Mục lục bài viết
Trong đó, tình trạng xe chở hàng vượt quá chiều cao là một trong những hành vi dễ dàng bắt gặp, ẩn chứa những nguy cơ gây tai nạn rất lớn cho người tham gia giao thông khác và chính bản thân tài xế lái xe.
Vậy hiện nay pháp luật quy định như thế nào đối với hành vi chở hàng vượt quá giới hạn chiều cao xe này? Mức xử phạt đối với hành vi chở hàng vượt quá chiều cao giới hạn là bao nhiêu? Hãy theo dõi ngay bài viết sau đây của Luật Minh Khuê để biết thêm thông tin chi tiết.
1. Giới hạn chiều cao của xe
Đối với xe tải, xe chuyên dùng và xe container
Hiện nay, quy định về chiều cao xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ được quy định tại Điều 17 Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT và Khoản 2 Điều 1 Thông tư 03/2011/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung Thông tư 07/2010/TT-BGTVT. Cụ thể như sau:
- Đối với xe tải thùng kín (có mui), chiều cao xếp hàng hóa cho phép là chiều cao giới hạn trong phạm vi thùng xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Đối với xe tải thùng hở (không mui), hàng hóa xếp trên xe vượt quá chiều cao của thùng xe (theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt) phải được chằng buộc, kê, chèn chắc chắn đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ. Chiều cao xếp hàng hóa cho phép không vượt quá chiều cao quy định dưới đây, tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên:
+ Xe có tải trọng thiết kế chở hàng từ 5 tấn trở lên (ghi trong giấy đăng ký xe). Chiều cao xếp hàng hóa không quá 4,2 mét;
+ Xe có tảio trọng thiết kế chở hàng từ 2,5 tấn đến dưới 5 tấn (ghi trong giấy đăng ký xe): Chiều cao xếp hàng hóa không quá 3,5 mét;
+ Xe có tải trọng thiết kế chở hàng dưới 2,5 tấn (ghi trong giấy đăng ký xe): Chiều cao xếp hàng hóa không quá 2,8 mét;
- Xe chuyên dùng và xe chở container: Chiều cao xếp hàng hóa tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên không quá 4,35 mét;
- Trường hợp xe chở hàng rời, vật liệu xây dựng như đất, đá, cát, sỏi, than, quặng hoặc các hàng có tính chất tương tự: Chiều cao xếp hàng hóa không vượt quá chiều cao của thùng xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô nếu thực hiện giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.
Đối với xe mô tô, xe gắn máy
Theo Khoản 4 Điều 19 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định về giới hạn sắp xếp hàng hóa trên xe mô tô, xe gắn máy như sau:
- Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hoá, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 mét. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5 mét.
Như vậy, nếu mô tô, xe gắn máy chở hàng có chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy vượt quá 1,5 mét thì sẽ bị xử phạt lỗi xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định.
>> Xem thêm: Xe máy chở hàng cồng kềnh bị phạt bao nhiêu tiền, có bị giữ xe không?
2. Nguy cơ gây tai nạn giao thông từ hành vi chở hàng vượt quá chiều cao giới hạn
Để tiết kiệm chi phí, thay vì thuê xe ba gác chở hàng/ chuyển đồ, có không ít người sử dụng phương tiện cá nhân như xe máy, xe tự chế để chở hàng hóa, đồ đạc, bất chấp nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.
Khi chở hàng vượt quá chiều cao cho phép, khả năng điều khiển xe sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là đối với các trường hợp sử dụng xe hai bánh, xe tự chế, không được thiết kế để chở hàng hóa có kích thước lớn. Cộng thêm việc chằng cột có thể chưa chắc chắn, dễ dẫn đến tai nạn cho người lái. Ngoài ra, hành vi chở hàng vượt quá chiều cao cũng làm hạn chế tầm nhìn của các phương tiện khác - một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các tai nạn thương tâm trong thời gian vừa qua.
Về phía các đơn vị cung cấp dịch vụ xe chở hàng, để có mức giá cạnh tranh nhất nhằm thu hút khách hàng, không ít công ty để tài xế chất hàng hóa, đồ đạc cao hơn so với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều mẫu xe không được thiết kế để chở hàng hóa cồng kềnh cũng được tận dụng để làm dịch vụ, tiềm ẩn rủi ro cho người tham gia giao thông.
3. Hành vi chở hàng vượt quá chiều cao thì bị xử phạt bao nhiêu?
Mức xử phạt đối với hành vi chở hàng vượt quá chiều cao đối với xe tải, xe chuyên dụng và xe container
Căn cứ theo quy định tại Điểm b Khoản 4, khoản 9 Điều 24 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi chở hàng vượt quá chiều cao xếp hàng cho phép đối với xe ô tô tải (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc)
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau:
- Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng nếu thực hiện hành vi quy định tại điểm b, c khoản 2; điểm b khoản 3; điểm c khoản 4; khoản 5; điểm a, điểm b, điểm d khoản 6 Điều 24 Nghị định 100/2019/NĐ-CP
Mức xử phạt đối với hành vi chở hàng vượt quá chiều cao đối với xe mô tô, xe gắn máy.
Căn cứ theo Điểm k khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Người đang điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác cồng kềnh; người được chở trên xe đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.
Như vậy, hành vi chở hàng cồng kềnh, chở hàng vượt quá giới hạn quy định sẽ bị xử phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị tước bằng lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng, căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm như sau:
- Để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định tại Nghị định này.
>> Tham khảo: Chở hàng trên nóc xe thì bị xử phạt như thế nào? Mức phạt theo quy định pháp luật là bao nhiêu?
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi về vấn đề xử phạt đối với hành vi chở hàng vượt quá chiều cao và một số vấn đề khác có liên quan. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề xử phạt vi phạm giao thông, quý khách hàng vui lòng liên hệ trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7. Gọi số 1900.6162 hoặc gửi email chi tiết tại: Tư vấn pháp luật qua Email. Chúng tôi rất mong nhận được sự hợp tác từ quý khách hàng. Trâm trọng./.