1. Hoạt động khoa học và công nghệ về lâm nghiệp

Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong các hoạt động sau đây:

- Điều tra, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng;

- Phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng;

- Chọn, tạo, nhân giống cây trồng thân gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ;

- Thâm canh rừng trồng cung cấp gỗ lớn, trồng cây bản địa, trồng rừng hỗn loài; hiện đại hóa quy trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác rừng;

- Phục hồi rừng, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên nghèo;

- Khai thác, vận chuyển, chế biến và bảo quản lâm sản;

- Công nghiệp hỗ trợ trong chế biến lâm sản.

Nghiên cứu hệ sinh thái rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng.

Nghiên cứu giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển rừng bền vững; mô hình lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp bền vững.

Chuyển giao công nghệ và kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực lâm nghiệp vào sản xuất, kinh doanh, quản lý lâm nghiệp.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lâm nghiệp.

2. Chính sách khoa học và công nghệ về lâm nghiệp

Nhà nước có cơ chế, chính sách ưu tiên cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phù hợp với chu kỳ sinh trưởng, phát triển của rừng và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong lâm nghiệp.

Nhà nước ưu tiên đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1, các khoản 2, 3 và 6 Điều 96 của Luật này.

Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại các điểm d, e và g khoản 1, khoản 4 và khoản 5 Điều 96 của Luật này.

3. Hoạt động hợp tác quốc tế về lâm nghiệp

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện hợp tác quốc tế về lâm nghiệp với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, pháp luật của mỗi bên và pháp luật quốc tế.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan đề xuất việc ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về lâm nghiệp; là cơ quan đầu mối, đại diện quốc gia thực hiện quyền, nghĩa vụ của thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, Công ước chống sa mạc hóa và các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế khác liên quan đến lâm nghiệp.

4. Chính sách hợp tác quốc tế về lâm nghiệp

Khuyến khích mở rộng hợp tác về lâm nghiệp với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, cam kết về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và cam kết quốc tế khác mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Khuyến khích tổ chức, cá nhân Việt Nam hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về lâm nghiệp phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.

Tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư, hỗ trợ hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên, chế biến và thương mại lâm sản tại Việt Nam; phát triển và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực hợp tác quốc tế cho ngành lâm nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thúc đẩy hợp tác với các nước có chung đường biên giới để giải quyết có hiệu quả vấn đề về cháy rừng, khói mù xuyên biên giới, phòng, chống buôn bán bất hợp pháp về gỗ và mẫu vật các loài thực vật hoang dã, động vật hoang dã, bảo tồn thiên nhiên.

Chính phủ ban hành chính sách hợp tác quốc tế về lâm nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể trong từng thời kỳ.

5.  Những thành tựu đạt được và thách thức

Những thành tựu

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, từ năm 1995 đến nay, ngành Lâm nghiệp đã đạt được những thành tựu to lớn đóng góp vào sự nghiệp phát triển của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bên cạnh việc tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng và Luật Lâm nghiệp, tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị định, Nghị quyết, Quyết định về Lâm nghiệp, Ngành Lâm nghiệp hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu bảo vệ môi trường sinh thái với việc nâng mật độ che phủ rừng toàn quốc đạt 42% theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Nhiều chính sách quan trọng liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã được ngành Lâm nghiệp xây dựng và triển khai thực hiện trong nhiều chương trình, dự án trên phạm cả nước và chủ động, tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngành Lâm nghiệp đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, giá trị xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt xấp xỉ 12 tỷ USD. Trong giai đoạn 2013 - 2020, tổng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đã đạt 15.657 tỷ đồng, bình quân mỗi năm thu được là 1.957 tỷ đồng. Đồng thời lâm nghiệp góp phần quan trọng thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, như: Thủy điện, du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản, phát triển dược liệu, góp phần tạo việc làm, thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.

Ngành Lâm nghiệp đã tiến hành rà soát quy hoạch sắp xếp lại 3 loại rừng phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đảm bảo yêu cầu bảo tồn, phòng hộ và phát triển kinh tế bền vững; xây dựng quy hoạch phát triển lâm nghiệp trên các vùng kinh tế trọng điểm, trong đó đã xác định rõ quan điểm, nhiệm vụ xây dựng hệ thống rừng phòng hộ, rừng đặc dụng của từng vùng nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời xác định các vùng nguyên liệu, các khu chế biến lâm sản; các làng nghề truyền thống và đề xuất các giải pháp thực hiện nhằm khai thác thế mạnh của từng vùng, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng phát triển rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh và trật tự xã hội của các vùng.

Về hợp tác quốc tế trong Lâm nghiệp, Chính phủ đã tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm các Công ước quốc tế, tổ chức đa phương, diễn đàn về lâm nghiệp toàn cầu và khu vực; đồng thời duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhiều nhà tài trợ và tổ chức hợp tác quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), các Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (AUSAID), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan Hợp tác phát triển Hàn Quốc (KOICA), Cơ quan Hợp tác phát triển Nhật Bản (JICA)...

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, những chương trình dự án lớn trong lĩnh vực lâm nghiệp trên mọi miền đất nước đều có dấu ấn vô cùng quan trọng của các nhà tài trợ và tổ chức quốc tế với nhiều hoạt động hợp tác, cũng như sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, con người. Điều này đã đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu của ngành. Tuy nhiên, để thực hiện thành công mục tiêu, định hướng trong giai đoạn mới, ngành sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức và sự đồng hành, hợp tác, hỗ trợ của các đối tác quốc tế là vô cùng quan trọng góp phần giúp ngành Lâm nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả.

Có định hướng đúng, chủ động hợp tác hội nhập

Theo các đại biểu tham dự hội nghị, muốn tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế trước hết bản thân ngành Lâm nghiệp phải có định hướng đúng, cụ thể, phát triển lâm nghiệp bền vững dựa trên việc kinh tế, xã hội và môi trường phát triển bền vững; đồng thời phải xác định rõ quan điểm rừng vừa là tài nguyên, tư liệu sản xuất, là tài sản, nguồn lực vừa là yếu tố quan trọng của môi trường sinh thái vì vậy cần sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phát huy tiềm năng và lợi thế so sánh các vùng, miền; hài hòa các mục tiêu phát triển; giảm thiểu thiên tai và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên và đa dạng sinh học; phát triển lâm nghiệp theo cơ chế thị trường, xã hội hóa và tổ chức liên kết theo chuỗi; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chủ động tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; hài hoà các chuẩn mực quốc tế; phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản bền vững, hiệu quả, hiện đại, hội nhập thị trường toàn cầu.

Đại diện các nhà tài trợ và tổ chức quốc tế đóng góp ý kiến tại hội nghị cùng đồng nhất quan điểm, Chính phủ Việt nam mà cụ thể là Tổng cục Lâm nghiệp và Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp trong quá trình định hướng xây dựng các chương trình dự án hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp giai đoạn tiếp theo cần quan tâm đến những vấn đề cả hai bên cùng quan tâm như ưu tiên đầu tư cho các hoạt động bảo tồn Đa dạng sinh học, tăng cường thực thi Lâm luật, VPA, FLEGT nghiên cứu phát triển và đào tạo nguồn lực; ưu tiên hỗ trợ phát triển, phục hồi rừng phòng hộ, thực hiện quản lý rừng cộng đồng (đặc biệt ưu tiên vùng Tây Nguyên và Tây Bắc); tiếp tục hỗ trợ Chương trình giảm phát thải REDD+; tập trung đầu tư cho các hoạt động mang lại giá trị gia tăng cao như trồng rừng gỗ lớn thâm canh, chứng chỉ rừng, chế biến xuất khẩu gỗ, hạ tầng lâm nghiệp phục vụ sản xuất, kinh doanh trồng rừng gỗ lớn…

Việc nghiên cứu và định hướng đề xuất các chương trình, dự án hợp tác cần xem xét một số khía cạnh nhằm đảm bảo tính khả thi cao, mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường góp phần thực hiện ưu tiên mục tiêu phát triển quốc gia và của ngành, trong đó có tính đến khả năng khắc phục thảm họa thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tái cơ cấu ngành, vùng miền, khu vực ưu tiên, mức độ ưu tiên của Chính phủ, địa phương và nhà tài trợ đối với lĩnh vực đầu tư.

Các nhà tài trợ và tổ chức quốc tế cùng thể hiện mối quan tâm chung tới lĩnh vực lâm nghiệp và khẳng định trong hành trình phát triển của mình, ngành Lâm nghiệp sẽ không đơn độc. Các đối tác quốc tế sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ ngành hoàn thành được mục tiêu theo định  hướng đề ra trong giai đoạn tiếp theo.