Mục lục bài viết
1. Khái niệm an toàn, vệ sinh lao động
Theo quy định tại Điều 3 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, an toàn lao động, vệ sinh lao động được hiểu như sau:
An toàn lao động là giải pháp phòng chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động.
Vệ sinh lao động là giải pháp phòng chống tác động của yếu tố có hại gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe của con người trong quá trình lao động.
Trong quá trình lao động, làm việc con người thường không tránh khỏi những nguy cơ về an toàn sức khỏe, tính mạng. Đây là những yếu tố nguy hiểm gây ra những tổn thương cho người lao động, có thể là những tai nạn ngoài ý muốn, bệnh nghề nghiệp,... những vấn đề trên có thể gây ra việc suy giảm khả năng lao động của người lao động.
Mục đích của việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động là đảm bảo cho quyền lợi của người lao động khi làm việc. Họ cần được làm việc trong điều kiện đầy đủ vệ sinh và an toàn để đảm bảo sức khỏe, tính mạng cũng như sức lao động của họ. Việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tạo điều kiện tham vấn ý kiến của các tổ chức đại diện người lao động và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về lao động để xây dựng được các chính sách, chương trình, quy trình, kế hoạch và pháp luật nâng cao hiệu quả của công tác vệ sinh, an toàn lao động.
2. Huấn luyện an toàn lao động là gì?
Nguy cơ về tai nạn lao động luôn tiềm ẩn trong quá trình lao động. Việc xảy ra tai nạn lao động là bất ngờ và không thể đoán trước. Tuy nhiên, việc lường trước các nguy cơ đó và tìm ra những biện pháp để phòng ngừa tai nạn lao động, hạn chế thấp nhất những hậu quả có thể xảy ra. Như vậy, để ngăn ngừa những nguy cơ đó, pháp luật về vệ sinh an toàn lao động hiện nay đã đưa ra việc thực hiện huấn luyện vệ sinh, an toàn lao động.
Huấn luyện vệ sinh, an toàn lao động là việc nâng cao ý thức nhận biết yếu tố nguy hiểm và đưa các biện pháp giúp người lao động hạn chế tối đa các tai nạn lao động cũng như nguy cơ mắc phải các bệnh nghề nghiệp.
Vấn đề huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động được quy định tại Nghị định 140/2018/NĐ-CP. Trong đó, quy định về những đối tượng tham gia huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động được chia làm 6 nhóm theo Điều 17 của Nghị định này như sau:
Nhóm 1: Thủ trưởng, người đứng đầu các tổ chức, cơ sở kinh doanh là những người pahir tham gia huấn luyện, cụ thể là các đối tượng sau: Người đứng đầu đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và phòng, ban, chi nhánh trực thuộc; phụ trách bộ phận sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật; quản đốc phân xưởng hoặc tương đương; cấp phó của người đứng đầu các bộ phận được giao nhiệm vụ phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Nhóm 2: Người trực tiếp làm công tác an toàn, vệ sinh lao động bao gồm: Chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn, vệ sinh lao động của cơ sở; người trực tiếp giám sát về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;
Nhóm 3: Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động là người làm công việc thuộc Danh mục công việc có yêu cầu nghiệm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động (theo Thông tư số 06/2020/TT-BLĐTBXH do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành)
Nhóm 4: Người lao động không thuộc các nhóm
Nhóm 5: Người làm công tác y tế, những đối tượng này thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân, thuốc, hóa chất nên việc đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động là rất cần thiết bất kể họ đang làm ở đơn vị nào.
Nhóm 6: Đối tượng an toàn, vệ sinh viên theo quy định tại Điều 74 Luật an toàn, vệ sinh lao động.
3. Nội dung huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
3.1. Nội dung chính
- Kiến thức cơ bản về an toàn, vệ sinh lao động:
+ Nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động;
+ Chính sách liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động;
+ Kiến thức cơ bản về yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc và phương pháp cải thiện điều kiện lao động;
+ Chức năng, nhiệm vụ của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên;
+ Văn hóa an toàn trong sản xuất, kinh doanh;
+ Nội quy an toàn, vệ sinh lao động, biển báo, biển chỉ dẫn an toàn, vệ sinh lao động và sử dụng các thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân, nghiệp vụ, kỹ năng sơ cứu tai nạn lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.
- Nội dung huấn luyện trực tiếp tại nơi làm việc: Huấn luyện về quy trình làm việc và yêu cầu cụ thể về an toàn, vệ sinh lao động nơi làm việc.
3.2. Nội dung huấn luyện với từng nhóm đối tượng
Căn cứ quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 140/2018/NĐ-CP có quy định về nội dung huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho từng nhóm đối tượng như sau:
Thứ nhất: Nội dung huấn luyện với nhóm 1
Ngoài các nội dung chính nêu trên, đối với nhóm 1, nội dung huấn luyện được phổ biến về nghiệp vụ công tác an toàn, vệ sinh lao động, trong đó có việc tổ chức bộ máy, quản lý thực hiện an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở; Phân định về trách nhiệm và giao quyền hạn về an toàn, vệ sinh lao động.
Thứ hai: Nội dung huấn luyện với nhóm 2
Ngoài các nội dung chính nêu trên, đối với nhóm 2, nội dung huấn luyện là việc tổ chức bộ máy, quản lý thực hiện quy định về an toàn, vệ sinh lao động; Xây dựng nội quy, quy chế, quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động; Xây dựng dựng và đôn đốc viêc thực hiện kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động hàng năm; Phân tích đánh giá rủi ro và xây dựng kế hoạc ứng cứu khẩn cấp; Xây dựng hệ thống quản lý về an toàn, vệ sinh lao động; Nghiệp vụ công tác kiểm tra, tự kiểm tra và điều tra tai nạn lao động; Những yêu cầu của công tác kiểm định, huấn luyện và quan trắc môi trường lao động; Quản lý máy móc, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động; Công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật , thống kê, báo cáo công tác an toàn vệ sinh lao động.
Thứ ba: Nội dung huấn luyện với nhóm 3
Ngoài các nội dung chính nêu trên, đối với nhóm 3, nội dung huấn luyện là tổng quan về công việc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động; Các yếu tố nguy hiểm, có hại khi làm công việc hoặc vận hành thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động; Kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động khi làm công việc hoặc vận hành thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; Xử lý các tình huống sự cố sản xuất, sơ cứu lao động.
Thứ tư: Nội dung huấn luyện đối với nhóm 4
Ngoài các nội dung chính nêu trên, đối với nhóm 4, nội dung huấn luyện bao gồm các yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Thứ năm: Nội dung huấn luyện với đối nhóm 5
Ngoài các nội dung chính nêu trên, đối với nhóm 5, nội dung huấn luyện của các đối tượng này là việc huấn luyện cấp chứng chỉ, chứng nhận chuyên môn về y tế lao động, trong đó có vấn đề về cách tổ chức khám bệnh nghề nghiệp, chuẩn bị hồ sơ giám định giám định bệnh nghề nghiệp; nâng cao sức khỏe tại nơi làm việc, phòng chống bệnh lây nhiễm ở nói làm việc; Lập hồ sơ sức khỏe người lao động, hồ sơ sức khỏe của người bị bệnh nghề nghiệp.
Thứ sáu: Nội dung huấn luyện đối với nhóm 6
Ngoài những nội dung chính, đối với nhóm 6 nội dung huấn luyện bao gồm huấn luyện bổ sung về kỹ năng và phương pháp hoạt động của an toàn vệ sinh viên.