Cơ sở pháp lý:

Thông tư 12/2016/TT-BYT;

1. Thành lập Hội đồng thú y các cấp

- Hội đồng thú y trung ương được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập.

- Hội đồng thú y cấp tỉnh được Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập.

- Hội đồng thú y trung ương và cấp tỉnh có nhiệm kỳ 05 năm.

-  Thành viên Hội đồng thú y được hưởng thù lao theo quy định của pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ tư vấn.

2. Chức năng của Hội đồng thú y các cấp

- Hội đồng thú y trung ương có chức năng tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hoạt động thú y thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

- Hội đồng thú y cấp tỉnh có chức năng tư vấn cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hoạt động thú y thuộc phạm vi quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Thành phần của Hội đồng thú y các cấp

Thành phần của Hội đồng thú y trung ương, gồm có:

- Chủ tịch Hội đồng: Cục trưởng Cục Thú y;

- Phó Chủ tịch Hội đồng: Chủ tịch Hội thú y Việt Nam và Viện trưởng Viện Thú y quốc gia;

- Các Ủy viên Hội đồng phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp với nội dung tư vấn là đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức sau: Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, chăn nuôi, thuỷ sản; các hội, hiệp hội, trường đại học, viện nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực thú y, chăn nuôi, thuỷ sản;

- Thư ký Hội đồng: Là lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Cục Thú y;

- Cơ quan thường trực của Hội đồng là Cục Thú y.

Thành phần Hội đồng thú y cấp tỉnh, gồm có:

- Chủ tịch Hội đồng: Chi cục trưởng Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh;

- Phó Chủ tịch Hội đồng: Đại diện lãnh đạo hội hoặc hiệp hội, trường đại học hoặc viện nghiên cứu về lĩnh vực thú y, chăn nuôi, thuỷ sản;

- Các Ủy viên Hội đồng phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp với nội dung tư vấn là đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức sau: Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, thuỷ sản, các hội, hiệp hội, trường đại học, viện nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực thú y, thuỷ sản;

- Thư ký Hội đồng: Là lãnh đạo các phòng chuyên môn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh;

- Cơ quan thường trực của Hội đồng là cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh.

4. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng thú y các cấp

Hội đồng thú y trung ương có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

- Tư vấn hoàn thiện thể chế pháp luật về thú y; đánh giá thực thi pháp luật về thú y;

- Tư vấn, đề xuất các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật khi dịch bệnh lây lan nhanh trên diện rộng hoặc xuất hiện bệnh động vật mới tại Việt Nam;

- Tư vấn xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật trên toàn quốc;

- Tư vấn liên quan đến việc sử dụng thuốc thú y đối với bệnh động vật mới xuất hiện tại Việt Nam;

- Tư vấn quản lý các hoạt động hành nghề thú y; xã hội hoá dịch vụ hành nghề thú y trên toàn quốc;

- Tư vấn ứng dụng khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực thú y trên toàn quốc;

- Thực hiện nhiệm vụ khác khi được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông giao.

Hội đồng thú y cấp tỉnh có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

- Tư vấn các chủ trương, chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch trong hoạt động thú y tại địa phương; đánh giá thực thi pháp luật về thú y tại địa phương;

- Tư vấn, đề xuất các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật khi dịch bệnh lây lan nhanh trên diện rộng tại địa phương;

- Tư vấn xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật tại địa phương;

- Tư vấn liên quan đến việc sử dụng thuốc thú y đối với bệnh động vật mới xuất hiện tại địa phương;

- Tư vấn quản lý các hoạt động hành nghề thú y; xã hội hoá dịch vụ hành nghề thú y tại địa phương;

- Tư vấn ứng dụng khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực thú y tại địa phương;

- Thực hiện nhiệm vụ khác khi được Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao.

5. Kinh phí hoạt động, chế độ làm việc

* Kinh phí hoạt động

Cơ quan được giao thường trực của Hội đồng thú y các cấp có trách nhiệm xây dựng dự toán kinh phí hoạt động của Hội đồng thú y trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các nguồn hỗ trợ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác được sử dụng theo quy định của pháp luật.

* Chế độ làm việc

- Hội đồng thú y các cấp làm việc theo chế độ tập thể.

- Các thành viên Hội đồng thú y các cấp làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

- Chủ tịch Hội đồng, các Phó Chủ tịch Hội đồng được sử dụng con dấu của cơ quan nơi công tác.

- Chủ tịch Hội đồng quy định chế độ làm việc và nhiệm vụ cụ thể của các thành viên.

- Hội đồng thú y trung ương có trách nhiệm định kỳ báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 6 tháng một lần hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu về kết quả thực hiện hoạt động tư vấn về thú y; báo các cơ quan liên quan khi có yêu cầu.

- Hội đồng thú y cấp tỉnh có trách nhiệm định kỳ báo cáo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội đồng thú y trung ương 6 tháng một lần hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu về kết quả thực hiện các hoạt động tư vấn về thú y; báo các cơ quan liên quan khi có yêu cầu.

6. Trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng thú y và các thành viên

Chủ tịch Hội đồng thú y có trách nhiệm sau đây:

- Quyết định chương trình, kế hoạch công tác của Hội đồng thú y, nội dung cần tư vấn;

- Quyết định việc mời các thành viên và chủ trì cuộc họp của Hội đồng thú y;

- Phân công trách nhiệm cho các thành viên Hội đồng thú y;

- Chịu trách nhiệm chung về hoạt động của Hội đồng thú y và thành viên Hội đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tư vấn.

Các thành viên Hội đồng thú y có trách nhiệm sau đây:

- Triển khai công việc theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng thú y;

- Bố trí tham gia các hoạt động của Hội đồng thú y;

- Trình bày ý kiến về các nội dung được đề nghị tư vấn.

Cơ quan thường trực Hội đồng thú y có trách nhiệm chuẩn bị tài liệu, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cuộc họp của Hội đồng thú y và được sử dụng bộ máy tổ chức và con dấu của đơn vị mình để thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng.

7. Những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực thú y

Những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực thú y bao gồm:

- Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, chết do bệnh truyền nhiễm làm lây lan dịch bệnh động vật.

- Khai báo, lập danh sách, xác nhận không đúng số lượng, khối lượng động vật mắc bệnh, chết, sản phẩm động vật nhiễm bệnh phải tiêu hủy; khai báo, xác nhận không đúng số lượng, khối lượng vật tư, hóa chất để phòng, chống dịch bệnh động vật với mục đích trục lợi.

- Không thực hiện việc thông báo, công bố dịch bệnh động vật trong trường hợp phải thông báo, công bố theo quy định của Luật thú y.

- Thông tin không chính xác về tình hình dịch bệnh động vật.

- Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của Luật thú y.

- Không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

- Vứt động vật mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng, xả nước thải, chất thải mang mầm bệnh ra môi trường.

- Vận chuyển động vật mắc bệnh, sản phẩm hoặc chất thải của động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, động vật mẫn cảm với bệnh dịch động vật đã công bố và sản phẩm của chúng ra khỏi vùng có dịch khi không được phép của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền.

- Tiêu hủy không đúng quy định hoặc không tiêu hủy động vật mắc bệnh, chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc diện phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

- Mua bán, tự ý tẩy xóa, sửa chữa các loại giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ trong lĩnh vực thú y.

- Đánh tráo hoặc làm thay đổi số lượng động vật, sản phẩm động vật đã được kiểm dịch.

- Trốn tránh việc kiểm dịch; vận chuyển động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch mà không có Giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

- Nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam động vật, sản phẩm động vật từ quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch bệnh nguy hiểm trên loài động vật mẫn cảm với bệnh dịch đó.

-  Nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật, mẫu bệnh phẩm không được phép của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

- Nhập khẩu, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật thuộc diện cấm nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định của pháp luật.

- Giết mổ, thu hoạch động vật, sản phẩm động vật dùng làm thực phẩm trước thời gian ngừng sử dụng thuốc thú y theo hướng dẫn sử dụng.

-  Giết mổ, chữa bệnh động vật mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật cấm giết mổ, chữa bệnh.

- Giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để kinh doanh không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y.

- Sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật có chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, thú y hoặc chứa các vi sinh vật, chất tồn dư quá giới hạn cho phép.

- Ngâm, tẩm hóa chất, đưa nước hoặc các loại chất khác vào động vật, sản phẩm động vật làm mất vệ sinh thú y.

- Sử dụng nguyên liệu thuốc thú y để phòng bệnh, chữa bệnh động vật; sử dụng thuốc thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc thú y cấm sử dụng, thuốc thú y hết hạn sử dụng, thuốc thú y chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 Điều 15 của Luật thú y.

- Sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, buôn bán thuốc thú y giả, thuốc thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc thú y cấm sử dụng, thuốc thú y hết hạn sử dụng, thuốc thú y kém chất lượng, thuốc thú y chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 100 của Luật thú y.

- Lưu hành thuốc thú y có nhãn không đúng với nội dung nhãn đã đăng ký với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

- Quảng cáo thuốc thú y không đúng với tính năng, công dụng đã đăng ký.

- Hành nghề thú y trái pháp luật.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.