- 1. Dự án đầu tư công là gì?
- 2. Các chương trình, dự án đầu tư công không phải thực hiện việc lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư
- 2.1 Về chương trình mục tiêu:
- 2.2. Về dự án đầu tư công
- 3. Các chương trình , dự án thực hiện việc lập , thẩm định, phê duyệt chủ chương đầu tư.
- 4. Hồ sơ, nội dung và thời gian thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công
1. Dự án đầu tư công là gì?
Dự án đầu tư công là dự án sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư công.
Căn cứ vào tính chất, dự án đầu tư công được phân loại như sau:
(i) Dự án có cấu phần xây dựng là dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án;
(ii) Dự án không có cấu phần xây dựng là dự án mua tài sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc và dự án khác không thuộc dự án (i).
Căn cứ mức độ quan trọng và quy mô, dự án đầu tư công được phân loại thành dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án nhóm C.
2. Các chương trình, dự án đầu tư công không phải thực hiện việc lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư
2.1 Về chương trình mục tiêu:
Các chương trình không phải phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, gồm 03 trường hợp:
a) Các chương trình đã được cấp có thẩm quyền quyết định có thời gian thực hiện đến hết năm , đang triển khai trong giai đoạn mới, tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn tới nhưng không thay đổi mục tiêu, nội dung, phạm vi và tổng mức đầu tư.
b) Các chương trình mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư trong đó quy định cụ thể mục tiêu, nội dung, phạm vi, tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện và mức vốn bố trí cụ thể trong từng giai đoạn
c) Các chương trình mục tiêu sử dụng toàn bộ vốn cân đối ngân sách địa phương, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách địa phương và các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương đã được Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đầu tư
2.2. Về dự án đầu tư công
Các dự án không phải phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, gồm 06 trường hợp:
a) Các dự án dở dang đã được bố trí vốn đầu tư công , tiếp tục triển khai theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
b) Các dự án khởi công mới được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công, tiếp tục triển khai theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
c) Các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào danh mục theo quy định
d) Các dự án đã phê duyệt quyết định đầu tư trước ngày 01 tháng 01 năm 2015, chưa được bố trí vốn kế hoạch, nhưng trước thời điểm Luật Đầu tư công có hiệu lực, đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể mức vốn ngân sách trung ương, trái phiếu Chính phủ .
đ) Các dự án sử dụng toàn bộ vốn cân đối ngân sách địa phương, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư, đã phê duyệt quyết định đầu tư, tổng mức đầu tư từ các nguồn vốn chưa được bố trí vốn kế hoạch, đã được Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định mức vốn ngân sách cấp mình triển khai
e) Các dự án sử dụng toàn bộ vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư công nên không yêu cầu thực hiện các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định này.
3. Các chương trình , dự án thực hiện việc lập , thẩm định, phê duyệt chủ chương đầu tư.
Các chương trình, dự án đầu tư công (trừ các chương trình, dự án không phải lập như trên) đều phải lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công 2019. Trong đó lưu ý một số điểm như sau:
3.1 Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công:
a) Thẩm quyết quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công:
Thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Luật Đầu tư công và tiêu chí dự án trọng điểm nhóm C Cụ thể:
- Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư: Chương trình mục tiêu quốc gia; Dự án quan trọng quốc gia.
- Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư: Chương trình mục tiêu sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước.
- Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư: Chương trình đầu tư sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, trừ chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ; Dự án nhóm A; Dự án khẩn cấp sử dụng vốn ngân sách trung ương; Dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo quy định của Chính phủ.
- Hội đồng nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư:
+ Chương trình đầu tư bằng toàn bộ vốn cân đối ngân sách địa phương, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách địa phương thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân các cấp và các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư;
+ Dự án nhóm B và dự án trọng điểm nhóm C thuộc cấp mình quản lý, trừ các dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Ủy ban nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án thuộc cấp mình quản lý, trừ các dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp.
b) Cơ chế ủy quyền quyết định chủ trương đầu tư:
Để bảo đảm tiến độ xây dựng kế hoạch đầu tư công đúng thời gian quy định, Hội đồng nhân dân các cấp có thể ủy quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân cấp đó quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án theo đề xuất của Ủy ban nhân dân và báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại Kỳ họp gần nhất.
c) Cơ chế quyết định chủ trương đầu tư đối với các địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân:
Theo đó, Uỷ ban nhân dân huyện, phường nơi không tổ chức hội đồng nhân dân sẽ là một đơn vị dự toán ngân sách nhà nước của Uỷ ban nhân dân cấp trên. Do đó, việc lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án của các huyện, phường thực hiện như một đơn vị dự toán của Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp. Cụ thể:
- UBND phường báo cáo UBND thành phố, thị xã tổ chức thẩm định, trình HĐND thành phố, thị xã quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B và trọng điểm nhóm C.
- UBND huyện báo cáo UBND tỉnh tổ chức thẩm định, trình HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B và trọng điểm nhóm C.
3.2 Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình mục tiêu, các dự án đầu tư công:
Thực hiện theo quy định tại Mục 1, Chương II, Luật Đầu tư công 2019, cụ thể:
a) Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình mục tiêu thuộc thẩm quyền Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư: trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định tại Điều 19, 20, 21, 22, 34 của Luật Đầu tư công.
b) Đối với các chương trình đầu tư sử dụng toàn bộ vốn cân đối ngân sách địa phương, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách địa phương và các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư: trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định tại Điều 28 của Luật Đầu tư công.
c) Đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài: trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định tại Điều 24 của Luật Đầu tư công.
d) Đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C: Trình tự, thủ tục đối với từng nguồn vốn khác nhau thực hiện tương ứng theo quy định tại các điều 19, 23, 25, 26, 27, 29, 30, 31, 32 và 33 của Luật Đầu tư công.
đ) Trong việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình, dự án, cần lưu ý một số điểm sau:
- Trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, Uỷ ban nhân dân các cấp phải giao đơn vị trực thuộc lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 34 và Điều 36 của Luật Đầu tư công, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định tại Điều 35 của Luật Đầu tư công và phải thành lập Hội đồng hoặc giao đơn vị có chức năng thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
- Đối với dự án đã được phê duyệt quyết định đầu tư trước ngày 01 tháng 01 năm 2015, chưa được bố trí vốn kế hoạch (chưa được Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền đồng ý bố trí vốn đầu tư công trong giai đoạn 2016-2020) hoặc đã tiến hành lập dự án thì các cơ quan đề xuất chủ trương đầu tư có thể sử dụng các thông tin, số liệu đã có và cập nhật các thông tin, số liệu cần thiết để chuẩn bị Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình phê duyệt chủ trương đầu tư nhằm tiết giảm các chi phí không cần thiết.
- Tất cả các chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công của các cấp trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư, phải thực hiện việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công và phân cấp thẩm định theo quy định tại Điều 38 của Luật Đầu tư công.
- Ủy ban nhân dân tỉnh xin ý kiến Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh cho ý kiến trước khi:
+ Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công; các dự án nhóm B và các dự án trọng điểm nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài do địa phương quản lý.
+ Gửi hồ sơ về Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án nhóm B và các dự án trọng điểm nhóm C sử dụng vốn ngân sách trung ương, công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ.
3.3 Vốn chuẩn bị đầu tư và chi phí để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công:
- Việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công là bước đầu tiên chuẩn bị dự án đầu tư của các bộ, ngành và địa phương. Các địa phương (cấp huyện, cấp xã) bố trí vốn chuẩn bị đầu tư để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công. Riêng đối với các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, phải bố trí vốn chuẩn bị đầu tư ngay từ kế hoạch năm 2015; không được yêu cầu tư vấn bỏ vốn chuẩn bị đầu tư khi chưa bố trí vốn kế hoạch.
- Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hoặc Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi có thể do cơ quan đề xuất chương trình, dự án lập (nếu có đủ năng lực) hoặc thuê đơn vị tư vấn có đủ năng lực lập. Trong điều kiện các Bộ, ngành chưa công bố định mức chi phí lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hoặc Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Cơ quan đề xuất chủ trương đầu tư có thể vận dụng theo định mức chi phí lập báo cáo đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi quy định tại Quyết định 15/2001/QĐ-BXD về định mức chi phí tư vấn đầu tư và xây dựng của Bộ Xây dựng hoặc lập theo phương pháp dự toán tháng - người được hướng dẫn tại phụ lục kèm theo Quyết định số 957/QĐ-BXD .
4. Hồ sơ, nội dung và thời gian thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công
a) Hồ sơ trình trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công:
- Tờ trình đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án.
- Hồ sơ Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hoặc Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định của Luật Đầu tư công, bao gồm cả báo cáo thẩm định trong nội bộ của đơn vị đề xuất chương trình, dự án (đối với cấp huyện là của Phòng Tài chính – Kế hoạch hoặc hội đồng thẩm định của huyện; đối với các sở, ngành hoặc đơn vị khác là bộ phận chuyên môn được giao nhiệm vụ hoặc Hội đồng thẩm định do cơ quan tự thành lập). Riêng đối với dự án có cấu phần xây dựng, Báo cáo chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi còn phải có hồ sơ thiết kế sơ bộ gồm:
+ Phần thuyết minh: Danh mục Quy chuẩn xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng; Yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, công nghệ; Điều kiện tự nhiên và kỹ thuật: địa hình, địa chất công trình, khí tượng, thuỷ văn, động đất tại khu vực xây dựng, tác động của môi trường, hiện trạng chất lượng công trình, công trình kỹ thuật hạ tầng; Phương án công nghệ, dây chuyền công nghệ, các thông số kỹ thuật và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu; Phương án bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn vận hành; Phương án kiến trúc phù hợp quy hoạch, công nghệ, yêu cầu sử dụng và cảnh quan môi trường; Phương án xây dựng chủ yếu (gia cố nền, móng, kết cấu chịu lực chính, cơ điện, công trình kỹ thuật hạ tầng,…); So sánh, lựa chọn phương án công nghệ và xây dựng; Khối lượng sơ bộ các công tác xây lắp, vật tư vật liệu, máy móc thiết bị… chủ yếu của công trình để xác định tổng mức đầu tư.
+ Phần hồ sơ thiết kế: Gồm các bản vẽ chính như Bản vẽ mặt bằng hiện trạng công trình; Bản vẽ hướng tuyến, bình đồ tuyến, bản vẽ tổng mặt bằng công trình (có số liệu cao độ khống chế một số vị trí chính); Bản vẽ thể hiện phương án xây dựng chính (phối cảnh tổng thể, kiến trúc, cắt ngang, cắt dọc, kết cấu của các hạng mục chính,...) đủ để sơ bộ được khối lượng xây lắp chính của công trình.
Sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định hoặc của cơ quan được giao thẩm định: chủ chương trình, dự án hoàn chỉnh Tờ trình và Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo đúng ý kiến về thẩm định chương trình, dự án và thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
b) Số lượng bộ hồ sơ: 05 bộ.
c) Nơi nộp hồ sơ: Đối với các chương trình, dự án do cấp tỉnh quyết định được nộp qua Bộ phận một cửa liên thông tại Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh.
d) Nội dung thẩm định:
Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan được giao chủ trì thẩm định căn cứ Hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt tổ chức thẩm định các nội dung trong Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hoặc Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn phải bảo đảm tính hiệu quả và cân đối được nguồn vốn thực hiện chương trình, dự án.
đ) Thời gian thẩm định chủ trương đầu tư của Hội đồng thẩm định, Cơ quan thẩm định:
- Đối với các chương trình, dự án do cấp tỉnh quyết định (theo Quyết định số 2784/QĐ-CT ngày 10/10/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập Hội đồng thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công):
+ Chương trình: 30 ngày;
+ Dự án nhóm A: 30 ngày;
+ Dự án nhóm B: 25 ngày;
+ Dự án nhóm C: 18 ngày.
- Đối với các chương trình, dự án cấp huyện, xã quyết định: Địa phương quy định thời gian thẩm định các chương trình, dự án trong phạm vi phân cấp quản lý, bảo đảm phù hợp với đặc điểm của địa phương mình.