1. Giám đốc thẩm là gì?

Giám đốc thẩm là thủ tục đặc biệt, chỉ được tiến hành khi có kháng nghị giám đốc thẩm. Đó là đặc điểm khác biệt so với các thủ tục xét xử thông thường như sơ thẩm (đương nhiên được thực hiện khi có khởi kiện hợp pháp của đương sự), phúc thẩm (đương nhiên được thực hiện khi có kháng cáo hợp pháp của đương sự hoặc các kháng nghị của Viện kiểm sát). Các Thẩm phán không tham gia trực tiếp giám đốc thẩm cũng có thể tham gia vào trình tự giám đốc công tác xét xử bằng việc phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho những người có quyền kháng nghị giám đốc thẩm.

Đối tượng của việc kháng nghị giám đốc thẩm chỉ là những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Kháng nghị và giám đốc thẩm là cơ chế nhằm khắc phục sai lầm nghiêm trọng của Tòa án trong việc giải quyết vụ án mà bản án, quyết định đó đã có hiệu lực. Vì vậy, cấp giám đốc thẩm không phải là cấp xét xử thứ 3 sau sơ thẩm và phúc thẩm.

2. Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm theo BLTTHS 2003

Theo BLTTHS 2003, Hội đồng giám đốc thẩm có quyền ra quyết định :

- Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

- Hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án.

Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án, nếu có một trong những căn cứ quy định tại Điều 107 của Bộ luật tố tụng hình sự 2003.

Điều 107 có nội dung như sau: 

Điều 107. Những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự

Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:

1. Không có sự việc phạm tội;

2. Hành vi không cấu thành tội phạm;

3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;

4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;

5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;

6. Tội phạm đã được đại xá;

7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.

- Hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.

Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị để điều tra lại hoặc xét xử lại, nếu có một trong những căn cứ quy định tại Điều 273 của Bộ luật tố tụng hình sự 2003. Cụ thể:

Điều 273. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

Bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, khi có một trong những căn cứ sau đây:

1. Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ;

2. Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;

3. Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử;

4. Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự.

Nếu cần xét xử lại thì tùy trường hợp, Hội đồng giám đốc thẩm có thể quyết định xét xử lại từ cấp sơ thẩm hoặc cấp phúc thẩm.

Trong trường hợp hủy bản án hoặc quyết định bị kháng nghị để điều tra lại hoặc để xét xử lại và xét thấy việc tiếp tục tạm giam bị cáo là cần thiết, thì Hội đồng giám đốc thẩm ra lệnh tạm giam cho đến khi Viện kiểm sát hoặc Tòa án thụ lý lại vụ án.

3. Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm theo BLTTHS 2015

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 tại Điều 388 đến Điều 393, thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm đã được mở rộng đáng kể để khắc phục những vướng mắc về pháp luật và bất cập trong thực tiễn giám đốc thẩm theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.

- Theo Điều 388, ngoài các thẩm quyền: không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại; Hội đồng giám đốc thẩm còn có thẩm quyền: hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật; sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ xét xử giám đốc thẩm khi kháng nghị được rút toàn bộ.

Đối với mỗi thẩm quyền nêu trên đều được Bộ luật tố tụng hình sự đứa ra căn cứ rõ ràng, cụ thể để bảo đảm cho việc thực hiện thống nhất trong thực tiễn giám đốc thẩm.

- Về thẩm quyền giám đốc thẩm có hai điểm mới là căn cứ pháp lý rất quan trọng để giải quyết những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn. Đó là:

+ Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm nhưng bị hủy, sửa không đúng pháp luật (Điều 390).

+ Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi có đủ các điều kiện: các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã rõ ràng, đầy đủ. Hay nói cách khác, sự việc phạm tội, các tình tiết của vụ án đã được chứng minh đầy đủ, rõ ràng; việc sửa bản án, quyết định không làm thay đổi bản chất của vụ án, không làm xấu đi tình trạng của người bị kết án, không gây bất lợi cho bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Ví dụ như giảm án phí, hủy bỏ việc tịch thu... (Điều 393).

Các bổ sung thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm nêu trên là cần thiết nhằm bảo đảm cho việc khắc phục nhanh chóng, hiệu quả, đỡ kéo dài thời gian và chi phí không cần thiết các hậu quả do bản án, quyết định vi phạm nghiêm trọng pháp luật bị kháng nghị gây ra mà không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kết án và người tham gia tố tụng có liên quan.

4. Quyền hạn của Hội đồng giám đốc thẩm theo pháp luật của các nước

Về quyền hạn của Hội đồng giám đốc thẩm, BLTTHS 2015 của nước ta cho phép Hội đồng giám đốc thẩm có quyền: Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; Đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.

Nghiên cứu pháp luật tố tụng hình sự một số nước cho thấy không có nước nào quy định về thẩm quyền hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại như luật tố tụng hình sự Việt Nam. Luật tố tụng hình sự Cộng hòa Pháp và luật tố tụng hình sự của Nhật Bản quy định hội đồng giám đốc thẩm có các quyền: không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị, giữ nguyên bản án đã có hiệu lực pháp luật; Hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại. Luật tố tụng hình sự Trung Quốc và Liên bang Nga quy định Tòa án cấp giám đốc thẩm có các quyền: không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị, giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án; hủy bản án, quyết định của Tòa án và đình chỉ tố tụng đối với vụ án; hủy bản án, quyết định của Tòa án và trả lại vụ án để xét xử lại; sửa bản án, quyết định của Tòa án.

5. Thời hạn mở phiên tòa giám đốc thẩm

Thời hạn giám đốc thẩm được quy định tại Điều 385 BLTTHS 2015 là "Trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở phiên tòa”. Như vậy, điều luật quy định thời hạn xét xử chung cho các cấp giám đốc thẩm là 4 tháng và không quy định gia hạn thời hạn xét xử giảm đốc thẩm.

Tham khảo luật tố tụng của một số nước cho thấy thời hạn giám đốc thẩm được quy định ngắn hơn ta rất nhiều. Theo quy định tại Điều 571 BLTTHS Cộng hòa Pháp “Tòa hình sự Tòa phá án phải xét xử trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày có quyết định của Chánh tòa về việc chấp nhận đơn kháng cáo, kháng nghị, phá án. Điều 406 BLTTHS Liên bang Nga quy định: trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm, Thẩm phán được phân công giải quyết phải ra được quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm. Trường hợp chấp nhận thì phải chuyển kháng cáo hoặc kháng nghị giám đốc thẩm cùng hồ sơ vụ án cho Tòa án giám đốc thẩm giải quyết. Theo Điều 407 của Bộ luật này, thì kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm phải được Tòa án cấp giám đốc thẩm giải quyết tại phiên tòa trong thời hạn 15 ngày, đối với Tòa án tối cao Liên bang Nga không quá 30 ngày kể từ ngày có quyết định chấp nhận giải quyết kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Như vậy, tổng thời hạn giám đốc thẩm theo Luật tố tụng hình sự của Liên bang Nga tối thiểu là 45 ngày, tối đa là 60 ngày. Theo các điều 225 và 204 BLTTHS Thái Lan thì Tòa phúc thẩm DIKA phải mở phiên tòa công khai để nghe các bên tranh luận trong vòng 15 ngày; kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án. Nếu có lý do đặc biệt, Tòa có thể ấn định ngày nghe các bên tranh luận sau 15 ngày nhưng không được quá 2 tháng. Như vậy, theo pháp luật tố tụng Thái Lan, thời hạn giám đốc thẩm (Phúc thẩm DIKA) tối đa là 2 tháng. Theo điều 207 BLTTHS Trung Quốc, việc xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm phải được tiến hành trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày ra quyết định lấy vụ án lên trực tiếp xét xử, nếu cần gia hạn thì thời hạn trên không được quá 6 tháng. Luật tố tụng hình sự của một số nước khác cũng quy định thời hạn giám đốc thẩm ngắn…

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)