bằng 0,5 thì làm tròn lên 01 đơn vị.

Như vậy, theo các quy định trên của pháp luật thì bạn được nghỉ phép năm. Còn về thời gian nghỉ phép của là bao lâu sẽ được tính theo quy định tại Điều 7 Nghị định 45/3013/NĐ-CP.

2. Tư vấn giải quyết chế độ nghỉ phép hàng năm ?

Kính gửi Luật sư Căn cứ điều 111, 114 Bộ luật Lao động ngày 19/06/2012, Nghị định 45/2013 của Chính Phủ Công ty tôi đã giải quyết chế độ nghỉ phép hằng năm cho nhân viên như sau:

Người lao động có đủ 12 tháng làm việc tại Công ty được nghỉ phép hằng năm 12,14 hoặc 16 ngày tùy theo tính chất công việc làm theo danh mục lao động nặng nhọc độc hại, nguy hiểm. Số ngày nghỉ được tăng thêm theo thâm niên cứ mỗi 05 năm tăng thêm 01 ngày. Lịch nghỉ hàng năm được qui định là những ngày nghỉ thêm trong các dịp lễ tết (nếu có), và mỗi tháng người lao động được nghỉ hàng năm ít nhất 01 ngày theo nhu cầu của người lao động số ngày phép còn lại sẽ được nghỉ hết hoặc thanh toán tiền vào tháng thứ 12 kể từ ngày người lao động bắt đầu vào làm việc tại Công ty. Nếu người lao động muốn gia hạn để nghỉ sau hoặc dồn phép nghỉ chung với phép của năm sau cũng được Công ty chấp thuận.

Tuy nhiên lại có ý kiến cho rằng Ngày nghỉ hằng năm phải được giải quyết hết vào tháng 12 hàng năm hoặc chậm nhất là trong quý 1 của năm sau. Số ngày nghỉ hằng năm cho những người làm việc chưa đủ 12 tháng (tính từ ngày vào làm việc đến tháng 12) hoặc tháng trong quý 1 của năm sau và được tính theo cách tính của Điều 7 Nghị định 45: Cách tính số ngày nghỉ hằng năm đối với trường hợp làm không đủ năm Số ngày nghỉ hằng năm theo Khoản 2 Điều 114 của Bộ luật lao động được tính như sau: lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm; kết quả phép tính lấy tròn số hàng đơn vị, nếu phần thập phân lớn hơn hoặc bằng 0,5 thì làm tròn lên 01 đơn vị. Cách tính này Công ty tôi đang áp dụng để kiểm tra số ngày phép hiện có để giải quyết cho người lao động nghỉ khi họ có nhu cầu và giải quyết cho người lao động nghỉ việc mà chưa đến tháng kết phép. Tôi băn khoăn không biết tính như thế nào cho đúng.

Xin luật sư tư vấn: Việc giải quyết chế độ nghỉ hàng năm như Công ty tôi đang làm có phù hợp hay bắt buộc phải kết và giải quyết ngày nghỉ hằng năm vào tháng 12 hay trong quý 1 của năm sau như ý kiến nêu trên. Xin chân thành cảm ơn luật sư!

Người gửi: Y.T

Tư vấn giải quyết chế độ nghỉ phép hàng năm.

Luật sư tư vấn pháp luật lao động về nghỉ phép năm:1900.6162

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng Công ty Luật Minh Khuê, về vấn đề mà bạn thắc mắc, chúng tôi xin được giải đáp và tư vấn như sau:

Về số ngày nghỉ hằng năm của người lao động, Bộ luật Lao động 2019 có quy định:

"Điều 113. Nghỉ hằng năm

1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

2. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

3. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

5. Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.

6. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.

7. Chính phủ quy định chi tiết điều này."

"Điều 114. Ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc

Cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này được tăng thêm tương ứng 01 ngày.

Về vấn đề nghỉ hằng năm của người lao động làm chưa đủ năm thì được quy định ở Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động. như sau:

"Điều 7. Cách tính số ngày nghỉ hằng năm đối với trường hợp làm không đủ năm

Số ngày nghỉ hằng năm theo Khoản 2 Điều 114 của Bộ luật lao động được tính như sau: lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm; kết quả phép tính lấy tròn số hàng đơn vị, nếu phần thập phân lớn hơn hoặc bằng 0,5 thì làm tròn lên 01 đơn vị."

Như vậy, quy định ở công ty bạn về việc nghỉ phép hằng năm của người lao động chưa đúng ở chỗ không thể cộng dồn ngày chưa nghỉ của năm trước vào ngày nghỉ của năm sau. Thay vào đó, với những ngày nghỉ chưa dùng đến này thì công ty bạn phải thanh toán bằng số tiền tương ứng cho người lao động. Tiền lương để làm căn cứ trả tiền được quy định cụ thể tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động như sau:

"Điều 26. Tiền lương làm căn cứ để trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương, tạm ứng tiền lương và khấu trừ tiền lương

...

2. Tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong ngày nghỉ hằng năm tại Điều 111; ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc tại Điều 112; ngày nghỉ lễ, tết tại Điều 115 và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương tại Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật Lao động là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động của tháng trước liền kề, chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày người lao động nghỉ hằng năm, nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương.

3. Tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm tại Điều 114 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:

a) Đối với người lao động đã làm việc từ đủ 06 tháng trở lên là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm. Đối với người lao động chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm vì các lý do khác là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người sử dụng lao động tính trả bằng tiền những ngày chưa nghỉ hằng năm;

b) Đối với người lao động có thời gian làm việc dưới 06 tháng là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của toàn bộ thời gian làm việc.

4. Tiền lương tính trả cho người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm là tiền lương quy định tại Khoản 3 Điều này chia cho số ngày làm việc bình thường theo quy định của người sử dụng lao động của tháng trước liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động tính trả, nhân với số ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm.

5. Tiền lương làm căn cứ để tạm ứng cho người lao động trong thời gian tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định tại Khoản 2 Điều 100 hoặc bị tạm đình chỉ công việc quy định tại Điều 129 của Bộ luật Lao động là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề trước khi người lao động tạm thời nghỉ việc hoặc bị tạm đình chỉ công việc và được tính tương ứng với các hình thức trả lương theo thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định này."

3. Xin nghỉ phép khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự ?

Thưa luật sư, Hiện tại đơn vị của tôi chỉ cho những người có lý do chính đáng như nghỉ phép về đưa người thân đi chữa bệnh. (đã đủ 13 tháng). Còn nếu xin nghỉ phép về để đi chơi thì k cho (đủ điều kiện 13 tháng). Vậy cho tôi hỏi lý do nào là chính đáng để được nghỉ phép ?
- N.T.Đ

Xin nghỉ phép khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự ?

Luật sư trả lời:

Khoản 1 Điều 50 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy đinh về chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân đối với hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời gian phục vụ tại ngũ như sau:

Điều 50. Chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân

1. Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời gian phục vụ tại ngũ:

a) Được bảo đảm cung cấp kịp thời, đủ số lượng, đúng chất lượng về lương thực, thực phẩm, quân trang, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; được bảo đảm chỗ ở, phụ cấp hàng tháng, nhu yếu phẩm và nhu cầu về văn hóa, tinh thần phù hợp với tính chất nhiệm vụ của quân đội; được bảo đảm chế độ trong các ngày lễ, tết; được bảo đảm chăm sóc sức khỏe khi bị thương, bị ốm đau, bị tai nạn theo quy định của pháp luật;

b) Từ tháng thứ mười ba trở đi được nghỉ phép theo chế độ; các trường hợp nghỉ vì lý do đột xuất khác do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định;

c) Từ tháng thứ hai mươi lăm trở đi được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng hàng tháng;

d) Được tính nhân khẩu trong gia đình khi gia đình được giao hoặc điều chỉnh diện tích nhà ở, đất xây dựng nhà ở và đất canh tác;

đ) Được tính thời gian phục vụ tại ngũ vào thời gian công tác;

e) Được ưu đãi về bưu phí;

g) Có thành tích trong chiến đấu, công tác, huấn luyện được khen thưởng theo quy định của pháp luật;

h) Trong trường hợp bị thương, bị bệnh khi làm nhiệm vụ thi được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật;

i) Được Nhà nước bảo đảm chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, Luật bảo hiểm y tế;

k) Được tạm hoãn trả và không tính lãi suất khoản vay từ Ngân hàng chính sách xã hội mà trước khi nhập ngũ là thành viên hộ nghèo, học sinh, sinh viên theo quy định của pháp luật;

l) Được ưu tiên trong tuyển sinh quân sự.

Theo đó, bạn chỉ có thể xin nghỉ phép khi đã phục vụ đủ 12 tháng, từ tháng 13 trở đi, bạn được nghỉ phép theo chế độ.

Tại Điều 3 Nghị định số 27/2016/NĐ-CP có quy định:

Điều 3. Chế độ nghỉ phép đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ

1. Hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ từ tháng thứ mười ba trở đi thì được nghỉ phép hàng năm; thời gian nghỉ là 10 ngày (không kể ngày đi và về) và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành.

2. Hạ sĩ quan, binh sĩ là học viên các học viện, nhà trường trong, ngoài Quân đội, thời gian học từ một năm trở lên có thời gian nghỉ hè giữa hai năm học thì thời gian nghỉ này được tính là thời gian nghỉ phép và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành.

3. Trường hợp đặc biệt do yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu hoặc ở những nơi Điều kiện đi lại khó khăn không thể giải quyết cho nghỉ phép thì được thanh toán bằng tiền. Mức tiền thanh toán một ngày không nghỉ phép bằng mức tiền ăn cơ bản một ngày của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh.

4. Hạ sĩ quan, binh sĩ đã nghỉ phép năm theo chế độ, nếu gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn nặng hoặc bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng và con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trần, mất tích hoặc hạ sĩ quan, binh sĩ lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ thì được nghỉ phép đặc biệt, thời gian không quá 05 ngày (không kể ngày đi và về) và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành.

Như vậy, trường hợp xin về phép để đi chơi không thuộc một trong những trường hợp đặc biệt vì lý do đột xuất. Bạn chỉ có thể chờ thời gian nghỉ phép theo chế độ khi đã thực hiện nghĩa vụ đủ 13 tháng để về. Tuy nhiên, bạn có thể lên gặp trực tiếp người đứng đầu đơn vị đang quản lý mình để xin trực tiếp về việc nghỉ phép về quê với lý do nào đó, có thể là thăm gia đình, nếu đơn vị đồng ý thì việc em bạn về vẫn hợp pháp.

Từ tháng thứ 13 bạn được nghỉ phép theo chế độ, mỗi năm được nghỉ một lần, thời gian nghỉ là 10 ngày.

Việc bạn hoàn thành tốt nhiệm vụ, chăm chỉ luyện tập, không có hành vi chống đối, cũng sẽ là một điều kiện để đơn vị quản lý cho bạn được về nghỉ phép theo chế độ.

4. Mẫu đơn xin nghỉ phép theo quy định

Kính gửi Luật sư, nhờ luật sư soạn giúp tôi mẫu đơn xin nghỉ phép. Tôi xin cảm ơn!

>> Tải ngay: Mẫu đơn xin nghỉ phép

Mẫu đơn xin nghỉ phép theo quy định ?

------------------------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐƠN XIN NGHỈ PHÉP

Kính gửi:

- Ban Giám Đốc Công Ty

- Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính

- Trưởng bộ phận ………………………..

Họ và tên: …………………………………………………………………………………………..

Chức danh: ……………………………………...…. Đơn vị: ……………………………………..

Tôi làm đơn này kính đề nghị Phòng Tồ chức – Nhân Sự, Phòng: ……………………………….. cho tôi được nghỉ phép từ ngày …………………………… đến ngày: …………………………...

Lý do: ………………………………………………………………………………………………

Nghỉ theo diện: Việc riêng Phép năm Nghỉ ốm Nghỉ chế độ

Chế độ phép năm: ………………………. Tính đến ngày xin nghỉ còn …………… ngày phép

Người thay thế công việc: ………………………………………………………………………….

Địa chỉ nghỉ phép: ………………………………………………………………………………….

Số điện thoại liên hệ: ……………………………………………………………………………….

Tôi cam đoan đã bàn giao công việc lại cho bộ phận có liên quan trước khi nghỉ việc.

Rất mong Ban Giám đốc xem xét và chấp thuận

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Tp.HCM, ngày..…tháng……năm…..

Trưởng phòng HC-NS Đơn vị Người làm đơn

(Ký, ghi rõ họ tên) (Ký, ghi rõ họ tên) (Ký, ghi rõ họ tên)

5. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật có được công ty thanh toán tiền nghỉ hằng năm không?

Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động như sau:

"Điều 35. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;

b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;

c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;

d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;

e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động."

Như vậy nếu bạn nghỉ việc mà không đáp ứng thời gian báo trước hoặc không thuộc những trường hợp nghỉ việc mà không cần báo trước theo quy định của luật thì hành vi nghỉ việc của bạn là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dù bạn chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật hay trái luật thì người sử dụng lao động vẫn có những trách nhiệm theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

"Điều 48. Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động

1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:

a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;

c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;

d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.

2. Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:

a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;

b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả."

Nghỉ hằng năm là một trong những quyền lợi của người lao động được quy định trong Bộ luật lao động 2019, nếu người lao động làm đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì sẽ được nghỉ nguyên lương trong thời gian 12 ngày, 14 ngày hoặc 16 ngày tùy đối tượng người lao động và tùy vào công việc của người lao động. Khoản 3 Điều 113 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:

"Điều 113. Nghỉ hằng năm

...

3. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

..."

Như vậy, nếu người lao động khi thôi việc hoặc mất việc làm mà chưa nghỉ hết sô ngày nghỉ hằng năm thì người sử dụng lao động phải thanh toán tiền lương tương ứng với những ngày chưa nghỉ đó. Việc thanh toán khoản tiền này là một trong những trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 48 BLLĐ 2019 khi người lao động chấm dứt đúng luật hay trái luật, trường hợp công ty không trả, bạn có thể khiếu nại đến phòng Lao động - Thương binh và xã hội nơi công ty đặt trụ sở.