>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.6162

 

Luật sư tư vấn:

1. Quy định chung của pháp luật về đại lý bảo hiểm 

Có thể hiểu một cách đơn giản, đại lý bảo hiểm là một trung gian tài chính, là cầu nối và cũng là nhân tố tích cực tạo lập mối quan hệ giữa khách hàng với doanh nghiệp bảo hiểm. 

Hiện nay, căn cứ theo Điều 124 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì đại lý bảo hiểm chính là tổ chức, cá nhân được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô ủy quyền trên cơ sở hợp đồng đại lý bảo hiểm để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm.

Theo cách hiểu đó, đại lý bảo hiểm có vai trò quan trọng trong việc ký kết hợp đồng với khách hàng, tạo ra doanh số và lợi nhuận cho doanh nghiệp bảo hiểm. Nói cách khác, đại lý bảo hiểm là một bộ phận quan trọng làm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp bảo hiểm trên thị tr­ường, giúp doanh nghiệp bảo hiểm mở rộng quy mô kinh doanh và gia tăng thị phần của doanh nghiệp.

 

2. Có được phép hủy hợp đồng đại lý bảo hiểm hay không ?

Hiện nay, để có thể được hoạt động dưới hình thức đại lý bảo hiểm thì bên muốn thành lập đại lý buộc phải ký với doanh nghiệp bảo hiểm một hợp đồng có tên là hợp đồng đại lý bảo hiểm.

Cụ thể, hợp đồng đại lý bảo hiểm được hiểu là sự thỏa thuận giữa cá nhân, tổ chức tiến hành hoạt động đại lý với doanh nghiệp bảo hiểm. Về thực chất, hợp đồng đại lý được coi là loại hợp đồng ủy quyền (một dạng hợp đồng dân sự) gồm hai chủ thể tham gia, trong đó doanh nghiệp bảo hiểm là bên ủy quyền và đại lý bảo hiểm là bên được ủy quyền.

Theo đó, việc hủy bỏ hợp đồng đại lý bảo hiểm có thể xảy ra khi một bên vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận hoặc nếu một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng hoặc pháp luật có quy định. Cụ thể, căn cứ theo Điều 423 Bộ Luật dân sự 2015, có 3 trường hợp có thể hủy bỏ hợp đồng như sau:

- Trường hợp 1: Một bên vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận;

- Trường hợp 2: Một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng;

- Trường hợp 3: Những trường hợp cụ thể khác do pháp luật quy định.

Như vậy, việc hủy bỏ hợp đồng đại lý bảo hiểm chỉ xảy ra khi thuộc một trong các trường hợp trên chứ không phải đơn giản chỉ là một bên không thích hoặc không muốn tiếp tục duy trì hợp đồng với bên kia mà hủy bỏ hợp đồng. 

 

3. Hủy hợp đồng đại lý bảo hiểm mức bồi thường như thế nào?

* Trường hợp hủy hợp đồng đại lý không phải bồi thường

Dựa theo căn cứ tại Điều 423 Bộ Luật dân sự 2015 đã nêu ra ở phần trên, một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng đại lý bảo hiểm và không cần phải bồi thường thiệt hại nếu bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận, hoặc nếu bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng; hoặc do pháp luật có quy định.

Nói cách khác, nếu một bên không có hành vi vi phạm hợp đồng hay vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng thì khi bên kia muốn hủy bỏ hợp đồng đại lý sẽ phải chịu bồi thường thiệt hại.

* Trường hợp hủy hợp đồng đại lý phải bồi thường

Hiện nay, mức bồi thường nếu hủy bỏ hợp đồng đại lý sẽ do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng khi giao kết, hoặc được căn cứ theo thời hạn đã thực hiện hợp đồng.

Cụ thể, thời hạn đại lý được Luật thương mại 2005 quy định tại điều 177 như sau:

- Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thời hạn đại lý chỉ chấm dứt sau một thời gian hợp lý nhưng không sớm hơn sáu mươi ngày, kể từ ngày một trong hai bên thông báo bằng văn bản cho bên kia về việc chấm dứt hợp đồng đại lý.

- Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu bên giao đại lý thông báo chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đại lý có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường một khoản tiền cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý đó. Giá trị của khoản bồi thường là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý cho mỗi năm mà bên đại lý làm đại lý cho bên giao đại lý. Trong trường hợp thời gian đại lý dưới một năm thì khoản bồi thường được tính là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý.

- Trường hợp hợp đồng đại lý được chấm dứt trên cơ sở yêu cầu của bên đại lý thì bên đại lý không có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý.

Có thể thấy, pháp luật đã quy định rất chi tiết về thời hạn đại lý và chấm dứt thời hạn đại lý của hai bên trong hợp đồng đại lý, theo đó các bên có trách nhiệm và nghĩa vụ tuân theo thời hạn này. Nói cách khác, nếu hợp đồng đại lý chưa hết thời hạn mà một trong các bên muốn hủy bỏ hợp đồng không do lỗi của bên kia thì phải bồi thường thiệt hại. 

Như vậy, khi muốn đưa ra quyết định hủy bỏ hợp đồng đại lý bảo hiểm thì bạn cần phải căn cứ vào hợp đồng để xác định mức bồi thường khi không thực hiện đủ thời gian đại lý. Trong trường hợp trong hợp đồng không quy định nội dung này thì giá trị của khoản bồi thường là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý cho mỗi năm mà bên đại lý làm đại lý cho bên giao đại lý. Ví dụ, nếu bạn ký hợp đồng thực hiện đại lý trong thời gian 5 năm, chỉ mới thực hiện được 1 năm còn 4 năm chưa thực hiện. Do đó, bạn sẽ phải bồi thường cho bên giao đại lý 4 tháng thù lao đại lý.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật bảo hiểm qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.