1. Xử lý người khai lý lịch vào đảng không trung thực thế nào?

Xin kính chào Luật sư. Tôi có một vấn đề muốn hỏi Luật sư như sau: có một phó hiệu trưởng trường học vào đảng cách đây 10 năm, tuy nhiên mới đây đã phát hiện ra đồng chí này khai lý lịch không trung thực tại thời điểm kết nạp đảng. Cô này có hai đời chồng, chồng đầu đã có một đứa con, sau đó hai vợ chồng ly hôn, đứa con ở với chồng. Sau một thời gian cô này đi bước nữa và khi được giới thiệu kết nạp vào đảng trong lý lịch không khai đã có một đời chồng trước và không khai có đứa con với chồng trước, chỉ khai chồng sau và đứa con với chồng sau.
Xin Luật sư cho biết như vậy đảng viên này có vi phạm kỷ luật không ? Và với mức vi phạm đó thì sẽ bị xử lý như thế nào ?
Trân trọng cảm ơn Luật sư !

Luật sư trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điều lệ đảng ngày 19 tháng 01 năm 2011

Điều 4. Thủ tục kết nạp đảng viên (kể cả kết nạp lại)

1. Người vào Đảng phải

- Có đơn tự nguyện xin vào Đảng;

- Báo cáo trung thực lý lịch với chi bộ;

- Được hai đảng viên chính thức giới thiệu.

Nơi có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng trong độ tuổi thanh niên phải là đoàn viên, được ban chấp hành đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu

các cơ quan, doanh nghiệp nơi không có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng phải là đoàn viên công đoàn, được ban chấp hành công đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu.

Như vậy theo quy định trong Điều lệ thì người vào đảng phải "báo cáo trung thực lý lịch với chi bộ" trong trường hợp đảng viên không "báo cáo trung thực lý lịch với chi bộ" thì sẽ xử lý theo quy định trong Quy định 102 quy định của trung ương đảng như sau:

Điều 7. Vi phạm về quan điểm chính trị và chính trị nội bộ

1- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Bị người khác xúi giục, lôi kéo, mua chuộc mà có hành vi nói, viết, lưu trữ, tán phát, xuất bản, cung cấp thông tin, tài liệu, hiện vật có nội dung trái với đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

b) Phụ họa, a dua theo những quan điểm trái với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thiếu trách nhiệm trong đấu tranh chống biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, chống diễn biến hòa bình.

c) Có biểu hiện dao động, giảm sút niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng.

d) Không trung thực trong khai lý lịch, lịch sử bản thân và bổ sung lý lịch đảng viên.

Như vậy căn cứ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 Quy định 102 trung ương đảng thì nếu gian dối không trung thực trong khai lý lịch gây ậu quả ít nghiêm trọng thì bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật về kết nạp Đảng, gọi: 1900.6162 để được giải đáp.

 

2. Quy định về thẩm định lý lịch đảng viên?

Thưa Luật sư! Tôi có hai vấn đề muốn hỏi:
Câu 1: Tôi có yêu một người định kết hôn nhưng lý lịch cô ấy không có khai mẹ đẻ mà chỉ khai mẹ sau trong giấy tờ khai sinh và cha ruột. Khi 1 tuổi đã không sống chung với mẹ đẻ và cũng không có giấy gì giữa cô ấy với mẹ đẻ. Tôi làm trong cơ quan nhà nước. Hiện nay mẹ đẻ cô ấy sống ở nước ngoài đã lập gia đình mới. Vậy tôi có cần bổ sung lý lịch phần mẹ đẻ của người yêu tôi trong kê khai lý lịch người vào Đảng không ? Nếu cần thì ghi thế nào ?
Câu 2: Lúc trước tôi có làm ở trung tâm công nghệ thông tin thuộc Sở Thông tin và truyền thông được 3 tháng tôi nghỉ không hợp đồng tiếp. Sau đó tôi được nhận vào làm ở văn phòng UBND tỉnh đến khi kết nạp Đảng lý lịch tôi không khai đã từng công tác tại trung tâm công nghệ thông tin truyền thông thuộc Sở TTTT. Nếu có người tố cáo tôi có bị kỷ luật không vì tôi đang là đảng viên dự bị?
Tôi xin chân thành cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến gọi:1900.6162

 

Trả lời:

Mục 3, Điều 4 về thủ tục kết nạp đảng viên (kể cả kết nạp lại) theo Điều lệ Đảng Cộng Sản Việt Nam, Hướng dẫn số 01-HD/TW Hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng nêu rõ: người xin vào Đảng phải tự khai lý lịch trung thực, đầy đủ, rõ ràng về lịch sử chính trị; chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, luật pháp Nhà nước của cha, mẹ đẻ (hoặc người nuôi dưỡng từ nhỏ); cha, mẹ vợ (hoặc cha, mẹ chồng); vợ (hoặc chồng); anh, chị, em ruột của bản thân, của vợ (hoặc chồng); các con; ông, bà nội, ngoại, chú, bác, cô, dì, cậu ruột. Hướng dẫn không quy định người xin vào Đảng phải khai thêm các mối quan hệ khác. Do vậy, trường hợp bạn với thông tin bạn cung cấp bạn có yêu một người, định kết hôn nhưng lý lịch cô ấy không có khai mẹ đẻ mà chỉ khai mẹ sau trong giấy tờ khai sinh và cha ruột. Khi 1 tuổi cô này đã không sống chung với mẹ đẻ và cũng không có giấy gì giữa cô ấy với mẹ đẻ. Hiện nay mẹ đẻ cô ấy sống ở nước ngoài đã lập gia đình mới, như vậy có thể xác định trên giấy tờ pháp lý không ghi nhận quan hệ mẹ con giữa hai người này, thay vào đó quan hệ giữa người mẹ sau của người yêu bạn và người yêu bạn lại được xác định trên các giấy tờ hợp pháp, do đó trong trường hợp của bạn thì không cần phải kê khai bổ sung phần lý lịch của mẹ đẻ của người yêu bạn.

Và trường hợp này nếu người xin vào Đảng không khai trong lý lịch cũng không vi phạm quy định của Trung ương và không ảnh hưởng đến tiêu chuẩn và điều kiện của người xin vào Đảng.

Đối với vấn đề thứ hai mà bạn có hỏi, theo quy định hiện nay khi kê khai lý lịch vào Đảng chỉ quy định việc người xin vào Đảng kê khai công việc, nghề nghiệp hiện đang làm. Mặt khác, đối chiếu các quy định tại Quy định 181-QĐ/TW của Ban chấp hành Trung ương về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm cũng như Hướng dẫn số 09-HD/UBKTTW của Ban chấp hành Trung ương về Hướng dẫn thực hiện một số Điều của Quy định số 181- QĐ/TW ngày 30/3/2013 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm , thì việc không kê khai thông tin này của bạn không thuộc trường hợp bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Do đó, khi có người tố cáo bạn sẽ không bị xử lý kỷ luật.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật dân sự qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

 

3. Quy định về xác minh lý lịch của người xin vào Đảng?

Căn cứ điểm Khoản 3.4 Điều 3 Hướng dẫn 01/HD-TW quy định về thẩm tra lý lịch của người vào Đảng như sau:

"3.4 -Thẩm tra lý lịch của người vào Đảng

a) Những người cần thẩm tra về lý lịch gồm :

- Người vào Đảng.

- Cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (sau đây gọi chung là người thân).

b) Nội dung thẩm tra

- Đối với người vào Đảng : Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; về chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

- Đối với người thân : Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

c) Phương pháp thẩm tra

- Nếu người vào Đảng có một trong các trường hợp sau đây đang là đảng viên:cha, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột, con đẻ và trong lý lịch người vào Đảng đã khai đầy đủ, rõ ràng theo quy định thì không phải thẩm tra, xác minh. Nếu vợ (chồng) người vào Đảng có một trong các trường hợp sau đây đang là đảng viên : cha, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột và trong lý lịch của người vào Đảng đã khai đầy đủ, rõ ràng theo quy định thì không phải thẩm tra, xác minh bên vợ (chồng). Nội dung nào chưa rõ thì thẩm tra, xác minh nội dung đó; khi các cấp uỷ cơ sở (ở quê quán hoặc nơi cư trú, nơi làm việc) đã xác nhận, nếu có nội dung nào chưa rõ thì đến ban tổ chức cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng để thẩm tra làm rõ.

- Những nội dung đã biết rõ trong lý lịch của người vào Đảng và những người thân đều sinh sống, làm việc tại quê quán trong cùng một tổ chức cơ sở đảng (xã, phường, thị trấn...) từ đời ông, bà nội đến nay thì chi uỷ báo cáo với chi bộ, chi bộ kết luận, cấp uỷ cơ sở kiểm tra và ghi ý kiến chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch, không cần thẩm tra riêng.

- Việc thẩm tra lý lịch của người vào Đảng trong lực lượng vũ trang được đối chiếu với lý lịch của người đó khai khi nhập ngũ hoặc khi được tuyển sinh, tuyển dụng. Nếu có nội dung nào chưa rõ phải tiến hành thẩm tra, xác minh để làm rõ.

- Người vào Đảng đang ở ngoài nước thì đối chiếu với lý lịch của người đó do cơ quan có thẩm quyền ở trong nước đang quản lý hoặc lấy xác nhận của cấp uỷ cơ sở nơi quê quán hoặc nơi cư trú, nơi làm việc của người đó ở trong nước.

- Người thân của người vào Đảng đang ở ngoài nước, thì cấp uỷ nơi người vào Đảng làm văn bản nêu rõ nội dung đề nghị cấp uỷ hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở ngoài nước (qua Đảng uỷ Ngoài nước) để lấy xác nhận; trường hợp có nghi vấn về chính trị thì đến cơ quan an ninh ở trong nước để thẩm tra.

- Người vào Đảng và người thân của người vào Đảng đang làm việc tại cơ quan đại diện, tổ chức phi chính phủ của nước ngoài và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, thì đại diện cấp uỷ cơ sở đến nơi làm việc và cơ quan an ninh có trách nhiệm quản lý, theo dõi các tổ chức đó để thẩm tra những vấn đề có liên quan đến chính trị của những người này."

Bên cạnh đó tại điểm d) khoản 3.4 Điều 3 Hướng dẫn 01/HD-TW quy định khi có người vào Đảng, chi bộ phải thực hiện những công việc sau:

"d) Trách nhiệm của các cấp uỷ và đảng viên

- Trách nhiệm của chi bộ và cấp uỷ cơ sở nơi có người vào Đảng :

+ Kiểm tra, đóng dấu giáp lai vào các trang trong lý lịch của người vào Đảng (chi uỷ chưa nhận xét và cấp uỷ cơ sở chưa chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch).

+ Gửi công văn đề nghị thẩm tra và lý lịch người xin vào Đảng đến cấp uỷ cơ sở hoặc cơ quan có trách nhiệm để thẩm tra; trường hợp cần thiết thì chi bộ cử đảng viên đi thẩm tra. Đảng viên đi thẩm tra có trách nhiệm báo cáo cấp uỷ những nội dung được giao bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước Đảng về nội dung đó.

+ Tổng hợp kết quả thẩm tra, ghi nội dung chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch của người vào Đảng."

Như vậy, khi một cá nhân xin vào Đảng thì chi bộ phải thực hiện xác minh về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; về việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người đó, tức quá trình chính trị, chấp hành chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống đến khi họ xin kết nạp vào Đảng để xem xét xem họ có đủ tư cách để trở thành Đảng viên.

Do đó, người xin vào Đảng có thời gian làm việc tại nước ngoài thì vẫn phải thẩm tra về lịch sử chính trị, chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của họ trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Việc thẩm tra lý lịch của người này trong khoảng thời gian ở nước ngoài, phải liên hệ với cơ quan lãnh sự của Việt Nam tại Liên Xô hoặc có giấy tờ xác nhận của cơ quan có thẩm quyền tại nơi người này làm việc tại Liên Xô về việc xác minh lý lịch.

 

4. Cách thức xác minh lý lịch xin vào Đảng?

Chào luật sư! Em có vấn đề muốn hỏi về xác minh lí lịch xin vào Đảng như sau: Em sinh năm 1992, hiện em đang làm lí lịch xin vào Đảng, bản thân là giáo viên luôn chấp hành tốt mọi đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, trong quá trình công tác luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Cha ruột làm công nhân tại một xí nghiệp ép dầu từ năm 1981 đến năm 1997, vào Đảng năm 1989, đến năm 1997 xí nghiệp giải thể, cha có chuyển sinh hoạt Đảng về địa phương nhưng do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, lo mưu sinh nên sinh hoạt Đảng tại địa phương 2 lần rồi không tham gia sinh hoạt nữa. Mẹ ruột làm nhân viên ở bệnh viện huyện từ năm 1980 đến 1992, vào Đảng năm 1990, năm 1992 sinh em bé nên xin nghỉ việc, mẹ có chuyển sinh hoạt Đảng về địa phương, nhưng do kinh tế gia đình khó khăn, con còn quá nhỏ, ở nhà chăm con và lo mưu sinh nên sinh hoạt Đảng tại địa phương 1 lần rồi không tham gia sinh hoạt nữa.
Vậy luật sư cho em hỏi với lí lịch cha, mẹ ruột như vậy thì em có được kết nạp vào Đảng hay không?
Em xin cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn Luật Dân sự trực tuyến, gọi: 1900.6162

 

Trả lời:

Theo khoản 1 Quy định 45-QĐ/TW về thi hành Điều lệ Đảng do Ban Chấp hành Trung ương ban hành khoản 2 Điều 1 Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam, công dân có đủ các điều kiện sau đây sẽ được xem xét để kết nạp Đảng:

- Về tuổi đời

a) Tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi trở lên (tính theo tháng).

b) Việc kết nạp vào Đảng những người trên 60 tuổi do cấp uỷ trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định.

- Về trình độ học vấn.

a) Người vào Đảng phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên.

b) Học vấn của người vào Đảng đang sinh sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn và những trường hợp cụ thể khác do yêu cầu phát triển đảng mà không bảo đảm được quy định chung thì thực hiện theo Hướng dẫn của Ban Bí thư.

Bên cạnh đó, mục 3 Hướng dẫn 01-HD/TW thi hành Điều lệ Đảng do Ban Chấp hành Trung ương ban hành như sau:

“3.3- Lý lịch của người vào Đảng

a) Người vào Đảng tự khai lý lịch đầy đủ, rõ ràng, trung thực theo quy định, chịu trách nhiệm về nội dung đã khai; nếu có vấn đề nào không hiểu và không nhớ chính xác thì phải báo cáo với chi bộ.

b) Lý lịch phải được cấp uỷ cơ sở thẩm tra, kết luận trước khi ghi nội dung chứng nhận, ký tên, đóng dấu.

3.4- Thẩm tra lý lịch của người vào Đảng

a) Những người cần thẩm tra về lý lịch gồm :

- Người vào Đảng.

- Cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (sau đây gọi chung là người thân).

b) Nội dung thẩm tra

- Đối với người vào Đảng : Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; về chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

- Đối với người thân: Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.

Theo đó, đối với người được kết nạp vào Đảng phải thỏa mãn điều kiện về tuổi là đủ 18 tuổi trở lên (trường hợp trên 60 tuổi do cấp Ủy trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định) và trình độ học vấn lf phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên,với trường hợp người vào Đảng đang sinh sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn và những trường hợp cụ thể khác do yêu cầu phát triển đảng mà không bảo đảm được quy định chung thì thực hiện theo Hướng dẫn của Ban Bí thư.Bên cạnh đó, người vào Đảng được thẩm tra lý lịch đối với bản thân và người thân của mình. Trong đó, đối với người thân sẽ tiến hành làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đối với trường hợp của bạn đã trình bày, cha ruột làm công nhân tại một xí nghiệp ép dầu từ năm 1981 đến năm 1997, vào Đảng năm 1989, đến năm 1997 xí nghiệp giải thể, cha có chuyển sinh hoạt Đảng về địa phương nhưng do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, lo mưu sinh nên sinh hoạt Đảng tại địa phương 2 lần rồi không tham gia sinh hoạt nữa. Mẹ ruột làm nhân viên ở bệnh viện huyện từ năm 1980 đến 1992, vào Đảng năm 1990, năm 1992 sinh em bé nên xin nghỉ việc, mẹ có chuyển sinh hoạt Đảng về địa phương, nhưng do kinh tế gia đình khó khăn, con còn quá nhỏ, ở nhà chăm con và lo mưu sinh nên sinh hoạt Đảng tại địa phương 1 lần rồi không tham gia sinh hoạt nữa. Như vạy, cả hai bố mẹ bạn đều không tham gia sinh hoạt Đảng nữa. Tuy nhiên, nếu bạn có đủ các điều kiện về tuổi đời và trình độ học vấn như trên, bố mẹ bạn trong suốt quá trình sinh sống và làm việc luôn chấp hành tốt moi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì bạn vẫn có thể được xem xét kết nạp Đảng, còn vấn đề về lý lịch của bố mẹ bạn vì một vài lý do do đời sống khó khăn... không tham gia sinh hoạt Đảng nữa không ảnh hưởng đến việc kết nạp Đảng của bạn.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

 

5. Khi nào Đảng viên được coi là không chấp hành đường lối của Đảng?

Chào luật sư công ty luật Minh Khuê. Từ năm 2007 đến nay gia đình ( cha, mẹ) tôi có khiếu nại trong lĩnh vực đất đai ( Xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và khiếu nại về vấn đề đền bù chưa thỏa đáng) đến nay có quyết định cao nhất là quyết định của Phó chủ tịch UBND tỉnh là không công nhận đơn khiếu nại của gia đình tôi, nhưng tôi thấy vẫn chưa hợp lý nên tôi đang tiếp tục gửi đơn ra thanh tra chính phủ.
Quyền sử dụng đất và khiếu nại về vấn đề đền bù chưa thỏa đáng. Đến nay có quyết định cao nhất là quyết định của phó chủ tịch ubnd tỉnh là không công nhận đơn khiếu nại của gia đinh tôi, nhưng tôi thấy vẫn chưa hợp lý nên tôi đang tiếp tục gửi đơn ra thanh tra chính phủ. Nhưng hiện nay thì tôi thi vào ngành công an nhân dân, và chị tôi đang lấy lý lịch để kết nạp vào đảng nhưng ubnd cấp xã xác nhận là gia đình tôi không chấp hành đường lối chính sách chủ trương của đảng và nhà nước( vì khiếu nại khiếu kiện đất đai).
Tôi muốn hỏi luật sư là " khiếu nại" "khiếu kiện" khi cảm thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm có được xem là " không chấp hành đường lối chính sách của đảng và nhà nước" không ? và chính quyền địa phương xác nhận gia đình tôi là không chấp hành chủ trương chính sách của đảng và nhà nước như vậy có đúng với pháp luật hay không ?
Chân thành cảm ơn luật sư.

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự về lý lịch Đảng, gọi: 1900.6162

 

Luật sư tư vấn:

Khoản 1 Điều 2 Luật khiếu nại năm 2011 quy định:

"Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình."

Khoản 1 Điêu 30 Hiến pháp 2013 quy định:

"Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân."

Như vậy, một người cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại thì họ có quyền khiếu nại đến cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền để giải quyết. Quyền khiếu nại của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do vậy, việc khiếu nại của bạn không được xem là không chấp hành đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước và chính quyền địa phương xác định việc làm đó của bạn là không chấp hành đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước là không đúng với quy định của pháp luật.

Trên đây là tư vấn của Luật Minh Khuê. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.