Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật Minh Khuê

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162

1. Nguồn tài nguyên xuyên biên giới là gì?

Tài nguyên xuyên biên giới như nguồn nước quốc tế, môi trường không khí là những loại dùng chung giữa các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia láng giềng. Pháp luật quốc tế đòi hỏi các quốc gia phải có trách nhiệm không gây thiệt hại khi khai thác, sử dụng những loại tài nguyên này.

2. Vì sao phải xác đinh trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên xuyên biên giới?

Nguồn tài nguyên xuyên quốc gia như nguồn nước quốc tế (nước ngọt), môi trường không khí rất dể bị ảnh hưởng nếu một quốc gia thực hiện những hành vi có khả năng gây ra thiệt hại như: thay đổi dòng chảy, xây đập trên sông; gây ô nhiễm môi trường nước, không khí… Do vậy, quốc gia cần phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ hai nguồn tài nguyên chung này, tránh gây thiệt hại cho các quốc gia khác. Nhưng thực tế hiện nay, các quốc gia vẫn có thể bị thiệt hại về môi trường do hành vi khai thác, sử dụng nguồn nước quốc tế hay ô nhiễm không khí xuyên biên giới do quốc gia khác gây ra. Ví dụ, ở phía Bắc, Việt Nam đối mặt với ô nhiễm không khí từ phía Trung Quốc, phía Nam chịu ô nhiễm khói mù xuyên biên giới từ các quốc gia ASEAN, đặc biệt là Indonesia. Vấn đề đặt ra là bằng biện pháp nào kiểm soát thiệt hại và nguy cơ thiệt hại môi trường có nguyên nhân xuất phát từ bên ngoài lãnh thổ quốc gia. Theo tác giả, điều quan trọng đầu tiên là phải xác định cơ sở pháp lý quốc tế của trách nhiệm quốc gia trong việc không được gây thiệt hại khi sử dụng nguồn tài nguyên xuyên quốc gia.

3. Điều ước quốc tế về kiểm soát ô nhiễm không khí xuyên biên giới

3.1. Ô nhiễm không khí xuyên biên giới là gì?

Ô nhiễm không khí là sự có mặt của một chất lạ hoặc một sự biến đổi quan trọng trong thành phần không khí, làm cho không khí không sạch hoặc gây ra sự tỏa mùi, có mùi khó chịu, giảm tầm nhìn xa do bụi.

Viện pháp luật quốc tế đưa ra định nghĩa trong Nghị quyết về ô nhiễm không khí xuyên biên giới tại phiên hợp Cairo năm 1987, theo đó:

Ô nhiễm không khí xuyên biên giới có nghĩa là bất kỳ thay đổi vật lý, hóa học hoặc sinh học trong thành phần hoặc chất lượng không khí mà kết quả trực tiếp hoặc gián tiếp từ hành vi của con người, và tạo ra tác động có hại đến môi trường của các quốc gia khác hoặc các khu vực xa hơn, vượt quá những giới hạn của quyền tài phán quốc gia.

3.2. Điều ước quốc tế về kiểm soát ô nhiễm không khí xuyên biên giới

Nghiên cứu các điều ước đa phương về bảo vệ môi trường không khí thì có thể thấy rằng, các điều ước này đều quy định chung về bảo vệ môi trường toàn cầu, trong đó có môi trường không khí và các quy định của những điều ước này vẫn mang tính chất kêu gọi, khuyến nghị hoặc chưa quy những biện pháp hữu hiệu để bắt buộc các quốc gia tuân thủ trong việc bảo vệ môi trường.

Ví dụ, Công ước Vienna 1985 và Nghị định thư Montreal 1987 về các chất làm suy giảm tầng ozon, theo đó các quốc gia có nghĩa vụ cắt giảm và đi đến loại bỏ hoàn toàn việc sản xuất và tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ozon, trong đó có các chất gây ô nhiễm không khí như CFC, CH4, N2O, NO đưa ra những biện pháp bảo vệ bầu khí quyển toàn cầu, tránh gây ô nhiễm không khí xuyên biên giới. Bên cạnh đó, Công ước khung về biến đổi khí hậu năm 1992 và Nghị định thư Kyoto năm 1997 về cắt giảm khí nhà kính đưa ra lời kêu gọi về việc phòng ngừa, ngăn chặn bằng những biện pháp có thể bảo vệ môi trường không khí Những điều ước trên chỉ dừng lại ở việc kêu gọi, không có những biện pháp thực thi hiệu quả.

Ở cấp độ khu vực, Công ước năm 1979 về ô nhiễm không khí xuyên biên giới xem bầu khí quyển châu Âu là một nguồn tài nguyên dùng chung và do đó bắt buộc các quốc gia phải có sự hợp tác xây dựng và thực hiện các biện pháp kiểm soát ô nhiễm cũng như những tiêu chuẩn phát thải chung. Vì vậy, mục tiêu của Công ước là ngăn ngừa, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm không khí tầm xa, từ bất kể nguồn gây ô nhiễm nào, nhưng không quy định trách nhiệm đối với tổn hại do ô nhiễm không khí. Ngoài ra, các quốc gia châu Âu còn xây dựng Công ước về Đánh giá Tác động Môi trường xuyên biên giới năm 1991 (Công ước Espoo) để tạo cơ chế đánh giá tác động tiềm ẩn của các dự án kinh tế, đặt ra trách nhiệm cung cấp thông tin, thực hiện đánh giá tác động môi trường. Có thể thấy rằng, Công ước năm 1979 về ô nhiễm không khí xuyên biên giới và Công ước Espoo là những điều ước hiếm hoi quy định về giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, nhưng chúng lại không xem xét trách nhiệm pháp lý quốc tế đối với những hành vi gây ô nhiễm và chỉ được thiết kế để hỗ trợ cho việc phát triển các chiến lược kiểm soát không khí chung. Mặc khác, cả hai điều ước này chỉ giới hạn ở phạm vi khu vực, chưa trở thành điều ước chung toàn cầu.

Đối với khu vực ASEAN, các quốc gia ký kết Hiệp định ASEAN về Ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (AATHP) vào tháng 11 năm 2003. Hiệp định bao gồm 32 Điều và Phụ lục, bao gồm các thiết lập trong quản lý ô nhiễm không khí xuyên biên giới trong phạm vi khu vực ASEAN. Trong đó, AATHP xác định mục tiêu là ngăn chặn và theo dõi ô nhiễm khói bụi xuyên biên giới xuất phát từ các vụ cháy đất và/hoặc rừng mà cần phải được giảm bớt thông qua các nỗ lực phối hợp giữa các quốc gia và tăng cường hợp tác trong khu vực và quốc tế. Từ đó, Hiệp định đã xây dựng nên những nguyên tắc nền tảng như: nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia thành viên; nguyên tắc liên kết và hợp tác; nguyên tắc phòng ngừa; nguyên tắc quản lý phù hợp; nguyên tắc tham gia (Điều 3 AATHP). Để theo đuổi mục tiêu của Hiệp định này quốc gia ASEAN phải có nghĩa vụ hợp tác trong việc xây dựng và thực thi các biện pháp để ngăn chặn và theo dõi tình trạng ô nhiễm khói bụi xuyên biên giới là hậu quả của các vụ cháy đất hoặc/và cháy rừng mà cần phải được khắc phục,[7] kiểm soát các nguồn gốc sinh ra các vụ cháy, kể cả việc nhận dạng và xác định các vụ cháy, xây dựng các hệ thống theo dõi, đánh giá và cảnh báo sớm, trao đổi thông tin và công nghệ, áp dụng chính sách hỗ trợ lẫn nhau.

4. Điều ước quốc tế về bảo vệ nguồn nước quốc tế

Các quốc gia trên thế giới chia sẻ 260 dòng sông quốc tế với diện tích lưu vực chiếm gần 50% diện tích bề mặt trái đất cung cấp khoảng 60% lượng nước mặt và là nơi cư trú của 40% dân số thế giới. Do nhu cầu về nước của các quốc gia ngày càng tăng, các nguồn nước chung đang được khai thác ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu về nước uống, sản xuất lương thực, năng lượng và công nghiệp của hàng tỷ nguời – dẫn đến suy giảm số lượng nước, và thường là suy giảm chất lượng nước, dẫn đến không đủ để duy trì các hệ sinh thái và đáp ứng nhu cầu nước của con người ngày càng tăng trong tương lai. Ngay cả tại những nơi có lịch sử chia sẻ nước và quản lý lưu vực sông tốt thì những bất ổn về biến đổi khí hậu cũng có khả năng tạo ra những thách thức mới, thách thức này đòi hỏi các quốc gia ven sông – những nước cùng chia sẻ một lưu vực sông – phải tăng cường hợp tác.

Nhiều điều ước song phương, đa phương điều chỉnh việc khai thác, sử dụng nguồn nước xuyên biên giới nhưng không có điều ước chung toàn cầu nào về vấn đề này. Ví dụ, Công ước New York 1997 về Luật sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới vì mục đích phi giao thông đường thủy của Liên hợp quốc (Việt Nam là thành viên), Hiệp định về Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong năm 1995; Công ước về Bảo vệ và sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới và các hồ quốc tế của Ủy ban Kinh tế châu Âu năm 1992 (Công ước Helsinki 1992), một số điều ước quốc tế song phương, đa phương, khu vực như: Công ước Bảo vệ sông Danube năm 1994; Hiệp định về Chất lượng nước các hồ lớn giữa Canada và Mỹ năm 1978; Hiệp định Phân chia nguồn nước Pakistan năm 1991; Nghị định thư sửa đổi về Các nguồn nước chia sẻ của Cộng đồng Phát triển Nam Phi năm 1995; Hiệp định về Khung hợp tác châu thổ Sông Nile năm 2009…Trong đó, Điều 4 Quy tắc Helsinki năm 1966 về việc sử dụng nước từ các dòng sông quốc tế đặt ra nguyên tắc tránh gây thiệt hại đáng kể: mọi quốc gia trong lưu vực đều có quyền sử dụng hợp lý và chia sẻ công bằng các vùng nước của lưu vực, bảo vệ nguồn nước, tránh gây thiệt hại. Theo đó, các quốc gia trong cùng lưu vực có nghĩa vụ phải xem xét các quyền và nhu cầu của các quốc gia khác và mỗi quốc gia có quyền được chia sẻ nguồn nước một cách công bằng và hợp lý. Nguyên tắc này mang lại lợi ích tối đa cho mỗi lưu vực nước, cùng với mức thiệt hại tối thiểu. Việc xác định được chia sẻ hợp lý và công bằng phải được đánh giá dựa trên tất cả các yếu tố liên quan trong từng trường hợp cụ thể[11]. Ngoài ra, nguyên tắc tránh gây thiệt hại đáng kể cũng được đề cập tại Điều 7 Công ước New York 1997 về Luật sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới vì mục đích phi giao thông thủy của Liên hợp quốc. Điều 5 và 6 Công ước New York 1997 cụ thể hóa Điều 7, quy định các quốc gia nếu chứng minh được rằng việc rằng họ đã thực hiện tất cả các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa những thiệt hại đáng kể và việc sử dụng nguồn nước quốc tế là công bằng và hợp lý thì mới không chịu trách nhiệm pháp lý về việc gây ra những thiệt hại đáng kể.

Ngoài ra, trong lưu vực sông Mekong, Hiệp định Mekong năm 1995 được thiết lập để kêu gọi các quốc gia trong lưu vực có biện pháp bảo vệ nguồn nước, tham vấn các quốc gia khác khi thực hiện những dự án có khả năng gây thiệt hại (Điều 5, Điều 26) và đặc biệt thành lập Ủy ban hội sông Mekong, là cơ quan có chức năng hỗ trợ, thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia trong lưu vực (Điều 18).

Như vậy có thể thấy rằng, có tồn tại các quy phạm điều ước quy định về nghĩa vụ bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm, không gây thiệt hại cho quốc gia khác. Tuy nhiên, nghĩa vụ kiểm soát ô nhiễm không khí xuyên biên giới, bảo vệ nguồn nước quốc tế từ nguồn thải bên ngoài lãnh thổ quốc gia vẫn chưa được quy định trong một điều ước chung toàn cầu, chỉ được một số quốc gia, khu vực thỏa thuận. Những thỏa thuận này cũng chỉ dừng lại ở một số khía cạnh nhất định như nêu những nghĩa vụ mang tính chất chung chung, khuyến nghị, kêu gọi, nghĩa vụ cung cấp thông tin, nghĩa vụ đánh giá tác động môi trường. Trong bối cảnh của Việt Nam, hiện tại chúng ta chỉ mới tham gia vào Hiệp định khói mù ASEAN 2002, nhưng khi các hiện tượng ô nhiễm khói mù từ các đám cháy ở Indonesia gây ra, Hiệp định vẫn chưa được thực thi trên thực tế. Trong mối quan hệ với Trung Quốc, quốc gia khởi nguồn ô nhiễm không khí cho miền Bắc Việt Nam, vẫn chưa có bất kỳ điều ước nào quy định về nghĩa vụ kiểm soát ô nhiễm hay xử lý ô nhiễm. Đối với nguồn nước quốc tế, Việt Nam mới chỉ tham gia vào Hiệp định sông Mekong và Công ước New York và thực tế việc khai thác sông Mekong đang gặp rất nhiều vấn đề.

Mặc dù tồn tại các quy phạm điều ước, nhưng những quy phạm này chỉ mang tính chất khuyến nghị hoặc chỉ là những quy phạm trong phạm vi song phương, khu vực. Có thể thấy rằng, hiện nay có một sự thiếu sót về các điều ước quốc tế để các quốc gia như Việt Nam bảo vệ mình trước vấn đề ô nhiễm không khí xuyên biên giới và bảo vệ nguồn nước quốc tế.

Trong cộng đồng quốc tế đã và đang hình thành một tập quán về sử dụng nguồn tài nguyên xuyên quốc gia. Đó là: Một quốc gia bị cấm sử dụng lãnh thổ của một quốc gia mà không tính đến lợi ích hợp pháp và các quyền của các quốc gia khác. Điều này được thể hiện qua một số phán quyết quốc tế.

Phán quyết đầu tiên và quan trọng nhất về nghĩa vụ kiểm soát ô nhiễm không khí xuyên biên giới là phán quyết của Trọng tài quốc tế trong vụ Trail Smelter. Trong đó, ủy ban trọng tài đã đưa một nguyên tắc của việc kiểm soát ô nhiễm không khí xuyên biên giới là nghĩa vụ của các quốc gia phải ngăn ngừa các tổn hại xuyên biên giới. Trọng tài kết luận rằng “theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, cũng như luật pháp của Hoa Kỳ, không có quốc gia nào có quyền sử dụng hoặc cho phép sử dụng lãnh thổ của mình theo cách thức gây ra thiệt hại khói bụi trong hoặc tới lãnh thổ của quốc gia khác hoặc tài sản của quốc gia đó, khi trường hợp có hậu quả nghiêm trọng và thương tích được xác lập bằng những bằng chứng rõ ràng và thuyết phục”. Lập luận này sau đó đã được coi là “locus classicus” (cốt lõi) của Luật môi trường quốc tế, được trích dẫn lại rất nhiều lần trong các phán quyết sau này cũng như trong các nghiên cứu của các học giả quốc tế. Mặc dù đã thành công giải quyết tranh chấp về ô nhiễm môi trường không khí xuyên biên giới giữa Hoa Kỳ và Canada, nhưng có thể nói vụ Trail Smelter là vụ tranh chấp duy nhất liên quan trực tiếp đến vấn đề ô nhiễm không khí xuyên biên giới.

Trong vụ Lac Lanoux, Trọng tài quốc tế lập luận rằng các công trình Pháp đề xuất sẽ không làm giảm lượng nước chảy vào lãnh thổ Tây Ban Nha, nhưng họ dự kiến một tình huống giả định rằng các công trình đề xuất sẽ làm tổn hại lợi ích của Tây Ban Nha thông qua ô nhiễm hóa học, và kết luận rằng trong tình hình đó, trách nhiệm của Pháp sẽ phải được tính đến. Trường hợp vụ kênh đào Corfu, Toà án Công lý quốc tế đã giải quyết vấn đề trách nhiệm của quốc gia về thiệt hại phát sinh từ việc thực hiện chủ quyền của họ. Trong đó, ICJ đề cập “nghĩa vụ của mỗi quốc gia không cho phép sử dụng trái phép lãnh thổ của mình xâm hại quyền của người khác”. Trong San Juan River case, một Ủy ban trọng tài được thành lập bởi Costa Rica và Nicaragua để phân định ranh giới chung của họ theo các điều khoản của Hiệp ước CanasJeres. Trọng tài cho rằng Costa Rica không thể ngăn Nicaragua thực hiện các công trình trong lãnh thổ của mình, với điều kiện những cải tiến này không gây ra ngập lụt hay thiệt hại trên lãnh thổ Costa Rica và Costa Rica có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

5. Đánh giá chung

Qua các vụ việc có thể thấy rằng, cơ quan tài phán quốc tế khi đưa ra các phán quyết về việc sử dụng tài nguyên xuyên quốc gia thường đi theo hướng việc sử dụng tài nguyên trong lãnh thổ quốc gia phải tính đến lợi ích của những quốc gia khác và không được gây thiệt hại cho những quốc gia đó. Nếu gây thiệt hại phải bồi thường. Đặc biệt, việc không gây thiệt hại cho quốc gia khác khi thực hiện các hoạt động của quốc gia không chỉ thực hiện bên trong lãnh thổ quốc gia, mà còn được áp dụng khi họ thực hiện ở vùng lãnh thổ quốc tế, nhưng đã hoặc sẽ có khả năng gây thiệt hại cho quốc gia khác. Điều này được tìm thấy trong vụ Nuclear Test giữa Australia/New Zealand và Pháp, 1973 – 1974. Cả Pháp và Australia/New Zealand đã chấp nhận nguyên tắc này.

Ngoài các phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế, các điều ước quốc tế thì tồn tại trong cộng đồng quốc tế những quy phạm luật mềm như: Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), Tuyên bố của Hội nghị Stockholm vào năm 1972 về Môi trường và con người, Tuyên bố Rio năm 1992 về Môi trường và phát triển.

UNEP (Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc), được xây dựng bởi Đại hội đồng Liên hiệp quốc sau Hội nghị Stockholm vào năm 1972, đã cố gắng cụ thể hóa các khuyến nghị đã đưa ra tại hội nghị đó và đẩy mạnh việc đánh giá môi trường, trao đổi thông tin, quản lý môi trường, chiến lược và thực hiện bản Tuyên ngôn Stockholm. Năm 1981, cuộc họp Cấp cao do UNEP tổ chức tại Montevideo, Uruguay thiết lập một khuôn khổ và các phương pháp cho việc rà soát định kỳ pháp luật môi trường quốc tế.

Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Con người tổ chức tại Stockholm vào năm 1972 đã đánh dấu một bước ngoặt trong việc phát triển luật môi trường quốc tế. Trong đó, nguyên tắc 21 và 22 của Tuyên bố Stockholm kêu gọi các quốc gia xây dựng luật quốc tế về bồi thường cho các nạn nhân bị ô nhiễm xuyên biên giới và đảm bảo rằng việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của họ không gây ra gây ra thiệt hại cho môi trường của các nước láng giềng.

Năm 1992, tại Hội nghị Rio các quốc gia đã đề ra các nguyên tắc về bảo vệ môi trường, trong đó Nguyên tắc 15 của Tuyên bố Rio quy định rằng “Để bảo vệ môi trường, cách tiếp cận phòng ngừa sẽ được các quốc gia áp dụng rộng rãi theo khả năng của mình. Trường hợp có nguy cơ gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc không thể đảo ngược, thiếu sự chắc chắn đầy đủ về khoa học sẽ không được sử dụng làm lý do trì hoãn các biện pháp có hiệu quả về chi phí để ngăn ngừa sự suy thoái môi trường”. Nguyên tắc này cũng được nhiều học giả quốc tế tán đồng. Việc áp dụng biện pháp phòng ngừa có thể bao gồm yêu cầu một quốc gia tiến hành đánh giá tác động môi trường trước khi bắt tay vào một hoạt động có thể gây ra nguy hại xuyên biên giới nghiêm trọng. Trong mỗi trường hợp, điều này sẽ phụ thuộc vào từng ngữ cảnh.

Mặc dù những chương trình hành động, tuyên bố của những văn bản nêu trên không mang tính chất bắt buộc, nhưng những văn bản này đã mở đầu và dần trở thành những nền tảng cơ bản của luật môi trường quốc tế. Trong đó, các tuyên bố này đề ra trách nhiệm bảo vệ môi trường chung, tránh gây thiệt hại đã trở thành nguyên tắc cơ bản của luật môi trường quốc tế.

Từ thực tiễn xét xử của cơ quan tài phán quốc tế , các điều ước quốc tế và luật mềm có thể thấy rằng tồn tại trách nhiệm của quốc gia khi khai thác tài nguyên xuyên biên giới. Đó là, khi khai thác tài nguyên xuyên biên giới quốc gia không được gây thiệt hại môi trường trên lãnh thổ quốc gia khác và nếu gây thiệt hại trong trường hợp như vậy phải có nghĩa vụ bồi thường.

6. Giải pháp để Việt Nam kiểm soát ô nhiễm nguồn tài nguyên xuyên biên giới

Dựa trên những phân tích trên, với Việt Nam – một quốc gia đang gặp phải ô nhiễm không khí xuyên biên giới và chịu ảnh hưởng từ việc khai thác sông Mekong, tác giả đề xuất một số giải pháp trước mắt như sau:

Một là, cần vận động các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là khu vực ASEAN và Trung Quốc thiết lập các điều ước chung về kiểm soát ô nhiễm không khí xuyên biên giới, hoàn thiên Hiệp định sông Mekong trong việc làm rõ trách nhiệm và bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, Việt Nam nếu chưa thể vận động các quốc gia ký kết điều ước quốc tế có liên quan, có thể trước mắt vận động thiết lập các mô hình hợp tác song phương hay khu vực. Các thiết chế bảo vệ môi trường khu vực của Cộng đồng châu Âu, Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (Organization of American States – OAS) và mô hình của các quốc gia Nam Mỹtheo Hiệp ước Andean là các mô hình kiểm soát ô nhiễm môi trường khu vực nói chung và ô nhiễm không khí xuyên biên giới nói riêng, sẽ là mô hình thích hợp cho Việt Nam tham khảo.

Hai là, trên cơ sở lý luận và thực tiễn như đã phân tích, tác giả kiến nghị Việt Nam nên mạnh dạn thông qua con đường ngoại giao như đàm phán, trung gian, hòa giải để thỏa thuận với Trung Quốc và các quốc gia gây ô nhiễm không khí xuyên biên giới và có những tác động tiêu cực trong việc khai thác sông Mekong. Bởi vì, lý luận về trách nhiệm không gây thiệt hại khi khai thác tài nguyên xuyên quốc gia đã được chứng minh trong đời sống quốc tế, nó sẽ là cơ sở lý luận, pháp lý vững chắc cho Việt Nam trong quá trình đàm phán với các quốc gia.

Ba là, nếu việc thực hiện biện pháp ngoại giao không thành công, tác giả kiến nghị Việt Nam nên đi theo con đường tài phán để giải quyết triệt để những vấn đề môi trường liên quan đến ô nhiễm không khí xuyên biên giới và nguồn nước quốc tế. Thực tiễn pháp lý quốc tế như đã phân tích, sẽ là lập luận thuyết phục cho Việt Nam để bảo vệ lợi ích của mình thong qua tài phán quốc tế.

Nguồn: Lê Minh Nhựt – Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01(122)/2019

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập