Luật giáo dục là văn bản pháp luật chứa đựng hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về tổ chức và hoạt động giáo dục, được Quốc hội Khoá X, kì họp thứ 4 thông qua ngày 02.12.1998, có hiệu lực từ ngày 01.6.1999.

Ngay sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 119/SL ngày 09.7.1946 quy định về tổ chức Bộ Giáo dục. Văn bản này thể hiện một cách cụ thể và rõ nét nhất sự quan tâm của Nhà nước đối với chính sách phát triển giáo dục của nước ta.

Trong suốt tiến trình cách mạng của đất nước, nhất là từ khi chính quyền thuộc về nhân dân, giáo dục là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm ưu tiên hàng đầu. Hiến pháp năm 1992, được sửa đối, bổ sung một số điều năm 2001, đã khẳng định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Trong điều kiện đổi mới, yêu cầu của giáo dục, đào tạo ngày càng đòi hỏi phải có những quy định cụ thể bằng pháp luật để kịp thời điều chỉnh các quan hệ mới phát sinh trong quá trình giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Chính vì vậy, Luật giáo dục năm 1998 - văn bản luật đầu tiên của nước ta về giáo dục, đã được ban hành.

Mục tiêu của giáo dục, theo Luật giáo dục năm 1998 là nhằm đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lí tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và đạo đức công dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việc ban hành Luật giáo dục năm 1998 là nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục, tăng cường hiệu lực quản lí của Nhà nước đối với giáo dục, phát huy vại trò của xã hội, mọi tổ chức, gia đình và công dân nâng cao trách nhiệm chăm lo sự nghiệp giáo dục, bên cạnh đó còn nhằm hoàn thiện chế độ pháp lí về tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Tương ứng với các mục tiêu đó, đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật là các quan hệ phát sinh giữa các cơ sở giáo dục, nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, của lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức, cá nhân tham gia vào sự nghiệp giáo dục và các vấn đề khác có liên quan.

Về cơ cấu, Luật gồm có 9 chương với 110 điều với những nội dung cơ bản như sau: những quy định chung: xác định mục tiêu của giáo dục, tính chất, nguyên lí giáo dục, yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục, ngôn ngữ dùng trong nhà trường; xác định phát triển giáo dục gắn với nhu cầu phát triển xã hội; quy định về hệ thống giáo dục quốc dân: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và sau đại học, phương thức giáo dục không chính quy; quy định về nhà trường và các cơ sở giáo dục khác: tổ chức, hoạt động của nhà trường, nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường, các loại trường chuyên biệt, tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục khác; quy định về nhà giáo; quy định về người học; quy định về nhà trường, gia đình và xã hội; quy định về quản lí nhà nước về giáo dục; quy định về khen thưởng và xử lÍ vi phạm; quy định về điều khoản thi hành;

Luật giáo dục năm 1998 là cơ sở pháp lí quan trọng để xây dựng các văn bản pháp luật khác cũng như trong việc điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để đáp ứng kịp thời những yêu cầu đặt ra và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của sự nghiệp giáo dục, Luật giáo dục năm 2005 được Quốc hội Khoá XI, kỳ họp thứ 7 nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 14.6.2005 và thay- thế Luật giáo dục năm 1998.

Luật này có 9 chương, 120 điều, nhiều hơn 10 điều so với Luật giáo dục năm 1998.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01.01.2006.