Mục lục bài viết
- Căn cứ pháp lý:
- 1. Quan niệm về quyền tự do kinh doanh
- 2. Quan niệm về quyền tự do hợp đồng
- 3. Cơ sở lý luận của quyền tự do hợp đồng
- 4. Ý nghĩa của quyền tự do hợp đồng
- 5. Pháp luật Việt Nam về quyền tự do hợp đồng
- 6. Đánh giá thực tiễn thực hiện pháp luật về quyền tự do hợp đồng
- 6.1. Những thành tựu cơ bản
- 3.2. Một số hạn chế, bất cập
Căn cứ pháp lý:
- Luật Doanh nghiệp năm 2020;
- Luật Đầu tư năm 2020;
- Luật Cạnh tranh năm 2018;
- Luật Thương mại 2005.
1. Quan niệm về quyền tự do kinh doanh
Quyền tự do của con người đã được ghi nhận trong cả pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Tự do kinh doanh gắn liền với phạm trù quyền tự do của con người, một phạm trù có những cách định nghĩa khác nhau mà chủ yếu liên quan đến giới hạn của nó. Montesquieu, nhà tư tưởng chính trị và xã hội nổi tiếng của nước Pháp, đã cho rằng: không có từ nào lại có nhiều cách định nghĩa theo những lối suy nghĩ khác nhau như từ tự do.
Xét ở góc độ triết lý khách quan, tự do nói chung và quyền tự do kinh doanh nói riêng là phạm trù tồn tại khách quan, mang tính tất yếu, là quyền tự nhiên của con người. Tự do kinh doanh là một trong những biểu hiện của các quyền về tự do, dân chủ, biểu hiện của một nền kinh tế hàng hoá theo cơ chế thị trường. Quyền tự do nói chung và tự do kinh doanh nói riêng không chỉ là mục tiêu của xã hội văn minh, mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ xã hội, sự phát triển của nền kinh tế và nâng cao mức sống của người dân.
Quyền tự do kinh doanh có thể được hiểu là khả năng hành động, khả năng được lựa chọn và quyết định, một cách có ý thức của cá nhân hay doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến và trong hoạt động kinh doanh; chẳng hạn như tự do quyết định các vấn đề khi thành lập doanh nghiệp; lựa chọn qui mô và ngành nghề kinh doanh; lựa chọn địa bàn kinh doanh; tự do hợp đồng, tự do lựa chọn đối tác, bạn hàng trong kinh doanh; tự do lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp…
Tự do là một quyền cơ bản của con người và tự do hợp đồng là quyền của công dân và doanh nghiệp; bảo đảm quyền tự do hợp đồng chính là điều kiện để thực hiện tốt các quyền tự do khác trong hệ thống các quyền tự do kinh doanh. Quyền tự do kinh doanh về cơ bản là quyền hiến định, nhưng quyền này khác biệt với những quyền hiến định cơ bản, như quyền được sống, quyền bất khả xâm phạm thân thể…, tức là những quyền con người thế hệ thứ nhất. Quyền tự do kinh doanh có thể đưa vào phạm trù các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và được thừa nhận là quyền con người thế hệ thứ hai.
2. Quan niệm về quyền tự do hợp đồng
Quyền tự do hợp đồng là một trong những bộ phận cơ bản cấu thành nội dung quyền tự do kinh doanh. Cũng cần khẳng định rằng, tự do hợp đồng không chỉ là một bộ phận cấu thành của tự do kinh doanh mà còn là một bộ phận cấu thành quan trọng nhất của quyền này. Vì tự do hợp đồng, đến lượt mình lại có nội hàm cụ thể, bao gồm một số quyền riêng nhất định như quyền tự do xác định đối tác; tự do xác định đối tượng hợp đồng; tự do xác định nội dung hợp đồng (quyền và nghĩa vụ của các bên); tự do xác định các biện pháp trách nhiệm pháp lý do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng; tự do xác định phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh; tự do lựa chọn hình thức hợp đồng và các quyền tự do khác. Vì vậy, có thể nói, không có tự do hợp đồng thì về cơ bản sẽ không có tự do kinh doanh. Việc ghi nhận và bảo đảm quyền tự do hợp đồng có tác động to lớn đến việc ghi nhận và thực thi quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
3. Cơ sở lý luận của quyền tự do hợp đồng
Hợp đồng là một loại giao ước mà đặc điểm chung của chúng là sự thống nhất ý chí, ý chí có vai trò cực kỳ quan trọng đối với hợp đồng. Nó được xem là cực kỳ quan trọng bởi nó là yếu tố cơ bản, không thể thiếu được để hình thành hợp đồng, từ đó làm phát sinh ra các nghĩa vụ pháp lý. Vì vậy, “dù ở hệ thống pháp luật nào, người ta cũng đều thừa nhận nền tảng của luật hợp đồng là tự do ý chí, có nghĩa tự do ý chí là vấn đề trọng yếu của hợp đồng.
Về mặt lý luận, thuyết tự do ý chí dẫn đến các hệ quả pháp lý trong giao kết hợp đồng:
Một là, quyền tự do hợp đồng thể hiện ở các điểm cơ bản sau: Hợp đồng phải là kết quả của sự tự do thỏa thuận, là sự thể hiện ý chí đích thực của các bên; Các bên tự do xác định nội dung của Hợp đồng, tự do thỏa thuận các điều kiện của hợp đồng; Việc thể hiện thỏa trên một hình thức nhất định không phải là yếu tố quan trọng.
Hai là, hiệu lực của hợp đồng được thể hiện ở các điểm sau: Nguyên tắc tự do ý chí dẫn đến hiệu lực bắt buộc của hợp đồng bởi vì đó là mong muốn các bên, các bên phải chịu trách nhiệm về cam kết của mình. Để đảm bảo công bằng, các bên phải tôn trọng và chịu trách nhiệm về tuyên bố ý chí của mình và thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết, không được đơn phương rút khỏi hợp đồng, không được bội ước.
Như vậy, thuyết tự do ý chí là cơ sở lý luận quan trọng cho sự ra đời của Pháp luật hợp đồng hiện đại quan việc đề cao quyền tự do ý chí, tự do hợp đồng của các bên.
4. Ý nghĩa của quyền tự do hợp đồng
Tự do ý chí là nền tảng hình của hợp đồng. Không có tự do ý chí không thể hình thành quan hệ hợp đồng và ngược lại, ‘tự do ý chí có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nhằm biến các dự định hoặc kế hoạch trở thành hiện thực.’ . Tự do ý chí nói chung và tự do hợp đồng nói riêng là quyền cơ bản của con người nhưng quyền này không phải là quyền tuyệt đối. Bởi vì, để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, nếu tuyệt đối tự do ý chí sẽ không giải quyết được hài hòa một số giao dịch phát sinh trên thực tế. Vì vậy, ‘hạn chế tự do ý chí cũng có nghĩa tương đối, nhưng là một nguyên tắc được ghi nhận trong quan hệ dân sự’. Do đó, cho rằng giới hạn của tự do ý chí nói chung và tự do hợp đồng nói riêng có ý nghĩa tích cực nhất định như: (i) Cân bằng lợi ích giữa cá nhân và lợi ích chung của toàn xã hội; (ii) Bảo vệ người yếu thế trong các giao dịch nhất định; (iii) đảm bảo trật tự và có định hướng trong sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội.
5. Pháp luật Việt Nam về quyền tự do hợp đồng
Ở Việt Nam, Điều 57 Hiến pháp năm 1992 có ý nghĩa khẳng định quyền tự do kinh doanh là một quyền hiến định và là quy định nền tảng cơ sở cho các quyền pháp định khác về tự do kinh doanh được phát triển trong Bộ luật Dân sự các năm 1995, 2005 và 2015; Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005; 2014 và 2020; Luật Thương mại các năm 1997 và 2005; Luật Đầu tư năm 2000, 2005, 2014 và 2020… Song song đó, các văn bản pháp quy khác cũng được ban hành nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể được thực hiện quyền tự do kinh doanh của mình như: Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh, Nghị định số 43/2010 ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư năm 2014, Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 quy định về đăng ký doanh nghiệp,…
Từ các quy định của pháp luật, có thể thấy, quyền tự do hợp đồng là quyền của các chủ thể được thể hiện ở các khía cạnh chính sau đây: (i) Quyền được tự do bình đẳng, tự nguyện giao kết hợp đồng; (ii) Quyền được tự do lựa chọn đối tác giao kết hợp đồng; (iii) Quyền được tự do thỏa thuận nội dung giao kết hợp đồng; (iv) Quyền được tự do thỏa thuận thay đổi nội dung hợp đồng trong quá trình thực hiện; (v) Quyền được tự do thỏa thuận các điều kiện đảm bảo để thực hiện hợp đồng; (vi) Quyền được tự do thỏa thuận cơ quan tài phán và giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng.
6. Đánh giá thực tiễn thực hiện pháp luật về quyền tự do hợp đồng
6.1. Những thành tựu cơ bản
Một là, quyền tự do hợp đồng là quyền cơ bản trong giao kết hợp đồng giữa các chủ thể. Việt Nam đã xây dựng một khung pháp lý khá hoàn chỉnh để điều chỉnh quan hệ hợp đồng, quyền tự do hợp đồng.
Trong đó, hệ thống pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng ở Việt Nam cơ bản bao gồm: Bộ Luật Dân sự năm 2015, Luật Thương mại năm 2005 và các luật chuyên ngành khác. Việc thông qua các đạo luật này đã đánh dấu một bước pháp điển hóa quan trọng pháp luật về hợp đồng ở Việt Nam, bảo đảm tính thống nhất của pháp luật hợp đồng theo hướng ngày càng bảo đảm quyền tự do hợp đồng và phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập pháp luật về hợp đồng của Việt Nam.
Hai là, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã ghi nhận nhiều cơ chế để bảo đảm việc thực thi quyền tự do hợp đồng. Trong số các đảm bảo đó, đáng lưu ý nhất là việc Bộ luật Dân sự năm 2015 đã mở rộng quyền tự quyết định nội dung hợp đồng của các chủ thể trong quan hệ hợp đồng, hạn chế sự can thiệp của cơ quan công quyền vào hoạt động giao kết, thực hiện hợp đồng.
Ba là, trong thực tiễn, quyền tự do lựa chọn đối tác giao kết hợp đồng giữa các bên được thực hiện khá phổ biến, rộng rãi, các bên giao kết hợp đồng đều nhận thức đầy đủ và thực hiện tốt về quyền năng này trong phạm vi có thể, thể hiện rõ như: Các bên lợi thế trong hợp đồng sẽ có sự lựa chọn đối tác yếu thế hơn để lấn át ý chí khi giao kết hợp đồng với mục đích tìm kiếm lợi ích cao nhất trong quá trình thực hiện hợp đồng với đối tác đó hoặc một thương nhân xuất khẩu hàng may mặc được tự do lựa chọn một đối tác sản xuất, gia công hàng may mặc có uy tín về chất lượng để giao kết hợp đồng gia công hàng may mặc xuất khẩu.
3.2. Một số hạn chế, bất cập
Mặc dù Việt Nam đã có một hệ thống pháp luật khá hoàn thiện cho việc điều chỉnh quan hệ hợp đồng và đảm bảo quyền tự do hợp đồng, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật về quyền tự do hợp đồng, cụ thể:
Thứ nhất, còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của luật chuyên ngành với Bộ luật Dân sự năm 2015, như: Quy định lại những quy định chung của Bộ luật Dân sự hoặc không có sự thống nhất khi quy định về hợp đồng, cụ thể:
- Bộ luật Dân sự năm 2015 đưa ra các quy định tùy nghi khi quy định về nội dung hợp đồng nhằm bảo đảm quyền tự do hợp đồng của các bên trong hợp đồng, theo nguyên tắc ưu tiên áp dụng các thỏa thuận của các bên so với các quy định của pháp luật, tuy nhiên, các đạo luật chuyên ngành lại không thống nhất trong việc ghi nhận kỹ thuật lập pháp này. Một số đạo luật chuyên ngành khác quy định về hoạt động thương mại đặc thù, ví dụ như Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Điện lực,… lại thường sử dụng các quy phạm bắt buộc khi quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.
- Hiện nay, một số luật chuyên ngành còn quy định lại những quy định chung về hợp đồng đã được quy định trong Bộ luật Dân sự. Ví dụ: Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) có những quy định về hợp đồng trong họat động hàng không như: Vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách và hành lý... (Mục 3, 4, 5, 6 chương VI), Luật Thương mại năm 2005 cũng có quy định về hợp đồng dịch vụ (chương III), trong khi đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có quy định về các loại hợp đồng cụ thể này tại Mục 10 - Một số hợp đồng thông dụng. Chương XVI Phần thứ ba đã có quy định về hợp đồng vận chuyển hành khách, hợp đồng vận chuyển tài sản, hợp đồng dịch vụ. Việc các luật chuyên ngành có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 đã gây phức tạp trong việc áp dụng pháp luật và ảnh hưởng đến quyền tự do hợp đồng.
- Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định “giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực”. Có rất nhiều quy định của các luật chuyên ngành bắt buộc hợp đồng phải có công chứng, chứng thực thì mới có hiệu lực pháp lý: Ví dụ như, quy định tại Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014 về Công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở: “Hợp đồng về nhà ở phải có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với nhà ở tại đô thị, chứng thực của Ủy ban nhân dân xã đối với nhà ở tại nông thôn...”. Như vậy, quy định này mâu thuẫn với Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015, nếu áp dụng nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành thì trong trường hợp này, nếu các bên chưa công chứng, chứng thực mà đã thực hiện được 2/3 nghĩa vụ hợp đồng thì hợp đồng vẫn không có giá trị pháp lý. Nếu một bên lợi dụng việc này, yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì gây thiệt hại lớn cho bên còn lại, không đảm bảo được tính công bằng cho các bên cũng như sự tự do hợp đồng trong trường hợp cả hai bên đều thống nhất thỏa thuận mà không công chứng, chứng thực.
Thứ hai, những quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005 về hình thức hợp đồng đã bảo đảm quyền tự do lựa chọn hình thức hợp đồng, thể hiện xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng trên cơ sở công nhận hiệu lực, cam kết của các bên mà không phụ thuộc vào hình thức hợp đồng (trừ trường hợp có thỏa thuận khác, hoặc pháp luật có quy định khác về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng). Tuy nhiên, thực tiễn quy định pháp luật Việt Nam cho thấy, pháp luật hợp đồng Việt Nam còn quy định quá nhiều trong việc trường hợp hợp đồng phải tuân thủ điều kiện về hình thức văn bản hợp đồng. Điều này đã làm hạn chế phần nào quyền tự do lựa chọn hình thức hợp đồng.
Thứ ba, đối với mua bán hàng hoá quốc tế (khoản 2 Điều 27 Luật Thương mại năm 2015), phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương, trong khi đó, Công ước Viên năm 1980 quy định về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế còn có hình thức đa dạng hơn, chỉ cần có người làm chứng thì hợp đồng cũng được công nhận. Sự giới hạn này hiện nay là một rào cản gây trở ngại cho các chủ thể kinh doanh trong nước, hạn chế quyền tự do kinh doanh khi lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp hợp đồng trong nước, không thể kiện các đối tác nước ngoài khi họ ký kết hợp đồng theo hình thức có người làm chứng là bên môi giới.
Thứ tư, Bộ luật Dân sự năm 2015 vẫn còn một số quy định bất cập, vướng mắc:
- Khoản 3 Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ đề cập đến vai trò của Tòa án mà không đề cập tới vai trò của trọng tài liên quan đến việc điều chỉnh lại hợp đồng. Việc này sẽ dẫn tới bất cập trong quá trình vận dụng khi các bên có thỏa thuận trọng tài.
- Bên cạnh đó, cả 05 điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015 đều không thể hiện được yếu tố hoàn cảnh thay đổi cơ bản là hoàn cảnh mà các bên đã căn cứ để thỏa thuận, thống nhất nội dung hợp đồng. Điểm c khoản 1 điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ xác định mức độ thay đổi hoàn cảnh, chứ không thể hiện rõ tính liên quan giữa hoàn cảnh với nội dung của hợp đồng. Quy định này gây ảnh hưởng đến việc xác định tiêu chí khi nào việc thay đổi hoàn cảnh là thay đổi cơ bản, từ đó ảnh hưởng đến lợi ích giữa các bên trong quan hệ hợp đồng.