Cơ sở pháp lý:

Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015)

- Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) 

1. Áp dụng pháp luật nước ngoài là gì?

Áp dụng pháp luật nước ngoài là hoạt động thi hành pháp luật quốc gia thông qua việc áp dụng quy định của pháp luật nước ngoài nhằm điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài tại quốc gia đó.

2. Điều kiện áp dụng pháp luật nước ngoài

Điều kiện để pháp luật nước ngoài được áp dụng tại Việt Nam được ghi nhận tại Điều 664, 668, 670 BLDS 2015. Với các quy định này, nhìn chung pháp luật nước ngoài sẽ được áp dụng tại Việt Nam nếu thoã mãn hai điều kiện sau đây:

Thứ nhất, pháp luật nước ngoài chỉ được áp dụng trong những trường hợp được pháp luật quy định. Cụ thể là pháp luật nước ngoài sẽ được áp dụng khi Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định; hoặc pháp luật nước ngoài được áp dụng nếu Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

Đây được xem là điều kiện tiên quyết để Toà án xem xét việc áp dụng pháp luật nước ngoài trong một vụ việc cụ thể. Mặc dù việc chấp nhận áp dụng pháp luật nước ngoài hay không, chấp nhận áp dụng đối với những quan hệ nào, hoàn toàn thuộc chủ quyền của quốc gia. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, cụ thể ở đây là Toà án, không thể áp dụng một cách tuỳ tiện cũng như từ chối áp dụng một cách tuỳ tiện.

Như vậy, với quy định trên có thể khẳng định rằng pháp luật nước ngoài chỉ có thể được áp dụng tại Việt Nam nếu thuộc 1 trong 3 trường hợp: (i) quy phạm xung đột trong Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định áp dụng pháp luật nước ngoài (ii) quy phạm xung đột trong pháp luật Việt Nam quy định áp dụng pháp luật nước ngoài (iii) các bên thoả thuận lựa chọn pháp luật nước ngoài.

Thứ hai, pháp luật nước ngoài chỉ được áp dụng nếu thỏa mãn điều kiện nếu hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. (Điểm a khoản 1 Điều 670 Bộ luật dân sự 2015)

3. Trách nhiệm xác định và cung cấp pháp luật nước ngoài để áp dụng

3.1. Quy định pháp luật

Tại Điều 481 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về xác định và cung cấp pháp luật nước ngoài để Tòa án áp dụng trong việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài như sau:

Trường hợp Tòa án Việt Nam áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định của luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì trách nhiệm xác định và cung cấp pháp luật nước ngoài được thực hiện như sau:

1. Trường hợp đương sự được quyền lựa chọn pháp luật áp dụng là pháp luật nước ngoài và đã lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài đó thì có nghĩa vụ cung cấp pháp luật nước ngoài đó cho Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự. Các đương sự chịu trách nhiệm về tính chính xác và hợp pháp của pháp luật nước ngoài đã cung cấp.

Trường hợp các đương sự không thống nhất được với nhau về pháp luật nước ngoài hoặc trong trường hợp cần thiết, Tòa án yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ ngoại giao, cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc thông qua Bộ ngoại giao đề nghị cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam cung cấp pháp luật nước ngoài;

2. Trường hợp luật của Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên quy định phải áp dụng pháp luật nước ngoài thì đương sự có quyền cung cấp pháp luật nước ngoài cho Tòa án hoặc Tòa án yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài cung cấp pháp luật nước ngoài;

3. Tòa án có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về pháp luật nước ngoài cung cấp thông tin về pháp luật nước ngoài;

4. Hết thời hạn 06 tháng, kể từ ngày Tòa án yêu cầu cung cấp pháp luật nước ngoài theo quy định tại Điều này mà không có kết quả thì Tòa án áp dụng pháp luật của Việt Nam để giải quyết vụ việc dân sự đó.

3.2. Trường hợp thuộc nghĩa vụ của đương sự

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 481 Bộ luật tố tụng dân sự thì trường hợp đượng sự thỏa thuận thống nhất lựa chọn được pháp luật nước ngoài áp dụng thì trách nhiệm xác định và cung cấp pháp luật nước ngoài cho Tòa án giải quyết sẽ thuộc về đượng sư. Đương sự sẽ phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và hợp lý của pháp luật nước ngoài đã cung cấp đó.

Điều đó có nghĩa rằng đương sự phải hiểu và nhận thức được tính phù hợp của pháp luật nước ngoài trong giải quyết tranh chấp của mình, do vậy nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự. Về mặt quy trình, các bên sau khi đạt được thỏa thuận áp dụng pháp luật nước ngoài phải cung cấp và bảo đảm tính chính xác của luật nước ngoài cho Tòa án giải quyết.

Trong trường hợp các đương sự không thống nhất lựa chọn được pháp luật nước  ngoài áp dụng để giải quyết thì đoạn 2 khoản 1 Điều 481 BLTTDS năm 2015 cũng dự liệu khả năng không đáp ứng được việc cung cấp và đảm bảo tính chính xác của pháp luật nước ngoài do các bên cung cấp nên đã quy định thêm sự hỗ trợ của Tòa án trong trường hợp này. Cụ thể đó là: Tòa yêu cầu Bộ Tư pháp; Bộ Ngoại giao; cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam phối hợp cung cấp luật nước ngoài cho Tòa án giải quyết.

Sở dĩ, quy định như vậy nhằm nâng cao trách nhiệm của đương sự trong việc cung cấp pháp luật nước ngoài, hơn nữa là để loại trừ trách nhiệm của Tòa án trong việc giải quyết không thỏa đáng do đương sự xác định và cung cấp pháp luật nước ngoài không chính xác.

3.3. Trường hợp thuộc nghĩa vụ của Tòa án

Tại khoản 2 Điều 481 quy định trong trường hợp việc áp dụng pháp luật nước ngoài không dựa trên thỏa thuận mà dựa trên pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế quy định áp dụng pháp luật nước ngoài thì nghĩa vụ xác định và cung cấp pháp luật nước ngoài để áp dụng thuộc về Tòa án. Trong trường hợp này, đương sự có quyền cung cấp (tức không ràng buộc nghĩa vụ chứng minh tính chính xác và hợp pháp của pháp luật nước ngoài cho đương sự).

Trong quy trình này, Tòa án là trung tâm có nghĩa vụ đảm bảo việc tìm kiếm pháp luật nước ngoài phù hợp. Để Tòa án đảm bảo nghĩa vụ của mình, Tòa án có thể trực tiếp hoặc yêu cầu cơ chế phối hợp từ Bộ Tư pháp; Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cung cấp hoặc yêu cầu chuyên gia pháp luật nước ngoài cung cấp.

Nhìn chung, trong cả hai trường hợp kể trên đều cho thấy Tòa án phải đóng vai trò trung tâm của hoạt động chứng minh áp dụng pháp luật nước ngoài bởi những lợi thế về tổ chức và phối hợp các cơ quan chuyên môn, đồng thời cũng là chủ thể thấu hiểu và giải thích đúng đắn nhất pháp luật nước ngoài. Việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa Tòa án với các cơ quan hành chính tư pháp - ngoại giao là bắt buộc, có sự tương đồng nhất định như cơ chế tương trợ tư pháp dân sự hiện nay. Tuy nhiên, không có nghĩa phủ nhận nghĩa vụ chứng minh của đương sự sau khi thỏa thuận áp dụng pháp luật nước ngoài.

4. Khó khăn trong việc xác định, cung cấp pháp luật nước ngoài

Trên phương diện lý thuyết, đương sự, Tòa án Việt Nam có thể gặp phải một số khó khăn, thách thức trong quá trình thu thập, cung cấp, xác định pháp luật nước ngoài để áp dụng

Thứ nhấtvề loại văn bản, tài liệu có chứa đựng nội dung pháp luật nước ngoài mà đương sự phải nộp cho Tòa án

Việc xác định loại văn bản, tài liệu có chứa đựng nội dung pháp luật nước ngoài mà đương sự phải nộp cho Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 481 BLTTDS là một vấn đề có thể phát sinh nhiều ý kiến khác nhau.

Theo đó, có ý kiến cho rằng văn bản, tài liệu có chứa đựng nội dung pháp luật nước ngoài đương nhiên là văn bản, tài liệu do cơ quan nhà nước ban hành. Do đó, đương sự chỉ phải nộp các văn bản, tài liệu chứa đựng nội dung quy định của pháp luật nước ngoài liên quan trực tiếp đến quan hệ phát sinh tranh chấp và yêu cầu cụ thể của đương sự trong vụ án đó và do cơ quan nhà nước ban hành mà thôi.

Ngược lại, có ý kiến khác cho rằng việc áp dụng quy định pháp luật của nước ngoài cần phải phù hợp với cách thức quy định của nước ngoài đó. Trên tinh thần đó, đương sự có quyền sử dụng nhiều văn bản, tài liệu khác nhau để chứng minh nội dung pháp luật nước ngoài cụ thể cần được Tòa án Việt Nam áp dụng và nội dung, cách hiểu của quy định pháp luật nước ngoài đó. Nghĩa là, bên cạnh văn bản pháp luật, đương sự còn được phép sử dụng các loại tài liệu, văn bản khác có nội dung giải thích, diễn giải về nội dung pháp luật nước ngoài mà đương sự đề nghị Tòa án áp dụng.

Về vấn đề này, trước hết cần xác định việc cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài là vấn đề thuộc lĩnh vực chứng cứ. Theo đó, nội dung pháp luật nước ngoài cụ thể nào cần được áp dụng là vấn đề mà đương sự phải chứng minh; pháp luật nước ngoài không đương nhiên được thừa nhận và được áp dụng như pháp luật Việt Nam. Trên tinh thần đó, đương sự phải tìm kiếm, thu thập để yêu cầu Tòa án áp dụng. Do đó, về nguyên tắc, đương sự được quyền sử dụng các văn bản, tài liệu có chứa đựng nội dung pháp luật nước ngoài, kể cả tài liệu giải thích, bình luận...về quy định của pháp luật nước ngoài mà đương sự đề nghị Tòa án áp dụng.

Như vậy, không có cơ sở để hạn chế việc đương sự cung cấp các văn bản tài liệu để phục vụ việc chứng minh pháp luật nước ngoài cần được áp dụng và cách thức áp dụng pháp luật nước ngoài đó trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ cho Thẩm phán trong việc thẩm định, đánh giá, chấp nhận ý kiến của đương sự về nội dung pháp luật nước ngoài cần được áp dụng và cách thức áp dụng nội dung pháp luật nước ngoài.

Thứ hai, về việc xác định tính chất hợp pháp của văn bản, tài liệu chứa đựng nội dung pháp luật nước ngoài mà đương sự cung cấp cho Tòa án.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 481 BLTTDS, đương sự phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nội dung pháp luật nước ngoài mà đương sự cung cấp cho Tòa án. Quy định về tính hợp pháp nêu trên được đặt ra trong BLTTDS để bảo đảm nội dung pháp luật nước ngoài mà đương sự cung cấp cho Tòa án được thu thập từ nguồn hợp pháp, chính thức, đáng tin cậy.

Từ đây, vấn đề đặt ra là nội dung pháp luật nước ngoài được thu thập từ nguồn nào thì được xác định là hợp pháp hoặc không hợp pháp? Theo quy định tại Điều 481 BLTTDS, Tòa án có quyền yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về pháp luật nước ngoài cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài. Như vậy, có thể nói rằng tài liệu, văn bản chứa đựng nội dung pháp luật nước ngoài được coi là hợp pháp, có độ tin cậy cao nhất về tính hợp pháp nếu được cơ quan nhà nước nước ngoài cấp, xác nhận, chứng thực hoặc được Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cung cấp cho Tòa án. Cùng với đó, cũng được coi là hợp pháp nếu văn bản, tài liệu nêu trên được cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về pháp luật nước ngoài cung cấp theo yêu cầu của Tòa án.

Ngoài các nguồn hợp pháp nêu trên, trong một số trường hợp, văn bản, tài liệu chứa đựng nội dung pháp luật nước ngoài mà đương sự cung cấp cho Tòa án, có thể làm phát sinh nhiều ý kiến khác nhau về “tính hợp pháp” của văn bản, tài liệu đó. Cụ thể, đó là những trường hợp mà một hoặc các bên đương sự nộp cho Tòa án văn bản, tài liệu không rõ nguồn gốc hoặc không thể truy nguyên nguồn gốc. Theo đó, đương sự đã thu thập tài liệu, văn bản đó từ mạng internet nhưng không phải từ nguồn cơ sở dữ liệu đáng tin cậy như: trang điện tử của cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế, cơ sở dữ liệu luật thuộc các trường đại học luật, khoa luật nước ngoài hoặc của tổ chức nước ngoài, chính phủ nước ngoài hoặc của các nhà xuất bản sách, tạp chí về luật có uy tín được thừa nhận rộng rãi trên trường quốc tế...Cùng với đó, những văn bản, tài liệu mà đương sự cung cấp cho Tòa án cũng không đủ điều kiện để thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự. Như vậy, những loại văn bản, tài liệu loại này khó có thể được Tòa án chấp nhận là loại văn bản, tài liệu hợp pháp, đáng tin cậy.

Thứ ba, về chất lượng dịch văn bản, tài liệu có chứa đựng nội dung pháp luật nước ngoài

Về nguyên tắc, đương sự phải tuân thủ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 478 của BLTTDS khi cung cấp cho Tòa án nội dung pháp luật nước ngoài. Theo đó, đương sự phải gửi văn bản, tài liệu có chứa đựng nội dung pháp luật nước ngoài và bản dịch ra tiếng Việt có công chứng hoặc chứng thực chữ ký của người dịch về nội dung pháp luật nước ngoài đó, thì Tòa án mới công nhận.

Tuy nhiên, vấn đề dịch ra tiếng Việt nội dung pháp luật nước ngoài có thể là một thách thức lớn cho cả đương sự và Tòa án trong các trường hợp sau đây:

- Nội dung pháp luật nước ngoài thể hiện bằng ngôn ngữ không phổ biến và có ít hoặc không có phiên dịch viên có đủ khả năng để dịch ra tiếng Việt;

- Chất lượng dịch nội dung pháp luật nước ngoài ra tiếng Việt không đáp ứng được yêu cầu như: sử dụng từ ngữ không phù hợp, dịch sai, dịch thiếu...;

- Cùng một nội dung pháp luật nước ngoài nhưng các đương sự cung cấp bản dịch ra tiếng Việt có nội dung khác nhau.

Trong những trường hợp nêu trên, chất lượng bản dịch tiếng Việt ảnh hưởng rất lớn đến cách hiểu nội dung pháp luật nước ngoài và việc áp dụng nội dung pháp luật đó để giải quyết vụ việc cụ thể của Tòa án. Bởi lẽ, Thẩm phán sẽ gần như phụ thuộc vào bản dịch tiếng Việt nếu không có khả năng ngoại ngữ, trình độ chuyên môn để đọc, hiểu nội dung pháp luật nước ngoài. Từ đó, việc áp dụng pháp luật nước ngoài sẽ rất khó khăn và không bảo đảm yêu cầu đặt ra.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập