Về phương diện pháp lý, chủ quyền dân tộc là quyền tự quyết định vận mênh của dân tộc đó trong đời sống quốc tế, thể hiện ở tổng thể các quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của mỗi dân tộc, được ghi nhận tại các văn bản pháp luật quốc gia và quốc tế. Ngày nay, chủ quyền dân tộc được hiện thực hoá trong đời sống quốc tế thông qua quyền dân tộc cơ bản, là quyền vốn có của mỗi dân tộc, được luật quốc tế ghi nhận và bảo đảm thực hiện, bao gồm:
- Quyền được độc lập của dân tộc;
- Quyền bình đẳng với các dân tộc khác;
- Quyền tự quyết của dân tộc;
- Quyền được sống trong hoà bình, an ninh, phát triển bền vũng;
- Quyền được định đoạt tài nguyên thiên nhiên.
Trong lịch sử quan hệ quốc tế, quyền dân tộc tự quyết được hiểu theo nghĩa là việc một dân tộc hoàn toàn tự do trong việc tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập cũng như lựa chọn thể chế chính trị, đường lối phát triển đất nước. Như vậy, quyền dân tộc tự quyết là một trong những nội dung quan trọng của quyền dân tộc cơ bản nhưng trong điều kiện quan hệ quốc tế hiện nay, có sự mở rộng quan niêm về quyền dân tộc tự quyết so với khái niệm nêu trên. Tôn trọng quyền dân tộc tự quyết trở thành nguyên tắc pháp lý quốc tế,, được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc và trong nhiều văn bản quốc tế quan trọng như Tuyên bố về trao trả độc lập cho các nước và dân tộc thuộc địa năm 1960; hai công ước về các quyền dân sự chính trị, quyền kinh tế - xã hội - văn hoá năm 1966, Tuyên bố về các nguyên tắc của luật quốc tế năm 1970.
Trong Hiến chương Liên hợp quốc các quốc gia đã cam kết theo đuổi mục đích:
“phát triển quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền và dân tộc tự quyết” (khoản 2 Điều 1).
Mục đích này được cụ thể hoá trong nhiều điều khoản của Hiến chương. Ví dụ, Điều 55 đã gắn mục đích trên với nhiệm vụ nâng cao mức sống, với việc giải quyết các vấh đề quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội, bảo vệ sức khoẻ, giáo dục, văn hoá, tôn trọng các quyền con người ...
Tuyên bố của Liên hợp quốc năm 1970 về các nguyên tắc của luật quốc tế khẳng định:
“Việc thiết lập một nhà nước độc lập có chủ quyền hay tự do gia nhập vào nhà nước độc lập khác hoặc liên kết với quốc gia đó, cũng như việc thiết lập bất cứ chế độ chính trị nào do nhân dân tự do quyết định là các hình thức thể hiện quyền dân tộc tự quyết”.
Như vậy, nguyên tắc dân tộc tự quyết bao hàm nội dung chính sau đây:
- Được thành lập quốc gia độc lập hay cùng với các dân tộc khác thành lập quốc gia liên bang (hoặc đơn nhất) trên cơ sở tự nguyên;
- Tự lựa chọn cho mình chế độ chính trị, kinh tế, xã hội;
- Tự giải quyết các vẩh đề đối nội không có sự can thiệp từ bên ngoài;
- Quyền của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc tiến hành đấu tranh, kể cả đấu tranh vũ trang để giành độc lập và nhận sự giúp đỡ và ủng hộ từ bên ngoài, kể cả giúp đỡ về quân sự.
- Tự lựa chọn con đường phát triển phù hợp với truyền thống lịch sử văn hoá, tín ngưỡng, điều kiện địa lý...
Tất cả các quyền nêu trên của mỗi dân tộc đều được các dân tộc và quốc gia khác tôn trọng.
Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)