1. Người tổ chức là gì?

Người tổ chức là người đồng phạm giữ vai trò đặc biệt trong các vụ đồng phạm có tổ chức thể hiện ở vai trò liên kết các cá nhân để hình thành nhóm phạm tội hoặc điều khiển hoạt động của nhóm phạm tội.

2. Quy định về người tổ chức trong đồng phạm theo Bộ luật Hình sự 2015

2.1. Quy định pháp luật về đồng phạm

Theo Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS 2015) quy định

"Điều 17. Đồng phạm

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành."

- Mặt khách quan của đồng phạm

Đồng phạm đòi hỏi phải có ít nhất 2 người trở lên, 2 người này đều phải có đủ điều kiện của chủ thể phạm tội: Là người có đủ khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp tội phạm được thực hiện là tội phạm có chủ thể đặc biệt thì dấu hiệu chủ thể đặc biệt chỉ đòi hỏi ở người đồng phạm là người thực hành.
Người có khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi là người mà khi thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội có khả năng nhận thức được tính chất gây nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và có khả năng điều khiển được hành vi đó.
Tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự như sau:
"1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này."
Những người đồng phạm phải cùng nhau thực hiện một tội phạm, mỗi người có thể thực hiện 1 trong 4 hành vi sau đây:
+ Hành vi thực hiện tội phạm (người thực hành);
+ Hành vi tổ chức thực hiện tội phạm (người tổ chức);
+ Hành vi xúi giục người khác thực hiện tội phạm (người xúi giục);
+ Hành vi giúp sức người khác thực hiện tội phạm (người giúp sức).
Hành vi của những người tham gia phải có sự liên kết thống nhất với nhau mới được coi là đồng phạm, biểu hiện qua: Hành vi của người này phải là tiền đề cho hành vi của người khác; Hành vi của mỗi người phải có mối quan hệ nhân quả với việc thực hiện tội phạm chung và hậu quả của tội phạm chung đó.

- Mặt chủ quan của đồng phạm

Mặt chủ quan của đồng phạm thể hiện ở 02 yếu tố: lỗi và mục đích của tội phạm.
+ Lỗi khi thực hiện hành vi phạm tội của tội phạm:
Về mặt lý trí: mỗi người đều biết hành vi của mình gây ra nguy hiểm cho xã hội và hành vi của những người thực hiện khác cũng gây nguy hiểm cho xã hội cùng mình. Nếu chỉ biết mình có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội mà không biết hành vi của người cùng thực hiện cũng gây nguy hiểm cho xã hội giống mình thì chưa thỏa mãn dấu hiệu có lỗi trong đồng phạm. Mỗi người đồng phạm phải thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình cũng như tội phạm chung mà họ cùng thực hiện.
Về mặt ý chí: Các đồng phạm cùng mong muốn có hoạt động chung, mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả xảy ra.

+ Mục đích phạm tội của đồng phạm:
Nếu mục đích là dấu hiệu bắt buộc thì chỉ khi đồng phạm cùng mục đích hay chấp nhận mục đích của nhau. Nếu mục đích không là dấu hiệu bắt buộc thì không cần đặt ra có cùng mục đích hay không.

- Các loại đồng phạm

+ Người thực hành: là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
+ Người tổ chức: là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm
+ Người xúi giục: là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm
+ Người giúp sức: là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

2.2. Quy định pháp luật về người tổ chức trong đồng phạm

Trước khi có BLHS đầu tiên, các khái niệm chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy thường đượ dùng để chỉ người tổ chức trong các vụ phạm tội phản cách mạng (nay là các tội xâm phạm an ninh quốc gia).

Thực tiễn chống tội phạm trong những năm qua cho thấy hoạt động của người tổ chức trong các vụ án nói chung cũng đa dạng. Việc dùng những khái niệm khác nhau để chỉ người tổ chức cho sát với thực tế là điều kiện cần thiết. Do vậy, BLHS đầu tiên và BLHS hiện hành đều đã xác định người tổ chức là người chủ mưu, người cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Trong đó:

- Người chủ mưu là người đề xướng chủ trương, phương hướng hoạt động của nhóm đồng phạm. Chủ mưu có thể trực tiếp điều khiển hoạt động của tổ chức những cũng có thể không.

- Người cầm đầu là người thành lập nhóm đồng phạm hoặc tham gia vào việc soạn thảo kế hoạch, phân công, giao trách nhiệm cho đồng bọn cũng như đôn đốc, điều khiển hoạt động của nhóm đồng phạm.

- Người chỉ huy là người điều khiển trực tiếp của nhóm đồng phạm có vũ trang hoặc bán vũ trang.

Tóm lại, trong mối quan hệ giữa những người đồng phạm khác, người tổ chức là người giữ vai trò thành lập nhóm đồng phạm hoặc điều khiển hoạt động của nhóm đó.

Người thành lập là người đã đề xướng việc thiết lập nhóm đồng phạm hoặc chỉ là người đã thực hiện việc đề xướng đó như rủ rê, lôi kéo người khác tham gia vào nhóm đồng phạm; thiết lập các mối quan liên hệ tổ chức giữa những người đồng phạm với nhau,...

Người điều khiển hoạt động của nhóm đồng phạm bao gồm:

- Những người giữ vai trò điều khiển hoạt động chung của toàn nhóm như vạch phương hướng hoạt động; vạch các kế hoạch thực hiện, phân công vai trò, nhiệm vụ cho những người đồng phạm khác.

- Những người chỉ giữ vai trò trực tiếp điều khiển việc thực hiện vụ việc phạm tội cụ thể của nhóm đồng phạm.

Với vai trò như vậy, người tổ chức luôn luôn được coi là người có hành vi nguy hiểm nhất trong vụ đồng phạm. Do vậy, trong nguyên tắc xử lý theo quy định tại Điều 3 BLHS 2015, người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy đã bị coi là loại đối tượng cần phải nghiêm trị.

- Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm

Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.

Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.

Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.

Nguyên tắc này xuất phát từ tính chất, mức độ tham gia gây án của người đồng phạm khác nhau, đặc điểm nhân thân khác nhau, tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của mỗi người khác nhau. Trách nhiệm hình sự độc lập về việc cùng thực hiện tội phạm ở chỗ: mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đến đâu thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm đến đó…Người đồng phạm này không phải chịu trách nhiệm hình sự về sự vượt quá của người đồng phạm khác.

3. Căn cứ xác định vụ án đồng phạm và vụ án phạm tội có tổ chức là như thế nào?

3.1. Các căn cứ khách quan:

- Căn cứ và số lượng người trong vụ án: Điều 17 BLHS năm 2015 quy định trong vụ án đồng phạm phải có từ hai người trở lên, những người này đều phải có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

- Căn cứ vào tính liên kết về hành vi: Những người trong vụ án đồng phạm phải cùng nhau thực hiện một tội phạm. Hành vi của người đồng phạm này liên kết chặt chẽ với hành vi của người đồng phạm kia. Hành vi của những người đồng phạm phải hướng về một tội phạm, phải tạo điều kiện, hỗ trợ cho nhau để thực hiện một tội phạm thuận lợi, nói cách khác hành vi của đồng phạm này là tiền đề cho hành vi của đồng phạm kia. Hành vi của tất cả những người trong vụ án đồng phạm đều là nguyên nhân dẫn đến hậu quả tác hại chung của tội phạm.

- Căn cứ vào hậu quả tác hại: Hậu quả tác hại do tội phạm gây ra trong vụ án đồng phạm là hậu quả chung do toàn bộ những người đồng phạm gây ra. Hành vi của mỗi người trong vụ án đều là nguyên nhân gây ra hậu quả chung ấy, mặc dù có người trực tiếp, người gián tiếp gây ra hậu quả tác hại. Đây là đặc điểm về quan hệ nhân quả trong vụ án đồng phạm.

3.2. Căn cứ chủ quan.

Tất cả những người trong vụ án đồng phạm phải có hình thức lỗi cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Tất cả họ đều thấy rõ hành vi của toàn bộ những người trong vụ án đều nguy hiểm cho xã hội. Mỗi người đồng phạm đều thấy trước hành vi của mình và hành vi của người đồng phạm khác trong vụ án đồng phạm là nguy hiểm, thấy trước hành vi của tất cả những người đồng phạm đều là nguyên nhân dẫn đến hậu quả tác hại. Vụ án có yếu tố đồng phạm khác vụ án thông thường do một người thực hiện ở những điểm sau đây:

- Vụ án có yếu tố đồng phạm có hai người trở lên, còn vụ án khác chỉ có một người thực hiện.
- Thông thường vụ án đồng phạm có tính chất, mức độ ngy hiểm hơn vụ án do một người thực hiện.
- Vụ án đồng phạm có hình thức lỗi cố ý, còn vụ án do một người thực hiện có thể cố ý hoặc vô ý.
- Hành vi của những người trong vụ án đồng phạm có sự liên kết chặt chẽ để cùng thực hiện một tội phạm, còn hành vi của người phạm tội đơn lẻ không liên kết với ai.
- Hậu quả tác hại trong vụ án đồng phạm là hậu quả chung do toàn bộ những người đồng phạm gây ra, hậu quả tác hại trong vụ án do một người thực hiện là hậu quả riêng do chính hành vi của người đó gây ra.