Trong những năm qua, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã tạo đà phát triển cho nền kinh tế Việt Nam với sự xuất hiện của các trang thương mại điện tử. Điều đó đã tác động mạnh mẽ đến ngành bưu chính – viễn thông trong nước. Do bước phát triển vượt bậc của bưu chính – viễn thông, công nghệ thông tin và những đóng góp tích cực trong hoạt động hợp tác quốc tế mà Việt Nam đã trúng cử liên tiếp vào thành viên Hội đồng quản trị cả hai tổ chức quốc tế lớn là Liên minh Bưu chính thế giới UPU và Liên minh Viễn thông quốc tế ITU từ nhiều năm nay.

Khoảng 2 năm trở lại đây, chúng ta đã không còn xa lạ với những dịch vụ bưu chính, nổi lên một trong số đó là VNpost, Vietelpost, Giao Hàng Tiết Kiệm,… với mạng lưới các bưu cục dày đặc, chuyển phát trong nước và quốc tế trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết, không thể phủ nhận sự đóng góp của hoạt động bưu chính trong việc lưu thông hàng hóa, thúc đẩy thương mại. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà bưu chính đem lại, một số thành phần đã lợi dụng sự thuận tiện và nhanh chóng của hoạt động này để thực hiện các hành vi trái pháp luật để trốn thuế, làm giàu bất chính,…

Do đó, để đảm bảo an ninh trong thương mại chúng ta cần có những hiểu biết rõ hơn về vấn đề vận chuyển trong hoạt động bưu chính. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin đề cập đến những thông tin liên quan đến các vật phẩm, hàng hóa nào không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính.

1, Dịch vụ bưu chính và mạng bưu chính là gì?

Hoạt động bưu chính được điều chỉnh chủ yếu bởi luật Bưu chính 2010 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

Căn cứ khoản 3 và khoản 9 Điều 3 Luật bưu chính 2010

Mạng bưu chính là hệ thống cơ sở khai thác bưu gửi, điểm phục vụ bưu chính được kết nối bằng các tuyến vận chuyển và tuyến phát để cung ứng dịch vụ bưu chính.

Dịch vụ bưu chính là dịch vụ chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi bằng các phương thức từ địa điểm của người gửi đến địa điểm của người nhận qua mạng bưu chính, trừ phương thức điện tử.

Luật Bưu chính 2020 còn quy định hoạt động bưu chính bao gồm các hoạt động đầu tư, kinh doanh, cung ứng, sử dụng dịch vụ bưu chính, dịch vụ bưu chính công ích, tem bưu chính.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu hoạt động bưu chính là vận chuyển hàng hóa, thư từ, vật phẩm từ tay của người gửi đến tay cuả người nhận bằng nhiều phương thức khác nhau dưới hình thức đảm bảo. Chúng ta thường biết đến bưu chính thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

Hình thức vận chuyển này có đặc điểm là nhanh chóng, thuận tiện và an toàn. Tuy nhiên, không phải bất kì hàng hóa vật phẩm nào cũng được cho phép vận chuyển bằng hình thức chuyển phát này. Sau đây là những hàng hóa vật phẩm không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính.

2, Những hàng hóa vật phẩm không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính.

Bên cạnh Luật Bưu chính 2010 về các hàng hóa, vật phẩm được cấm lưu thông còn được quy định tại Nghị định 128/2007/NĐ-CP Về dịch vụ chuyển phát, Nghị định 59/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện và nghị định 43/2009/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh của Nghị định 59/2006/NĐ-CP.

Hàng cấm vận chuyển là những hàng hóa mà pháp luật Việt Nam nghiêm cấm vận chuyển đi nước ngoài hoặc lưu thông trong lãnh thổ Việt Nam

Căn cứ Điều 12, Luật Bưu chính năm 2010, những vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính gồm:

“1. Vật phẩm, hàng hóa mà pháp luật của Việt Nam quy định cấm lưu thông.

2. Vật phẩm, hàng hoá từ Việt Nam gửi đi các nước mà pháp luật Việt Nam quy định cấm xuất khẩu hoặc pháp luật của nước nhận quy định cấm nhập khẩu.

3. Vật phẩm, hàng hoá từ các nước gửi về Việt Nam mà pháp luật Việt Nam quy định cấm nhập khẩu.

4. Vật phẩm, hàng hoá bị cấm vận chuyển bằng đường bưu chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”

Ngoài ra, tại Điều 11 Nghị định 128/2007/NĐ-CP Về dịch vụ chuyển phát còn quy định rõ ràng hơn về một số hàng hóa vật phẩm bị pháp luật cấm trong dịch vụ chuyển phát.

“Điều 11. Cấm gửi trong dịch vụ chuyển phát

1. Ấn phẩm, vật phẩm, hàng hóa mà Việt Nam cấm lưu thông, cấm xuất khẩu, nhập khẩu hoặc ấn phẩm, vật phẩm, hàng hóa mà nước nhận cấm nhập khẩu.

2. Vật, chất gây nổ, gây cháy, gây nguy hiểm.

3. Vật, chất làm mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường.

4. Tiền Việt Nam, giấy tờ có giá với giá trị bằng tiền Việt Nam.

5. Ngoại hối, giấy tờ có giá với giá trị bằng tiền nước ngoài.”

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng pháp luật Việt Nam đã có những quy định rất rõ về hoạt động chuyển phát. Đối với tất cả các loại hàng hóa được xem là hàng cấm kinh doanh thì đều bị nghiêm cấm vận chuyển và tàng trữ. Do đó, ngay cả việc chuyển phát các mặt hàng này đều là trái pháp luật.

3, Tại sao phải quy định những hàng hóa vật phẩm không được lưu thông, vận chuyển?

Cơ sở để xác định danh mục hàng cấm dự theo mức độ nguy hại cho con người, làm mất an ninh trật tự, mất an toàn xã hội và nguy hại cho nền kinh tế.

Thứ nhất: Một số mặt hàng nếu cho phép kinh doanh sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Trong đó, một số vật phẩm gây ảnh hưởng đến sức khẻo con người là chất ma túy, các loại hóa chất độc hại.

Thứ hai: Nếu không kiểm soát hàng hóa sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh xã hội. Sau khi, hòa bình được lập lại trên đất nước, Chính phủ đã ra sức thực hiện những biện pháp khắc phục hậu quả của chiến tranh, củng cố an ninh quốc phòng trong đó có quy định về việc thu hồi vũ khí quân dụng. Thế nhưng, một số thành phần đã cố ý tàng trữ vận chuyển trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ tạo ra mối nguy cơ lớn đối với trật tự xã hội.

Thứ ba: Ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước. Việc nhập khẩu hàng hóa tràn lan sẽ gây hậu quả lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Trong những năm vừa qua cùng với sự phát triển của nền sản xuất trong nước, nền xuất nhập khẩu của nước ta cũng tăng đáng kể. Tuy nhiên, một số đối tượng sẽ lợi dụng nền kinh tế mở cửa hội nhập để thực hiện hành vi gian lận, trốn thuế làm thất thoát ngân sách Nhà nước, lũng loạn thị trường.

Thứ tư: Ảnh hưởng đến tài nguyên, môi trường. Việc buôn bán, xuất nhập khẩu tràn lan trái phép các tài nguyên sinh vật, tài nguyên gỗ là nguyên nhân dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên quốc gia. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu các sinh vật ngoại lai gây hủy hoại môi trường sinh thái. Gần đây, có thông tin cho rằng Việt Nam đang dần trở thành “Bãi rác thải” đồ điện tử của thế giới, đây là một mối nguy cơ lớn nếu chúng ta không có những biện pháp ngăn nhập khẩu các đồ điện tử từ các quốc gia khác.

4, Người gửi và đơn vị vận chuyển phải chịu trách nhiệm khi cố tình thực hiện hành vi gửi, chấp nhận vận chuyển hàng cấm?

Căn cứ Điều 31 Nghị định 128/2007/NĐ-CP Về dịch vụ chuyển phát: “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh và sử dụng dịch vụ chuyển phát đều bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.”

Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 128/2007/NĐ-CP quy định về Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ, người sử dụng dịch vụ chuyển phát phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin dưới dạng văn bản, kiện, gói hàng hóa.

Tại khoản 9 Điều 29 Luật Bưu chính cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính. Trong đó, bên vận chuyển phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi cố ý chấp nhận bưu gửi vi phạm quy định về các Vật phẩm, hàng hoá không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính và các hành vi sau:

- Gửi, chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi có nội dung kích động, gây mất an ninh, phá hoại đoàn kết dân tộc, chống phá Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Gửi, chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi chứa vũ khí, vật, chất gây nổ, chất độc, chất phóng xạ, ma túy, vi trùng dịch bệnh nhằm khủng bố, xâm hại tính mạng, tài sản công dân, gây mất trật tự, an toàn xã hội.

- Gửi, chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi chứa văn hóa phẩm trái đạo đức xã hội, trái thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Mục đích của hoạt động bưu chính nói chung và chuyển phát nói riêng là việc di chuyển hàng hóa, vật phẩm, thông tin,… từ nơi này đến nơi khác. Đồng nghĩa với việc, đây là một hình thức vận chuyển. Còn việc vận chuyển hàng cấm, được hiểu là việc đưa (di chuyển) hàng cấm từ nơi này đến nơi khác bằng bất kỳ hình thức nào. Do đó, việc chuyển phát hàng hóa vật phẩm bị pháp luật cấm kinh doanh có đủ yếu tố cấu thành tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm.

Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm được hiểu là hành vi cất giữ hoặc đưa từ nơi này đến nơi khác các loại hàng hóa mà nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng tại Việt Nam. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm quy định tại Điều 191 Bộ Luật Hình sư năm 2015 được tách ra từ tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm quy định tại Điều 155 Bộ Luật Hình sự năm 1999.

5, Đơn vị vận chuyển có được mở, kiểm tra hàng hóa của khách hàng hay không?

Để ngăn chặn các hành vi gửi hàng hóa vật phẩm bị cấm kinh doanh, đơn vị vận chuyển được mở, kiểm tra hàng hóa nếu có sự đồng ý của người gửi trước khi chấp nhận.

Căn cứ khoản 3 Điều 29 Luật Bưu chính 2010 và điểm a Khoản 1 Điều 20 Nghị định 128/2007/NĐ-CP đơn vị nhận chuyển phát có quyền yêu cầu người gửi cho kiểm tra nội dung thông tin dưới dạng văn bản (trừ trường hợp là thư), kiện, gói hàng hoá được yêu cầu chuyển phát.

Nếu người gửi không đồng ý yêu cầu kiểm tra, Căn cứ điểm b điều trên, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chuyển phát có quyền “Từ chối cung ứng dịch vụ chuyển phát đối với thông tin dưới dạng văn bản, kiện, gói hàng hóa không đáp ứng được yêu cầu, điều kiện chuyển phát của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát hoặc vi phạm những quy định tại Điều 11 Nghị định này.”