Mục lục bài viết
1. Nội dung tập huấn lấy mẫu phân bón
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 84/2019/NĐ-CP thì việc tập huấn lấy mẫu phân bón bao gồm các nội dung sau đây:
Thứ nhất, tập huấn về các quy định của pháp luật hiện hành về phân bón. Nội dụng cụ thể được nêu rõ trong tài liệu tập huấn lấy mẫu phân bón được ban hành kèm theo Quyết định số 3793/QĐ-BVTV-PB của Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật năm 2019 như sau:
+ Về văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý phân bón: Luật Trồng trọt năm 2018; Nghị định số 84/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 130/2022/NĐ-CP quy định về quản lý phân bón; Thông tư số 09/2019/TT-BNNPTNT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón;
+ Về văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực phân bón: Nghị định số 31/2023/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt
+ Về các tiêu chuẩn, quy chuẩn phân bón: QCVN 01-189:2019/BNNPTNT về chất lương phân bón; TCVN 9486:2018 Phân bón - Phương pháp lấy mẫu; TCVN 12105:2018 Phân bón vi sinh vật - Lấy mẫu; TCVN về phương pháp thử các chỉ tiêu chất lượng phân bón (chi tiết tại ACVN 01-189:2019/BNNPTNT)
Thứ hai, tập huấn về phương pháp lấy mẫu phân bón theo tiêu chuẩn quốc gia. Phương pháp lấy mẫu phân bón theo TCVN 9486:2018 Phân bón - Lấy mẫu và TCVN 12105:2018 Phân bón vi sinh vật - Lấy mẫu.
+ Phương pháp lấy mẫu phân bón theo TCVN 9486:2018 : tiêu chuẩn này quy định phương pháp lấy mẫu phân bón ở dạng rắn, dạng lỏng và dạng bán lỏng và không áp dụng cho lấy mẫu phân tích chỉ tiêu vi sinh vật. Người lấy mẫu là người được đào tạo, huấn luyện phương pháp lấy mẫu phân bón, có kinh nghiệm thích hợp trong lấy mẫu phân bón, có kiến thức về rủi ro, nguy cơ mà loại phân bón hoặc quá trình lấy mẫu phân bón có thể gặp phải. Việc lấy mẫu phải được thực hiện bởi người lấy mẫu có Giấy chứng nhận tập huấn lấy mẫu phân bón và có đại diện của bên được lấy mẫu. Khi cần thiết có sự giám sát của bên thứ ba. Mẫu được lấy phải đại diện cho cả lô phân bón. Trường hợp trong lô phân bón có các bao gói trong tình trạng không đồng nhất hay không mang tính đại diện cho lô hàng, thì các bao gói đó cần được tách riêng và được xử lý như một lô phân bón riêng biệt. Trong trường hợp đó phải nêu thực tế này trong báo cáo lấy mẫu phân bón. Trong trường hợp lô phân bón có khối lượng trên 500 tấn sẽ được chia thành các lô nhỏ. Ví dụ lô phân bón có khối lượng 600 tấn sẽ được chia thành 02 lô (lô 500 tấn và lô 100 tấn). Trong quá trình lấy, vận chuyển, bảo quản mẫu phân bón phải đảm bảo tránh bị tác động của các tác nhân từ bên ngoài, giữ mẫu được nguyên trạng như lúc ban đầu (về đặc điểm, chất lượng) cho tới khi đem đến phòng thử nghiệm.
+ Phương pháp lấy mẫu phân bón theo TCVN 12105:2018 : tiêu chuẩn này quy định phương pháp lấy mẫu để phân tích vi sinh vật hiếu khí và các chỉ tiêu lý hoá trong phân bón có chứa vi sinh vât, bao gồm phân bón vi sinh vật, phân bón hữu cơ vi sinh. Mẫu được lấy phải đại diện cho cả lô phân bón vi sinh vật. Mẫu được lấy phải là các bao nguyên gói; Không lấy mẫu ở các bao gói có dấu hiệu hư hỏng (rách, ướt, biến dạng,...). Không bổ sung chất bảo quản vào mẫu. Trong quá trình lấy mẫu và vận chuyển phải đảm bảo tránh các tác nhân từ bên ngoài ảnh hưởng đến mẫu, giữ mẫu được nguyên trạng như lúc ban đầu cho đến khi được phân tích trong phòng thử nghiệm.
Thứ ba, tập huấn thực hành lấy mẫu phân bón, bao gồm các bước sau đây:
+ Xây dựng kế hoạch trước khi đến cơ sở lấy mẫu
+ Thực hành lấy mẫu thực tế tại cơ sở sản xuất phân bón
+ Thực hành lấy mẫu tại cửa hàng buôn bán phân bón
2. Thời gian tập huấn lấy mẫu phân bón
Theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 84/2019/NĐ-CP thì thời gian tập huấn lấy mẫu phân bón diễn tra trong vòng 5 ngày bao gồm 8 tiết/ ngày, 4 tiết/ buổi. Trong đó, phần lý thuyết diễn ra trong 2,5 ngày, phần thực hành diễn ra trong 1,5 ngày và phần ôn tập, kiểm tra diễn ra trong 01 ngày. Việc quy định thời gian như vậy là phù hợp trong tập huấn làm quen với các quy trình cơ bản đến mục đích đào tạo cán bộ thực hiện lấy mẫu phân bón một cách chính xác và đáng tin cậy. Kết thúc khóa học, các học viên đều cơ bản nắm được các kiến thức chuyên môn cần thiết về lấy mẫu phân bón để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, phục vụ quá trình kiểm tra cũng như kiểm soát thị trường đối với lĩnh vực này. Học viên tham gia tối thiểu 16 tiết tập huấn lý thuyết và tham gia đầy đủ số buổi tập huấn thực hành sẽ được tham dự kiểm tra cuối khoá.
Căn cứ kết quả kiểm tra sau khi tập huấn, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận lấy mẫu phân bón theo Mẫu số 19 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định. Giấy chứng nhận lấy mẫu phân bón có giá trị trên toàn quốc và không xác định thời hạn, tức là có giá trị vĩnh viễn. Theo quy định thì Giấy chứng nhận tập huấn lấy mẫu phân bón được cấp trước ngày 01 tháng 01 năm 2020 thì có giá trị tương đương Giấy chứng nhận lấy mẫu phân bón.
3. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận tập huấn lấy mẫu phân bón
Cục Bảo vệ thực vật xây dựng chương trình, biên soạn bộ tài liệu tập huấn lấy mẫu phân bón; chủ trì, phối hợp với các trường, viện tổ chức tập huấn lấy mẫu phân bón theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Nghị định 84/2019/NĐ-CP và cấp Giấy chứng nhận lấy mẫu phân bón. Có nghĩa là Cục Bảo vệ thực vật sẽ có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận tập huấn lấy mẫu phân bón đối với học viên có kết quả bài kiểm tra cuối khoá đạt trên 50% điểm tuyệt đối.
Lấy mẫu phân bón là một trong những phương thức then chốt để đánh giá được chất lượng phân bón. Để làm được điều đó, từ các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, Cục Bảo vệ thực vật đã kiện toàn được toàn bộ tài liệu hướng dẫn lấy mẫu phân bón làm sao đảm bảo chất lượng, khi ra xử lý công bằng, minh bạch, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ sở, giảng viên và học viên tham gia tập huấn lấy mẫu phân bón phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
+ Cơ sở tập huấn phải có đủ điểu kiên về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc tập huấn về lý thuyết và thực hành đáp ứng yêu cầu về nội dung tập huấn và số lượng học viên tham dự.
+ Giảng viên tập huấn phải có trình độ thạc sỹ trở lên và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm về nội dung được mời tham gia giảng dạy. Sở dĩ quy định như vậy vì kinh nghiệm 3 năm trở lên trong tập huấn đảm bảo rằng giảng viên đã có cơ hội áp dụng kiến thức trong thực tế và hiểu rõ các thách thức và tình huống thường gặp khi lấy mẫu phân bón.
+ Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tập huấn lấy mẫu phân bón đăng ký trực tiếp (hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến với cơ quan có thẩm quyền mà Cục Bảo vệ thực vật phối hợp tổ chức tập huấn) với Cục Bảo vệ thực vật địa chỉ số 149, Hồ Đắc Di, Đống Đa, Hà Nội để tham gia tập huấn.
Trên đây là toàn bộ bài viết liên quan đến vấn đề Nội dung, thời gian tập huấn và thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận lấy mẫu phân bón mà Luật Minh Khuê muốn gửi tới quý khách hàng. Ngoài ra, để hiểu rõ hơn, quý khách hàng có thể tham khảo thêm bài viết Nhập khẩu phân bón khi nào phải xin giấy phép? Thủ tục đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu phân bón như thế nào?. Nếu có bất cứ thắc mắc nào về vấn đề này hay gặp phải bất kì vấn đề pháp lý nào khác, vui lòng liên hệ tới bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số điện thoại: 1900.6162 hoặc gửi yêu cầu tới địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để được giải đáp nhanh chóng. Rất mong nhận được sự hợp tác của quý khách hàng. Trân trọng!