1. Thế nào là đại lý bảo hiểm?

Đại lý bảo hiểm là tổ chức, cá nhân được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền trên cơ sở hợp đồng đại lý bảo hiểm để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm.

 Hoạt động đại lý bảo hiểm là hoạt động giới thiệu, chào bán bảo hiểm, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm và các công việc khác nhằm thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm.

- Đại lý bảo hiểm có thể được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền tiến hành các hoạt động sau đây:

+ Giới thiệu, chào bán bảo hiểm;

+ Thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm;

+ Thu phí bảo hiểm;

+ Thu xếp giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;

+ Thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

 

2. Nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm gồm những gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 127 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định về nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm như sau:

- Tổ chức, cá nhân hoạt động đại lý bảo hiểm phải có đủ điều kiện hoạt động đại lý và phải ký hợp đồng đại lý bảo hiểm.

 - Đại lý bảo hiểm không được thực hiện các hành vi sau đây:

+ Thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động, điều kiện bảo hiểm làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm;

+ Tranh giành khách hàng dưới các hình thức ngăn cản, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa nhân viên hoặc khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm khác;

+ Khuyến mại bất hợp pháp;

+ Các hành vi cạnh tranh bất hợp pháp khác.

 

3. Vai trò của đại lý bảo hiểm

Đại lý bảo hiểm có một vai trò quan trọng trong mô hình kinh doanh bảo hiểm. Đây chính là cầu nối trực tiếp giữa một doanh nghiệp bảo hiểm với khách hàng tiềm năng. Cụ thể đại lý bảo hiểm có những vai trò như sau:

Vai trò đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm

- Đại lý bảo hiểm dù là tổ chức hay cá nhân đều đóng vai trò là một lực lượng bán hàng trọng yếu của doanh nghiệp bảo hiểm.

- Đại lý bảo hiểm là nơi trực tiếp nhận các thông tin phản hồi về sản phẩm bảo hiểm từ phía khách hàng.

- Có nghĩa vụ tìm kiếm khách hàng có nhu cầu sử dụng gói bảo hiểm.

- Có nhiệm vụ giới thiệu hoặc chào bán gói sản phẩm của doanh nghiệp bảo hiểm với khách hàng.

- Được ủy quyền, chịu trách nhiệm tổ chức việc ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp với người tham gia bảo hiểm.

- Việc phát triển hệ thống đại lý tạo ra nhiều nguồn thu hơn.

- Thực hiện một số công việc khác nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng đã tham gia gói bảo hiểm.

Vai trò đối với khách hàng tham gia bảo hiểm

- Khách hàng cảm thấy dễ dàng, nhanh chóng trong việc ký kết hợp đồng bảo hiểm với công ty bảo hiểm.

- Đại lý bảo hiểm có thể đi đến từng nhà, từng doanh nghiệp để tư vấn bảo hiểm, thu phí bảo hiểm hoặc đàm phán những thay đổi về nhu cầu bảo hiểm của khách hàng.

- Giúp khách hàng tiết kiệm chi phí đi lại, tiết kiệm thời gian khi có quyết định tham gia bảo hiểm.

- Hỗ trợ, đồng hành cùng với người tham gia trong việc đảm bảo quyền lợi bảo hiểm khi rủi ro xảy ra.

Vai trò của đại lý bảo hiểm với xã hội

Đại lý là nơi cung cấp dịch vụ cho xã hội, mang đến sự đảm bảo cho mỗi cá nhân, tổ chức và gia đình và sự yên tâm cho những người có trách nhiệm trong gia đình. Do vậy, xét trên một khía cạnh nào đó, đại lý bảo hiểm còn góp phần đảm bảo an toàn cho xã hội.

 

4. Đại lý bảo hiểm có bao nhiêu loại?

Dựa theo những tiêu chí khác nhau, đại lý bảo hiểm sẽ được phân ra thành các loại khác nhau. Việc phân loại này giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm dễ dàng phát triển hệ thống đại lý, đồng thời dễ dàng quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

- Dựa theo tư cách pháp nhân

+ Đại lý cá nhân: Là một cá nhân đã được ủy quyền kinh doanh từ doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

+ Đại lý tổ chức: Là một nhóm người hoặc một công ty có đại diện pháp nhân được ủy quyền kinh doanh từ doanh nghiệp bảo hiểm.

- Dựa theo loại hình bảo hiểm và tính rủi ro của nó

+ Đại lý bảo hiểm nhân thọ: Là đại lý đã được ủy quyền kinh doanh và thực hiện các hoạt động khác trong khuôn khổ về quyền và trách nhiệm dựa theo bản hợp đồng từ một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

+ Đại lý bảo hiểm phi nhân thọ: Là đại lý đã được ủy quyền kinh doanh và thực hiện các hoạt động khác trong khuôn khổ về quyền hạn và trách nhiệm dựa theo bản hợp đồng từ một doanh nghiệp phi nhân thọ.

- Các cách phân loại khác

+ Theo thư bổ nhiệm: Đại lý giới thiệu dịch vụ và đại lý thu phí bảo hiểm.

+ Theo trình độ chuyên môn: Đại lý học việc và đại lý chính thức.

+ Theo phạm vi hoạt động: đại lý phụ thuộc hoặc đại lý độc lập…

 

5. Những điều cần lưu ý khi mua bảo hiểm

- Phí bảo hiểm chỉ chiếm dưới 20% thu nhập/năm. Điều này nhằm đảm bảo duy trì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trong dài hạn, kể cả khi biến cố kinh tế xảy ra.

- Bị phạt nếu hủy hợp đồng trước hạn. Thông thường khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ trong vòng 10 - 20 năm, nếu hủy hợp đồng trước hạn sẽ bị phạt phí. Chẳng hạn dù mới tham gia hai năm đầu nhưng khách hàng đã muốn hủy hợp đồng thì khả năng bị mất 100% số tiền đã nộp.

-  Đại lý bảo hiểm từ chối chi trả nếu khai sai sự thật. Khách hàng sẽ không được công ty bảo hiểm chi trả bồi thường, nếu khai sai sự thật về tình trạng sức khỏe của mình ở hiện tại cũng như trong quá khứ, cũng như kê sai thu nhập, nghề nghiệp hoặc ký thay... Lưu ý rằng việc công ty bảo hiểm mời đi khám sức khỏe hay không đều không thay thế cho trách nhiệm kê khai trung thực.

- Bảo hiểm nhân thọ đầu tiên là phải là bảo hiểm, đầu tư thêm chỉ là phụ. Đối với khoản tiền bảo hiểm, sau khi trừ các loại chi phí, công ty bảo hiểm mới dùng số tiền còn lại của khách hàng để mang đi đầu tư. Đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, công ty cam kết trả lãi, bất kể thị trường biến động như thế nào. Riêng sản phẩm liên kết đơn vị (IL), khách hàng có thể lời hoặc lỗ, có thể ảnh hưởng đến giá trị bảo hiểm.

- Đại lý bảo hiểm không bảo vệ miễn phí. Bất kể khách hàng tham gia sản phẩm chính (chi trả khi tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn) hay sản phẩm phụ (chi trả khi đau ốm), công ty bảo hiểm đều thu phí ban đầu, phí rủi ro, phí quản lý hợp đồng...

- Cần phải hiểu rõ ưu và nhược điểm của sản phẩm bảo hiểm chính và phụ. Với sản phẩm chính, ngoài các loại phí công ty bảo hiểm đã thu, khách hàng còn phải đóng thêm một khoản tiền để tích lũy sau này nhận lại (giá trị hoàn lại trong bảng minh họa). Với sản phẩm phụ, ngoài các loại phí công ty bảo hiểm đã thu, khách hàng không cần phải đóng thêm một khoản tiền để tích lũy, nên không có giá trị hoàn lại sau này - hay còn lại là "phí rơi". Điều này giúp khách hàng giảm tải số tiền phải đóng khi tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, dù tính chất bảo vệ vẫn đảm bảo. Hiện sản phẩm phụ của một số công ty, ngoài các khoản phí phải thu, khách hàng còn phải đóng thêm một khoản tiền để tích lũy, sau này nhận lại.

- Không bắt buộc đóng tới gần 100 tuổi. Đối với dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị, thời hạn kết thúc hợp đồng bảo hiểm có thể lên tới khi khách hàng gần 100 tuổi, đây là quyền lợi. Tuy nhiên, khách hàng chỉ cần đóng phí từ 10 - 20 năm là có thể tất toán và rút tiền.

-  Cẩn trọng với cuộc gọi xác nhận từ công ty bảo hiểm. Sau khi cấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phía công ty bảo hiểm sẽ gọi điện đến để xác nhận khách hàng đã hiểu hết các điều khoản của hợp đồng bảo hiểm hay chưa. Nếu khách hàng chưa hiểu nhưng vẫn xác nhận đã hiểu thì sau này công ty bảo hiểm có thể lấy bản ghi âm ra để đối chất và từ chối bồi thường.

Tham khảo: Đại lý bảo hiểm có thể tiến hành các hoạt động gì?

Để tiện lợi và nhanh chóng, quý khách hàng có thể liên hệ với Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 1900.6162 hoặc gửi yêu cầu chi tiết qua email: lienhe@luatminhkhue.vn. Chúng tôi cam kết sẽ phản hồi và giải đáp thắc mắc của quý khách hàng trong thời gian ngắn nhất.