Mục lục bài viết
- 1. Khái niệm tín dụng
- 2. Xác định Doanh nghiệp nhỏ và vừa
- 3. Xác định lĩnh vực hoạt động và số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm
- Lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Xác định số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm
- 4. Vấn đề huy động vốn qua tổ chức tín dụng
- 5. Vấn đề thông qua bảo lãnh tín dụng
1. Khái niệm tín dụng
Tín dụng là thuật ngữ để chỉ về mối quan hệ giữa vay với bên cho vay. Trong đấy, người đi vay có thể là một cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào đấy và đơn vị cho vay là ngân hàng, tổ chức tài chính nào đó. Sản phẩm vay và cho vay sẽ là tiền hoặc là hàng hóa.
Giữa vay và cho vay có một mối quan hệ theo quy định, ràng buộc cụ thể như là vay tín chấp, vay thế chấp. Ngoài ra, trong tín dụng khi cho vay sẽ có liền với lãi suất. Mức lãi suất được áp dụng vào các khoản vay tín dụng, theo mức quy định của đơn vị cho vay và người đi vay sẽ phải chấp nhận, thực hiện theo.
Trên thực tế, vì nhiều người không hiểu rõ về tín dụng là gì nên đã bị những kẻ lợi dụng trục lợi mà đưa đẩy rơi vào tình trạng bẫy tín dụng. Trong đó, tín dụng đen có một tác hại vô cùng lớn và nghiêm trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản của cá nhân, người tiêu dùng. Vậy nên, nếu có ý định vay vốn theo dạng tín dụng bạn nên tìm hiểu kỹ về nó tránh tình trạng “tiền không có mà thêm tật vào mình” nhé các bạn.
Tín dụng có đặc điểm là một nhà phân phối mang tính hoàn trả, cũng như hoạt động dựa vào sự vận động đặc biệt từ giá cả. Tín dụng còn có vai trò là một công cụ để thúc đẩy vào quá trình tái sản xuất, mở rộng cũng như góp phần vào việc điều tiết về vĩ mô của nền kinh tế; tín dụng cũng góp phần vào việc tích tụ, tập trung vốn; tín dụng giúp tiết kiệm về chi phí lưu thông của xã hội; góp phần vào việc thực hiện chính xã hội. Do đó, nó là một yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống, trong nền kinh tế hiện nay.
2. Xác định Doanh nghiệp nhỏ và vừa
Cơ sở pháp lý: Điều 6 Nghị định 39/2018/NĐ-CP.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được phân theo quy mô bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa.
- Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
- Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
- Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
3. Xác định lĩnh vực hoạt động và số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm
Lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo Điều 7 Nghị định 39/2018/NĐ-CP. quy định về "Xác định lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa" như say:
- Lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định căn cứ vào quy định của pháp luật về hệ thống ngành kinh tế và quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Trường hợp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định căn cứ vào lĩnh vực có doanh thu cao nhất. Trường hợp không xác định được lĩnh vực có doanh thu cao nhất, doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định căn cứ vào lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nhất.
Xác định số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm
Về việc xác định số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm của doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại Điều 8 Nghị định 39/2018/NĐ-CP như sau:
- Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội là toàn bộ số lao động do doanh nghiệp quản lý, sử dụng và trả lương, trả công tham gia bảo hiểm xã hội theo pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm được tính bằng tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội của năm chia cho số tháng trong năm và được xác định trên chứng từ nộp bảo hiểm xã hội của năm trước liền kề mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân được tính bằng tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội của các tháng hoạt động chia cho số tháng hoạt động.
Về thực trạng chính sách huy động các nguồn lực tín dụng đối với Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam chúng ta có thể bàn đến những vấn đề sau đây:
4. Vấn đề huy động vốn qua tổ chức tín dụng
Đây là kênh huy động vốn khá phổ biến của các DNNVV Việt Nam. Trước đây, việc cho tổ chức, cá nhân vay vốn của tổ chức tín dụng (TCTD) được thực hiện theo Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của NHNN và một số văn bản khác liên quan đến hoạt động cho vay.
Tuy nhiên, để điều chỉnh khung pháp lý chung điều chỉnh hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (khách hàng không phải là TCTD) phù hợp với quy định tại Luật Các TCTD năm 2010, Bộ Luật Dân sự năm 2015..., ngày 30/12/2016, NHNN đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng để thay thế cho Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN, quy định cho vay này đối với khách hàng nói chung và DNNVV nói riêng vẫn đang được áp dụng. Đáng chú ý, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN cũng quy định về cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Thông qua việc triển khai chính sách cho vay đối với các doanh nghiệp (chủ yếu là DNNVV) cho thấy, giai đoạn 2011 - 2018, tín dụng cho vay đối với DNNVV tăng trưởng khá, đạt 798.543 tỷ đồng (năm 2011), tăng lên 1,3 triệu tỷ đồng (năm 2018), tương ứng tăng 62,79% (trung bình tăng 8,97%/năm). Tuy nhiên, mức tăng này được đánh giá là thấp so với mức tăng trưởng tín dụng bình quân chung.
Tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp biến động mạnh theo xu hướng tăng lên trong giai đoạn 2013 - 2018. Cụ thể, năm 2013, tỷ lệ tăng trưởng này là 6,1%, nhưng đến năm 2018 là 54,48%. Đáng chú ý, tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2014 so với năm 2013 là -0,45%, phản ánh đây là thời điểm có nhiều điểm nghẽn về chính sách đối với DNNVV cần được tháo gỡ, hoặc môi trường kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đây cũng có thể do tác động bất ổn của môi trường kinh doanh trong nước trước các tác động của sự phục hồi yếu trong khu vực EU cũng như Nhật Bản và Nga.
Việc tăng trưởng tín dụng âm trong năm 2014 cũng cho thấy, mặc dù chính sách tiền tệ được điều hành theo hướng nới lỏng thận trọng để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, song việc hấp thụ vốn còn thấp, đặc biệt đối với ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản (chỉ chiếm 10,6% tổng dư nợ trong năm).
Nghiên cứu khả năng tiếp cận tín dụng của DNNVV qua hệ thống các ngân hàng thương mại rất hạn chế. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 70% DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng, trong đó hơn 30% DNNVV không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và 30% doanh nghiệp khác cho biết rất khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn này. Gần 70% DNNVV còn lại sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí rất cao, nhiều rủi ro. Tỷ lệ dư nợ cho DNNVV chiếm trung bình khoảng 22 - 25% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế trong giai đoạn 2012 - 2017…[VCCI, 2018]. Khả năng tiếp cận nguồn vốn của DNNVV phụ thuộc vào nhiều đặc tính của bản thân doanh nghiệp như quy mô, số năm hoạt động, ngành nghề kinh doanh, mức độ phát triển của quốc gia, vòng đời kinh doanh và loại hình doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đặc điểm của chủ doanh nghiệp như kinh nghiệm quản lý, khả năng tài chính, quản lý nhiều hơn một công ty cũng quyết định khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp [Harvie et al., 2013].
Mặc dù số lượng các DNNVV hoạt động ở cả 3 ngành kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp và thương mại) tăng lên hằng năm, tính riêng giai đoạn 2012 - 2017, số lượng DNNVV tăng nhanh nhất 1,53 lần, chiếm 98,1% tổng số doanh nghiệp, trong khi đó doanh nghiệp lớn chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn với 1,9% (năm 2012: Cả nước có 338.916 doanh nghiệp; năm 2013: 365.181 doanh nghiệp; năm 2014: 393.915 doanh nghiệp; năm 2015: 433.453 doanh nghiệp; năm 2016: 495.010 doanh nghiệp; năm 2017: 517.900 doanh nghiệp... ), tuy nhiên tổng dư nợ cho vay DNNVV giai đoạn 2012 - 2017 chỉ tăng 1,35 lần (dư nợ cho vay DNNVV năm 2012: 830.744 tỷ đồng; năm 2013: 870.344 tỷ đồng; năm 2014: 923.455 tỷ đồng; năm 2015: 919.293 tỷ đồng; năm 2016: 1.202.142 tỷ đồng; năm 2017: 1.124.859 tỷ đồng; năm 2018: 1,3 triệu tỷ đồng).
Về quy mô vốn của doanh DNNVV: Theo Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2007 - 2015, quy mô tổng nguồn vốn doanh nghiệp Việt Nam tăng lên gấp 5 lần, từ 4.801 nghìn tỷ đồng lên đến 23.882 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, quy mô doanh nghiệp tăng gấp 3 lần và quy mô lao động trong doanh nghiệp có tăng, nhưng dừng lại ở con số 1,7 lần. Điều này cho thấy quy mô vốn của các doanh nghiệp Việt Nam trong đó có khu vực DNNVV đang có dấu hiệu mở rộng, giúp cho DNNVV có thêm tiềm lực để đầu tư vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Giai đoạn 2007 - 2011 cũng chứng kiến sự tăng lên mạnh mẽ của cả tổng nguồn vốn và lao động, đến giai đoạn 2011 - 2015, mức tăng trưởng này có phần chững lại. Cụ thể, bình quân giai đoạn 2007 - 2011 tổng nguồn vốn tăng trung bình khoảng 40%/năm, số lao động bình quân cũng tăng khoảng 20%/năm. Giai đoạn 2011 - 2015, vốn vẫn tăng trưởng, song với tốc độ nhỏ hơn, chỉ khoảng 15%/năm và tốc độ tăng trưởng lao động khoảng 4,1% mỗi năm.
So sánh sự tăng trưởng của số lượng doanh nghiệp, lao động và nguồn vốn của các doanh nghiệp Việt Nam, dễ dàng nhận thấy nguồn vốn luôn tăng với tốc độ vượt trội hơn hẳn so với tốc độ tăng của số lượng doanh nghiệp hay lực lượng lao động, xu hướng này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang tăng trưởng dựa nhiều hơn vào đồng vốn hơn là lao động, dẫn đến năng suất của DNNVV Việt Nam không được tăng nhanh qua các năm so với các nước trong khu vực.
5. Vấn đề thông qua bảo lãnh tín dụng
Ngày 30/6/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNNVV (thay thế Nghị định số 90/2001/NĐ-CP), quy định 8 nhóm hỗ trợ phát triển DNNVV, trong đó có quy định trợ giúp về tài chính. Theo đó, Nhà nước khuyến khích thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV; xây dựng cơ chế thành lập và hoạt động của các Quỹ bảo lãnh tín dụng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Tiếp đó, ngày 15/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg về Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.
Để triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, bước đầu giải quyết vấn đề khó khăn tài chính của các Quỹ.
Quỹ bảo lãnh tín dụng là quỹ tài chính ngoài ngân sách do ủy ban nhân dân tỉnh thành lập, với vai trò cấp bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, hoạt động độc lập theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Các DNNVV được xem xét cấp bảo lãnh tối đa bằng 100% giá trị khoản vay (bao gồm cả vốn lưu động và vốn trung, dài hạn) tại tổ chức cho vay với điều kiện: Doanh nghiệp có dự án đầu tư, phương án sản xuất - kinh doanh hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay; dự án đầu tư, phương án sản xuất - kinh doanh được Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định và quyết định bảo lãnh; có phương án về chủ sở hữu tối thiểu 20% tham gia dự án đầu tư, phương án kinh doanh; không có các khoản nợ thuế từ 1 năm trở lên. Quỹ Phát triển DNNVV được thành lập để hỗ trợ cho các DNNVV có dự án, phương án sản xuất - kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước, phù hợp với mục đích hoạt động của Quỹ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần làm tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động.
Tính đến cuối tháng 5/2019, dư nợ cho vay DNNVV trên cơ sở bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng phát sinh tại 11 địa phương đạt khoảng 500 tỷ đồng, giảm 22% so với dư nợ thời điểm tháng 12/2018 [Ngân hàng Nhà nước, 2019].
Nguồn vốn của những Quỹ này chủ yếu do ngân sách địa phương góp, tổ chức tín dụng có tham gia góp vốn nhưng ở mức khiêm tốn. Tổ chức bộ máy và năng lực điều hành của Quỹ còn nhiều hạn chế. Việc huy động nguồn vốn cho Quỹ gặp nhiều khó khăn.
(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng!
Luật Minh Khuê (Sưu tầm và biên tập).