Mục lục bài viết
1. Người giám hộ đương nhiên là gì ?
Quy định về người giám hộ đương nhiên:
Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên trong các trường hợp không còn cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án hạn chế quyền của cha mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu, thì được xác định như sau: nếu anh, chị ruột không có thỏa thuận khác, thì anh cả hoặc chị cả đã thành niên là người giám hộ của em; nếu anh cả, chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ, thì những người tiếp theo đã thành niên có đủ điều kiện phải là người giám hộ; Trong trường hợp không có anh, chị ruột hoặc anh, chị ruột không có đủ điều kiện thì ông bà nội hoặc ông bà ngoại có đủ điều kiện phải là người giám hộ. :
Người giám hộ đương nhiên của người mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì được xác định là chồng (vợ) đối với vợ (chồng) hoặc là con đối với cha mẹ hoặc cha mẹ đối với con nếu những người này có đủ điều kiện làm người giám hộ.
2. Người được giám hộ là gì ?
Quy định về người được giám hộ:
Người được giám hộ bao gồm:
1) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án hạn chế quyền của cha mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và cha, mẹ có yêu cầu người khác giám hộ cho con mình;
2) Người bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bậnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vị của mình.
3. Đăng ký việc giám hộ là gì ?
Khái niệm về đăng kí việc giám hộ:
Đăng kí việc giám hộ là thủ tục do pháp luật quy định. Việc giám hộ bắt buộc phải đăng kí trong trường hợp giám hộ là người được cử hoặc do cơ quan lao động, thương binh và xã hội đảm nhận.
4. Người giám hộ được cử là gì ?
Quy định về người giám hộ được cử:
Một người chỉ được cử làm người giám hộ khi không có ai, trong số những người thân thích của người được giám hộ, có đủ điều kiện làm người giám hộ. Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ và phải được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn của người giám hộ công nhận.
Nếu không có người giám hộ đương nhiên và cũng không cử được người giám hộ, không có tổ chức từ thiện đảm nhận việc giám hộ thì cơ quan lao động, thương binh và xã hội nơi cư trú của người được giám hộ đảm nhận việc giám hộ.
5. Điều kiện đăng ký giám hộ ở Việt Nam là gì ?
Thưa luật sư, E có bt tình huống này muốn hỏi luật sư ạ! Rất mong ls có thể giải đáp giúp e! Em xin cảm ơn! Năm 1998 chị L và anh H đăng ký kết hôn và có 2 con chung là cháu C và cháu T. Năm 2007, chị L bị phát hiện bị lao màng não và chữa trị không khỏi. Năm 2011, trên cơ sở kết quả khám chữa bệnh của chị L, Tòa án có Quyết định tuyên bố chị mất năng lực hành vi dân sự.Trong thời gian chị L bị bệnh, anh H mặc dù là chồng nhưng không chăm lo quan tâm tới vợ mà còn chung sống với người khác và có con riêng là cháu X (sinh năm 2009). Mẹ chị L đã có đơn xin thay đổi người giám hộ đương nhiên từ năm 2011 cho đến nay, Tuy nhiên, vẫn không có cơ quan nhà nước nào giải quyết cho bà. Hãy xác định các điều kiện của người giám hộ cho chị L ?Em xin chân thành cảm ơn!
>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự về giám hộ : 1900.6162
Trả lời:
Theo quy định tại điều 5 Luật hôn nhân gia đình năm 2014:
"Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ";
Như vậy, theo quy định của pháp luật việc chung sống như vợ chồng của 2 bạn đã xâm phạm chế độ hôn nhân 1 vợ, 1 chồng được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Trong trường hợp này, theo quy định tại điểm b, c; khoản 1, điều 48 nghị định 110/2013/NĐ-CP thì 2 bạn sẽ bị xử phạt về hành chính:
"Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ";
Và 2 bạn sẽ phải chấm dứt quan hệ chung sống bất hợp pháp này.
Theo quy định tại Điều 62 Bộ luật dân sự
Điều 62 Bộ luật dân sự 2005 quy định về Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự như sau:
“1. Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
2. Trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo là người giám hộ.
3. Trong trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.”
>> Như vậy nếu vợ bị Tòa tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì chồng sẽ là người giám hộ đương nhiên
Theo quy định tại Điều 60,70 Bộ luật dân sự 2005:
Điều 60. Điều kiện của cá nhân làm người giám hộ
Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:
1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
2. Có tư cách đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác;
3. Có điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện việc giám hộ.
Điều 70. Thay đổi người giám hộ
1. Người giám hộ được thay đổi trong các trường hợp sau đây:
a) Người giám hộ không còn đủ các điều kiện quy định tại Điều 60 của Bộ luật này;
b) Người giám hộ là cá nhân chết hoặc bị Toà án tuyên bố mất tích, tổ chức làm giám hộ chấm dứt hoạt động;
c) Người giám hộ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giám hộ;
d) Người giám hộ đề nghị được thay đổi và có người khác nhận làm giám hộ.
2. Trong trường hợp thay đổi người giám hộ đương nhiên thì những người được quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Bộ luật này là người giám hộ đương nhiên; nếu không có người giám hộ đương nhiên thì việc cử người giám hộ được thực hiện theo quy định tại Điều 63 của Bộ luật này.
3. Thủ tục thay đổi người giám hộ được cử được thực hiện theo quy định tại Điều 64 và Điều 71 của Bộ luật này.
Trong trường hợp trên, vợ là người mất năng lực hành vi dân sự nên chồng sẽ là người giám hộ đương nhiên theo quy định tại khoản 1 Điều 62 BLDS. Như thông tin ở trên người chồng không quan tâm chăm sóc chị ấy mà còn sống chung với với người phụ nữ khác và có con riêng. Điều này vi phạm nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ theo điều 67 của Bộ luật dân sự:
“Điều 67. Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ mất năng lực hành vi dân sự
Người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự có các nghĩa vụ sau đây:
- Chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ;
- Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự;
- Quản lý tài sản của người được giám hộ;
- Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.”
Mặt khác trái với thuần phong mĩ tục, vi phạm nghĩa vụ của vợ, chồng phải chung thủy. Từ những lý do trên người vợ có thể thay đổi người giám hộ.
Vì người chồng là người giám hộ đương nhiên nên trong trường hợp thay đổi người giám hộ (không có người giám hộ đương nhiên khác) thông qua việc cử người giám hộ. Để đảm bảo quyền lợi cho người vợ, mẹ của người vợ có thể được cử là người giám hộ mới cho con.
Khi thay đổi người giám hộ thì trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày có người giám hộ mới, người đã thực hiện việc giám hộ phải chuyển giao giám hộ cho người thay thế mình. Việc chuyển giao giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do chuyển giao và tình trạng tài sản của người được giám hộ tại thời điểm chuyển giao. Người cử người giám hộ, người giám sát việc giám hộ chứng kiến việc chuyển giao giám hộ và phải được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của mẹ người vợ công nhận.
Để đảm bảo quyền lợi cho người vợ, mẹ của người vợ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Khoản 2 Điều 51 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 “Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.”
Khi tiến hành ly hôn, việc chia tài sản chung sẽ căn cứ vào hoàn cảnh của mỗi bên, lỗi của mối bên trong việc vi phạm nghĩa vụ của vợ chồng.
Như vậy trong trường hợp này thì mẹ chị L hoàn toàn có quyền làm thủ tục thay đổi người giám hộ cho chị L. Trong trường hợp nếu cơ quan có thẩm quyền không giải quyết và cũng không thông báo thì mẹ chị L có thể làm đơn khiếu nại lên cơ quan ủy ban nhân dân xã trực tiếp tiếp nhận hồ sơ của mẹ chị L
Mọi vướng mắc pháp lý về luật dân sự, thừa kế, quan hệ tài sản và các vấn đề khác liên quan đến giám hộ ... Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật dân sự, thừa kế trực tuyến hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Emailđể nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự - Công ty luật Minh Khuê (biên tập)