1. Mức độ nghiêm trọng của hành vi:

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP, pháo nổ được định nghĩa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và tạo hiệu ứng màu sắc trong không gian. Cũng theo quy định tại Điều 5 Nghị định này, hành vi sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức là một trong số những hành vi bị nghiêm cấm.

Việc sử dụng pháo nổ trái phép là hành vi gây mất an ninh trật tự và an toàn xã hội. Pháo nổ là công cụ tiềm ẩn tính sát thương cao không chỉ với người khác mà ngay cả đối với người sử dụng. Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều người bị thương tích do việc sử dụng pháo trái phép trong các dịp lễ tết,... Đối với hành vi ném pháo nổ vào người khác, đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có thể gây thiệt hại về tài sản cũng như sức khỏe của người bị hại.

Theo quy định hiện hành của pháp luật, tùy vào tính chất và hậu quả của hành vi, việc ném pháo nổ vào người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại khoản 1, Chương I Thông tư liên tịch số 08/2006/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 15/12/2008, các hành vi sau thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng:

"a) Đốt pháo ở nơi công cộng, những nơi đang diễn ra các cuộc họp, những nơi tập trung đông người;

b) Đốt pháo nổ ném ra đường, ném vào người khác, ném vào phương tiện khác đang lưu thông, ném từ trên cao xuống;

c) Đốt pháo nổ gây thiệt hại sức khỏe, tài sản của người khác nhưng mức độ thiệt hại chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác;

..."

Như vậy, đối với hành vi sử dụng pháo nổ thuộc một trong số những trường hợp nêu trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Ngoài ra, nếu hành vi ném pháo nổ vào người khác gây thiệt hại về sức khỏe hoặc tài sản của người đó tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 134 hoặc Điều 178 Bộ luật Hình sự. 

Việc xử phạt vi phạm hành chính sẽ được áp dụng trong trường hợp hành vi sử dụng pháo nổ không gây thiệt hại cho người khác (về sức khỏe hoặc tài sản) đồng thời chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự. 

 

2. Hậu quả pháp lý:

Về chế tài xử phạt vi phạm hành chính, điểm i khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt như sau:

"Điều 11: Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công vụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

i) Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép"

Bên cạnh đó, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Về trách nhiệm hình sự, theo quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự, mức hình phạt đối với hành vi gây rối trật tự công cộng theo quy định là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Trong trường hợp người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự thì khung phạt được áp dụng là từ 02 đến 07 năm tù.

Trong trường hợp hành vi sử dụng pháo nổ đủ yếu tố cấu thành Tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự thì tùy vào hành vi và mức độ thiệt hại, mức hình phạt đối với tội phạm này nhẹ nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm và nặng nhất là tù chung thân.

Đối với trường hợp hành vi sử dụng pháo nổ gây thiệt hại về tài sản của người khác, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự với hình thức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp hành vi phạm tội thuộc các trường hợp tăng nặng định khung hình phạt theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự thì mức xử phạt cao nhất có thể được áp dụng là 20 năm tù.

 

3. Trường hợp áp dụng:

Như phân tích nêu trên, trong trường hợp hành vi sử dụng pháo nổ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi này sẽ chịu hình thức xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, đối với hành vi sử dụng pháo ném vào người khác, đây được coi là hành vi gây rối trật tự công cộng theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC. Như vậy, dù hành vi ném pháo nổ vào người khác không gây thiệt hại về sức khỏe và tài sản thì người thực hiện hành vi này vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng.

Bên cạnh đó, nếu hành vi ném pháo nổ gây thiệt hại về sức khỏe và tài sản của người khác thì người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với những tội danh tương ứng. Trong trường hợp này, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ làm rõ mức độ thiệt hại (tỷ lệ phần trăm tổn thương sức khỏe, giá trị tài sản bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra,...) để xác định hành vi của người đó thuộc khung hình phạt nào theo quy định của Bộ luật Hình sự để từ đó làm cơ sở để điều tra, truy tố và xét xử đối với hành vi phạm tội.

Cần lưu ý, trong trường hợp tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị hại là dưới 11% thì người thực hiện hành vi vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người bị hại có yêu cầu khởi tố. Cụ thể, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự, ngay cả trong trường hợp tỷ lệ tổn thương cơ thể của bị hại là dưới 11% nhưng người thực hiện hành vi vi phạm thuộc trường hợp sử dụng vật liệu nổ thì hành vi này vẫn đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự.

 

4. Ví dụ:

Ví dụ 1: Vào dịp Tết nguyên đán năm 2024, Nguyễn Văn A đã đốt pháo nổ và ném xuống hồ nước gần nhà. Khu vực nhà của A là khu vực vắng vẻ, ít người qua lại và hành vi A ném pháo xuống hồ nước không gây ảnh hưởng về sức khỏe và tài sản của bất kì ai. Trong trường hợp này, hành vi sử dụng pháo của A không gây thiệt hại cho ai đồng thời không thuộc các trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật do vậy trong trường hợp này, A sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt hành chính với mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng pháo trái phép.

Ví dụ 2: Do hiềm khích cá nhân, Nguyễn Văn A đã sử dụng pháo nổ và ném vào người chị Nguyễn Thị B khiến chị B bị thương tích nặng. Theo kết luận giám định, tỷ lệ tổn thương cơ thể của chị B là 12%. Như vậy trong trường hợp này, A sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý  gây thương tích theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với khung hình phạt từ 02 đến 06 năm tù.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Ném pháo nổ vào người khác có thể bị xử lý như thế nào? Nếu các bạn có vướng mắc cần giải đáp vui lòng liên hệ với Luật Minh Khuê qua tổng đài: 1900.6162 hoặc email: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ. Trân trọng cảm ơn!