1. Hiểu thế nào về khai thác khoáng sản trái phép?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Khoáng sản năm 2010, khoáng sản được hiểu là khoáng chất, khoáng vật có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 Luật Khoáng sản năm 2010, khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên quan.

Cũng theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 quy định chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Theo quy định nêu trên có thể hiểu khai thác khoáng sản trái phép là việc cơ quan, tổ chức cá nhân không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép được khai thác khoáng sản nhưng vẫn tiến hành khai thác hoặc được cấp phép nhưng khai thác vượt quá phạm vi cho phép. 

Do vậy, hành vi khai thác khoáng sản trái phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc trường hợp hành vi vi phạm có yếu tố cấu thành tội phạm thì hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, năm 2021) về Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên

 

2. Phân tích tội khai thác khoáng sản trái phép

Khai thác khoáng sản trái phép là một trong những hành vi vi phạm liên quan đến tội phạm về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

Về khách thể của tội phạm: Khai thác khoáng sản trái phép thuộc vi phạm về tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên xâm phạm chế độ quản lý của nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên được thể hiện qua các quy định của pháp luật cụ thể là vi phạm  trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là các quy định của Nhà nước về quản lý trong lĩnh vực nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.

Về mặt khách quan của tội phạm: Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên được thực hiện bằng hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam. Hành vi vi phạm này có thể là hoạt động thăm dò, khai thác (đá quý, vàng cao lanh; pyrit sắt…) không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc tuy có giấy phép nhưng không đúng với nội dung đã ghi trong giấy phép.

- Hậu quả của hành vi khai thác khoáng sản trái phép: Gây thiệt hại cho môi trường tài nguyên thiên nhiên Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vùng rừng và diện tích đất rừng xung quanh khu vực khai thác cũng như phá vỡ đi cảnh quan thiên nhiên, những di tích lịch sử để lại.

- Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả thiệt hại: Hậu quả thiệt hại phải do nguyên nhân từ các hành vi vi phạm quy định về khai thác khoáng sản trái phép, không phải do các nguyên nhân khác. Nếu hành vi vi phạm không gây hậu quả, hậu quả không do hành vi vi phạm gây ra thì không cấu thành tội phạm vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản trái phép. Các hành vi nêu trên chỉ cấu thành tội phạm này nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Thu lợi bất chính từ việc nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

+ Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Lưu ý: để xác định các hành vi vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác khoáng sản cần căn cứ vào các quy định trong Luật khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Về chủ thể của tội phạm: Người nào từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại đủ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 75 BLHS.

Về mặt chủ quan của tội phạm: Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên được thực hiện với lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Tức là người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là hành vi không được phép nhưng vẫn muốn thực hiện hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc dù không mong muốn nhưng vẫn có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. 

Động cơ mục đích không phải là yếu tố bắt buộc trong cấu thành. Tội phạm này thường có động cơ, mục đích là vụ lợi. Các hành vi phạm tội thường thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép… từ đó ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên tại Việt Nam và những quy định về khai thác khoáng sản của Nhà nước.

 

3. Mức hình phạt đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép

Hình phạt đặt ra đối với cá nhân, pháp nhân thực hiện hành vi khai thác khoáng sản trái phép được quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với cá nhân:

Khung thứ nhất: Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

- Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

- Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Khung thứ hai: Phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

- Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên;

- Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

- Có tổ chức;

- Gây sự cố môi trường;

- Làm chết người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

Lưu ý: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

Thứ hai: Đối với pháp nhân:

Khung thứ nhất: Phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng:

- Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 700.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích

- Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

- Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm

Khung thứ hai: Phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm:

- Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên;

- Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

- Có tổ chức;

- Gây sự cố môi trường;

- Làm chết người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

Như vậy, hành vi khai thác khoáng sản là một trong những hành vi vi phạm về việc nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên hình thức xử phạt sẽ áp dụng đối với cả cá nhân vi phạm và pháp nhân vi phạm. Theo đó, tuỳ từng tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự lên đến 7 năm tù và phạt tiền lên đến 5 tỷ đồng, còn đối với pháp nhân có thể bị phạt tiền lên đến 7 tỷ đồng cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Công ty Luật Minh Khuê mong muốn gửi đến quý khách hàng những thông tin tư vấn hữu ích. Nếu quý khách hàng đang gặp phải bất kỳ vấn đề pháp lý nào hoặc có câu hỏi cần được giải đáp, hãy liên hệ với Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 1900.6162. Hoặc quý khách hàng gửi yêu cầu chi tiết qua email: lienhe@luatminhkhue.vn  để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc nhanh chóng. Xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý khách hàng!

Bài viết liên quan: Khai thác tận thu khoáng sản là gì? Trình tự, thủ tục cấp phép khai thác tận thu khoáng sản