1. Đề nghị sửa đổi quy định về giao đất rừng

Luật Đất đai năm 2013 quy định Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, giao đất rừng phòng hộ cho tổ chức quản lý, bảo vệ rừng để khoán khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định pháp luật về bảo vệ phát triển rừng.

Việc quy định như vậy thì đối với các tổ chức kinh tế như là các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không phải là tổ chức quản lý về rừng sẽ không được Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, dẫn đến các doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức kinh tế rất khó khăn trong tiếp cận nguồn đất đai này, đặc biệt là đối với các dự án về trồng dược liệu.

Do đó, Chính phủ xem xét sửa đổi các quy định liên quan đến việc giao đất rừng sản xuất, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ cho các tổ chức kinh tế, làm sao để khai thác, bảo tồn, phát triển dược liệu dưới tán rừng sản xuất, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ.

Nghị quyết số 81 của Quốc hội khóa XV về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra định hướng cho vùng trung du và miền núi phía Bắc là tập trung bảo vệ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, khôi phục rừng gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, nâng cao đời sống của làm nghề rừng.

Tuy nhiên, do chính sách và nguồn lực cho công tác quản lý và bảo vệ, phát triển rừng chưa phù hợp, mức khoán bảo vệ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ sản xuất còn thấp, cuộc sống của người dân còn vô cùng khó khăn. Các biện pháp bảo vệ giữ rừng hiện nay chỉ tập trung hướng bảo tồn mà chưa quan tâm nhiều đến khai thác lợi thế dưới tán rừng tự nhiên.

Để thực hiện hiệu quả hơn cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát huy lợi thế tài nguyên rừng, Đại biểu đề nghị Chính phủ xây dựng quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 cần quy định rõ việc phân vùng lâm nghiệp trọng điểm, trong đó quan tâm chính sách đầu tư, chính sách chi thường xuyên, chính sách khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng.

Đồng thời, nâng mức khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng trên một hecta lên tối thiểu 1 triệu đồng trên một hecta trên năm, nâng mức kinh phí quản lý bảo vệ rừng ổn định cho Ban quản lý rừng đặc dụng từ 100.000 đồng lên 200.000 đồng trên hecta trên năm…. Với những tỷ lệ như thế thì sẽ đảm bảo được sự công bằng, hài hòa lợi ích giữa các địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Đặc biệt, cần xem xét, bổ sung tiêu chí tỷ lệ đất rừng có độ che phủ rừng của những địa phương có tiêu chí cao, tỷ lệ cao đưa vào tiêu chí phân bổ dự toán chi thường xuyên đối với các lĩnh vực chi đúng với tinh thần tại Nghị quyết số 19 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đó là có cơ chế điều tiết, phân bổ ngân sách đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các địa phương có diện tích đất trồng lúa, đất rừng lớn với các địa phương khác, hỗ trợ nâng cao đời sống của người trồng lúa, người trồng rừng.

Hiện nay việc triển khai một số dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn các tỉnh miền núi gặp nhiều khó khăn do thời gian thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng kéo dài, trong khi diện tích rừng không tập trung mà nằm xen kẽ nhỏ lẻ với các loại đất khác. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chỉ được quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với rừng phòng hộ dưới 20 hecta, rừng sản xuất dưới 50 hecta, không được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác trừ dự án của Chính phủ đã được phê duyệt.

Do đó, cần cho phép đối với các tuyến giao thông đã có trong quy hoạch và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt khi triển khai các dự án này thì địa phương không phải thực hiện thủ tục xin ý kiến về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Cho thực hiện đồng thời việc chuyển mục đích sử dụng đất với chuyển mục đích sử dụng rừng để tạo tính thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý, sử dụng đất và rừng. Giao thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng với một diện tích phù hợp, chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên là rừng sản xuất, rừng tự nhiên có trữ lượng thấp hoặc không có khả năng phát triển thành rừng có trữ lượng để tạo điều kiện cho địa phương thực hiện công trình, dự án đầu tư trên địa bàn và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

2. Mức phạt đối với trường hợp chuyển đất rừng đặc dụng là rừng trồng, đất rừng phòng hộ là rừng trồng, đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất ở

Căn cứ theo quy định tại Điều 10 Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sẽ bị xử phạt như sau:

Diện tích chuyển mục đích trái phép Mức phạt tiền
Dưới 0,02 héc ta 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng
Từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng
Từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng
Từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng
Từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta 30 triệu đồng đến 50 triệu dồng
Từ 01 héc ta đến dưới 05 héc ta 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng
Từ 05 héc ta trở lên 100 triệu đồng đến 250 triệu đồng

3. Xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật

Ngày 18/5/2022 Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.

Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua các bộ ngành đã tích cực chỉ đạo triển khai, hỗ trợ các địa phương tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ rừng trên địa bàn một số tỉnh có diễn biến phức tạp, nhiều vụ vi phạm phá rừng trái pháp luật với quy mô lớn đã xảy ra, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, gây bức xúc trong xã hội.

Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, đồng thời, góp phần thực hiện cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh thành quản lý chặt chẽ diện tích rừng, đất rừng theo đúng quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; tích hợp đầy đủ thông tin về rừng, đất rừng trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để quản lý, bảo vệ chặt chẽ, hiệu quả đối với diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, tránh tình trạng lợi dụng việc chuyển mục đích sử dụng rừng để phá rừng trái pháp luật.

Các tỉnh thành cần chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng và xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi để phân lô, bán nền, xây dựng trên đất rừng trái quy định của pháp luật; khẩn trương kiểm tra hiện trường, xác minh, điều tra làm rõ các vụ phá rừng trái pháp luật đã được các cơ quan chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và địa phương kiểm tra, phát hiện để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, làm rõ đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các vụ án phá rừng, lấn chiếm đất rừng trong thời gian qua nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Xử lý trách nhiệm của chủ rừng và các tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn quản lý nhưng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Chủ tịch UBND các tỉnh thành cần chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá toàn bộ diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn, nhất là tại các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng. Tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án trọng điểm về phá rừng, lấn chiếm đất rừng đã được các cơ quan báo chí phản ánh trong thời gian qua.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định nhằm quản lý chặt chẽ đất đai, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, chuyển mục đích sử dụng đất rừng trái quy định của pháp luật. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, nhất là trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây nguyên; chỉ đạo hỗ trợ các địa phương điều tra, xử lý nghiêm các vụ án hình sự trong lĩnh vực lâm nghiệp đặc biệt là các hành vi hủy hoại rừng…

Để tham khảo thêm thông tin về vấn đề này, quý khách hàng có thể tìm hiểu tại bài viết: Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì bị xử phạt như thế nào? của Luật Minh Khuê.

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Mức phạt đối với trường hợp chuyển đất rừng đặc dụng là rừng trồng, đất rừng phòng hộ là rừng trồng, đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất ở mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.

Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!