1. Đăng ký khai sinh 

Khi thực hiện đăng ký khai sinh thì cha, mẹ của trẻ sẽ chuẩn bị những giấy tờ, tài liệu sau:

+ Giấy tờ phải xuất trình: (1) Hộ chiếu/ chứng minh nhân dân/ căn cước công dân hoặc giấy tờ có dán ảnh và thông tin cá nhân của người yêu cầu làm giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền cấp; (2) Giấy tờ chứng minh nơi cư trú của người yêu cầu; (3) Nếu cha, me của trẻ đã đăng ký kết hôn thì phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.

+ Giấy tờ phải nộp: (1) Tờ khai theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư 04/2020/TT-BTP; (2) Giấy chứng sinh, nếu không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh, còn nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.

Theo quy định tại điểm a và điểm d khoản 1, khoản 2 Điều 7 Luật Hộ tịch năm 2014, người nào có yêu cầu nộp hồ sơ đăng ký khai sinh tại: (1) Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền đăng ký khai sinh kể cả đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha và mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới và người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam; (2) Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền đăng ký khai sinh đối với trường hợp có yếu tố nước ngoài. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ là Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người cha và người mẹ (nơi cư trú được hiểu là nơi mình sinh sống có thể là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú theo quy định tại Điều 11 Luật Cư trú năm 2020).

Người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tiến hành kiểm tra hồ sơ và viết giấy tiếp nhận có ghi rõ ngày, giờ trả kết quả nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Còn hồ sơ chưa hợp lệ, hoàn thiện thì hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung và hoàn thiện theo quy định nhưng thuộc trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì phải lập thành văn bản hướng dẫn.

Khi đã nhận đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật và thông tin khai sinh phù hợp, đầy đủ thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền đồng ý giải quyết thì công chức tư pháp - hộ tịch cập nhập thông tin khai sinh theo hướng dẫn để lấy Số định danh cá nhân, ghi nội dung khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh, đồng thời người đi đăng ký khai sinh ký tên vào Sổ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ký vào 01 bản chính Giấy khai sinh cấp cho người được đăng ký khai sinh, số lượng bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu.

Lưu ý rằng theo Điều 37 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định những hành vi vi phạm về đăng ký khai sinh bị xử phạt vi phạm hành chính thì không còn quy định xử phạt hành chính đối với hành vi đăng ký khai sinh cho trẻ em không đúng thời hạn như trước nữa.

>> Xem thêm: Mẫu giấy xác nhận lương, đơn xin xác nhận lương mới nhất 

 

2. Xin xác nhận hai tên là một người

Hiện nay, chưa có quy định pháp luật nào quy định về vấn đề xác nhận hai tên cùng một người. Nhưng thực tế, có nhiều trường hợp cần phải làm văn bản xác nhận hai tên là một người. 

Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch: "Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó".

Họ tên trong căn cước công dân/ chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, học bạ, thông tin cư trú, huân chương, bằng khen, lý lịch công tác,... trùng với tên trên giấy khai sinh.

Trường hợp có hai tên có thể là do cơ quan Nhà nước làm sai tên hay do đổi tên. Theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015 về cá nhân có quyền thay đổi tên khi:

+ Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

+ Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

+ Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

+Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

+ Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;

+ Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;...

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xác nhận hai tên là cùng một người phần nào giải quyết được những khó khăn về thủ tục hành chính, giúp cho những giấy tờ được thống nhất mà không gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người đó. Việc xác nhận hai tên là một người thông thường sẽ do Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an cấp xã (xã, phường, thị trấn) xác nhận vì những cơ quan này nắm rõ thông tin về dân cư ở địa phương mình nhất.

Khi thực hiện xác nhận hai tên là một người thì người cần xác nhận sẽ phải chuẩn bị những giấy tờ sau đây:

(1) Giấy khai sinh đã được thay đổi tên;

(2) Đơn xin xác nhận hai tên là một người;

(3) Một số giấy tờ tùy thân có liên quan khác nếu có yêu cầu.

Do đó, xác nhận hai tên là một người không có trong quy định của pháp luật nên việc xác nhận hoàn toàn dựa vào sự cam kết đúng sự thật của người xin xác nhận và những căn cứ mà Ủy ban nhân dân, Công an nhân dân lưu trữ,... 

>> Xem thêm: Mẫu đơn xin xác nhận thời gian công tác mới nhất  

 

3. Mẫu đơn xin xác nhận hai tên là một người

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 06 tháng 03 năm 2023

ĐƠN XIN XÁC NHẬN HAI TÊN LÀ MỘT NGƯỜI

 

Căn cứ vào Bộ luật Dân sự năm 2015;

Căn cứ vào Luật Hộ tịch năm 2014.

Kính gửi: Ủy ban nhân dân xã/ phường/ thị trấn Trung Hòa

                (Hoặc Công an nhân dân xã/ phường/ thị trấn Trung Hòa)

Tôi tên là: Nguyễn Thị Ngọc A     Sinh năm: 1985

Căn cước công dân: 0110 xxxx xxxx do Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cấp ngày 05/03/2022

Địa chỉ thường trú: Số XX, đường YY, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiện đang cư trú: Số XX, đường YY, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Số điện thoại: 0912 xxx xxx

Tôi xin trình bày với Quý Cơ quan sự việc như sau:

Năm 1985, bố mẹ tôi khai sinh cho tôi tên là Nguyễn Thi Ngọc A, nhưng do tên B này đã trùng với tên với cụ nội tôi là Trần Ngọc A. Họ hàng bên nội nói rằng việc trùng tên này dễ gây ra hiểu lầm giữa cụ nội và tôi, đồng thời sự gây hiểu nhầm này làm ảnh hưởng đến tình cảm trong gia đình. Do đó, tôi đã thay đổi tên của tôi là Nguyễn Thị Ngọc A thành Trần Thị Mai H trong thời gian gần đây. Điều này dẫn đến các giấy tờ như căn cước công dân, giấy chứng nhận quyền sừ dụng đất,... cần phải thay đổi lại.

Tôi làm đơn này mong Quý cơ quan xác nhận hai tên dưới đây là một người:

+ Họ và tên: Trần Ngọc A từ ngày 10/09/1985 đến 15/03/2010

+ Họ và tên: Trần Thị Mai H từ ngày 16/03/2010 đến nay.

Tôi xin cam đoan những thông tin mà tôi đã khai phía trên là đúng sự thật và sẽ chịu trách nhiệm pháp lý khi thông tin mà tôi cung cấp có sai sót.

Tôi xin trân trọng cảm ơn!

Xác nhận của Ủy ban nhân dân xã/ phường/ thị trấn

(Hoặc xác nhận của Công an nhân dân xã/ phường/ thị trấn)

 

 

 

Người làm đơn

(Ký và ghi rõ họ tên)

 

 

 

>> Xem thêm: Mẫu đơn xin xác nhận tạm trú, tạm vắng mới nhất 

Bạn đọc có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này hay vấn đề pháp lý khác thì vui lòng liên hệ tới bộ phận tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Minh Khuê qua số 1900.6162 để được hỗ trợ kịp thời. Xin chân thành cảm ơn!